3.119. Sàn giao dịch trái phiếu chuyên nghiệp, tại sao không?

(ĐSPL) – Những doanh nghiệp sai phạm, lừa đảo nhà đầu tư qua phát hành trái phiếu không phải nhiều mà chỉ là thiểu số, chủ yếu vẫn là doanh nghiệp thu hút vốn phục vụ cho mục đích kinh doanh. Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh và bền vững trong dài hạn, trái phiếu cũng được xếp hạng và lên sàn theo tiêu chuẩn cụ thể như cổ phiếu trên sàn HNX, HSX hay UPCoM.

Tính đến cuối năm 2021, quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp vào khoảng 16,6% GDP sau khi tăng trưởng nóng vài năm trở lại đây. Con số này vẫn còn thấp so với mục tiêu dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 20% GDP vào năm 2025 được nêu ra tại Nghị quyết 54 về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 do Chính phủ mới ban hành.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI.

Trao đổi với ĐS&PL, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC đánh giá, trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn khá tốt trong những năm gần đây.

Trên thực tế, trong giai đoạn 2016-2020, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là cấu phần có sự tăng trưởng mạnh nhất của thị trường tài chính, trở thành kênh huy động vốn ngày càng quan trọng cho các doanh nghiệp. Tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành khoảng 1.224.000 tỷ đồng, bình quân gần 239.000 tỷ đồng/năm. Con số này gấp khoảng 9 lần giai đoạn 2011-2015.

Còn năm 2021 ghi nhận kỷ lục về giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp với quy mô 637.000 tỷ đồng, tăng 48% so với 2020.

Sai phạm chỉ là thiểu số

Nhắc về vụ việc tại Tân Hoàng Minh bị huỷ 9 đợt phát hành trái phiếu, trị giá 10.030 tỷ đồng từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 do che giấu, công bố thông tin sai sự thật, luật sư Trương Thanh Đức nói “đây là vụ việc chưa có tiền lệ”.

Sau khi bị huỷ phát hành 9 lô trái phiếu, doanh nghiệp vẫn đang gửi văn bản xin Bộ tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước xin hướng dẫn quy trình thu hồi trái phiếu và trả lại tiền cho nhà đầu tư.

“Nói vụ Tân Hoàng Minh là vụ việc chưa có tiền lệ bởi những doanh nghiệp sai phạm, lừa đảo nhà đầu tư qua phát hành trái phiếu không phải nhiều mà chỉ là thiểu số. Còn lại hầu hết các doanh nghiệp thực hiện phát hành trái phiếu huy động vốn để phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh”, luật sư Đức nói.

Theo vị luật sư này, chính sách ban hành của Việt Nam cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển. Chẳng hạn cần phải xem xét, bổ sung quy định đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành công chúng đều phải thông qua quá trình thẩm định, cấp phép của cơ quan quản lý.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, nếu quy định siết chặt sẽ sai nguyên tắc thị trường. Cơ quan chức năng cần phát hiện nhanh, xử lý nghiêm những trường hợp lừa đảo, gian lận để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh.

Nhìn lại vụ việc Tân Hoàng Minh và pháp luật về trái phiếu nói chung, ông Đức cho rằng Nghị định 153/2020 quy định về phát hành trái phiếu trong và ngoài nước là kết hợp của Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp.

Tuy nhiên đối với chào bán trái phiếu riêng lẻ, cả Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán đều quy định không bán cho quá 100 nhà đầu tư, không công bố rộng rãi… Theo luật sư Đức, điều này vô lý vì càng phải công khai thì mới minh bạch thông tin ra thị trường.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch HĐQT Công ty Luật SBlaw cũng đánh giá, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có những bước tiến nhưng đến nay vẫn chưa có các quy định cụ thể về phát hành các loại trái phiếu không có tài sản bảo đảm.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch HĐQT Công ty Luật Sblaw.

Luật sư Hà cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020 theo hướng quy định rõ ràng về mục đích phát hành trái phiếu, qua đó tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu đúng mục đích.

Đồng thời, cần bổ sung các quy định để đẩy nhanh việc thiết lập thị trường giao dịch trái phiếu riêng lẻ tại sở giao dịch chứng khoán cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhằm tăng tính thanh khoản, tăng cường tính công khai, minh bạch, tăng cường quản lý, giám sát đối với các trái phiếu đưa vào giao dịch trên thị trường thứ cấp.

NĐT cá nhân không nên mua trái phiếu doanh nghiệp

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường trái phiếu hiện nay vẫn còn rất non trẻ và chỉ phát triển tương đối nhanh, mạnh trong khoảng 5 năm trở lại đây.

Chia sẻ với ĐS&PL, chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh và bền vững trong dài hạn, cần phải có sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp. Khi đó, trái phiếu cũng được xếp hạng và lên sàn theo tiêu chuẩn cụ thể như cổ phiếu trên sàn HNX, HSX hay UpCOM.

Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển.

Ông Hiển đánh giá, nhiều nhà đầu tư cá nhân lại mua trái phiếu doanh nghiệp theo lời giới thiệu của những nhân viên tư vấn để hưởng lãi suất cao, thay vì tìm hiểu rõ về doanh nghiệp phát hành, về dự án, mục đích phát hành và hiệu quả sử dụng vốn sau khi huy động của doanh nghiệp.

Dù đã có quy định rõ ràng về việc dành cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp nhưng vẫn có không ít nhà đầu tư cá nhân tin tưởng lời quảng cáo, mua rồi vỡ mộng. Vì vậy, ông Hiển nhấn mạnh, dứt khoát không nên khuyến khích nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp mà chỉ những nhà đầu tư chuyên nghiệp như các định chế, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại mới tham gia.

“Với nhà đầu tư cá nhân, nếu đầu tư vào kênh này có thể mua gián tiếp thông qua chứng chỉ của các quỹ mở, các quỹ đầu tư bởi họ có đội ngũ chuyên gia, tư vấn chuyên nghiệp, lường hết được các rủi ro”, TS. Đinh Thế Hiển chia sẻ.

“Hiện nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động vốn rồi hoàn trả gốc và lãi cho nhà đầu tư, giống như một công cụ vay nợ, chứ không phải thị trường trái phiếu doanh nghiệp giao dịch với thanh khoản tốt”, TS. Đinh Thế Hiển nhìn nhận.

Thu Huyền

—————-

Đời sống & Pháp luật (Kinh doanh) 30-4-2022:

https://www.doisongphapluat.com/san-giao-dich-trai-phieu-chuyen-nghiep-tai-sao-khong-a535866.html

(418/1.267) #TPDN #traiphieu #anvi #tanhoangminh

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.710. Sự cố VNDirect: Ai sẽ chịu trách nhiệm khi...

(VOV.VN) - Ngày thứ 3 kể từ thời điểm tạm dừng hoạt động, hệ thống...

Bình luận 

ANVI Luận cứ: Không thể áp dụng nguyên tắc bất...

Luận cứ bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong Vụ án Trương Mỹ Lan...

Phỏng vấn 

4.268. Luật sư kiến nghị đánh giá lại tội danh...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 201,561