2.208. Sử dụng tiền thu thuế vì cuộc sống tốt hơn của người dân

(XD) – Trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng bên lề Hội thảo “Thuế tài sản và một số gợi ý chính sách cho Việt Nam”, do Viện Nghiên cứu truyền thông phát triển và các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính tổ chức, ông Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI khẳng định: Người dân sẵn sàng nộp thuế nếu mục đích sử dụng tiền nộp thuế của Chính phủ là minh bạch, vì cuộc sống tốt hơn cho mỗi người dân và cho toàn thể xã hội.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI

 

Tôi quan sát thấy, khi phần chia sẻ kinh nghiệm thuế tài sản củachuyên gia Canada kết thúc, ông có nói rằng, nếu ông ở Canada, ông cũng rất sẵn sàng nộp thuế. Xin ông cho biết lý do vì sao?

– Ở nhà tôi đang ở, tôi sẵn sàng trả tiền điện, nước, dịch vụ cây xanh, không gian vì tôi được hưởng lợi từ những dịch vụ này. Tôi cũng sẵn sàng nộp thuế môi trường để được hít thở không khí trong sạch hơn. Trong xã hội hiện đại ngày nay, có tiền hay không có tiền thì ai cũng mong muốn được sống trong môi trường sạch sẽ, an toàn để sống lâu.

Chính phủ Canada thu thuế của dân để phục vụ cho những mục đích rõ như vậy, đồng nào ra đồng đấy, người dân còn kiểm soát được chi tiêu của chính quyền địa phương có hiệu quả hay không thông qua những cơ chế, chính sách của chính quyền đối với người dân.

Còn ở Việt Nam, không ai biết tiền thuế của dân được chi tiêu cụ thể thế nào, tiền thuế do dân đóng góp đã đi đâu về đâu và cuối cùng thấy dùng tiền thuế của dân chủ yếu để trả lương và trả nợ, còn rất ít để tái đầu tư cho phát triển và càng không còn để dành cho an sinh, phúc lợi.

Tiền đầu tư cho phát triển mà không có thì sau này cũng lại không có tiền để bảo đảm phúc lợi xã hội. Cho nên, ở Việt Nam, đi đâu, làm gì cũng phải chi tiền từ học phí, viện phí cho đến phí vào công viên, thậm chí vệ sinh công cộng. Bởi vậy, khi bất kỳ một sắc thuế mới nào ra đời, người dân sẽ đặt ra câu hỏi, vậy thu thuế thêm của người dân để làm gì, có ích lợi, tác dụng gì cho họ hay không?

Tôi cho rằng, đến khi nào người dân cảm nhận được việc nộp thuế là cho chính bản thân mình, góp phần cho bản thân mình và xã hội có được cuộc sống tốt hơn nhờ các chính sách của Chính phủ, thì chắc chắn mỗi người dân sẵn sàng đóng góp một ít vì cái chung, vì chất lượng cuộc sống tốt hơn lên, đồng nghĩa mọi người đều sẵn sàng nộp thuế.

Xin ông cho biết, Chính phủ phải làm gì để thuyết phục được người dân khi ban hành Luật thuế tài sản, để người dân sẵn sàng và vui vẻ nộp thuế?

-Với bối cảnh cuộc sống, nền kinh tế, môi trường pháp lý như ở Việt Nam hiện nay, bất kể một chính sách nào làm tăng nghĩa vụ tài chính của người dân đều sẽ bị phản ứng. Cho nên, Chính phủ phải có lộ trình đủ dài và cách thức hợp lý để kế thừa toàn bộ những sắc thuế cũ thay vì tạo ra những sắc thuế mới. Thay vì đặt tỷ lệ thu thuế cao thì nên giữ nguyên mức thuế cũ và có điều chỉnh, có thể giảm thu thuế này, tăng thu thuế kia.

Ví dụ, thuế tài sản có thể đặt ra như thế này, trước đây Nhà nước chưa thu thuế nhà hàng năm. Khi người dân mua nhà, Nhà nước thu phí trước bạ 1%. Còn khi Nhà nước thu thuế nhà hàng năm thì không có lý do gì để Nhà nước tiếp tục thu phí mà bản chất là thu thuế như vậy, có thể chỉ thu phí phục vụ cho việc quản lý giấy tờ, hồ sơ, sổ sách giao dịch tài sản. Hoặc đến khi người dân bán nhà, thì Nhà nước phải đánh thuế khác đi so với khi chưa thu thuế tài sản.

Theo ông, Luật Thuế tài sản nếu được ban hành nên đánh thuế đối với bất động sản (BĐS) có giá trị bao nhiêu và vì sao?

-Theo tôi, không cần quan tâm đến diện tích, hay vị trí của BĐS, vì mọi thứ đều phải có mẫu số chung, đó là cứ quy ra đúng giá thị trường để đánh thuế đối với phần tài sản có giá trị ngoài 5 tỷ đồng. Mức này gồm cả giá trị nhà, đất và là giá thị trường, khác với đề xuất 700 triệu trước đây của Bộ Tài chính là chỉ tính giá trị nhà và tính theo đơn giá xây dựng.Mức5 tỷ đồng tính tổng cộng cho nhà đất là mức giá trị tài sản đối với những người khá giả trong xã hội, có khả năng chi trả thuế.

Đồng thời, khi Luật bắt đầu có hiệu lực vào một vài năm nữa, Nhà nước cần giữ nguyên mức thuế quyền sử dụng đất hiện hành, nếu cần điều chỉnh thì nên có lộ trình cụ thể, rõ ràng, để tránh ảnh hưởng xấu đến người nộp thuế, cũng như đến thị trường BĐS và nền kinh tế.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Nga (thực hiện)

—————

Xây dựng (Kinh tế) 28-6-2018:

http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/su-dung-tien-thu-thue-vi-cuoc-song-tot-hon-cua-nguoi-dan.html

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,738