2.545. Gây tai nạn rồi bỏ trốn: Nhờn vì xử không nghiêm

(VOV.vn) – Liên tục xuất hiện các vụ lái xe rời khỏi hiện trường sau khi gây TNGT cho dù hầu hết đều bị phát giác, vậy đâu là lý do để họ bỏ đi sau khi gây tai nạn

Luật Giao thông đang có kẽ hở

Thời gian qua, trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ ô tô gây tai nạn rồi bỏ trốn khỏi hiện trường. Điều đáng nói, rất ít vụ việc được xử lý đến nơi đến chốn và thông tin rộng rãi nhằm cảnh báo, răn đe người vi phạm. Phải chăng, đây chính là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng người điều khiển phương tiện gây tai nạn rồi bỏ trốn khỏi hiện trường liên tiếp tái diễn tới mức nghiêm trọng?

Phân tích các vụ việc xảy ra liên tiếp gần đây, một cán bộ điều tra, công an TP. Hà Nội cho biết, có rất nhiều yếu tố khiến việc điều tra, giải quyết các vụ tai nạn giao thông (TNGT) mà đối tượng gây tai nạn đã bỏ trốn gặp khó khăn, từ ít người chứng kiến đến điều kiện đêm tối, thời tiết: “Có những trường hợp cùng gây tai nạn, cùng ngã ra và chứng cứ không thể nào chối được thì người ta mới chấp nhận”.

(Ảnh minh họa: KT)
Từ thực tế điều tra, xử lý của mình, vị cán bộ này cho rằng, nếu việc xử lý các đối tượng này không nghiêm minh, không được công bố rộng rãi sẽ khó có tác dụng răn đe, ngăn ngừa các vụ việc tương tự.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI (Hà Nội) cũng cho rằng, tình trạng lái xe bỏ trốn khỏi hiện trường một phần bắt nguồn từ hiệu quả xử lý, xử phạt những vụ việc xảy ra liên tiếp gần đây. Rất ít vụ việc người gây tai nạn dù đã bỏ trốn những vẫn bị phát hiện, bắt giữ, nhưng không có hình phạt thích đáng được đưa ra và công bố. Điều này phần nào tác động đến tâm lý của người dân nếu chẳng may gây ra tai nạn.

Dưới góc độ tâm lý, TS tâm lý học Trịnh Hòa Bình cho rằng, việc lái xe ô tô bỏ chạy sau khi gây tai nạn có tính chất bản năng vì sợ hậu quả, nhưng hành vi này có xu hướng tăng lên là do tính chất lây lan khi vụ việc không được nhìn dưới góc độ tình tiết tăng nặng.

Ở góc độ khác, TS. Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, Luật Giao thông đường bộ đang có những kẻ hở và bị lợi dụng. Đó là quy định cho phép người có liên quan có thể rời khỏi hiện trường nhưng trình báo cơ quan chức năng trong thời gian sớm nhất. Đó là quy định rất mơ hồ khiến việc triển khai bị tùy tiện. Hơn nữa, việc cho phép họ rời khỏi hiện trường là chưa thỏa đáng, đặc biệt là gây khó khăn cho việc xử lý.

“Nên sớm sửa Luật Giao thông đường bộ, trong đó yêu cầu người bị nạn và người gây tai nạn phải có mặt tại hiện trường để hợp tác đầy đủ với cơ quan chức năng để tránh tình trạng họ có thể di dời ra vị trí khác, thì ở đây có một vấn đề là các yếu tố cấu thành nên tội phạm có thể thay đổi, đặc biệt là nồng độ cồn”, TS. Trần Hữu Minh nêu ý kiến.

Lựa chọn của lái xe sau tai nạn

Liên tục xuất hiện các vụ việc lái xe rời khỏi hiện trường sau khi gây tai nạn giao thông cho dù hầu hết đương sự đều biết chắc kiểu gì cũng để lại dấu vết và bị phát giác. Vậy thì đâu là lý do thực sự để họ bỏ đi sau tai nạn.

Tuần trước, sau một vụ tai nạn giao thông gây chết người trên quốc lộ 4D thuộc địa bàn huyện Sa Pa, tài xế đã bị những người dân bên đường giữ lại, đòi bồi thường 400 triệu đồng mà không cần phân xử. So với số vụ lái xe bỏ trốn khỏi hiện trường sau tai nạn thì số người bị đánh, bi giết sau va chạm giao thông luôn có tỷ lệ cao hơn. Điều đó cho thấy, động cơ thúc đẩy mạnh mẽ nhất đối với hành vi rời khỏi hiện trường của tài xế sau va chạm chính là nỗi sợ đối với những phiền toái tại hiện trường.

Trong khi, sự trả giá vì hành vi đó lại rất nhẹ nhàng, với mức phạt vài triệu đồng, hoặc được coi là tình tiết tăng nặng khi vụ việc nghiêm trọng đến mức phải xử lý hình sự. Thêm vào đó, luật pháp cũng có quy định tài xế được phép tạm rời khỏi hiện trường và có trách nhiệm trình báo tại cơ quan công an gần nhất. Chữ tạm, luôn có một biên độ rất lớn để bào chữa cho mọi hành vi.

Tài xế bỏ chạy khỏi hiện trường sau tai nạn gây ra rất nhiều hệ lụy. Điều đầu tiên, là nạn nhân sẽ không được cứu giúp kịp thời, tiếp theo là gây khó khăn cho cơ quan điều tra, và công lý có thể bị xô lệch. Vậy làm thế nào để tài xế từ bỏ ý định rời khỏi hiện trường sau tai nạn? Căn cứ vào những nguyên nhân kể trên, thì song song với việc tăng mức độ trả giá cho hành vi rời đi của tài xế thì cũng cần giảm nỗi sợ khi ở lại hiện trường của họ.

Thay vì chỉ được coi là tình tiết tăng nặng khi vụ tai nạn nghiêm trọng đến mức xử lý hình sự, thì cần quy định hành vi bỏ đi khỏi hiện trường là vi phạm hình sự, bất kể hậu quả của vụ tai nạn đó có ở mức độ hình sự hay không.

Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn cho tài xế sau khi gây tai nạn, cần quy định xử phạt nặng đối với những hành vi đe dọa, làm tổn hại đến tính mạng, cơ thể, ngăn cản tài xế thực hiện trách nhiệm sau tai nạn của mình./.

——————

VOV.vn (Xã hội) 12-03-2019:

Gây tai nạn rồi bỏ trốn: Nhờn vì xử không nghiêm? | VOV.VN

(155/2.002)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.710. Sự cố VNDirect: Ai sẽ chịu trách nhiệm khi...

(VOV.VN) - Ngày thứ 3 kể từ thời điểm tạm dừng hoạt động, hệ thống...

Bình luận 

ANVI Luận cứ: Không thể áp dụng nguyên tắc bất...

Luận cứ bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong Vụ án Trương Mỹ Lan...

Phỏng vấn 

4.268. Luật sư kiến nghị đánh giá lại tội danh...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 201,533