2.594. Luật sư Trương Thanh Đức: Không nên tìm mọi cách ngăn chặn tín dụng đen

(PT) – “Điều đáng lo nhất của tín dụng đen là có “xã hội đen” bảo kê, đe dọa, cưỡng bức người vay còn nếu xét ở góc độ nguồn vốn cho thị trường là một điều rất tốt” – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nói.

Thời gian gần đây, thông tin về quy mô cũng như mức độ nghiêm trọng của những đường dây tín dụng đen bị cơ quan chức năng triệt phá khiến dư luận hoang mang. Số liệu của Bộ Công an cho thấy, 4 năm gần đây, cả nước có 7.624 vụ án liên quan đến tín dụng đen, với 56 vụ giết người và hàng trăm vụ cố ý gây thương tích, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản.

Còn nhớ cuối năm 2018, một đường dây tín dụng đen có quy mô giao dịch hơn 500 tỉ đồng bị triệt phá. Đã có những trường hợp khách hàng phải chịu cảnh “lãi mẹ, lãi con” tới 1.000% mỗi năm. Không có tiền để trả, nhiều người đã “tán gia bại sản”, thậm chí bỏ mạng chỉ vì khoản vay vài chục triệu đồng.

luat su truong thanh duc khong nen tim moi cach ngan chan tin dung den
4 năm gần đây, cả nước có 7.624 vụ án liên quan đến tín dụng đen

Tây Nguyên được xem là “điểm nóng” của tín dụng đen cả nước. Mức lãi suất có nơi lên tới 30% mỗi tháng, tương đương 365% mỗi năm, gấp gần 30 lần lãi suất vay ngân hàng. Hiện không có luật nào kiểm soát tín dụng đen, chỉ có điều luật hướng tới việc xử lý hoạt động cho vay với lãi suất cao hơn 5 lần lãi suất quy định trong Bộ luật Dân sự. Mức lãi suất chạm ngưỡng hình sự là từ 100%/năm, mức lãi suất cao nhất theo Bộ luật Dân sự là 20%/năm. Như vậy, lãi suất thực tế và quy định của Luật đang chênh nhau rất lớn.

Chỉ ra nguyên nhân tồn tại tín dụng đen, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, vì chúng ta đang “bóp nghẹt” việc cho vay, chỉ có các tổ chức tín dụng mới được phép cho vay. Nhưng những tổ chức này thì cực kỳ khắt khe về thủ tục vì thế dân cần tiền chỉ có cách tìm đến nơi dễ vay nhất là tín dụng đen.

Phân tích về tín dụng đen, Luật sư Trương Thanh Đức chỉ ra 3 yếu tố chính. Thứ nhất là yếu tố bất hợp pháp. Mặc dùng không được pháp luật cho phép nhưng thực tế trong cuộc sống hàng ngày các cá nhân, doanh nghiệp vẫn thường xuyên cho vay lẫn nhau.

Thứ hai về lãi suất. Hình thức cho vay này thường có lãi suất cao. Nhưng đó là tự nguyện. Không vay được ngân hàng, không tìm được nguồn vay nào khác trong khi người dân đang cần tiền để sống, chữa bệnh, hay doanh nhân phải duy trì hoạt động công ty, phải trả lương công nhân… thì họ phải chấp nhận vay tiền với lãi suất cao để giải quyết trong tình thế cấp bách.

Yếu tố thứ ba là áp lực đòi nợ, đây là vấn đề mấu chốt. Điều đáng lo nhất của tín dụng đen là có “xã hội đen” bảo kê, đe dọa, cưỡng bức người vay còn nếu xét ở góc độ nguồn vốn cho thị trường là một điều rất tốt.

“Nếu như không vì sức ép đòi nợ, theo quan điểm của tôi nên để cá nhân, doanh nghiệp “bung ra” nghề cho vay thoải mái. Bên cho vay nếu không thu được nợ thì chấp nhận phải phá sản giống như các doanh nghiệp đầu tư bất động sản, công ty cho vay tiêu dùng” – Luật sư cho hay.

Đồng quan điểm với Luật sư Trương Thanh Đức, ông Warrick Cleine – Chủ tịch kiêm CEO KPMG tại Việt Nam và Campuchia cũng từng cho rằng, “đen” ở đây không hoàn toàn là xấu, vì cũng góp phần tạo điều kiện cho người vay tiền. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần phải có chính sách để kiểm soát thị trường này một cách hiệu quả. Chính phủ cần có hệ thống giám sát, kiểm soát bộ phận tín dụng này rõ ràng, cũng như có biện pháp để bảo hộ các hoạt động tín dụng chính thức.

“Câu hỏi đặt ra ở đây là chúng ta phải thể chế hóa, chính thức hóa những tín dụng đen như thế nào, cần đưa vào khuôn khổ ra sao để điều tiết thị trường này. Cùng với đó là công tác truyền thông, giáo dục người dân trong việc tiếp cận các quỹ tín dụng đen, trong khi đó, nhà nước, cần có biện pháp quản lý thị trường này hiệu quả”, ông Warrick Cleine nói.

Về vấn đề này, ông Hà Huy Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho rằng quỹ tín dụng đen không phải xấu. Thậm chí với thế giới, tín dụng đen đã tồn tại từ rất lâu dưới dạng cũng hoạt động như ngân hàng nhưng không được công nhận. Vì vậy, chúng ta đang đứng trước thực tiễn do cung cầu mà hình thức này tồn tại.

“Có hai cách tiếp cận với tình trạng này, đó là làm sao hợp thức hoá được, cơ quan thuế cần có bằng chứng ở mức độ hợp lý, như ở nhiều nước, họ phải tính toán một tỷ lệ nào đó phù hợp. Thứ hai là chúng ta phải nghiên cứu sử dụng dịch vụ về thuế, đơn cử thuế tư nhân… để giải trình hợp lý”, ông nói.

Lê Minh

——————

PetroTimes (Kinh tế & Hội nhập) 04-04-2019:

Luật sư Trương Thanh Đức: Không nên tìm mọi cách ngăn chặn tín dụng đen (petrotimes.vn)

(470/976)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.281. Ông Trần Quí Thanh nhận thức hành vi của...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,174