3.596. Luật sư phân tích 3 hình thức xử lý ông Trịnh Văn Quyết ‘bán chui’ cổ phiếu FLC.

(SH) – Chuyên gia Luật đã có những phân tích xung quanh đề xuất xem xét xử lý hình sự với cá nhân ông Trịnh Văn Quyết về hành vi ‘bán chui’ 74,8 triệu cổ phiếu.

Ông Trịnh Văn Quyết.

Vi phạm rất rõ ràng, rất nghiêm trọng

Vụ việc ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC ‘bán chui’ 74,8 triệu cổ phiếu với tổng số tiền giao dịch khoảng 1.580 tỷ đồng đang được các cơ quan chức năng xem xét xử lý.

Trao đổi với PV, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI cho hay, sự việc bán “chui” 74,8 triệu cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết rất rõ ràng, rất nghiêm trọng.

Theo luật sư Đức, ông Trịnh Văn Quyết đã vi phạm Điều 33 trong Nghị định 156/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, khi không công bố thông tin dự kiến giao dịch, trong khi ông là Chủ tịch HĐQT lẫn cổ đông lớn của FLC.

Ông Quyết có thể bị xử phạt theo cả 3 hình thức gồm xử phạt hành chính, phạt bổ sung và khắc phục hậu quả.

Quy định hiện hành phân chia ra nhiều khung, tùy thuộc theo giá trị cổ phiếu giao dịch không tuân thủ việc công bố thông tin.

Với việc bán chui gần 74,8 triệu cổ phiếu FLC, trường hợp của ông Quyết nằm trong khung phạt tiền cao nhất 3% đến 5% giá trị chứng khoán giao dịch thực tế nếu giao dịch có giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên.

Tuy nhiên, mức phạt tiền tối đa với cá nhân có vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán chỉ là 1,5 tỷ đồng.

 

Luật sư Trương Thanh Đức.

Ngoài ra, hình thức xử phạt bổ sung bao gồm: đình chỉ hoạt động chào mua công khai, hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán, hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán, hoạt động văn phòng đại diện, hoạt động lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán, giao dịch chứng khoán hoặc các hoạt động khác, được ghi trong quyết định xử phạt trong thời hạn từ 1 đến 12 tháng.

Đặc biệt, luật sư Đức nhấn mạnh, vi phạm lần này của ông Trịnh Văn Quyết có thể bị buộc khắc phục hậu quả và đây là điểm mới của Nghị định 156.

Cụ thể, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có thể bị buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán, phát hành, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán, cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất ghi trên trái phiếu hoặc lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp hoặc khoản thu trái pháp luật có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Đối chiếu với trường hợp của Chủ tịch FLC, luật sư chỉ rõ, ông Quyết có thể phải thu hồi gần 74,8 triệu cổ phiếu đã bán ra và hoàn trả tiền cho những nhà đầu tư đã mua cổ phiếu của mình cùng với lãi suất không kỳ hạn. Thứ hai, ông Quyết có thể phải nộp lại số tiền thu lãi do hành vi vi phạm trên.

Luật sư Trương Thanh Đức nhận định, nếu áp dụng cả hai hình thức xử phạt này thì ông Quyết sẽ phải chịu thiệt hại lớn về hành vi bán gần 74,8 triệu cổ phiếu nhưng không công bố thông tin dự kiến giao dịch của mình.

Xem xét dấu hiệu thao túng thị trường chứng khoán?

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính đã đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải chỉ đạo Công ty chứng khoán phong tỏa ngay tài khoản chứng khoán của ông Quyết, buộc mua lại toàn bộ số cổ phiếu đã bán ra trong phiên 10/1 và tịch thu toàn bộ số tiền chênh lệch ông Quyết được hưởng lợi vào ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, ông Hải đề xuất xem xét xử lý hình sự với cá nhân ông Quyết vì hành vi ‘bán chui’ cổ phiếu này.

Về đề nghị xem xét xử lý hình sự đối với Chủ tịch FLC trong vụ việc ‘bán chui’ 74,8 triệu cổ phiếu của ông Quyết, luật sư Trương Thanh Đức cho hay, tùy vào việc điều tra, xem xét hành vi, mức độ vi phạm mà cơ quan chức năng có thể đưa ra quyết định cụ thể. Ở đây cần xem xét có hay không dấu hiệu vi phạm 3/4 điều quy định tại Bộ Luật Hình sự về chứng khoán.

Cụ thể, thứ nhất là điều 209 quy định về tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.

Thứ hai, điều 210 quy định về tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán.

Thứ ba, điều 211, quy định về tội thao túng thị trường chứng khoán.

“Ở tội thao túng thị trường chứng khoán quy định nếu có các hành vi như: che giấu thông tin hoạt động chào bán chứng khoán mà gây thiệt hại cho nhà đầu tư 1 tỷ đồng trở lên; hoặc thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng trở lên; hoặc có hành vi thông đồng, cấu kết với nhau để lôi kéo người khác liên tục mua bán chứng khoán nhằm ảnh hưởng lớn đến cung cầu, giá, tạo ra cung cầu giả tạo, thao túng giá…

Do đó, với hành vi bán chui cổ phiếu, cần xem xét có hay không dấu hiệu thao túng thị trường chứng khoán để xử lý”, luật sư Đức nêu rõ và cho biết, trước đây đã có nhiều trường hợp bị xử lý hình sự về các tội liên quan đến chứng khoán.

Còn luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Hợp Danh – Thiên Thanh cho rằng, việc xem xét xử lý hành chính đối với việc ‘bán chui’ 74,8 triệu cổ phiếu của Chủ tịch FLC là hoàn toàn có cơ sở, tuy nhiên việc xem xét xử lý hình sự sẽ không đơn giản.

Hiện nay, căn cứ để xem xét xử lý hình sự đối với những hành vi liên quan đến chứng khoán này đa phần đang đặt ra vấn đề về hậu quả (thiệt hại) hay thu lợi bất chính, song hai vấn đề này hiện chưa có hướng dẫn chi tiết, cụ thể.

Bởi, liên quan đến chứng khoán, yếu tố thị trường, tâm lý, thời điểm, cách thức khác nhau rất lớn.

 

Luật sư Nguyễn Thế Truyền.

“Theo quy định, muốn xem xét xử lý hình sự về hành vi thao túng thị trường chứng khoán phải có thiệt hại, thu lợi bất chính bao nhiêu tỷ và khi đó, sẽ cấu thành vật chất. Tuy nhiên, việc thẩm định giá trị vật chất ở đây lại thiếu cơ sở.

Cụ thể, thời điểm nào sẽ được coi là có căn cứ để xác định thiệt hại hoặc thu lợi? Có lấy theo T+3 hay phải theo mốc thời gian nào?

Trong trường hợp của ông Quyết, hôm qua (10/1), cổ phiếu ông này bán ra mức giá là như vậy (tạm tính theo mức giá đóng cửa ngày 10/1 là 21.150 đồng/cổ phiếu của FLC, ông Trịnh Văn Quyết thu khoảng gần 1.580 tỷ đồng – PV), nhưng hôm nay, giá cổ phiếu này lại tiếp tục tăng.

Như vậy, yếu tố thiệt hại và thu lợi (hay cấu thành vật chất) không còn. Do đó, việc xử lý sẽ khó khăn và đây cũng là bất cập của pháp luật trong việc xử lý tội danh liên quan chứng khoán”, luật sư Truyền chỉ rõ.

Theo luật sư Đức, đây không phải là lần đầu tiên ông Quyết có hành vi như trên. Cuối năm 2017, ông Trịnh Văn Quyết đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt vì không báo cáo về việc dự kiến giao dịch bán 57 triệu cổ phiếu FLC. Thời điểm đó, số tiền ông Quyết thu về ước tính hàng trăm tỷ đồng.

Hoàng Đan

—————

Soha (Pháp luật) 11-01-2022:

https://soha.vn/ong-trinh-van-quyet-ban-chui-co-phieu-flc-luat-su-noi-ve-de-nghi-xem-xet-xu-ly-hinh-su-20220111153848075.htm

(870/1.452)

 

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Luận cứ bào chữa cho 3 bị cáo vụ Tân...

Chuẩn bị 3 phương án hoàn toàn khác nhau: Phương án 1 là 1 mất 1...

Phỏng vấn 

4.281. Ông Trần Quí Thanh nhận thức hành vi của...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,298