2.292.   Vẫn loay hoay sửa quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô

(PL&XH) – So với Nghị định hiện hành, dự thảo sửa đổi Nghị định 86 mới đã cắt bỏ 12 điều kiện nhưng lại bổ sung thêm 85 điều kiện.

Không đảm bảo cắt giảm điều kiện kinh doanh

Đây là ý kiến của bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tại Hội thảo bàn về Dự thảo sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, do Bộ GTVT đang soạn thảo.

Đáng bàn, dù Dự thảo sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP đã qua nhiều lần chỉnh sửa, nhưng vẫn bị nhiều chuyên gia pháp lý và kinh tế cho rằng chưa ổn.

Bà Nguyễn Minh Thảo cho hay, theo thống kê của CIEM, so với Nghị định hiện hành, dự thảo mới đã cắt bỏ 12 điều kiện nhưng lại bổ sung thêm 85 điều kiện. Trong đó, có 64 điều kiện bổ sung thêm ngay trong dự thảo và 21 điều kiện được thể hiện dưới dạng “theo quy định của Bộ GTVT”. Như vậy, dự thảo không đạt mục tiêu Chính phủ đề ra là cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% các điều kiện kinh doanh.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường, giá cả Ngô Trí Long cho biết, ông đã gửi đến Bộ trưởng Bộ GTVT một số kiến nghị về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải trong bối cảnh nền kinh tế số. Theo ông Long, cần phải đổi mới quan niệm về mô hình kinh doanh, thừa nhận thế mạnh của các đơn vị công nghệ là phát triển công nghệ phần mềm hiện đại để xử lý hệ thống dữ liệu lớn.

Dự thảo cho rằng DN công nghệ sẽ phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh và điều kiện hoạt động như một đơn vị vận tải, nếu như phần mềm của họ giúp cho việc điều hành vận tải và định giá.

Quy định này không những làm biến đổi bản chất hoạt động của đơn vị cung cấp phần mềm mà còn triệt tiêu phần lớn những ưu điểm mà các dịch vụ kết nối mang lại, biến nó trở thành đơn thuần là một kênh liên lạc không hơn không kém.

“Quy định này cản trở sự sáng tạo của ngành kinh tế số, tạo ra gánh nặng thực thi và chi phí vô lý cho các DN cuối cùng ảnh hưởng tới người tiêu dùng”, ông Long nói.

Luật sư Trương Thanh Đức đề nghị nên sửa Luật Giao thông đường bộ.

Grab, Uber là loại hình kinh doanh hoàn toàn mới

“Dù Dự thảo Nghị định này được hay không được ban hành trong thời gian tới, thì cũng cần cấp bách sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, vì đã ban hành được 10 năm, trong đó có những cái đang bị vô hiệu hóa như bên nhận thế chấp xe ô tô được quyền giữ giấy chứng nhận đăng ký xe, trái với quy định của Luật”, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI bình luận.

Theo luật sư Đức, việc Uber, Grab sử dụng phần mềm để phục vụ chung cho các đơn vị kinh doanh vận tải, thực hiện điều hành các phương tiện kinh doanh vận tải để vận chuyển hành khách (quyết định phương tiện nào sẽ thực hiện đón khách), quyết định giá cước vận tải thì không thể gọi là đơn vị kinh doanh vận tải như ý kiến trong Dự thảo Tờ trình của Bộ GTVT.

Vì như vậy, thì cùng với đơn vị có xe, có song song 2 đơn vị đồng thời cùng kinh doanh vận tải theo từng chuyến xe là không hợp lý.

“Cần phải nhìn nhận đây là một mô hình kinh doanh hoàn toàn mới, sự kết hợp giữa kinh doanh vận tải ô tô và kinh doanh công nghệ, chưa có trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008, nên cần quy định các điều kiện khác. Đúng ra phải sửa Luật Giao thông đường bộ”, luật sư Trương Thanh Đức nói.

Biển màu riêng cho xe kinh doanh vận tải?

Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP HCM cho rằng, soi rọi lại thực tế hoạt động của loại hình xe hợp đồng điện tử, đủ cơ sở kết luận các đơn vị này không chỉ cung cấp phần mềm mà đã và đang kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, nên phải quản lý như taxi.

Vì, các đơn vị này trực tiếp thông báo tuyển dụng, làm thủ tục tuyển dụng, xử lý kỷ luật hoặc khen thưởng lái xe; quyết định hoàn toàn hành trình, lộ trình tuyến xe; trực tiếp quyết định giá cước, thay đổi giá cước; trực tiếp thu tiền cước vào tài khoản của mình; quyết định việc phân phối thu nhập…

“Hợp đồng điện tử chỉ là phương thức giao kết, không phải mô hình kinh doanh, chưa kể đề ra loại hình xe hợp đồng điện tử là trái với Luật Giao thông đường bộ và chưa có tiền lệ trên thế giới”, ông Hỷ nói.

Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cũng đề nghị xếp loại hình xe hợp đồng điện tử vào cùng loại hình với taxi điện tử để đảm bảo công bằng. Còn nếu không thể gộp chung 2 loại hình này được thì ông Hùng kiến nghị cần quy định các điều kiện của xe hợp đồng điện tử như taxi điện tử (các quy định về điều kiện kinh doanh như phương tiện, người lái, người điều hành, trung tâm điều hành, chế độ báo cáo…).

Đáng quan tâm, Hiệp hội taxi Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM cùng kiến nghị cần quy định biển số xe có màu riêng (ví dụ màu vàng) với biển số của xe ô tô hoạt động kinh doanh vận tải. Điều này vừa thuận tiện trong quản lý, giám sát, xử lý các vi phạm, vừa giúp người dân dễ nhận biết, tránh sự lừa đảo, cũng như nâng cao trách nhiệm và sự tự giác chấp hành của chủ xe và lái xe.

Theo Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung, trước xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, các loại hình hay cách thức kinh doanh mới xuất hiện thì quản lý Nhà nước tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, vừa phải tạo điều kiện để các mô hình kinh doanh mới phát triển, vừa phải thúc đẩy chuyển đổi loại hình kinh doanh truyền thống.

Phương Thảo

 ——————

 Pháp luật & Xã hội (Vấn đề & Dư luận) 23-8-2018:

http://phapluatxahoi.vn/van-loay-hoay-sua-quy-dinh-ve-dieu-kien-kinh-doanh-van-tai-bang-o-to-121006.html

 (278/1.157)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Luận cứ bào chữa cho 3 bị cáo vụ Tân...

Chuẩn bị 3 phương án hoàn toàn khác nhau: Phương án 1 là 1 mất 1...

Phỏng vấn 

4.281. Ông Trần Quí Thanh nhận thức hành vi của...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,384