2.504. Dự thảo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi: Còn nhiều nội dung bất cập chưa được đưa ra

(TBNH) – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết “còn nhiều nội dung bất cập chưa đưa ra sửa. Nhiều nội dung đã được sửa nhưng không triệt để, ví dụ thay vì bỏ con dấu bắt buộc, thì mới chỉ bỏ việc thông báo con dấu”.

Chưa xóa được tình trạng “gián tiếp vô hiệu hóa”

Hiện dự thảo Luật Doanh nghiệp (DN) và Luật Đầu tư sửa đổi đang trong quá trình hoàn thiện với nhiều nội dung sửa đổi quan trọng theo hướng thuận lợi nhất, minh bạch nhất. Tuy nhiên, với những nội dung như Dự thảo, Luật sư Trương Thanh Đức chưa thỏa mãn bởi “còn nhiều nội dung bất cập chưa đưa ra sửa. Nhiều nội dung đã được sửa nhưng không triệt để, ví dụ thay vì bỏ con dấu bắt buộc, thì mới chỉ bỏ việc thông báo con dấu”.

Ảnh minh họa

Theo quy định của Luật Đầu tư thì Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (Danh mục) sẽ được sửa đổi, bổ sung trong từng thời kỳ do Chính phủ rà soát và trình Quốc hội (Điều 8). Quy định này được thiết kế với mục tiêu hạn chế tình trạng ban hành mới các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong các lĩnh vực chuyên ngành một cách không thể kiểm soát.

Thế nhưng trên thực tế, nhiều ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được ban hành trong các Luật ban hành sau Luật Đầu tư, vì vậy nằm ngoài Danh mục. Sau một thời gian, các ngành nghề này được bổ sung vào Danh mục sau với lý do là “đã được quy định trong Luật A…”.

Việc quy định tại Luật Đầu tư chưa làm rõ được mối quan hệ giữa Luật Đầu tư và các luật ban hành sau về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện dẫn đến tình trạng “gián tiếp vô hiệu hóa” Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Nhưng dự thảo Luật sửa đổi lại chưa có quy định nào để giải quyết tình trạng này. Để giải quyết vấn đề này, thì Dự thảo cần bổ sung các quy định làm rõ các nội dung trên tại Điều 8 Luật Đầu tư.

Bỏ trống các vấn đề pháp lý phát sinh

Một trong những quy định được đánh giá là có tính cải cách nhất của Luật DN 2014 là thủ tục đăng ký DN, trong đó Giấy chứng nhận đăng ký DN không còn ghi ngành nghề đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, sự tiến bộ này của Luật DN đã không được hiện thực hóa trong các văn bản hướng dẫn cũng như trên thực tế. Cụ thể, khi nộp hồ sơ đăng ký DN, DN vẫn phải xác định mã ngành cấp 4 đối với ngành, nghề mà mình đăng ký kinh doanh.

Nói cách khác, đây là một trong những điểm vướng đã được xác định trong giai đoạn soạn thảo Luật DN năm 2014 nhưng lại chưa được giải quyết. Vì thế, theo ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế VCCI, để đảm bảo tinh thần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo tính cải cách, đột phá về thủ tục đăng ký kinh doanh, đề nghị bổ sung quy định rõ về thủ tục đăng ký DN ngay trong Dự thảo Luật lần này. Theo đó cần quy định rõ khi đăng ký kinh doanh, DN phải xác định mã ngành đối với ngành, nghề mà mình đăng ký.

Dự thảo đã có sửa đổi khá quan trọng về việc áp dụng thủ tục đăng ký DN. Theo đó, tất cả các tổ chức kinh tế khi thành lập đều phải thực hiện việc đăng ký DN theo Luật DN. Đối với các lĩnh vực mà hiện việc thành lập và hoạt động hoàn toàn theo pháp luật chuyên ngành (trong đó có quy định giấy phép hoạt động đồng thời là giấy đăng ký DN), như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm…, quy định mới này của Dự thảo sẽ làm thay đổi trình tự, thủ tục thành lập và hoạt động của các DN trong các lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, trong Dự thảo lại chưa có quy định để “xử lý” các vấn đề pháp lý phát sinh từ thay đổi này.

Bên cạnh đó, Khoản 3 Điều 3 Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật, trong đó có các quy định bãi bỏ hoặc sửa đổi về các quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh; thủ tục hành chính… Nhưng theo ông Đậu Anh Tuấn “quy định tại Điều 3 là chưa rõ về mục tiêu chính sách, không rõ mục tiêu của các quy định này là gì”? Bởi, nếu là sửa đổi các quy định về các điều kiện kinh doanh bất cập hiện hành thì các quy định này là chưa đủ. Nếu là sửa đổi để tương thích với sửa đổi việc áp dụng Luật DN và luật chuyên ngành về thủ tục đăng ký DN thì vẫn còn thiếu nhiều trường hợp khác.

Để góp phần hoàn thiện dự thảo luật xóa bỏ những vướng mắc hiện tại tạo môi trường thực sự tốt cho DN, VCCI dự định sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến DN về dự thảo sửa đổi 2 luật này vào ngày 20/2/2019.

Nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư

Dự thảo sửa đổi các Điều 24, 25 và 26 theo hướng: Bổ sung quy định để yêu cầu chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với nhà ĐTNN, tổ chức kinh tế có vốn ĐTNN khi góp vốn mua cổ phần, phần vốn góp trong DN có hoạt động đầu tư kinh doanh trong một số lĩnh vực quan trọng hoặc tại địa bàn có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh;

Bãi bỏ thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong trường hợp việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp không làm tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong DN; Làm rõ quy trình, thủ tục, điều kiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của các tổ chức, cá nhân cũng như DN có vốn nhà nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Đồng thời sửa đổi, bổ sung Điều 31 theo hướng: Loại bỏ một số dự án đầu tư thuộc diện phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 31 Luật Đầu tư, bao gồm dự án có quy mô vốn đầu tư từ 5.000 tỷ trở lên, các dự án mà điều kiện đầu tư, kinh doanh đã được quy định cụ thể tại điều ước quốc tế và pháp luật có liên quan như dự án của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh vận tải biển, kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, báo chí, thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, DN khoa học và công nghệ 100% vốn nước ngoài;

Bổ sung quy định về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ đối với dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên…

Nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật DN

Dự thảo sửa đổi Điều 3 để áp dụng thống nhất trình tự, thủ tục đăng ký DN theo Luật DN. Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của DN thì áp dụng quy định của Luật đó.

Bãi bỏ Điều 12, khoản 1 Điều 34, khoản 2 và khoản 5 Điều 44, khoản 4 Điều 46, khoản 2 Điều 65, điểm c khoản 3 Điều 139 để bãi bỏ: Yêu cầu DN phải đăng ký mẫu dấu trước khi sử dụng; chế độ báo cáo thay đổi thông tin người quản lý DN; chế độ gửi thông tin cho cơ quan đăng ký kinh doanh nơi DN đặt trụ sở chính khi thành lập chi nhánh, đặt địa điểm kinh doanh mới; yêu cầu giám đốc, tổng giám đốc phải có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh…

Linh Linh

——————

Thời báo ngân hàng (DOANH NGHIỆP – DOANH NHÂN) 15-02-2019:

Dự thảo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi: Còn nhiều nội dung bất cập chưa được đưa ra | Doanh nghiệp doanh nhân (thoibaonganhang.vn)

(146/1.467)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Luận cứ bào chữa cho 3 bị cáo vụ Tân...

Chuẩn bị 3 phương án hoàn toàn khác nhau: Phương án 1 là 1 mất 1...

Phỏng vấn 

4.281. Ông Trần Quí Thanh nhận thức hành vi của...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,355