3.216. Trốn thuế qua cổng thanh toán quốc tế: Truy vết được nếu làm tới cùng.

(LĐ) – Theo quan điểm của các chuyên gia pháp lý, dù còn hết sức gian nan nhưng nếu làm tới cùng, vẫn có thể truy vết các giao dịch bất thường qua cổng thanh toán quốc tế.

Nhiều nguy cơ nếu sử dụng giao dịch bất hợp pháp

Những ngày qua, loạt bài điều tra của Báo Lao Động đã phản ánh về một thị trường ngầm mua bán, trao đổi tiền tệ đang hằng ngày diễn ra sôi động, ngang nhiên lách qua các quy định về tỷ giá để trốn thuế, tránh sự “truy vết” của cơ quan chức năng. Việc kiểm soát dòng tiền giao dịch qua cổng thanh toán quốc tế đang trở thành bài toán nan giải cho cơ quan quản lý.

Theo các chuyên gia, dưới bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển và trở thành xu thế tất yếu như hiện nay, cần có một hành lang pháp lý đủ mạnh, theo kịp sự phát triển của công nghệ để có thể quản lý, tránh sự thất thoát nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động (PV) về các giải pháp có thể truy vết được các giao dịch qua cổng thanh toán quốc tế, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng:

“Những kênh chuyển tiền mà chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp phép rõ ràng là nằm ngoài pháp luật, là vi phạm quy định về cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán bất hợp pháp. Khi xảy ra rủi ro, tranh chấp sẽ hoàn toàn không có cơ chế pháp luật nào bảo vệ người sử dụng giao dịch bất hợp pháp. Từ đó có thể dẫn đến việc mất trắng hoàn toàn số tiền giao dịch thanh toán, chuyển và nhận tiền”.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, những hành vi trốn thuế từ 50 triệu đồng trở lên, có hành vi gian lận, che giấu nhằm không nộp đủ, không kê khai, trốn tránh thuế, tùy theo tính chất mức độ có thể bị xử phạt cao nhất lên tới 20 năm tù.

Bình luận về câu chuyện cổng thanh toán quốc tế có thể là công cụ cho hành vi rửa tiền, luật sư Trương Thanh Đức cho biết: “Đối với rửa tiền, không chỉ ở Việt Nam mà các nước trên thế giới họ có quan điểm rất nghiêm khắc về vấn đề này vì nó ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, ngoại giao, anh ninh quốc phòng.

Luật phòng chống rửa tiền của nước ta đã quy định rất rõ với hàng trăm dấu hiệu nhận diện. Trong vấn đề này, vai trò của cơ quan công an là quản lý liên quan đến hành vi phạm tội. Còn với các giao dịch, nhiều bên khác như Ngân hàng Nhà nước, cơ quan thuế cũng sẽ có trách nhiệm trong việc thu thập thông tin, phát hiện các giao dịch bất thường”.

Cụ thể, theo quy định hiện hành, khi thực hiện các giao dịch lớn, có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên, tổ chức, cá nhân phải báo cáo với Ngân hàng Nhà nước. Khi khách hàng có nhiều giao dịch trong thời gian ngắn cũng phải báo cáo. Trên cơ sở dữ liệu đó, cơ quan chức năng sẽ xem xét có dấu hiệu bất thường hay không.

 

Cần công nghệ, kỹ thuật cao để lần theo dấu vết giao dịch

Đáng chú ý, theo quan điểm của chuyên gia pháp lý, dù còn hết sức gian nan nhưng nếu làm tới cùng, vẫn có thể truy vết các giao dịch bất thường qua cổng trung gian thanh toán quốc tế.

“Bởi không có một ai tự tạo ra được tiền trong tài khoản mà phải có đầu vào mới có đầu ra. Anh phải dùng tiền mặt hay tham gia một giao dịch mua bán trung gian nào đấy, phát sinh thu nhập rồi mới chuyển sang cái tài khoản đó. Điều này trước sau cũng thể hiện bằng những giao dịch thông qua các kênh hợp pháp, các con đường vật chất, bên ngoài thì mới lên mạng điện tử. Rồi cả việc lấy tiền về, rút tiền ra, tiêu dùng, thanh toán” – ông Đức nói về những hoạt động có thể lưu lại vết mà cơ quan chức năng có thể lần theo.

Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng, để giám sát các giao dịch qua cổng thanh toán quốc tế buộc phải dùng đến công nghệ, kĩ thuật cao để lần theo dấu vết các giao dịch bất thường.

“Nếu chúng ta không đầu tư về mặt công nghệ, không quan tâm siết chặt quản lý thì các hoạt động chuyển và nhận tiền bất hợp pháp sẽ trở thành vấn nạn, sẽ trở thành nguy cơ rất lớn cho nền kinh tế” – ông Đức nhận định.

Đồng quan điểm, TS Phạm Nguyễn Anh Huy – Khoa Kinh doanh và Quản trị (Đại học RMIT) cho biết vẫn có thể kiểm soát các hoạt động giao dịch qua cổng trung gian thanh toán bởi khi khai báo thông tin để gia nhập các cổng này, người sử dụng đã phải đưa ra một số thông tin cá nhân nhất định.

“Ở Việt Nam, như hiện tại, một số cổng thanh toán yêu cầu khi đăng ký phải nhập thông tin tài khoản ngân hàng. Từ đó, khi có dấu hiệu bất thường, cơ quan chức năng kiểm tra thì có thể biết được ai là người đăng ký tài khoản đó. Dòng tiền có thể luân chuyển nhưng vẫn truy vết được” – TS Phạm Nguyễn Anh Huy nói.

Theo chia sẻ từ người trong cuộc, có rất nhiều cách thức để trốn thuế qua cổng thanh toán quốc tế.

Rõ ràng tình trạng “trốn thuế qua cổng thanh toán quốc tế” là điều đang diễn ra. Các cổng thanh toán quốc tế Paypal, Payoneer,… hiện vẫn chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Nó đang trở thành công cụ đắc lực cho các giao dịch tài chính bất hợp pháp, trốn tránh trách nhiệm nộp thuế theo quy định của Nhà nước. Vì vậy, các giải pháp để quản lý và kiểm soát các hoạt động trên tại Việt Nam là rất cần thiết và cấp bách, cần sự nhanh chóng vào cuộc của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng.

ĐÌNH TRƯỜNG – LAN HƯƠNG


Lao Động (Kinh doanh) 29-12-2020:

https://laodong.vn/kinh-te/tron-thue-qua-cong-thanh-toan-quoc-te-truy-vet-duoc-neu-lam-toi-cung-864124.ldo

(674/1.157)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.730. Ra mắt cuốn “cẩm nang” tra cứu về pháp...

(ND) - Cuốn sách “Cẩm nang pháp luật ngân hàng (Nhận diện những vấn...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.279. Tình trạng thuê người mua ngoại tệ: Cần...

(HNM) - Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện tình trạng đăng tin tìm...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,502