3.145. Trái phiếu doanh nghiệp tăng nhanh: Ngân hàng gánh cả hai vai…

(ĐV) – Hiện tượng ngân hàng “lách” cho doanh nghiệp vay bằng mua trái phiếu doanh nghiệp có thể gây ra nhiều rủi ro cho nền kinh tế.

Đó là quan điểm của Luật sư Trương Thanh Đức, chuyên gia kinh tế – ngân hàng, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam trước xu hướng trái phiếu doanh nghiệp đang ngày càng tăng “nóng”.

Luật sư Trương Thanh Đức, chuyên gia kinh tế – ngân hàng, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam

 

Ngân hàng đang gánh cả hai vai

PV: Số liệu tổng hợp của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, trong tháng 8, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được phát hành theo hình thức riêng lẻ là 40.403 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với trước đó. Ngân hàng tiếp tục là nhóm có khối lượng phát hành trái phiếu lớn nhất trong tháng với gần 8.200 tỷ đồng. Tiếp đó là nhóm xây dựng với 1.000 tỷ đồng; tài chính với 970 tỷ đồng; bất động sản với 835 tỷ đồng… Trong khi đó, trái phiếu chính phủ phát hành trong tháng đã giảm 58% so với hồi tháng 7. Diễn biến trên nói lên vấn đề gì?

Hiện tượng các doanh nghiệp thuộc nhóm ngân hàng, bất động sản và xây dựng đứng đầu bảng phát hành trái phiếu doanh nghiệp cần được lý giải thế nào? Đây có phải là những ngành kinh doanh vẫn đang duy trì tốt sau dịch bệnh hay không và việc tăng huy động nguồn tín dụng của nhóm doanh nghiệp này liệu có dự báo về một bước phát triển tốt hơn của nhóm này sau dịch bệnh Covid-19? Xin ông phân tích cụ thể.

LS Trương Thanh Đức: Khoan hãy bàn về việc vì sao trái phiếu doanh nghiệp phát hành tăng nhanh và vì sao nhóm ngân hàng, xây dựng, bất động sản lại là những nhóm doanh nghiệp đứng đầu trong lượng phát hành trái phiếu. Tôi muốn bàn trước về việc có nên để các ngân hàng tự phát hành trái phiếu không? Ngân hàng phát hành trái phiếu có bất thường không?

Về câu hỏi này, tôi khẳng định, ngân hàng không được quyền huy động vốn theo hình thức phát hành trái phiếu, vì như vậy là trùng lặp với chức năng hiện có của ngân hàng, đó là: huy động vốn và cho vay.

Việc các ngân hàng đứng ra phát hành trái phiếu để huy động vốn là đang gánh cả hai vai, vai chính là một ngân hàng nhưng đồng thời lại lấy vai của doanh nghiệp. Điều này rất không ổn.

Đáng lưu ý, nếu ngân hàng đứng ra phát hành trái phiếu để huy động vốn cho doanh nghiệp sân sau vay lại, hoặc chỉ là thao tác mua đi bán lại để hưởng lợi sẽ dẫn tới nhiều rủi ro, thậm chí có thể làm méo mó thị trường trái phiếu, làm sai lệch bản chất của nền kinh tế thị trường.

Về lý, ngân hàng chỉ nên phát hành trái phiếu với những dự án mang tính đặc thù, đặc biệt riêng, ví dụ như nâng cấp công nghệ, xây trụ sở. Phát hành trái phiếu huy động vốn rộng rãi nên giao lại cho doanh nghiệp.

Trong huy động vốn, phải nhấn mạnh vai trò chính của ngân hàng là cung cấp vốn cho nền kinh tế, cho sản xuất, vì thế ngân hàng chỉ đứng ra huy động các khoản nhỏ lẻ mang tính gửi tiết kiệm từ trong dân, từ các nhà đầu tư cá nhân…, các khoản đầu tư lớn phải được đầu tư cho nền kinh tế, sản xuất. Tuy nhiên, ngân hàng hiện đang đứng ra huy động cả các khoản đầu tư rất lớn lên tới hàng trăm, hàng ngàn tỷ thông qua việc phát hành trái phiếu. Điều này rất khó hiểu, bởi làm như vậy là ngân hàng lại đang hút ngược nguồn lực từ xã hội, từ nền kinh tế về ngân hàng để mang đi đầu tư, như vậy là sai bản chất.

Từ phân tích sơ bộ như vậy, chúng ta mới có cái nhìn khách quan câu chuyện vì sao trái phiếu doanh nghiệp tăng nhanh trong những tháng đầu năm. Việc doanh nghiệp tăng cường phát hành trái phiếu nhiều là đúng quy luật, đúng bài, bởi ngân hàng không thể là nơi cho vay, cung ứng chính mãi cho nền kinh tế, nhất là vốn dài hạn thì phải chuyển sang kênh trái phiếu là đúng.

Mặt khác, do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, rất khó tiếp cận được nguồn vốn vay từ ngân hàng do không đáp ứng đầy đủ yêu cầu về pháp lý, không đủ điều kiện vay, chưa kể vay ngân hàng phải chịu sự kiểm soát dòng vốn nên yêu cầu cao về thủ tục hồ sơ rõ ràng, minh bạch…

Bản thân phía các ngân hàng dù đang dư thừa thanh khoản nhưng không dám mạo hiểm, không dám cho vay do lo ngại nợ xấu, không thu hồi được nợ. Do đó, doanh nghiệp buộc phải tự xoay xở, tự phát hành trái phiếu, nhưng muốn hút được dòng vốn từ bên ngoài, doanh nghiệp buộc phải tăng lãi suất cao hơn ngân hàng.

Thực tế, trái phiếu chính phủ là an toàn nhất hiện nay và lãi suất không hề thấp, nên lãi suất trái phiếu doanh nghiệp có lên tới 10-12% cũng là bình thường. Với nhà đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp là đầu tư, chứ không phải gửi tiết kiệm, mà đầu tư thì phải xác định là luôn có rủi ro.
Với diễn biến hiện tại, dự báo trong tương lai, lượng phát hành trái phiếu còn có thể tăng cao hơn nữa, nhưng đi cùng với đó cũng sẽ có nhiều rủi ro lớn hơn, quan trọng nhất là người mua, thị trường có chấp nhận hay không.

Cũng cần nói thêm, các doanh nghiệp thuộc nhóm, ngân hàng, bất động sản và xây dựng… đều là những ngành hút vốn rất nhiều, cần phải huy động vốn lớn nhưng không dễ vay ngân hàng vì vậy họ phải phát hành trái phiếu để duy trì hoạt động.

Nói cách khác, đó chỉ là những nhóm có nhu cầu vốn cao hơn, chứ không có nghĩa nhu cầu vốn cao hơn thì sẽ phát triển tốt hơn. Vì thế việc các doanh nghiệp này có đứng đầu bảng phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng là bình thường và không đồng nghĩa với việc đó là những ngành đang hoạt động tốt, khả năng phục hồi cao sau đại dịch.

Vậy, đứng trước tình hình đó, có nên siết trái phiếu doanh nghiệp để giảm rủi ro không? Tôi nhấn mạnh là không. Nếu thấy trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh hơn các năm trước mà lo lắng tìm cách “bít van” trái phiếu doanh nghiệp là đẩy doanh nghiệp vào cảnh khó khăn chồng thêm khó khăn trong việc tìm vốn.

Bởi thị trường trái phiếu, cổ phiếu là kênh chính cung cấp vốn trung, dài hạn cho doanh nghiệp, chứ không phải ngân hàng. Ở nước ta, doanh nghiệp muốn niêm yết lên sàn chứng khoán khá khó khăn, trong khi tín dụng bị siết chặt, nếu siết nốt kênh trái phiếu, thì quả bóng vốn sẽ rất nguy hại.

Có chăng, chỉ nên ngăn chặn doanh nghiệp phát hành trái phiếu đại chúng để tránh rủi ro, ngược lại cần khuyến khích phát hành trái phiếu nội bộ, trái phiếu nhỏ lẻ, đặc biệt phát hành trái phiếu cho các cổ đông hiện hữu để huy động vốn thật nhanh.

Điều hành tiền tệ phải theo cơ chế thị trường

PV: Đáng chú ý là xu hướng ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu huy động vốn diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng đang dư thanh khoản, do hoạt động cho vay gặp nhiều khó khăn và NHNN liên tục bơm ròng thanh khoản trên thị trường mở. Liệu có nghịch lý không khi ngân hàng tăng huy động trái phiếu, nhưng doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận vốn?

Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, việc bơm tiền cho nền kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, nên như thế nào để đảm bảo doanh nghiệp có tiềm lực vẫn còn cơ hội tồn tại mà không gây nên nợ xấu? Trong điều hành tiền tệ, chúng ta cần lưu ý điều gì?

LS Trương Thanh Đức: Trong bối cảnh ngân hàng đang dư thừa thanh khoản, doanh nghiệp không vay được vốn, mà ngân hàng lại phát hành trái phiếu huy động vốn là không bình thường, điều này đã được khẳng định ở trên.

Tôi muốn lưu ý ở chính sách điều hành đôi khi, đôi lúc còn chưa phù hợp, chưa thống nhất đã tạo những kẽ hở trong quá trình thực hiện.

Ví dụ từ tình trạng nhập nhèm, tiêu cực đã dẫn tới những sai phạm tại các đại án kinh tế khiến nhiều cán bộ ngân hàng phải chịu tù tội, đó chính là sự trả giá khủng khiếp.

Đến bây giờ, lại có chuyện gia hạn cho những khoản vay ngắn hạn để lấy nguồn cho vay trung và dài hạn. Không nên làm như thế. Huy động vốn ngắn hạn chỉ cho vay ngắn hạn, huy động vốn trung và dài hạn thì phải dành cho vay trung và dài hạn. Muốn huy động nguồn vốn vay cho trung và dài hạn có thể huy động trên thị trường cổ phiếu, dựa trên kênh phát hành trái phiếu… không thể lấy vốn ngắn hạn để bù cho nguồn vốn trung và dài hạn được.

Chính vì cách như vậy đã khiến các ngân hàng phải gia hạn các nguồn vốn vay ngắn hạn bù đắp cho nguồn vay trung và dài hạn. Khi gia hạn vẫn không đủ thì phải phát hành trái phiếu. Cũng có khi phát hành trái phiếu còn liên quan tới việc giải ngân dễ dãi, vì trái phiếu thường mua một lúc, mọi thủ tục đều dễ dãi hơn, đảo nợ cũng nhanh hơn, nhưng lại rất khó để kiểm soát.

Chính sách điều hành tiền tệ, tài chính trong thời gian qua đã ghi nhận những tín hiệu tích cực, từ sự điều hành nhịp nhàng, ổn định, an toàn. Có thể nói là ngành ngân hàng đã giải được bài toán cực khó trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng và có tác động tiêu cực tới nền kinh tế của toàn cầu, đó là “vừa bảo đảm an toàn hệ thống, vừa giữ ổn định giá trị đồng tiền, lại vẫn bảo đảm thúc đẩy tăng trưởng”. Với nhiệm vụ đa năng như vậy mà ngân hàng vẫn hoàn thành được thì rất đáng được ghi nhận.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, dù ngành ngân hàng đã đạt được nhiều mục tiêu quan trọng trong điều hành nhưng vẫn khó tránh những sai sót.

Trước hết là sự nhầm lẫn về vai trò của ngân hàng trong việc thúc tăng trưởng. Ngân hàng không có vai trò thúc đẩy tăng trưởng, ngân hàng không thể làm thay vai trò của Bộ Tài chính.

Còn câu chuyện bơm tiền ra cho nền kinh tế như thế nào cho hiệu quả thì đó là vấn đề của thị trường, không thể can thiệp bằng các công cụ hành chính. Phải để thị trường tự phân hóa, ngân hàng sẽ quyết định đối tượng nào bảo đảm được an toàn tín dụng, đầu tư có hiệu quả, khả năng thu hồi vốn cao thì ngân hàng sẽ bơm tiền ra. Ngược lại, với những đối tượng nào không có khả năng hồi phục, không có khả năng thu hồi vốn thì họ không cho vay nữa.

Nên nhớ, ngân hàng chính là người mong muốn được cho vay vốn nhất, vì ngân hàng đang thừa tiền, nếu không cho vay được thì bản thân ngân hàng cũng chết. Hơn nữa, doanh nghiệp sống, ngân hàng mới sống được, vì thế, cứu doanh nghiệp thì không cần phải hỏi ngân hàng cũng sẽ biết cách.

Mặt khác, cũng không nên sử dụng các biện pháp can thiệp kiểu như giữ nguyên nhóm nợ. Nợ nhóm nào phải xếp vào nợ nhóm đó, phải trung thực, khách quan, chứ không thể khoanh nợ, bán nợ, biến nợ xấu thành nợ tốt được. Các giải pháp khoanh, giãn nợ chỉ là cách làm đẹp sổ sách, hết thời gian khoanh giãn nợ này, nợ xấu sẽ lại tiếp tục dềnh lên. Rất nguy hiểm.

Hay việc giảm lãi suất của các ngân hàng là phải theo khả năng, ví dụ như Vietcombank rất cần phải giảm sâu hơn, vì ngân hàng này được hưởng nhiều cơ chế ưu đãi hơn các ngân hàng khác. Ngược lại, các ngân hàng yếu kém, khó khăn có quyền không giảm lãi suất, tất nhiên khách hàng sẽ chán, sẽ chê, nhưng phải chấp nhận vì nếu giảm quá sâu ngân hàng cũng mất an toàn.

Tóm lại, muốn có một chính sách điều hành tài chính phù hợp thì việc trước tiên là phải đưa ngân hàng trở về đúng vai trò, chức năng, phải hoạt động theo đúng nguyên lý chuẩn quốc tế.

Cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ

PV: Thực tế, diễn biến tăng nóng của kênh đầu tư này đã được nhắc đến khá nhiều trong thời gian qua, không chỉ trên thị trường sơ cấp, mà tại cả thị trường thứ cấp, trái phiếu doanh nghiệp cũng sôi động hơn nhiều. Trước tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính gần đây liên tục đưa ra những cảnh báo về thị trường. Theo ông cần xử lý vấn đề này thế nào?

LS Trương Thanh Đức: Tăng “nóng” trong trường hợp này có thể được hiểu là do thị trường trái phiếu doanh nghiệp bao năm qua bị nguội, bây giờ tăng nhanh, tăng nhiều thì gọi là tăng “nóng”.

Lại thêm Nghị định số 81 sửa đổi, bổ sung một số quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/9/2020 đưa ra nhiều quy định mới, trong đó việc giới hạn mức dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, siết lại số lần phát hành trái phiếu… cũng là một trong số nguyên nhân khiến thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng “nóng”.

Diến biến trên không có gì bất thường, vấn đề là các dự án, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải công khai minh bạch, phải cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư. Những doanh nghiệp nào thông tin sai lệch, lừa đảo cần xử lý sớm.

Nếu là doanh nghiệp đại chúng thì Sở giao dịch chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần phải có ý kiến. Còn với những doanh nghiệp bình thường, kế hoạch tài chính tự các nhà đầu tư phải xem xét, lựa chọn, chứ chính sách không thể nào làm thay thị trường được.

PV: Một vấn đề khác, trong bối cảnh này, báo cáo từ HNX cũng cho thấy đã xuất hiện một số vụ doanh nghiệp phát hành trái phiếu hàng trăm tỉ trong khi tiềm lực của doanh nghiệp rất hạn chế. Thậm chí, có doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu nhiều gấp 50-100 lần vốn chủ sở hữu. Có doanh nghiệp cắt tóc, gội đầu cũng phát hành trái phiếu với tổng giá trị hàng trăm tỉ đồng như Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xích Lô Đỏ dù vốn điều lệ chỉ ở mức khiêm tốn 20 tỉ đồng. So với mức vốn góp trên, dư nợ trái phiếu cao gấp 36,9 lần. Điều này phải được lý giải như thế nào, thưa ông?

Theo ông, có nên kiểm soát hoạt động này ở các doanh nghiệp có dấu hiệu nghi vấn không và vì sao? Nếu muốn kiểm soát thì kiểm soát thế nào?

LS Trương Thanh Đức: Về nguyên tắc, doanh nghiệp cắt tóc, gội đầu hay xích lô mà có phát hành trái phiếu để huy động vốn cũng là bình thường nếu những doanh nghiệp công bố thông tin rõ ràng, đầy đủ cho nhà đầu tư có khả năng tiếp cận và có cơ chế giám sát, quản lý chặt chẽ, có cảnh báo kịp thời.

Việc công bố thông tin đầy đủ, minh bạch là để tránh tình trạng doanh nghiệp vẽ dự án ma nhưng nhà đầu tư vẫn đổ tiền vào.

Còn việc đưa ra những lời cảnh báo là để tránh tình trạng nhà đầu tư thiếu thông tin, thiếu hiểu biết, đầu tư để bị mất trắng.

Cụ thể, với những doanh nghiệp có vốn điều lệ thấp nhưng lại phát hành số lượng trái phiếu với tổng giá trị cao hơn gấp 50 -100 lần vốn chủ sở hữu thì cần phải nói rõ, bản chất ở đây là huy động vốn theo hình thức vay mượn, hai bên tự thỏa thuận với nhau. Hiện rất nhiều cửa hàng vàng cũng đứng ra huy động vốn bằng hình thức vay nợ, đến khi không trả được nợ được nữa thì tuyên bố vỡ nợ, trốn nợ. Với những trường hợp này, nói là phát hành trái phiếu chỉ là nói cho sang, nhưng bản chất chính là vay nợ.

Trong trường hợp này, nhà đầu tư chấp nhận đầu tư có thể vì ham rẻ, ham lãi cao nhưng cũng có thể do thiếu thông tin, do đó nguy cơ đối diện với rủi ro là rất lớn vì chấp nhận đầu tư là chấp nhận “lời ăn, lỗ chịu”, không có gì khó hiểu.

Vì vậy, để hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư đồng thời cũng để trả lại cho môi trường đầu tư trong sạch, minh bạch thì phải bảo đảm ba điều kiện.

Thứ nhất, yêu cầu thông tin phát hành trái phiếu phải minh bạch, rõ ràng, không được nhập nhèm.

Thứ hai, khi phát hiện những hiện tượng tăng vốn bất thường, các cơ quan chức năng phải xem xét, kiểm tra đột xuất để đánh giá, nhìn nhận vấn đề, sau đó là tuyên truyền, cung cấp thông tin rộng rãi để thị trường, công chúng, nhà đầu tư đều tiếp cận được.

Thứ ba, vì lợi nhuận luôn đi theo lãi suất, lãi suất càng cao, khả năng kiếm lời càng lớn, như vậy thì rủi ro càng nhiều, vì thế rất cần phải theo dõi chặt, bám sát để kịp thời có biện pháp xử lý nghiêm minh nhằm hạn chế doanh nghiệp làm sai, nhà đầu tư không bị thiệt.

PV: Xin cảm ơn ông!

Vũ Lan (thực hiện)

————————-

Đất Việt (Kinh tế) 23-9-2020:

https://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/trai-phieu-doanh-nghiep-tang-nhanh-ngan-hang-ganh-ca-hai-vai-3419378/

(2.929/3.254)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,738