2.473. Dừng thu phí BOT nếu chậm triển khai thu phí không dừng: Vì sao chưa thực hiện?

(VOVGT) – Có rất nhiều lý do được đưa ra để biện minh cho sự chậm trễ triển khai thu phí không dừng, song tất cả đều không thỏa đáng khi đây là một chủ trương…

Hệ thống thu phí không dừng tại Trạm thu phí quốc lộ 1 đoạn qua Quảng Bình của nhà đầu tư Tasco

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị yêu cầu đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng . Theo đó, hết năm 2018, toàn bộ trạm thu phí trên Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên phải áp dụng công nghệ thu phí không dừng.

Nếu dự án nào không thực hiện đúng lộ trình chuyển sang thu phí không dừng sẽ bị dừng hoạt động. Vậy nhưng hết năm 2018, mới chỉ có 26/44 trạm thực hiện thu phí không dừng, nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có động thái xử lý với các doanh nghiệp chậm trễ. Điều này khiến nhiều người dân khá bức xúc:

“Tôi thấy bắt đầu từ năm 2018 chúng ta có chỉ đạo là làm cái thu phí không dừng. Điều đấy tôi thấy rất tốt vì nó sẽ giảm được ách tắc khi qua thu phí, minh bạch thông tin, minh bạch về tài chính. Tôi rất thiết tha yêu cầu chúng ta làm cái đấy quyết liệt và nếu chỗ nào không thực hiện việc thu phí không dừng thì chúng ta cần phải xử lý thật nghiêm”.

“Chúng tôi là những người lái thì rất muốn được thu phí không dừng. Thế nhưng rất nhiều tuyến đường hiện nay chúng tôi đi qua như 1 A thì vẫn phải dừng để lấy thẻ, và phải trả tiền mặt, rất mất thời gian. Đề nghị pải có chế tài nào đó từ việc quản lý, làm sao tạo điều kiện cho chúng tôi lưu thông được thoải mái và thời gian hạn chế hơn rất nhiều”.

“Đề nghị Bộ GTVT thống nhất thu phí không dừng này trên toàn quốc”.

Ông Bùi Đình Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Vận hành và bảo trì đường cao tốc Việt Nam cho biết, 2 dự án cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi và Cầu Giẽ – Ninh Bình đang lập dự án đầu tư để lắp đặt. Lý giải về sự chậm trễ trong việc áp dụng công nghệ thu phí không dừng, ông Tuấn cho rằng, điều này liên quan đếncác thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước:

“Khó khăn về khâu thủ tục bởi vì đây là vốn nhà nước. Quản lý nhà nước thì cũng phải lập dự án, rồi trình duyệt, tổ chức đấu thầu, lựa chọn công nghệ. Cái đó phải có một quá trình chứ không thể ngày một ngày hai”.

Ngay cả với doanh nghiệp đã lắp đặt công nghệ thu phsi khong dừng, việc đưa vào áp dụng cũng không phải hoàn toàn thuận lợi. Về điều này, ông Ngô Trí Hồng, trạm trưởng trạm BOT Hà Nội – Bắc Giang cho biết:

“Phía bên VETC cũng có những khó khăn nhất định do thời gian triển khai quá gấp rút và họ triển khai gần như đồng loạt rất nhiều trạm nên lực lượng mỏng, việc khắc phục sự cố chậm, dẫn đến việc ảnh hưởng là không những ảnh hưởng bên VETC, mà nó ảnh hưởng cả công tác thu phí của chúng tôi”.

Có đủ mọi lý do để chậm triển khai thu phí không dừng

Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Hợp tác quốc tế, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biêt, đến thời điểm này mới có 26/44 trạm thu phí trên Quốc lộ 1 A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên áp dụng công nghệ thu phí không dừng.

Theo ông Toàn, hiện các dự án này chủ yếu mới ở giai đoạn bán hồ sơ mời thầu cho 4 nhà thầu đa qua vòng sơ tuyến, chậm hơn so với dự kiến vì sau khi sơ tuyển, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tiến hành rà soát lại phương án tài chính nhận thấy phương án tài chính của các bên lên quan chưa đảm bảo, từ đơn vị cung cấp công nghệ và cả nhà đầu tư BOT, dẫn đến tính khả thi chưa cao.

Ông Toàn cũng kỳ vọng, trong tháng 2 và 3/2019, tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng sẽ được đẩy nhanh. Từ thực tế này, Tổng cục Đường bộ chưa có biện pháp xử lý mạnh mẽ hơn, chẳng hạn dừng thu phí đối với các doanh nghiệp chậm áp dụng công nghệ thu phí không dừng:

“Tổng cục Đường bộ đã kiến nghị Bộ GTVT để có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh cơ chế tổ chức thu đối với dịch vụ thu phí tự động không dừng”.

Dưới góc độ pháp luật, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, dù với bất cứ lý do gì, việc không có biện pháp xử lý khi doanh nghiệp chậm ứng dụng công nghệ thu phí không dừng đều thể hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong linh vực này chưa hiệu quả.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thu phí không dừng đã được đặt ra từ lâu và có lộ trình cụ thể để các doanh nghiệp thực hiện nên việc chậm trễ phải có đơn vị chịu trách nhiệm:

“Chỉ cần cảnh cáo trên báo thôi cũng đã có tác dụng rồi. Tôi sẽ không cho anh tham gia các dự án khác nữa vì nói không nghe, không đủ uy tín, không đủ tin cậy”.

Đồng tình quan điểm này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, khi có vi phạm phải bị xử lý. Yêu cầu ứng dụng công nghệ thu phí không dừng đã được đặt ra từ lâu, nhưng đến thời điểm này một số doanh nghiệp vẫn chỉ dừng ở việc dấu thầu, lựa chọn công nghệ là không thể chấp nhận:

“Bởi vì khi người ta vi phạm thì phải bị trừng phạt. Bởi vì cái đó đã có biện pháp trừng phạt hẳn hoi rồi, tức là dừng thu phí. Thế thì cứ thế mà làm thôi, bởi vì lệnh là lệnh. Không thể lấy bất cứ lý do gì để biện minh cả. Cái lệnh này là lệnh trực tiếp và người chịu trách nhiệm dừng thu phí là ai thì người đấy phải thực hiện thôi”.

Nhiều trạm thu phí BOT không muốn minh bạch việc thu phí?!

Dù với bất cứ lý do nào, việc chậm ứng dụng công nghệ thu phí không dừng theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đề ra đầu năm 2018 là rất khó chấp nhận. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ ứng dụng công nghệ thu phí không dừng đối với các tuyến Quốc lộ khác, nhà đầu tư khác, mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Nhà báo Phạm Trung Tuyến – Phó Giám đốc Kênh VOVGT có bài bình luận: “Lợi ích công và lợi ích tư”.

Chủ trương thu phí BOT không dừng là một việc bắt buộc phải làm để đạt nhiều mục đích: Tăng tốc độ qua trạm, tránh gây ùn ứ phương tiện, giảm thời gian, chi phí xăng xe cho người sử dụng đường cao tốc, giảm chi phí vận hành… Tuy nhiên, dù đã có lộ trình cụ thể, việc triển khai thu phí không dừng trên các tuyến đường BOT vẫn dẫm chân tại chỗ.

Có rất nhiều lý do được đưa ra để biện minh cho sự chậm chễ này. Đó là do nhà đầu tư dự án thu phí tự động thiếu vốn để triển khai; đó là do các chủ đầu tư BOT chây ỳ việc đầu tư lắp đặt thiết bị thu phí tự động; đó là do người dân chưa mặn mà sử dụng dịch vụ…

Tuy nhiên, tất cả những lý do đó đều không thỏa đáng khi đây là một chủ trương và thiết bị thu phí không dừng là một thành phần bắt buộc trong hạ tầng của các con đường có thu phí.

Chủ trương thu phí không dừng đã được ban hành kèm theo lộ trình cụ thể, mà theo đó các trạm không thực hiện sẽ phải dừng thu phí. Điều đó có nghĩa công cụ thu phí không dừng là điều bắt buộc phải có, phải hoàn thành trước khi các tuyến đường được đưa vào sử dụng và thu phí.

Tuy nhiên, hiện nay việc sử dụng công nghệ thu phí nào vẫn chưa được thống nhất trên phạm vi toàn quốc, cũng chưa có quy định áp dụng thu phí không dừng cho tất cả các tuyến đường có thu phí…

Và trên hết, dù các con đường được đưa vào sử dụng mà thu phí khi chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về hạ tầng. Điều này cho thấy, có một sự chiều chuộng nhất định từ phía cơ quan quản lý nhà nước đối với các chủ đầu tư BOT.

Khi mà cơ quan quản lý nhà nước vẫn chấp nhận cho các chủ đầu tư tiến hành thu phí mà chưa hoàn thiện hệ thống thu phí không dừng, chủ trương này sẽ vẫn tiếp tục dẫm chân tại chỗ bởi tất cả các bên liên quan sẽ còn tiếp tục đổ lỗi cho nhau, thậm chí là đổ lỗi cho người sử dụng dịch vụ.

Đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí không dừng đổ lỗi cho nhà đầu tư BOT không hợp tác trong việc hoàn thiện hạ tầng. Chủ đầu tư BOT đổ lỗi cho nhà cung cấp dịch vụ khi cho rằng bị áp đặt công nghệ. Và cuối cùng là cả hai đơn vị trên đổ lỗi cho người dùng không hợp tác…

Sẽ không thể chấm dứt tình trạng đổ lỗi quanh giữa các bên liên quan nếu như các đơn vị này không có sức ép để buộc phải ngồi lại với nhau, thỏa thuận để đi đến thống nhất các vấn đề còn mâu thuẫn. Đặc biệt là khi việc chậm chễ thực thi còn là một điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư BOT né tránh việc phải minh bạch nguồn thu của mình.

Do đó, để chủ trương thu phí không dừng được thực thi, đã đến lúc, Bộ GTVT cần tập hợp các bên liên quan để thống nhất các vấn đề từ công nghệ, đầu tư, đến phương thức hoạt động. Sau đó, đưa ra một lộ trình mới để dừng thu phí tất cả các tuyến đường không thực hiện thu phí không dừng.

Dịch vụ đường bộ là một dịch vụ công, dù được đầu tư bởi tư nhân thì vẫn để phục vụ mục đích công cộng. Vì thế, những tiêu chuẩn công cộng, có lợi cho cộng đồng thì cần thiết phải áp đặt các tiêu chuẩn công cộng. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là đảm bảo duy trì các lợi ích công cộng chứ không phải tìm cách chiều chuộng lợi ích của các nhà đầu tư.

Phạm Trung Tuyến; Quách Đồng


 

VOV Giao thông (Tin tức) 21-01-2019:

http://vovgiaothong.vn/tin-tuc/Su-viec–Goc-nhin/31654/Dung-thu-phi-BOT-neu-cham-trien-khai-thu-phi-khong-dung-Vi-sao-chua-thuc-hien

(145/1.987)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,109