246. Những thách thức pháp lý khi thí điểm thanh toán qua di động

Những thách thức pháp lý khi thí điểm thanh toán qua di động

(TBKTSG) – Việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thí điểm sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán là cơ hội phát triển kinh tế, vì sự tiện lợi cho hàng chục triệu người trong việc mua bán, du lịch… với một chiếc điện thoại di động sẵn có mà không cần phải mang theo các phương tiện thanh toán như tiền hay thẻ thanh toán, đồng thời cũng là cơ hội lớn cho các nhà mạng.

thí điểm thanh toán qua di động

Nó tác động mạnh mẽ đến việc thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy giao thương nhanh chóng, an toàn và giảm chi phí xã hội, trong đó có chi phí phát hành, lưu thông tiền mặt và các phương tiện thanh toán khác trong và ngoài hệ thống ngân hàng. Nhưng nó cũng là một sự thách thức đối với tất cả, từ những người bán hàng hóa, dịch vụ cho đến các doanh nghiệp cung cấp các phương tiện thanh toán hiện hành, trong đó có vấn đề pháp lý.

Thách thức pháp lý

Về mặt pháp lý, để thanh toán qua di động, cần phải giải quyết nhiều vấn đề liên quan, trong đó có các câu chuyện sau đây:

Thứ nhất, cần phải thừa nhận đó là một phương tiện thanh toán thứ 9, bên cạnh 8 loại hiện hành là tiền mặt, séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và ví điện tử. Nếu không, thì đó sẽ là một hình thức thanh toán bất hợp pháp. Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc này thuộc thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước (NHNN);

Thứ hai, có hay không thừa nhận doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông là một đơn vị trung gian thanh toán (là hoạt động làm trung gian kết nối, truyền dẫn và xử lý dữ liệu điện tử các giao dịch thanh toán giữa tổ chức cung ứng và người sử dụng dịch vụ thanh toán)? Nếu là trung gian thanh toán thì phải kết nối với các ngân hàng thương mại.

Và như vậy, thì lại không phải là một phương tiện thanh toán mới, mà chỉ là một cách thức giao dịch thanh toán hay chuyển tiền điện tử trên cơ sở tài khoản thẻ, ví điện tử của các ngân hàng và trung gian thanh toán thông qua điện thoại di động đã được thực hiện khá phổ biến trên thực tế. Một trong những cách thức thanh toán mới nhất là thông qua mã QR (QR Pay) trên ứng dụng di động Mobile Banking đã được một số ngân hàng triển khai.

Nếu theo cách thức này thì đã có hành lang pháp lý, mà không phải là việc thí điểm thanh toán di động. “Chương trình hành động của Chính phủ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp”, ban hành kèm theo Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 9-11-2018 của Chính phủ đã đặt ra một trong những nhiệm vụ của NHNN là “tiếp tục đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường ứng dụng các phương tiện thanh toán mới, hiện đại trên nền tảng công nghệ tiên tiến (thanh toán di động, ví điện tử, QRCode…) để giảm chi phí phát sinh trong hoạt động thanh toán tại Việt Nam”.

Vì vậy, cần phải xác định nhà cung cấp dịch vụ viễn thông phải là một tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán hoàn toàn mới hoặc ít nhất cũng là một đơn vị trung gian thanh toán đặc biệt. Quyết định sự khác biệt trong việc này nằm ở chỗ liệu có xuất hiện tài khoản ngân hàng hay chỉ là tài khoản dịch vụ viễn thông độc lập. Nếu xác định việc thanh toán di động vận hành như một trung gian thanh toán thì thuộc thẩm quyền quyết định của NHNN và không phải là sự thí điểm. Còn nếu coi việc thanh toán di động là một cách thức hoàn toàn mới, thì cần phải sửa đổi một số luật liên quan, nên trước mắt cần quyết định cho phép thí điểm của Thủ tướng.

Thứ ba, cần phải xác định mức giá trị thanh toán hợp lý để bảo đảm sự an toàn cho cả người bán hàng, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán và khách hàng. Mức này nhiều hay ít phụ thuộc vào hoạt động thanh toán có kết nối với ngân hàng hay không. Nếu việc thanh toán nằm ngoài ngân hàng thì chỉ nên dừng lại ở một hạn mức tương đối thấp, như một vài triệu đồng trở lại là phù hợp với đặc điểm của tài khoản điện thoại;

Thứ tư, dù xác định doanh nghiệp dịch vụ viễn thông là trung gian thanh toán hay không thì cũng cần phải yêu cầu thực hiện các quy định nghiêm ngặt về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Theo điều khoản 4.3, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ thanh toán trên sẽ được gọi là một “tổ chức tài chính”.

Vụ án đánh bạc ngàn tỉ vừa được xét xử tại Phú Thọ đã cho thấy, mặc dù vẫn có sự tham gia của các ngân hàng và trung gian thanh toán, nhưng vì thiếu quy định rõ ràng về việc thanh toán qua tài khoản viễn thông di động, nên đã tạo ra những lỗ hổng lớn, giúp sức đắc lực cho tội phạm đánh bạc và rửa tiền.

 

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

——————

Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Thương mại điện tử) 14-02-2019:

https://www.thesaigontimes.vn/td/285171/nhung-thach-thuc-phap-ly-khi-thi-diem-thanh-toan-qua-di-dong.html

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu...

Mục "Bài viết" cập nhật các bài viết của các Luật sư ANVI đăng...

Bình luận 

431. Bình luận về Luật siêu dễ VTV3 - Chủ đề Luật...

Bình luận về Luật siêu dễ VTV3 - Chủ đề Luật Lao động. (VTV3)...

Phỏng vấn 

4.384. Sẽ đánh thuế đối với hàng hoá nhập...

Sẽ đánh thuế đối với hàng hoá nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng. (VTC1)...

Trích dẫn 

3.903. Mở rộng phạm vi kiểm toán để dẹp nạn...

Mở rộng phạm vi kiểm toán để dẹp nạn tăng vốn ảo của doanh nghiệp. (ĐTM)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 230,826