2.435. Doanh nghiệp nội gặp khó vì quy định siết chuyển giá.

(DĐDN) – Nhiều doanh nghiệp Việt bày tỏ lo lắng về giới hạn chi phí lãi vay 20% theo quy định tại Nghị định 20, khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thua lỗ.

Tháng 2/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Có hiệu lực từ 1/5/2017, nghị định này nhằm quản lý, chống thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với các doanh nghiệp có quan hệ liên kết. Đối tượng áp dụng là doanh nghiệp cả trong và ngoài nước.

Đáng chú ý Nghị định 20 là quy định khống chế tỷ lệ lãi vay. Khoản 3, Điều 8 Nghị định này quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế”. Khi đó, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.

Nghị định ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp trong nước

Liên quan đến vấn đề này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa nhận được kiến nghị của Công ty cổ phần thương mại CITICOM. Theo đó, CITICOM khẳng định quy định này đặc biệt gây khó khăn cho những công ty đang lỗ.

“Việc đưa ra quy định lãi vay không vượt ngưỡng 20% tổng lợi nhuận là chưa hợp lý. Bởi theo quy định, các doanh nghiệp đều có thể được khấu trừ các loại chi phí nếu là hợp lý, hợp lệ. Đặc biệt, trong khi doanh nghiệp nước ngoài thường chỉ sử dụng nguồn vốn vay với tỷ lệ nhỏ bên cạnh nguồn vốn chủ sở hữu thì ngược lại, hầu hết doanh nghiệp trong nước đều có chung đặc điểm là sử dụng nguồn vốn vay rất lớn, đến 70 – 80%.

Vì vậy, quy định này sẽ khiến doanh nghiệp mất tính chủ động và cơ hội trong phát triển kinh doanh, mở rộng đầu tư sản xuất cùng như kém cạnh tranh so với các doanh nghiệp nhà nước”, đơn kiến nghị nếu.

Hơn nữa, theo CITIMOM nếu các công ty có liên kết có mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp bằng nhau thì tổng thể thuế thu nhập doanh nghiệp là không đổi và không rủi ro khi doanh thu tài chính của công ty này là chi phí tài chính của công ty khác.

Nghị định 20 là nhằm “siết” các đối tượng nghi ngờ chuyển giá nhưng khi áp dụng hầu như chỉ có doanh nghiệp trong nước bị “dính”

Tương tự, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, Nghị định 20 đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, khiến họ đứng trước nguy cơ từ lãi thành lỗ.

Về vấn đề này, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho rằng Nghị định 20 không phù hợp, tạo sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Theo đó, công ty chứng khoán Vietcombank chỉ phát sinh giao dịch liên kết trong hoạt động đi thuê văn phòng với công ty mẹ, không hề phát sinh lãi vay với các doanh nghiệp liên kết.

“Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty mẹ, công ty liên kết cũng như công ty chứng khoán Vietcombank đều là 20%. Tôi đánh giá mục tiêu và động lực để các công ty thực hiện hoạt động chuyển giá gần như không có. Nhưng trao đổi với Cục thuế Hà Nội, Tổng cục Thuế, chúng tôi vẫn phải chịu khống chế trần chi phí lãi vay 20%. Tính ra, phải kê khai và nộp thuế bổ sung với phần chi phí vượt quá giới hạn này, đây là quy định không phù hợp, hạn chế hoạt động doanh nghiệp, tạo sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp có giao dịch liên kết và không có giao dịch liên kết”, đại diện Vietcombank nhận xét.

Chuyên gia khẳng định không phù hợp

Về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam khẳng định quy định này sẽ không phù hợp với tất cả doanh nghiệp trong nước khi đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc khống chế chi phí lãi vay được trừ 20% trên lợi nhuận thuần trước lãi và khấu hao lại là các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, những doanh nghiệp đang đầu tư vào những ngành trọng điểm cần số vốn rất lớn. Bởi lẽ, các doanh nghiệp cùng công ty con đều hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam nên đều phải áp dụng các quy định về chính sách thuế của pháp luật Việt Nam.

“Căn cứ theo quy định tại Điều 9 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành không có quy định về khống chế lãi tiền vay như quy định khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20. Quy định này tại Nghị định 20 cũng chưa phù hợp với Luật Thuế thu nhập hiện hành nên không có cơ sở để thực hiện theo quy định này. Hơn nữa, khoản 3, Điều 8 không phân biệt doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước là cách áp dụng rất cứng nhắc, cào bằng theo kiểu thấy một người đau mắt nhưng bắt cả làng đeo kính, chỉ khiến cộng đồng doanh nghiệp gặp thêm nhiều khó khăn”, ông Đức nói.

Luật sư Trần Xoa, chuyên gia tư vấn thuế, phân tích: Điểm yếu vẫn tồn tại lâu nay của các doanh nghiệp trong nước là vốn ít, phần lớn phải vay vốn từ các ngân hàng, tổ chức tài chính khác. Đây là phần vốn vay độc lập không thuộc các hoạt động giao dịch liên kết. Trong khi đó, các tập đoàn nước ngoài thường có tiềm lực tài chính mạnh hơn nên ít sử dụng vốn vay hơn. Mục tiêu của Nghị định 20 là nhằm “siết” các đối tượng nghi ngờ chuyển giá nhưng khi áp dụng hầu như chỉ có doanh nghiệp trong nước bị “dính”. Đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành không quy định điều này thì Nghị định 20 thực tế không dựa trên cơ sở luật nào. Điều này đã khiến các doanh nghiệp nghĩ rằng cơ quan quản lý đang “tận thu” đối với đơn vị kinh doanh mà không khuyến khích việc đầu tư mới.

“Cần xem xét lại một số điểm chưa hợp lý trong quy định trên. Đó là không nên tính gộp chi phí lãi vay của bên độc lập vào tỷ lệ khống chế dưới 20% theo quy định. Bên cạnh đó, trường hợp các doanh nghiệp có giao dịch liên kết nhưng được thành lập theo pháp luật Việt Nam không có ưu đãi, có cùng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thì dù có vay lẫn nhau cũng không dẫn đến chuyển giá. Do đó có thể không áp dụng cho các đối tượng này”, luật sư Trần Xoa nêu rõ.

Huyền Trang


Diễn đàn DN (KD&PL) 03-12-2018:

http://enternews.vn/doanh-nghiep-gap-kho-vi-quy-dinh-siet-chuyen-gia-141025.html

(244/1.245)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Luận cứ bào chữa cho 3 bị cáo vụ Tân...

Chuẩn bị 3 phương án hoàn toàn khác nhau: Phương án 1 là 1 mất 1...

Phỏng vấn 

4.281. Ông Trần Quí Thanh nhận thức hành vi của...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,315