2.479. Mở dây hụi phải… khai báo.

(TT) – Bộ Tư pháp đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định mới về họ, hụi, biêu, phường nhằm khắc phục tình trạng vỡ hụi, bùng họ, gây thiệt hại cho người tham gia.

Trong một vụ vỡ hụi hàng trăm tiểu thương buôn bán ở chợ TP Đà Nẵng đã tập trung yêu cầu chủ nhà là chị N.T.Tr đòi trả lại số tiền mà họ đã tham gia chơi hụi – Ảnh: T.L.

Dự thảo đưa ra nhiều quy định siết chặt quản lý, nhưng các chuyên gia về pháp lý, kinh tế lại cho rằng cần làm rõ tính khả thi quy định và nên tính toán quy định chủ hụi phải có tài sản bảo đảm thay vì yêu cầu thủ tục hành chính.

Nhiều qui định về chủ hụi

Dự thảo Nghị định của Bộ Tư pháp về hụi, họ, biêu, phường (gọi chung là hụi) có 5 chương quy định từ quyền, nghĩa vụ của chủ hụi, các thành viên tham gia, và xác định thứ tự lĩnh và lãi suất hụi.

Cụ thể, lãi suất hụi được quy định không quá 20%/năm, đặc biệt, kỳ hụi có giá trị trên 100 triệu đồng phải thông báo cho UBND cấp xã, phường quản lý. UBND cấp xã có trách nhiệm thống kê thông tin về chủ hụi, thời gian bắt đầu và kết thúc dây, giá trị của kỳ mở, tổng số thành viên dây có giá trị kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên.

Dự thảo cũng đưa hai phương án cho chủ hụi. Thứ nhất, một người được làm chủ hụi của một hoặc nhiều dây tại cùng một thời điểm với tổng giá trị các phần họ tại một kỳ mở họ của các dây hụi không quá 200 triệu đồng. Phương án 2, một người được làm chủ hụi không quá 2 dây tại cùng một thời điểm.

Trường hợp dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở từ 100 triệu đồng trở lên thì văn bản thỏa thuận bắt buộc có công chứng, chứng thực. Chủ hụi và các thành viên thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cho vay lãi nặng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Khó tách bạch với vay mượn cá nhân

TS Vũ Đình Ánh – Viện nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng nếu quy định chủ hụi phải đăng ký với cấp xã, phường cũng có nghĩa tất cả những quan hệ vay mượn dân gian đều phải lên đăng ký với UBND cấp xã, phường quản lý.

Trường hợp không làm vậy sẽ không thể phân biệt được đâu là hụi, đâu là quan hệ vay mượn thông thường giữa 2 cá nhân. Và muốn có quy định riêng để quản lý hụithì tất cả các hoạt động vay mượn phải đăng ký, ngay cả quan hệ trong gia đình như con vay bố, anh, em, họ hàng vay nhau cũng phải ra phường đăng ký, chứ khó tách bạch được.

Cũng theo TS Vũ Đình Ánh, khó có đủ cơ sở để chứng minh thế nào là hụi, khi nào là quan hệ vay mượn cá nhân bình thường. Mà như vậy cũng vô lý vì trong khi hụi có qui định về số tiền trong khi  vay mượn cá nhân không thể  hạn chế số tiền là bao nhiêu.

Do vậy, quy định đăng ký riêng cho hụi là không khả thi.

Đồng quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức cũng khẳng định qui định chủ hụi phải đăng ký với chính quyền UBND cấp xã, phường để quản lý là khó khả thi. Thực tế, nghị định về hụi đã có từ năm 2006 nhưng tình trạng vỡ hụi vẫn xảy ra.

Hơn nữa, theo luật sư Trương Thanh Đức hụi không phải là một ngành nghề kinh doanh. Nếu đưa ra khuyến nghị hướng dẫn để mọi người phòng ngừa thì hợp lý, bắt đăng ký như đăng ký tổ hợp tác, đăng ký hộ kinh doanh rất khó. Hơn nữa, giờ xã hội đã văn minh, có hàng loạt hình thức ngân hàng phục vụ cho vay tận nhà.

Và theo vị luật sư này, quan hệ vạy mượn giữa các cá nhân cần tuân thủ các nguyên tắc có hợp đồng vay mượn. Trường hợp biến tướng phải xử lý theo quy định pháp luật dân sự, cơ quan quản lý không thể cầm tay chỉ việc với mọi quan hệ dân sự.

Chủ hụi nên có tài sản bảo đảm

Luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, bày tỏ lo ngại về sự quá tải của công chức xã, phường khi phải giám sát hoạt động của hụi vì  trên địa bàn  có thể có rất nhiều hụi.

Theo luật sư Ứng, để tránh lợi dụng hụi để chiếm đoạt tài sản chỉ nên quy định phải đăng ký với xã, phường gồm bao nhiêu thành viên chơi hụi, để nếu có xảy ra vỡ hụi để có cơ sở xác minh, xử lý. Hai nữa nếu công an cấp xã, phường thấy có dấu hiệu lừa đảo trong các hụi, họ, biêu, phường thì dùng nghiệp vụ để quản lý.

Ông Ứng cho rằng, tình trạng vỡ hụi nhiều thời gian qua do việc lập hụi dựa trên cơ chế niềm tin, giờ muốn ràng buộc cần quy định những người chơi hụi phải có tài sản bảo đảm như nhà, cửa, ô tô tương ứng với số tiền nhận hụi. “Sẽ không có sự ràng buộc nào tốt hơn là tài sản bảo đảm. Khi vỡ hụi sẽ căn cứ vào tài sản bảo đảm để xử lý. Còn việc đăng ký qua cấp phường cũng sẽ không ngăn được tình trạng bùng họ, vỡ hụi xảy ra lâu nay”- ông Ứng nói.

Phổ biến cho dân các quy định về hụi

Những hoạt động vay mượn dân sự như hụi, họ, biêu phường không cần ban hành thêm quy định để quản lý vì đã có Bộ Luật dân sự quy định, luật sư Nguyễn Tiến Lập – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội nêu quan điểm.

Ông cho rằng, Nhà nước không nên can thiệp thêm bằng những công cụ hành chính, pháp lý, vì đã có khung pháp lý. Nếu muốn an toàn hơn cho người dân có thể tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật để họ hiểu khi tham gia các dây hụi.

Luật sư Nguyễn Huy Việt – Đoàn luật sư TP.HCM:

Giải quyết bằng Tòa án

Hụi là quan hệ dân sự đơn thuần. Tuy nhiên thực tế cho thấy nhiều vụ vỡ hụi, lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản lên đến hàng chục tỉ đồng. Chưa kể nhiều biến tướng như trở thành hoạt động huy động vốn, cho vay nặng lãi.

Nghị định mới mà Bộ Tư pháp đang xây dựng đã đưa ra quy định về thỏa thuận về hụi nhằm lấp những khoảng trống pháp lý. Tuy nhiên tôi cho rằng chưa đủ và không khả thi.

Các quy định này dù mục đích là tốt nhưng tôi vô cùng boăn khoăn về cơ sở để thực thi. Nếu các chủ hụi không thi hành cũng chẳng có ràng buộc gì, chẳng có chế tài nào bởi nền tảng của hụi là thỏa thuận dân sự dựa trên niềm tin.

Khi xảy ra các việc chiếm dụng tài sản, giật hụi…thì cơ chế giải quyết vẫn là các bên kiện dân sự ra tòa hoặc tố cáo đến cơ quan công an nếu có hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm…chứ không có vai trò của chính quyền hay cơ quan tài phán nào khác.

Đại tá Phan Thanh Tám, phó giám đốc Công an tỉnh Gia Lai:

Khống chế lãi suất để tránh thành tín dụng đen

Mặt tốt của việc chơi hụi góp phần không nhỏ để cho người dân có một số vốn nhất định khi cần sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.

Vì đây không phải là hoạt động kinh doanh nên không ai phải báo cáo chính quyền địa phương về việc chơi hụi.

Những năm vừa qua ở Gia Lai xảy ra một số vụ vỡ hụi lớn, những vụ việc này đa phần không đủ căn cứ để xử lý cho vay lãi nặng. Mà vụ việc chủ yếu xử lý hướng lạm dụng tín nhiệm để lừa đảo.

Hầu như các hụi lớn trong đó có việc huy động tiền với lãi suất vượt lên trên quy định nhà nước thì đều có dấu hiệu biến tướng thành hoạt động “tín dụng đen”.

Để đảm bảo không xảy ra những vấn đề vỡ hụi như trước đây thì người dân tham gia chơi phải có cam đoan, cam kết và khống chế lãi suất để không biến tướng thành hoạt động tín dụng đen.

 

BẢO NGỌC – TH.AN – HUỲNH CÔNG ĐÔNG


 

Tuổi trẻ (Thời sự) 26-01-2019:

https://tuoitre.vn/mo-day-hui-phai-khai-bao-20190125222017087.htm

(180/1.548)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.710. Sự cố VNDirect: Ai sẽ chịu trách nhiệm khi...

(VOV.VN) - Ngày thứ 3 kể từ thời điểm tạm dừng hoạt động, hệ thống...

Bình luận 

ANVI Luận cứ: Không thể áp dụng nguyên tắc bất...

Luận cứ bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong Vụ án Trương Mỹ Lan...

Phỏng vấn 

4.268. Luật sư kiến nghị đánh giá lại tội danh...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 201,619