2.711. Các luật sư bào chữa cho 19 bị cáo vụ Gang thép Thái Nguyên

(HNM) – Ngày 15-4, phiên tòa xét xử 19 bị cáo trong vụ án gây thất thoát 830 tỷ đồng, xảy ra tại Dự án Mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) tiếp diễn với phần nêu quan điểm bào chữa của các luật sư.

Bị cáo Trần Trọng Mừng, nguyên Tổng Giám đốc TISCO được tòa cho tranh luận đầu tiên. Bị cáo Mừng bị Viện Kiểm sát nhân dân quy kết có trách nhiệm chính trong vụ án khi không chấm dứt hợp đồng với Tập đoàn Khoa học công nghệ và thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC), dù doanh nghiệp này vi phạm. Cụ thể, năm 2007, TISCO và MCC ký hợp đồng EPC trọn gói, giá 160 triệu USD để xây dựng dây chuyền luyện kim. MCC sau đó vi phạm hợp đồng, không xây dựng và đòi tăng giá.

Theo cơ quan truy tố, bị cáo Mừng lẽ ra cần chấm dứt hợp đồng với MCC, thu hồi tiền tạm ứng; đề xuất người có thẩm quyền hủy đấu thầu, cho đấu thầu lại. Nhưng bị cáo lại chỉ đạo để đàm phán theo yêu cầu của MCC; ký văn bản đề nghị tăng giá phần C (xây lắp) trong hợp đồng EPC.

Ngoài ra, bị cáo Mừng còn giới thiệu và chấp thuận cho Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) làm nhà thầu phụ. Trong khi ấy, VINAINCON không đủ năng lực nên năm 2011 phải dừng thi công.

Bào chữa cho bị cáo Mừng, luật sư Đinh Anh Tuấn cho rằng, cần xem xét trách nhiệm của Bộ Công Thương khi giới thiệu VINAINCON cho các bị cáo để họ chọn làm nhà thầu phụ. Bởi hồ sơ vụ án cũng như lời khai của các bị cáo là cựu lãnh đạo tại TISCO và Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) cho biết, họ chấp nhận nhà thầu phụ vì có văn bản của Bộ Công Thương do một thứ trưởng ký.

Về hành vi không dừng hợp đồng với MCC, luật sư Đinh Anh Tuấn viện dẫn và cho rằng, bị cáo Trần Trọng Mừng từng ký nhiều văn bản hối thúc MCC thực hiện dự án. Ngoài ra, bị cáo này từng ký văn bản gửi Bộ Công Thương và VNS với nội dung: “Đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ xin phép chấm dứt hợp đồng EPC với nhà thầu MCC. Yêu cầu MCC trả lại tiền đặc cọc và bồi hoàn thiệt hại” nhưng không được chấp nhận.

Chốt lại phần tranh luận, luật sư bào chữa cho nguyên Tổng Giám đốc TISCO đề nghị các cơ quan tố tụng chuyển tội danh cho bị cáo Trần Trọng Mừng từ “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” sang “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tự bào chữa trước tòa, bị cáo Lê Thị Tuyết Lan (nguyên Phó Trưởng phòng Kế toán TISCO) trình bày, bị cáo rất ân hận. Bị cáo cho rằng, bản thân là người làm công ăn lương, thực hiện mệnh lệnh của cấp trên, làm đúng chức năng được phân công. Bị cáo Lan đề nghị tòa xem xét cho bị cáo được hưởng án treo để lo cho gia đình.

Bào chữa cho bị cáo Lan, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, thân chủ của mình không tư vấn, đàm phán, đề xuất, phê duyệt, thực hiện việc thay đổi hợp đồng. Bị cáo chỉ đọc, đối chiếu và ký nháy một số tài liệu. Luật sư khẳng định, bị cáo Lan không có bất kỳ vai trò gì trong vụ án này.

Bào chữa cho bị cáo Đồng Quang Dương (nguyên Phó Giám đốc TISCO), luật sư cũng đề nghị trả hồ sơ điều tra làm rõ trách nhiệm của Bộ Công Thương, tiếp tục thu thập chứng cứ để làm rõ việc chỉ định nhà thầu phụ như thế nào và việc đánh giá nhà thầu phụ có đúng quy định của pháp luật hay không.

Chu Dũng

———————–

Hà Nội mới (Pháp đình) 15-4-2021:
http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/phap-dinh/996466/cac-luat-su-bao-chua-cho-19-bi-cao-vu-gang-thep-thai-nguyen

(64/720)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,827