2.472. Tại sao lại khó xử lý những vụ lừa đảo kinh doanh qua mạng?

(VOVGT) – Sự bùng nổ của công nghệ thông tin trong các giao dịch và thanh toán điện tử đã và đang làm nảy sinh các loại tội phạm công nghệ cao.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của khách hàng trong quá trình mua sắm, nhiều đối tượng xấu đã biến mạng xã hội trở thành “mảnh đất” màu mỡ để thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Những chiêu trò nào khiến người dùng bị lừa?

Tại sao lại khó xử lý những vụ lừa đảo kinh doanh qua mạng?

Sự bùng nổ của công nghệ thông tin làm nảy sinh các loại tội phạm công nghệ cao

Sự bùng nổ của công nghệ thông tin trong các giao dịch và thanh toán điện tử đã và đang làm nảy sinh các loại tội phạm công nghệ cao. Điển hình là vụ việc đối tượng Phan Chí Trung (23 tuổi, ở Hòa Hiệp Trung, Đông Hòa, Phú Yên) bị bắt giữ về tội “sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Cụ thể, thông qua facebook, đối tượng này đã gửi cho “con mồi” hình ảnh túi xách, giày dép cao cấp. Do giá hợp lý nên người mua đã chuyển tiền vào tài khoản người bán. Sau đó, người bán hàng lấy các lý do như: hàng về chậm, hết hàng, phía nước ngoài đang nghỉ lễ… để không trả hàng cho người mua. Khi người mua liên lạc yêu cầu trả lại tiền thì bị chặn facebook và cắt cả điện thoại. Chỉ riêng 7 khách hàng ở Hà Nội đã bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền 156 triệu đồng.

Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ án lừa đảo bán hàng qua mạng được cơ quan chức năng làm sáng tỏ. Các chiêu trò lừa đảo phổ biến thường là: đặt hàng, nhận tiền trước nhưng không giao hàng; giao hàng kém chất lượng, không đúng mẫu mã, hoặc đúng mẫu mã nhưng chất lượng không đảm bảo; khi khách hàng gọi điện đòi hàng hoặc đổi trả thì khóa sim, chặn, xóa facebook…

Không chỉ có vậy, hình thức lừa đảo phát tán mã độc và trúng thưởng các đồ vật giá trị qua mạng xã hội, chiếm tài khoản facebook rồi lừa nạp thẻ cào điện thoại, hay việc làm quen qua mạng để lừa tình,… cũng là những thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng. Tuy không mới nhưng với hình thức ngày càng tinh vi, nhiều người vẫn bị mắc bẫy.

Theo Trung tá Nguyễn Đức Thành – Đội Phòng chống tội phạm Công nghệ cao, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ, Công an Tp.Đà Nẵng, đơn vị đã nhận được hàng trăm tin báo của người dùng mạng xã hội bị lừa đảo với những thủ đoạn như trên.

“Chúng tôi cảnh báo người dân, khi làm quen, kết bạn qua mạng xã hội thì không tin vào những tin nhắn như quà tặng, trúng thưởng xe máy, tiền mặt, hoàn toàn không thực tế. Người dân phải cảnh giác trước những thủ đoạn như thế, khi đối tượng yêu cầu nộp tiền bằng card điện thoại hoặc chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng thì không nên thực hiện, phải báo ngay đến cơ quan công an nơi gần nhất”.

Bùng phát lừa đảo nạp thẻ game, thẻ điện thoại

Theo Điều139, Bộ luật hình sư, quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng, hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt, hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Tuy nhiên, khi bị lừa đảo qua mạng xã hội, đa số khách hàng thường có tâm lý e ngại, không tố cáo vì giá trị không quá lớn, hoặc không biết đến việc: mình có thể tố cáo các hành vi này đến các cơ quan chức năng. Đó là một trong những nguyên nhân khiến các vụ lừa đảo kinh doanh qua mạng khó bị xử lý.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức – nếu người dân không phát hiện, tố giác các vụ việc thì cơ quan chức năng sẽ không thể biết và xử lý những hành vi vi phạm. Do vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật với người dân cần được tăng cường hơn nữa. Luật sư Trương Thanh Đức bày tỏ:

“Đầu tiên, phải tuyên truyền để người dân biết được là những môi trường mạng rất dễ bị lợi dụng, rất dễ bị lừa đảo, hành vi nào là hành vi vi phạm pháp luật, và trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của người dân là phải tố giác, thông báo kịp thời tới cơ quan chức năng. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cũng sẽ phải tập trung hơn, quan tâm hơn đến việc xử lý tội phạm nói chung và tội phạm mạng nói riêng”.

Đồng tình với quan điểm này, Thượng tá Hà Thu Hằng – Phó Trưởng phòng PC50, Công an Tp. Hà Nội cho rằng, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông ngày càng phức tạp. Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, cần có sự phối hợp của các cơ quan truyền thông trong việc cảnh báo, nâng cao sự hiểu biết của người dân khi sử dụng mạng xã hội.

“Bộ luật hình sự sửa đổi 2015 có những quy định cụ thể. Chúng tôi đã đấu tranh quyết trấn áp loại tội phạm này. Thời gian tới, diễn biến của hoạt động lừa đảo qua mạng xã hội này càng phức tạp tinh vi hơn. Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch cụ thể để đấu tranh, đề nghị mọi người dân nêu cao tinh thần cảnh giác”.

Từ ngày 1/1/2019, Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực, các thông tin được phản ánh trên facebook nhanh chóng được các lực lượng chức năng giải quyết.

Tuy nhiên, khi mà kẻ xấu đang tìm mọi cách lợi dụng phát triển của internet để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thì mỗi người phải tự ý thức bảo vệ bản thân.

Trước khi quyết định mua sắm online, khách hàng cần lựa chọn địa chỉ mua sắm uy tín, công khai rõ địa chỉ, danh tính người bán, rõ ràng, minh bạch cách thức thanh toán. Đặc biệt thận trọng trước những trang web ảo, không được cấp phép nhưng yêu cầu quá cụ thể, chi tiết các thông tin cá nhân của khách hàng. Đồng thời, cần nhanh chóng tố giác các hành vi phạm tội đến cơ quan chức năng để đẩy lùi tội phạm.

Tác giả: Minh Hiếu – Kênh VOV Giao thông18/01/2019 09:43:06


 

VOV GT (Đường tin) 18-01-2019:

http://vovgiaothong.vn/tin-tuc/Duong-tin/31649/Tai-sao-lai-kho-xu-ly-nhung-vu-lua-dao-kinh-doanh-qua-mang

(162/1.264)

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.710. Sự cố VNDirect: Ai sẽ chịu trách nhiệm khi...

(VOV.VN) - Ngày thứ 3 kể từ thời điểm tạm dừng hoạt động, hệ thống...

Bình luận 

ANVI Luận cứ: Không thể áp dụng nguyên tắc bất...

Luận cứ bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong Vụ án Trương Mỹ Lan...

Phỏng vấn 

4.268. Luật sư kiến nghị đánh giá lại tội danh...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 201,559