3.589. Tăng mức phạt lấy cắp thông tin thẻ ngân hàng.

(TN) – Mức phạt đối với hành vi lấy cắp thông tin thẻ ngân hàng mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ tăng lên trong năm 2022.

Không những vậy, hàng loạt hành vi vi phạm lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng cũng bị xử phạt nặng hơn.

Lấy cắp thông tin thẻ ngân hàng, phạt đến 150 triệu đồng

Vào những ngày cuối năm 2021, Công an Quảng Bình phá vụ án nhóm Nguyễn Cao Hoàng (trú tại Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) thuê người dân mở tài khoản ngân hàng, tạo ví điện tử rồi bán lại cho các con bạc sử dụng để thanh toán trực tuyến lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Cụ thể, Hoàng thuê người mời gọi người dân mở tài khoản ngân hàng rồi trả tiền công cho người mời 400.000 đồng/tài khoản. Người này đi mua lại tài khoản của ai đồng ý mở tài khoản với giá 100.000 đồng, người giới thiệu được 40.000 đồng. Sau khi có tài khoản ngân hàng, nhóm này mở ví điện tử để hưởng ưu đãi gói quà 700.000 đồng và sau đó bán lại ví điện tử với giá 50.000 – 300.000 đồng.

Hành vi cho thuê, cho mượn thẻ sẽ bị phạt nặng

Trong quá trình khám xét chỗ ở, cơ quan chức năng đã thu gần 2.000 thẻ sim điện thoại, gần 200 thẻ ATM, 5 thiết bị simbox, 16 bộ máy tính, một máy in màu, hơn 3.600 bộ hồ sơ tài khoản ngân hàng đã mở, hơn 3.000 file ảnh CMND chuẩn bị để đăng ký tài khoản… Công an Quảng Bình đang làm việc với hơn 3.000 cá nhân, tổ chức bị hại trên toàn quốc.

Trước đó, TAND TP.Hà Nội đã tuyên phạt án tù với 2 sinh viên vì mở thuê 73 tài khoản và chuyển thông tin tài khoản cho nhóm lừa đảo sử dụng để nhận tiền từ người bị hại.

Mức xử phạt với các hành vi chưa đến mức bị truy cứu hình sự quá nhẹ chính là một trong những lý do khiến tình trạng đánh cắp thông tin thẻ ngân hàng ngày càng nở rộ.

Vì thế, Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định 143/2021 sửa đổi Nghị định 88/2019 về tăng mức xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng. Đồng thời, bổ sung một số hành vi vi phạm về thanh toán, cho vay tiêu dùng; phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố; quy định rõ xử phạt hành vi vi phạm hành chính nhiều lần, hành vi vi phạm hành chính có nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ…

Cụ thể, lấy cắp thông tin thẻ ngân hàng mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mức phạt từ 50 – 100 triệu đồng lên 100 – 150 triệu đồng; thuê, mượn, cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên, bị phạt tiền từ 50 – 100 triệu đồng. Đối với đơn vị trung gian thanh toán, phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng khi vi phạm tiết lộ, cung cấp thông tin khách hàng, thông tin về số dư ví điện tử và các giao dịch thanh toán của khách hàng tại tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không đúng quy định của pháp luật. Phạt tiền từ 15 – 20 triệu đồng đối với các tổ chức tín dụng không kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ; vi phạm quy định về biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ theo quy định của pháp luật về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính…

Phạt nặng để răn đe

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc điều hành Công ty luật ANVI, cho rằng đa số người cho thuê, cho mượn tài khoản đều gặp khó khăn về kinh tế và không lường trước được việc người mua sử dụng tài khoản vào lừa đảo. Do đó, nếu có phát hiện cũng khó có thể xử lý hành chính người cho thuê, cho mượn dù phạt nặng hay nhẹ. Ở đây, việc lấy cắp thông tin khách hàng mà chưa gây ra hậu quả gì thì phạt hành chính. Trường hợp lấy thông tin tài khoản và thực hiện lấy tiền thì lúc này đã là chiếm đoạt tiền của người khác và xử phạt hình sự.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng nguyên tắc của việc tăng mức xử phạt là hạn chế vi phạm luật. Thế nhưng thực tế, vi phạm quy định pháp luật có giảm hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố như nhận thức người dân, hành vi ngăn chặn kịp thời hay không rồi mới đến việc xử lý nghiêm. Chẳng hạn trước đây, ông Nguyễn Cà Rê (TP.Cần Thơ) bán 100 USD tại tổ chức không được phép, cơ quan chức năng phạt 90 triệu đồng. Thời điểm đó việc mua bán USD bên ngoài khá nhiều nhưng nay thì hiện tượng này giảm, dù rằng mức xử phạt có điều chỉnh giảm xuống so với trước. Điều này cho thấy mức xử phạt chỉ là biện pháp sau cùng mà nên truyền thông cho người dân những việc được làm và không được làm để họ biết mà tránh. Nhiều hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng được liệt kê rất nhiều nhưng người dân chưa biết và vi phạm thì cần tăng cường tuyên truyền cho họ nhiều hơn.

TS Nguyễn Hữu Huân, Phó trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, lại cho rằng việc tăng mức phạt là cần thiết khi số vi phạm, tội phạm về lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng gia tăng. Việc xử phạt thấp từ vài chục đến trăm triệu đồng nhiều khi chưa mang tính răn đe nếu số tiền chiếm được gấp nhiều lần. Do đó, nếu được, cần quy định mức xử phạt theo tỷ lệ phần trăm hoặc phạt từ 1 – 3 lần số tiền vi phạm có được từ việc phạm tội mà có.

Các hành vi vi phạm trong thực tế sẽ khó phát hiện, chẳng hạn như lấy cắp thông tin tài khoản thẻ, cho mượn, cho thuê thẻ… Việc phát hiện đòi hỏi phải có sự tham gia của các cơ quan chức năng, ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý.

TS Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM

Thanh Xuân

—————-

Thanh niên (Tài chính KD) 08-01-2022:

https://thanhnien.vn/tang-muc-phat-lay-cap-thong-tin-the-ngan-hang-post1419151.html

(307/1.137)

 

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,731