2.634. Lăn tăn chuyện phí bảo trì chung cư: “Có cái phong bì nào nằm giữa chính quyền và các chủ đầu tư?”

(TQ) – “Chúng ta cứ vướng víu vào việc chủ đầu tư không chuyển giao phí bảo trì. Chẳng lẽ một nhà nước pháp quyền mà lại “đầu hàng” trước những chủ đầu tư chây ì? Liệu có cái phong bì nào nằm giữa chính quyền với các chủ đầu tư nhà chung cư hay không? Nếu không có phong bì thì chúng ta đâu có thiếu gì cách giải quyết?”, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ đặt câu hỏi.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Hùng Võ. (Nguồn: gia đinh.net.vn)

Do từng xảy ra nhiều trường hợp cư dân tại các khu chung cư khiếu nại về phí bảo trì, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để nêu kiến nghị nhằm tháo gỡ những bất cập này. Trong đó có phương án là người mua nhà đóng phí bảo trì 2% tại thời điểm hội nghị nhà chung cư đã bầu ban quản trị. Phí bảo trì được chia đều trong 60 tháng (5 năm), nộp vào tài khoản tiền gửi ngân hàng của ban quản trị chung cư.

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất của phương án này là làm thế nào để huy động thêm kinh phí bảo trì sau thời điểm kinh phí bảo trì ban đầu đã được sử dụng hết.

Chia sẻ với Báo Điện tử Tổ Quốc, ông Đặng Hùng Võ cho rằng, phí bảo trì 2% đã tính vào tiền mua nhà nhưng trên thực tế có nhiều trường hợp chủ đầu tư lại không chuyển cho ban quản trị hoặc đơn vị phụ trách bảo trì. Tình trạng này đã gây lên nhiều bức xúc cho cư dân của nhiều chung cư trên toàn quốc trong thời gian qua.

Đồng tình với đề xuất trên, song theo ông Đặng Hùng Võ, vấn đề là làm thế nào để huy động thêm kinh phí bảo trì sau thời điểm kinh phí bảo trì ban đầu được sử dụng hết.

Hiện nay chưa có quy định thì sẽ phải quy định tiếp. Việc thu thêm kinh phí bảo trì sau 5 năm có thể gắn với nộp phí dịch vụ hàng tháng.

Ông Đặng Hùng Võ nhấn mạnh, câu chuyện ở đây rất đơn giản. Thứ nhất là vẫn giữ quy định nộp phí bảo trì cho 5 năm đầu tiên. Khi sử dụng hết quỹ bảo trì này rồi, kể cả chưa sử dụng hết thì sẽ tiếp tục quy định nộp tiếp tiền này và số tiền sẽ được cộng vào phí sử dụng dịch vụ nhà chung cư.

“Hiện nay chúng ta còn thiếu quy định tiếp theo như thế nào? Tôi cho rằng, việc này chúng ta sẽ giải quyết được bằng đề ra những quy định ngay từ bây giờ.

Chúng ta cứ vướng víu vào việc chủ đầu tư không chuyển giao phí bảo trì. Chẳng lẽ một nhà nước pháp quyền mà lại “đầu hàng” trước những chủ đầu tư chây ì?. Có cái phong bì nào nằm giữa chính quyền với các chủ đầu tư nhà chung cư hay không? Nếu không có phong bì nào thì làm dễ chứ đâu có khó gì? Chúng ta đâu có thiếu gì cách”, ông Đặng Hùng Võ nêu vấn đề.

Vừa qua Chính phủ đã yêu cầu các ngân hàng thương mai công khai toàn bộ tài khoản của các chủ đầu tư mà có dự án chưa giải quyết xong việc phí bảo trì. Và yêu cầu các ngân hàng thương mại này phải rót tiền về tài khoản của ban quản trị hoặc của đơn vị phụ trách bảo trì nhà chung cư. Căn cứ vào thông tin này, ông Đặng Hùng Võ cho rằng, chỉ cần Chính phủ có quyết định như vậy là xong? Tại sao lại phải kiến nghị một câu chuyện nhỏ bằng “con muỗi” lên UBTVQH?

Ông Đặng Hùng Võ cho rằng, vấn đề là làm thế nào để huy động thêm kinh phí bảo trì sau thời điểm kinh phí bảo trì ban đầu được sử dụng hết.

Về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức -Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam – cho rằng, thu tất cả phí bảo trì thành “một cục” thì có hai điểm bất hợp lý, đó là số tiền tương đối nhiều vì cộng với số tiền mua nhà nữa sẽ rất khó khăn cho đối tượng nghèo. Thứ hai là nguy cơ không quản lý được tiền phí bảo trì do lỗ hổng pháp luật trước khi bàn giao cho ban quản trị. Thứ ba là giao cho ban quản trị cũng khó an toàn bởi pháp luật về việc này còn đang bị bỏ lửng.

“Nói chung, cái này thuộc về vấn đề cộng đồng, xã hội. Nhà nước không thể không can thiệp sâu. Nhà nước không can thiệp sâu thì loạn ngay”, Luật sư Trương Thanh Đức nói. 

Ông Trương Thanh Đức nêu vấn đề cần phải phong toả phí bảo trì chung cư. Kể cả sau này bàn giao ban quản trị cũng phải phong toả, tránh tình trạng quỹ có chục tỷ mà ban quản trị rút ra vì mục đích gian lận. 

“Nếu phong toả thì có nghĩa là ngân hàng khi đó sẽ kiểm soát, việc rút tiền ra không dễ dàng và được kiểm soát.

Vấn đề là chúng ta đang chẳng đâu vào đâu, phong toả thì bỏ ngỏ, cưỡng chế thì không có cơ chế. Quan điểm của tôi là phải thu phí bảo trì chứ không thể không. Vấn đề là phải quản lý sao cho nhàn hơn và thu tiếp giai đoạn sau như thế nào?”, ông Trương Thanh Đức nhấn mạnh. 

Hà Giang


Tổ quốc (Kinh tế) 03-5-2019:

http://toquoc.vn/lan-tan-chuyen-phi-bao-tri-chung-cu-co-cai-phong-bi-nao-nam-giua-chinh-quyen-va-cac-chu-dau-tu-20190503072124599.htm

(290/1.028)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,791