2.610. Giám đốc Quốc Cường Gia Lai muốn tự tử vì thủ tục hành chính: “Thực tế còn khủng khiếp hơn”.

(TQ) – Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: “Về thủ tục hành chính, doanh nghiệp chỉ mới kêu một phần vì sợ chính quyền. Thực tế còn khủng khiếp hơn, khôn hơn, nghệ thuật hơn”.

Bà Nguyễn Thị Như Loan chia sẻ những bức xúc về thủ tục hành chính trong khuôn khổ buổi gặp gỡ hơn 100 doanh nghiệp bất động sản do Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chủ trì. (Nguồn: Tuổi trẻ)

Vấn nạn về thủ tục hành chính “hành” doanh nghiệp không phải là vấn đề mới mẻ. Thực tế doanh nghiệp đã “than thở” quá nhiều, báo chí cũng đã đề cập quá nhiều và đặc biệt, Chính phủ cũng đang rất nỗ lực cải cách.

Vấn đề này tiếp tục được khơi dậy khi ngày hôm qua (10/4), Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội nghị gặp gỡ hơn 100 doanh nghiệp bất động sản với lãnh đạo các sở, ban ngành TP.

Đại diện nhiều doanh nghiệp đã nêu lên nhiều băn khoăn, trăn trở về thủ tục chồng chéo, vướng mắc giữa các luật; đặc biệt là thủ tục hành chính vẫn gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Tại cuộc gặp, bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Công ty Quốc Cường Gia Lai, cho rằng thành phố cần xử lý tốt những việc nhỏ ở các sở, ngành trước khi giải quyết các chuyện lớn. Vấn đề thủ tục hành chính còn nhiều bất cập, chỉ vì một câu chữ mà yêu cầu doanh nghiệp phải thế nọ thế kia…

Bà Loan chia sẻ: “Thực tiễn rất là đau lòng, khổ tâm. Có lúc nếu như tôi không vì cổ đông, nợ ngân hàng, cuộc sống hơn 3.000 nhân viên tập đoàn thì tôi đã tự tử. Tôi để lại di chúc, tâm thư để nhà nước làm sao, cách nào tháo gỡ thủ tục”.

Đại diện các doanh nghiệp cho rằng đối với dự án trong tình trạng bị rà soát không bị đình chỉ, điều tra thì cho tiếp tục triển khai, chứ không thì bị trì trệ, làm mất cơ hội của doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng thị trường bất động sản thành phố…

Chia sẻ với Báo Điện tử Tổ Quốc về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng: “Các doanh nghiệp mới chỉ kêu một phần vì sợ chính quyền, bên ngoài mới khủng khiếp. Chia chác, tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó dễ không biết bao nhiêu mà kể. Chuyện nghìn năm rồi càng ngày càng khó. Tỷ lệ nhiều hơn, số tiền nhiều hơn…”. Thậm chí, cứ chỗ nào có quyền nhiều thì chỗ đó thủ tục nặng nề nhiều: các lĩnh vực về xây dựng, đất đai, quản lý chất lượng tiêu chuẩn, phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh… thì càng dễ “hành”, bởi đây là những lĩnh vực quyết định, lĩnh vực “sống chết”. 

Ông cho biết, thời gian trước đây ông ở chung cư, thừa tiêu chuẩn được cấp số đỏ, chẳng có lý do gì để trì hoãn nhưng phải mất 2 năm mới được cấp và còn “mất thêm chục triệu cho vui vẻ. Nếu không thì không bao giờ được cấp.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, trước nỗ lực của người đứng đầu Chính phủ, môi trường kinh doanh có tiến triển, các bộ ngành đã có cắt giảm thủ tục hành chính, thái độ phục vụ cũng thay đổi nhưng những khâu then chốt nhất về cơ bản là không thay đổi.

“Không công khai minh bạch, không giảm được số lượng doanh nghiệp nhà nước, đầu mối  quản lý còn chồng chéo thì đương nhiên thủ tục càng ngày càng nặng nề, càng ngày càng kín đáo, khôn ngoan hơn và nghệ thuật hơn.

Có muôn vàn lý do, muôn vàn rắc rối để có thể gây khó dễ…Tôi từng có những khách hàng gặp những tình huống như vậy. Minh chứng là một số cán bộ lương thấp nhưng càng ngày giàu”, luật sư Trương Thanh Đức nói. 

Vừa qua, báo cáo về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) cho thấy, chi phí không chính thức giảm nhưng vẫn ở mức cao. 58% doanh nghiệp trong nước vẫn còn bị nhũng nhiễu, 54% doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí “bôi trơn”.

Luật sư Trương Thanh Đức: “Về thủ tục hành chính, doanh nghiệp chỉ mới kêu một phần vì sợ chính quyền. Thực tế còn khủng khiếp hơn, khôn hơn, nghệ thuật hơn”. (Nguồn: Plo.vn)

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, trong báo cáo là chi phí không chính thức có giảm nhưng trên thực tế chi phí “bôi trơn” vẫn tăng do số lượng doanh nghiệp hiện tại tăng nhiều hơn, quy mô doanh nghiệp cũng lớn hơn. 

Về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng từng trao đổi với Báo Điện tử Tổ Quốc cách đây vài hôm, đó là thời gian qua, dù các bộ ngành đang nỗ lực cắt giảm thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ nhưng vẫn nặng về đơn giản hóa chứ còn chưa mạnh dạn cắt bỏ. Ngoài ra, có tình trạng cắt giảm chưa thực chất, chẳng hạn như việc gộp 2,3 điều kiện lại thành cắt giảm…

Ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh rằng, phải thừa nhận những quy định về điều kiện kinh doanh của Việt Nam đang là gánh nặng tương đối lớn so với các nước.  Và vấn đề ở đây là chi phí quản lý quá cao. Nhiều khi cơ quan quản lý cần phải hướng đến mục tiêu cuối cùng là đạt được cái gì? Hiện nay chúng ta đưa ra quy định nhưng không tính đến chi phí tuân thủ của doanh nghiệp.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, tình trạng này không thể giải quyết ngày một ngày hai. Với quy trình xây dựng văn bản pháp luật và kiểm soát việc xây dựng văn bản pháp luật như hiện nay thì tình trạng này sẽ vẫn còn tiếp tục…

Chiều 21/2/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ. Kết luận Hội nghị, Thủ tướng đã đánh giá cao việc phát hiện, xử lý hiện tượng “gói ghém, ẩn náu” lợi ích cục bộ của một bộ phận cán bộ, đơn vị mình vào trong thủ tục hành chính.

Ông cũng đồng thời nhận định, thủ tục hành chính một số lĩnh vực vẫn rườm rà, còn tình trạng “cắt giấy phép mẹ đẻ giấy phép con”. Đi liền với đó là chi phí không chính thức…

Theo Thủ tướng, đâu đó lợi ích cục bộ của ngành, địa phương còn thâm căn, chưa thể giải quyết triệt để vì lợi ích chung của người dân và doanh nghiệp.

Hà Giang

——-

Tổ quốc (Kinh tế) 11-4-2019:

http://toquoc.vn/giam-doc-quoc-cuong-gia-lai-muon-tu-tu-vi-thu-tuc-hanh-chinh-thuc-te-con-khung-khiep-hon-20190411085830631.htm?fbclid=IwAR3lya2RZ75LUC8KLnRmJZDzzPKjr-J1DO8ZBNrV1AG293YXpowEktKxygo

(496/1.231)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.279. Tình trạng thuê người mua ngoại tệ: Cần...

(HNM) - Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện tình trạng đăng tin tìm...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,724