2.825. “Điểm mặt” 4 rủi ro chính khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

(DNVN) – “Trái phiếu doanh nghiệp không phải lãi suất tiết kiệm. Người dân muốn an toàn thì gửi ngân hàng, muốn lãi cao thì mua trái phiếu doanh nghiệp. Và đương nhiên, lãi suất cao thì rủi ro cao”, Luật sư Trương Thanh Đức.

Lãi suất cao thì rủi ro cao

Với hơn 10 năm hình thành và phát triển, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang ngày càng khẳng định vai trò góp phần cân đối kênh dẫn vốn trên thị trường tài chính; giúp các doanh nghiệp huy động vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, giảm dần sự phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng. Hai năm trở lại đây, sự phát triển đột phá của thị trường trái phiếu doanh nghiệp về mặt quy mô đã gây ra sự chú ý lớn đối với xã hội.

Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử, trong hai năm liên tiếp 2019, 2020, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công vượt tổng giá trị trái phiếu Chính phủ phát hành trên thị trường. Tính riêng năm 2020, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt mức kỷ lục 429,5 nghìn tỷ VND, tăng 28,3% so với năm 2019. Còn theo dữ liệu công bố mới nhất của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, 7 tháng đầu năm 2021, có 376 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị phát hành đạt 235.094 tỷ đồng, tăng gần 31% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là thị trường phát triển nóng kèm theo các bất cập, trong đó có các nhà đầu tư cá nhân đang mua trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu theo “phong trào”- tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Phát biểu tại tọa đàm “Cá nhân đầu tư trái phiếu doanh nghiệp: Nhận diện và ứng xử với rủi ro” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/Vneconomy tổ chức sáng nay (30/8), Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng mặc dù đã được bảo vệ tốt hơn quãng thời gian trước, nhà đầu tư cá nhân vẫn bị rủi ro bủa vây.

Trái phiếu doanh nghiệp không phải lãi suất tiết kiệm. Người dân muốn an toàn thì gửi ngân hàng, muốn lãi cao thì mua trái phiếu doanh nghiệp. Và đương nhiên, lãi suất cao thì rủi ro cao.

Cùng quan điểm, chuyên gia tài chính – ngân hàng, ông Nguyễn Trí Hiếu cho hay, hiện tại, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn phát triển mạnh, trong khi đó, kinh tế lại đang gặp khó khăn do tác động từ đại dịch Covid-19. Chỉ trong 8 tháng năm 2021, nhiều doanh nghiệp đã buộc phải đóng cửa và nếu tình trạng này kéo dài đến cuối năm, có lẽ số lượng doanh nghiệp bị tạm ngừng kinh doanh có thể lên tới con số 100 nghìn.

“Không ai có thể dám chắc rằng, trong số doanh nghiệp trên không bao gồm những nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Khả năng trả nợ của doanh nghiệp trong tương lai chắc chắn sẽ suy giảm trầm trọng, chưa nói đến chuyện phá sản”, ông Hiếu nói.

Theo vị chuyên gia này, đối với nhà quản lý, giải pháp quan trọng để bảo vệ nhà đầu tư chính là xếp hạng tín nhiệm. Ông Hiếu cũng đề xuất cơ quan quản lý áp dụng việc bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện ngay từ đầu năm 2022.

Chuyên gia cho rằng, đối với nhà đầu tư, đây là giai đoạn khó khăn của kinh tế, không phải lúc để kiếm lợi nhuận bằng mọi giá mà là thời điểm của sự chọn lọc và cẩn trọng.

Điểm mặt 4 rủi ro chính

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị FiinRating cho rằng, có bốn rủi ro chính khi đầu tư vào thị trường trái phiếu mà các nhà đầu tư cần nhận diện.

Thứ nhất là rủi ro tín dụng, tổ chức phát hành trái phiếu không có khả năng trả lãi suất định kỳ hoặc thanh toán khoản gốc không đúng hạn.

Thứ hai là rủi ro thanh khoản, nhà đầu tư không thể ngay lập tức bán được trái phiếu khi có nhu cầu tiền mặt, hoặc không bán được trái phiếu với mức giá như kỳ vọng hoặc phải chi trả nhiều chi phí để bán được trái phiếu. Thanh khoản trung bình theo ngày của trái phiếu niêm yết là 131.3 tỷ đồng, tương đương với 0,75% giá trị phát hành trên HOSE là 17.530 tỷ đồng. Thanh khoản của thị trường này vẫn ở mức khiêm tốn với tỷ lệ luân chuyển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam chỉ ở mức 0,08 lần và đang ở mức rất nhỏ so với các quốc gia trong khu vực.

Rủi ro thứ ba là định giá lãi suất. Định giá lãi suất điều chỉnh với rủi ro chưa hợp lý, dẫn tới lãi suất cao nhưng rủi ro lớn và không tương xứng với lãi suất.

Cuối cùng, rủi ro khác bao gồm rủi ro mua lại, tái đầu tư, lạm phát, lãi suất, bất ổn kinh tế, các thương vụ mua bán sáp nhập, thảm họa hay đại dịch…

Để phòng tránh rủi ro, nhà đầu tư cần sử dụng tư vấn chuyên nghiệp, tự đánh giá rủi ro nếu có khả năng, đa dạng hóa kênh đầu tư cùng đặc điểm như quỹ trái phiếu, quỹ hưu trí… Phát hành trái phiếu nếu làm khéo sẽ trở thành kênh “cứu cánh” cho cho thị trường tài chính Việt Nam.

Cần tỉnh táo để có thể lựa chọn trái phiếu tốt

Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, hiện có rất nhiều cơ hội đầu tư như bỏ tiền ra mua trái phiếu, gửi tiền tiết kiệm, mua vàng, mua bất động sản, trái phiếu… Để đưa ra quyết định nhà đầu tư phải tự hiểu về bản thân, phải có bức tranh về tình hình tài chính cá nhân của mình để tránh trường hợp bỏ tất cả trứng vào một rỏ. Bởi lẽ, không một kênh đầu tư nào, sản phẩm đầu tư nào chỉ có lợi nhuận mà không có rủi ro.

“Thường các công ty tư vấn sẽ giúp nhà đầu tư phân tán rủi ro vào nhiều kênh đầu tư khác nhau. Khi nhà đầu tư đã chấp nhận được rủi ro để đem một phần tài sản bỏ vào thị trường trái phiếu thì lúc đó mới tiếp tục bàn đến câu chuyện lựa chọn loại trái phiếu để phù hợp khẩu vị rủi ro”, ông Quỳnh chia sẻ.

Cũng theo ông Quỳnh, nếu chỉ đặt ở góc độ rủi ro, rất dễ để tìm loại trái phiếu an toàn. Trong đó, nhà đầu tư có thể chọn các doanh nghiệp đã có uy tín, thương hiệu, hoạt động trên thị trường trong một thời gian dài. Về phương thức phát hành nên chọn trái phiếu phát hành công chúng, thậm chí có xếp hạng tín nhiệm thì càng tốt.

Ngoài ra, hiện có nhiều trái phiếu doanh nghiệp được ngân hàng bảo lãnh thanh toán hoặc ngân hàng quản lý tài sản bảo đảm. “Bản thân ngân hàng là các tổ chức tài chính chuyên nghiệp, họ đã đồng ý bảo lãnh như vậy có nghĩa trái phiếu đó có mức độ an toàn cao”, ông Quỳnh nói.

Tuy nhiên, vị Tổng thư ký trên cũng lưu ý, nếu tìm một trái phiếu vừa phù hợp với khẩu vị rủi ro, điều kiện tài chính, kỳ vọng lãi suất của nhà đầu tư cá nhân thì câu chuyện sẽ phải rẽ sang hướng khác.

“Những trái phiếu của doanh nghiệp chưa có tên tuổi, chưa có thương hiệu và chỉ được bảo lãnh phát hành thì các nhà tư vấn tài chính thường xếp vào loại có mức độ rủi ro tương đối cao. Do đó mức lãi suất mới đạt 12 – 13%/năm”, vị Tổng thư ký nhấn mạnh.

Theo Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính), trong nửa đầu năm nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng tốt và có một số kết quả tích cực. Với khối lượng phát hành riêng lẻ đạt 168.702 tỷ đồng (tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2020); khối lượng phát hành ra công chúng 15.375 tỷ đồng.

Trong đó, tổ chức tín dụng là nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất (chiếm 40,2% tổng khối lượng phát hành); khối doanh nghiệp bất động sản chỉ còn chiếm hơn 13% tổng khối lượng phát hành (giảm hơn 55% so với cùng kỳ năm trước).

Lãi suất phát hành bình quân 6 tháng đầu năm là 7,9%/năm, giảm 1,6%/năm so với cùng kỳ năm trước (9,5%/năm). Tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên thị trường sơ cấp chiếm 5,7% khối lượng phát hành (giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước).

Phạm Giang

—————

Doanh nhân Việt Nam (Nhận định & Đầu tư) 30-8-2021:

https://doanhnhanvn.vn/dau-tu-trai-phieu-doanh-nghiep-lai-suat-cao-rui-ro-lon-36997.html

(150/1.574)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.281. Ông Trần Quí Thanh nhận thức hành vi của...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,126