3.739. Diễn đàn hỏi đáp trực tuyến về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

(BCA) – Từ 8h00 đến 11h00 ngày 06/5/2022, Bộ Công an tổ chức Diễn đàn hỏi đáp trực tuyến về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an. Tham gia diễn đàn, trực tiếp giải đáp, trao đổi với độc giả và nhân dân có Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an và Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI.

Toàn cảnh Diễn đàn.

Bạn đọc Tuấn Thành, TP. Hồ Chí Minh: Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đang điều chỉnh đồng thời 3 lĩnh vực ATGT, kết cấu hạ tầng và vận tải đường bộ. Các đối tượng điều chỉnh khác nhau nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một Luật. Điều này có dẫn đến bất cập gì không?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: An toàn giao thông thuộc lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội; xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ thuộc lĩnh vực kinh tế – kỹ thuật. Tên gọi Luật Giao thông đường bộ là chuyên ngành nhưng nội dung, phạm vi điều chỉnh không đúng là luật chuyên ngành dẫn đến hiểu không đúng về mục tiêu của từng lĩnh vực.

Bạn đọc Huy Hà, Vĩnh Phúc: Bộ Công an cho tôi hỏi, việc ban hành 2 luật sẽ mang lại lợi ích gì cho nhà nước và người dân?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13/11/2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/ 2009 thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2001 như chúng tôi đã nêu,  qua 14 năm thực hiện đã bộc lộ một số bất cập.

Việc ban hành 2 luật sẽ luật hóa một số quy định ở các văn bản dưới luật và bổ sung một số quy định mới, tạo ra một hành lang pháp lý để giải quyết những vấn đề cấp bách, bất cập thực tiễn đang đặt ra về trật tự, an toàn giao thông. Đồng thời, sẽ cụ thể hóa trách nhiệm quản lý nhà nước rõ ràng, rành mạch, cụ thể cho từng bộ, ngành, trong đó xác định Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, khắc phục những bất cập, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và công tác tổ chức thực thi pháp luật,đảm bảo tính chuyên nghiệp, tránh chồng chéo, tạo bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra; cung cấp cơ sở khoa học cho việc lập quy hoạch, kế hoạch phát triển phương tiện tham gia giao thông cho phù hợp nhằm hạn chế ùn tắc giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, việc ban hành 2 luật sẽ có tác động tích cực về mặt xã hội, mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp:

(1) Tạo được sự thuận lợi, an toàn; tạo thói quen tốt cho người dân, doanh nghiệp khi tham giao thông, góp phần quan trọng xây dựng nền giao thông văn minh. Đây là mục tiêu, lọi ích cao nhất.

(2) Phòng ngừa, hạn chế các loại tội phạm và vi phạm pháp luật lợi dụng phương tiện giao thông để hoạt động; đảm bảo được việc tuân thủ pháp luật; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp và các bên có liên quan tiếp cận thông tin phương tiện giao thông dễ dàng và thuận tiện hơn và không làm phát sinh chi phí cho người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

(3) Nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật kỹ năng điều khiển phương tiện của người tham gia giao thông, an toàn, phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn giao thông, theo đó giảm chi phí xã hội giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông.

(4) Giảm thiểu các thiệt hại về kinh tế, xã hội, môi trường thông qua việc xây dựng cơ chế để khắc phục các bất hợp lý về tổ chức giao thông, các “điểm đen” về tai nạn giao thông, các vị trí, đoạn tuyến, khu vực thường xảy ra ùn tắc giao thông.

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an trao đổi với bạn đọc tại Diễn đàn. 

Bạn đọc Gia Bắc, Tiền Giang: Tôi muốn hỏi, gần 14 năm áp dụng Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đến thời điểm hiện tại đạo luật này còn phù hợp với tình hình phát triển của đất nước hay không?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Sau hơn 13 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Luật này không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Nếu tiếp tục kết cấu trong một luật như hiện nay thì không thể quy định được đầy đủ, rõ ràng và khó có sự liên kết chặt chẽ giữa các nội dung, chế định của từng lĩnh vực hoặc nội dung quá lớn, không phù hợp về phạm vi, đối tượng điều chỉnh và tên của luật.

Thực tiễn đòi hỏi phải xây dựng các luật chuyên ngành để điều chỉnh từng lĩnh vực. Trong đó, xây dựng Luật TTATGTĐB để xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, khắc phục được những tồn tại, yếu kém hiện nay, đề cao bảo vệ tính mạng cho con người… Xây dựng Luật Đường bộ để phát triển hạ tầng giao thông, quản lý vận tải, thích ứng với sự thay đổi, phát triển nhanh của kinh tế, xã hội, khoa học, kỹ thuật, hướng tới phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, vận tải hiện đại, đồng bộ, chất lượng.

Bối cảnh xây dựng các Luật Giao thông đường bộ năm 2001 và 2008 là khi người dân chủ yếu dùng xe máy, nên yêu cầu khác hiện nay. Lần này, khi sửa đổi, chúng tôi sẽ còn nhiều chính sách liên quan để đảm bảo an toàn cho người đi đường, phát triển đường sá, phát triển đường bộ, nhất là đảm bảo quyền con người, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

Bạn đọc Trần Trinh, Hà Nội: Tôi được biết, chỉ khi chúng ta có một hệ thống pháp luật rõ ràng, đầy đủ, minh bạch, dễ nắm bắt, dễ thực hiện kèm theo đó là hệ thống các chế tài đủ sức răn đe thì việc chấp hành pháp luật về TTATGTĐB mới được đảm bảo. Bộ Công an cho tôi hỏi, Luật mới này có đề cao tính giáo dục về văn hoá giao thông hay chỉ đặt nặng tính răn đe?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Giáo dục và răn đe là 2 thuộc tính của pháp luật. Quá trình xây dựng Luật TTATGTĐB chúng tôi coi trọng cả 2 yếu tố này. Dự luật quy định ngắn gọn để người tham gia giao thông biết quyền và nghĩa vụ khi tham gia giao thông. Dự luật chỉ 61 điều chuyên sâu về an toàn giao thông, quy định rõ hành vi cấm, được và không được làm. Nếu vi phạm thì phải chấp hành chế tài của Nhà nước.

Luật đảm bảo công khai minh bạch, dễ hiểu dễ nhớ, với mục tiêu là quyền con người, bảo vệ tính mạng và tài sản (giảm thiểu tai nạn giao thông); để người dân tự phòng ngừa vi phạm; ứng dụng công nghệ phát hiện vi phạm. Không có luật nào xây dựng chỉ để phạt, nhưng nếu vi phạm bị phát hiện thì phải xử lý nghiêm minh.

Đồng thời, sẽ đặt nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, để khi không có lực lượng Cảnh sát thì người dân vẫn phải chấp hành luật, nếu không chấp hành thì phải chịu chế tài của Nhà nước.

(Video)
Đại tá Đỗ Thanh Bình trả lời bạn đọc tại Diễn đàn. 

Bạn đọc Việt Anh, Cao Bằng: Việc xem thường an toàn, vi phạm giao thông thường xuyên chủ yếu bắt nguồn từ việc lấy bằng lái xe quá dễ. Luật mới có khắc phục được tình trạng này không?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Hiện nay, trình tự, thủ tục đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ được quy định tại Luật Giao thông đường bộ, Nghị định và Thông tư của Bộ Giao thông vận tải cơ bản đã sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin, vận dụng kinh nghiệm các nước tiên tiến. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, các quy định đã bộc lộ những nội dung còn chưa cụ thể, chưa sát với thực tiễn tình hình giao thông đường bộ tại Việt Nam để người tham gia giao thông tự giác thực hiện. Theo thống kê, từ năm 2009 đến tháng 12/2021, toàn quốc đã xảy ra 361.636 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 113.897 người, bị thương 356.149 người, chiếm hơn 97% số vụ, số người chết, người bị thương trong tổng số vụ tai nạn của các loại hình giao thông; đáng chú ý nguyên nhân gây tai nạn giao thông do lỗi của người tham gia giao thông chiếm trên 90% số vụ.

Để khắc phục tình trạng trên, về người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, dự thảo Luật quy định nhiều điểm mới như: Người đủ 17 tuổi trở lên được đăng ký học lái xe; người học lái xe được lựa chọn cơ sở đào tạo lái xe, giáo viên dạy lái theo yêu cầu, được đào tạo hoặc lựa chọn hình thức tự học các kiến thức về pháp luật giao thông đường bộ; người được cơ sở đào tạo xác nhận đã hoàn thành chương trình đào tạo, được lựa chọn và đăng ký với cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe để tham dự kỳ sát hạch; kết quả đào tạo, sát hạch lái xe phải thông tin công khai; sửa đổi một số hạng giấy phép lái xe để phù hợp với Công ước Viên năm 1968… Tiếp tục khẳng định quan điểm của Chính phủ đối với hoạt động quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và quản lý sau khi cấp giấy phép là quản lý hành vi trực tiếp của con người để bảo đảm về kiến thức, kỹ năng điều khiển phương tiện, liên quan trực tiếp đến an toàn tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông.

Bạn đọc Tố Như, Hưng Yên: Hiện nay, người tham gia giao thông theo xu thế lấp đầy, nghĩa là cứ chỗ nào trống là vào khiến tình trạng kẹt càng thêm kẹt . Để hạn chế, tôi đề nghị với những điểm có mặt đường lớn nên chia theo làn đường như làn đường đi thẳng, rẽ trái, rẽ phải cách các điểm nút 100 đến 200 mét để dẫn hướng. Người giám sát có thể là lái xe ôm (có trả công và đăng ký viễn thông qua Website), camera giám sát… các ông thấy đề xuất đó thế nào?

Luật sư Trương Thanh Đức: Vấn đề như bạn nêu ở nước ta hiện này là tham gia giao thông theo kiểu “điền vào chỗ trống” thực chất là ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGTĐB còn hạn chế, thiếu ý thức, trống chỗ nào chèn vào chỗ đó, vi phạm về quy tắc sử dụng làn đường (người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép…); quy tắc chấp hành quy định khoảng cách giữa các xe (phải chấp hành quy định về tốc độ, khoảng cách an toàn tối thiểu với xe phía trước cùng làn đường hoặc phần đường); quy tắc chuyển hướng xe (quan sát, bảo đảm khoảng cách an toàn với xe phía sau, giảm tốc độ và bật tín hiệu báo hướng chuyển mới được phép chuyển hướng)…

Về thực trạng nêu trên, ngoài vấn đề ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông về trật tự an toàn giao thông thì hạ tầng giao thông đường bộ và công tác tổ chức giao thông cũng còn nhiều bất cập như: Trên các trục giao thông chính còn có nhiều giao cắt cùng mức, tổ chức giao thông giao thông tại các nút giao và trên các trục đường chưa khoa học, chưa có nhiều đường xương cá hoặc ô bàn cờ để xe dễ dàng lưu thoát, bố trí vạch sơn kẻ đường, biển báo hiệu đường bộ để phân định làn rẽ trái, làn rẽ phải, nơi được chuyển làn đường, các loại biển báo hoặc chưa có cũng là nguyên nhân tạo nên một tình trạng giao thông lộn xộn như hiện nay ở nước ta.

Đề giải quyết vấn đề này, thiết nghĩ cần thực hiện nghiêm về các vấn đề sau đây: (1) Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về quy tắc giao thông đường bộ khi tham gia gia giao thông đường bộ ở nhiều cấp độ khác nhau để tạo ý thức tốt và thói quen chấp hành luật khi tham gia giao thông; (2) Cơ quan quản lý Nhà nước thực thi nhiệm vụ rõ ràng, minh bạch, nghiêm túc để tạo sự răn đe chung; (3) Trong công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ, cần làm tốt công tác tổ chức giao thông tại các nút giao và trên đường từ việc bố trí biển báo hiệu, vạch sơn kẻ đường, bố trí làn đường, nơi chuyển hướng,… một cách khoa hoạch, rõ ràng để người tham gia giao thông chấp hành pháp luật một cách đầy đủ.

Bạn đọc Ngọc Quyết, Thanh Hóa: Tại dự thảo trước đây, nội dung về giấy phép lái xe đã được chuyển đổi cơ quan quản lý đào tạo, cấp giấy phép từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an. Tại sao đến nay lại quyết định chưa thay đổi cơ quan quản lý?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Tại dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trình Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã thống nhất quy định giao Bộ Công an chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe là xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và là đòi hỏi khách quan để phù hợp với chức năng quản lý con người về trật tự, an toàn xã hội; gắn trách nhiệm chính của Bộ Công an trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo đúng Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 “Một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”; phù hợp với thẩm quyền của Chính phủ quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ.

Tuy nhiên, tiếp thu các ý kiến góp ý hợp lý, để bảo đảm tính linh hoạt và phù hợp với phương hướng, nhiệm vụ hoàn thiện tổ chức bộ máy của Chính phủ trong những năm tiếp theo, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo chỉnh lý dự thảo Luật, chỉ quy định nội dung chính sách về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và những vấn đề mang tính nguyên tắc về quản lý nhà nước đối với công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, không quy định về chức năng, nhiệm vụ của các Bộ. Tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật ngày 04/3/2022, Chính phủ đã thống nhất sau khi Luật được ban hành, tiếp tục giao Bộ Giao thông vận tải thực hiện quản lý nhà nước đối với công tác này, Bộ Công an tham gia giám sát, bảo đảm có sự phối hợp, kiểm soát quyền lực chặt chẽ.

Bạn đọc Hồng Cẩm, Lào Cai: Công tác đào tạo và sát hạch lái xe đang được Bộ Giao thông vận tải quản lý và sát hạch. Tôi thấy có nhiều bất cập không đảm bảo chất lượng khi giao công tác dạy lái xe cho một số bộ phận giáo viên không đủ chuyên môn. Vậy dự thảo Luật  mới có đưa “Công tác đào tạo và sát hạch lái xe” cho Bộ Công an đào tạo và tổ chức sát hạch không?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Quản lý Nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là quản lý quá trình chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Do đó việc chuyển đổi chức năng quản lý Nhà nước về đào tạo, sát hạch lái xe phải phù hợp với chức năng nhiệm vụ của các Bộ, Ngành, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước với mục tiêu cao nhất là đẩy lùi tai nạn giao thông do nguyên nhân từ ý thức chủ quan của con người. Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp của các Bộ, Ban, Ngành trong quá trình xây dựng Luật thì hiện naytrong Dự thảo Luật chỉ quy định nội dung chính sách về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và những vấn đề mang tính nguyên tắc về quản lý nhà nước đối với công tác này, không quy định về chức năng, nhiệm vụ của các Bộ.Tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật ngày 04/3/2022, Chính phủ đã thống nhất sau khi Luật được ban hành, tiếp tục giao Bộ Giao thông vận tải thực hiện quản lý nhà nước đối với công tác này, Bộ Công an tham gia giám sát, bảo đảm có sự phối hợp, kiểm soát quyền lực chặt chẽ.

Đại tá Đỗ Thanh Bình và Luật sư Trương Thanh Đức cùng trả lời bạn đọc tại Diễn đàn.

Bạn đọc Hồng Minh, Vĩnh Phúc: Tôi được biết, các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cần phải cụ thể hóa trong luật, ví dụ như vấn đề phát triển hạ tầng, quản lý các loại hình vận tải để phù hợp với tình hình mới trong việc kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông, phòng ngừa giải quyết ùn tắc giao thông, duy trì trật tự, kỷ cương và phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân thì vấn đề mà dự thảo luật đề ra đã thể hiện ở những điểm nào? Luật sư Trương Thanh Đức có thể làm rõ những điểm mới này được không?

Luật sư Trương Thanh Đức: Mục tiêu cơ bản nhất của Luật Trật tự, an toàn giao thông là phòng ngừa, giảm thiệt hại gây ra do tai nạn giao thông, bảo vệ tính mạng sức khỏe cho người tham gia giao thông, bảo vệ quyền con người và góp phần giải quyết ùn tắc giao thông. Do vậy, các chính sách quy định trong Luật đều bám sát theo mục tiêu đó với trọng tâm là các quy tắc, chế định liên quan việc chấp hành pháp luật, quản lý hành vi của người tham gia giao thông. Cụ thể:

– Về quy tắc giao thông đường bộ: Nội luật hóa quy định trong Công ước Viên năm 1968 về Giao thông đường bộ phù hợp với điều kiện Việt Nam; bổ sung các quy định quy tắc giao thông về ưu tiên bảo người yếu thế như trẻ em, người già, người khuyết tật, người đi bộ khi tham gia giao thông đường bộ; bổ sung, sửa đổi, làm rõ hơnnội hàm của nhiều quy tắc giao thông bảo đảm phù hợp thực tiễn, phòng ngừa tai nạn giao thông như: tránh, vượt, chuyển làn đường, chuyển hướng, lùi xe, giao thông trên đường cao tốc…; bổ sung các quy tắc về mở cửa xe, sử dụng đèn tín hiệu…

– Về phương tiện tham gia giao thông đường bộ: xác định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là nguồn nguy hiểm cao độ khi tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông, Luật đã quy định điều kiện của phương tiện tham gia giao thông; về cấp, thu hồi, đăng ký biển số xe theo hướng quản lý chặt chẽ hơn phương tiện tham gia giao thông, theo dõi được sự thay đổi số lượng, cơ cấu, chủng loại phương tiện trên cơ sở dữ liệu đăng ký xe, từ đó giúp tham mưu cho Đảng, Chính phủ hoạch định các chính sách về phương tiện giao thông.

– Về người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ: Quy định theo hướng nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, bảo đảm đánh giá thực chất được trình độ, kiến thức, kỹ năng của người lái xe, đặc biệt là kỹ năng xử lý tình huống khi tham gia giao thông.

– Về tổ chức an toàn giao thông, chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ: Quy định về giải quyết những bất cập về tổ chức giao thông là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; trách nhiệm và cơ chế giải quyết ùn tắc giao thông của các bộ và ủy ban nhân dân địa phương.

– Về giải quyết tai nạn giao thông đường bộ: Quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc khắc phục kịp thời hậu quả các vụ tai nạn giao thông.

– Về thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm: Xây dựng nền tảng pháp lý để phát hiện, xử lý vi phạm; ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

– Về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước: Phân công rõ ràng trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành, ủy ban nhân dân địa phương, trong đó xác định Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ thực hiện các nội dung quản lý nhà nước cụ thể; Ủy ban nhân dân địa phương thực hiện các nội dung, biện pháp theo địa bàn và dự thảo cũng thể hiện phân cấp mạnh thẩm quyền quản lý cho chính quyền địa phương để bảo đảm tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt. 

Bạn đọc Thu Vân, Kon Tum: Theo đề xuất của Bộ Công an, cá nhân và tổ chức có thể lựa chọn các hình thức cấp biển số xe theo quy định hiện hành (thông qua hệ thống đăng ký) hoặc lựa chọn việc cấp biển số xe theo sở thích (có thu phí) và lựa chọn việc cấp biển số xe thông qua hình thức đấu giá. Người dân nếu có nhu cầu chọn biển số theo ý thích có thể đăng ký mua và trả phí cho biển số đã lựa chọn.  Ông có thể nói rõ hơn về những quy định của dự án Luật trong việc quy định đấu giá, cấp biển số xe ô tô chống gian lận, đảm bảo công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho người dân lựa chọn thích hợp ?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Dự thảo quy định xe cơ giới tham gia giao thông phải được cấp biển, đây là điều kiện để tham gia giao thông, còn hình thức cấp biển do Chính phủ quy định. Luật Quản lý tài sản công quy định tài nguyên số là một dạng tài sản công nên Chính phủ sẽ quyết định dưới hai hình thức. Một là vẫn duy trì hình thức cũ (bấm số ngẫu nhiên) để đảm bảo công khai minh bạch, bên cạnh đó có thể đấu giá biển số nếu người dân có nhu cầu.

Hiện nay việc đấu giá biển số không còn đưa vào dự thảo luật vì nó liên quan đến rất nhiều luật, cần phải sửa đổi bổ sung chứ không riêng luật Trật tự an toàn giao thông. Quy định cấm mua bán biển số trái phép hiện đã sửa, còn quy định về quyền và nghĩa vụ dân sự của người trúng đấu giá đang có nhiều ý kiến. Đây là quyền tài sản đầy đủ hay là chỉ sử dụng, thì việc này cần có thời gian xem xét.

Bộ Công an sẽ báo cáo với Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét đề án thí điểm đấu giá biển số. Điều này phải sửa đổi cả Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách. Tinh thần của đề án là tất cả biển số đưa ra để cấp thì người dân đều được chọn bấm ngẫu nhiên, không có biển số xấu đẹp, nhưng sắp tới sẽ có biển số theo nhu cầu như biển số theo tên.

 

Bộ Công an đang trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết để xin ý kiến Quốc hội về việc thí điểm đấu giá biển số xe vì nội dung này liên quan đến nhiều luật chứ không riêng luật về giao thông.

 

Hiện nay, người dân chỉ có một hình thức bấm biển số ngẫu nhiên. Chúng tôi đề nghị người dân được lựa chọn hoặc là bấm biển số ngẫu nhiên hoặc lựa chọn biển số. Nếu lựa chọn thì số đó sẽ được chuyển sang cơ quan phụ trách đấu giá trực tuyến công khai. Người nào trả giá cao hơn sẽ được tiếp nhận.

Bạn đọc Đắc Huyền, Đồng Tháp: Chúng ta đang dần áp dụng công nghệ 4.0 vào trong đời sống. Vậy có cách nào để giải quyết tình trạng một số trường hợp Cảnh sát giao thông xử lý sai lỗi hoặc yêu cầu người dân về trụ sở đơn vị để giải quyết không? Bộ có kênh nào hỗ trợ người dân phản biện, tránh mất thời gian và tiền bạc không?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Hiện Chính phủ đã có đề án 165 về việc lắp đặt hệ thống camera trên tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm tại Hà Nội và TP. HCM. Mọi việc xử phạt sẽ được xử lý bởi ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đảm bảo xử phạt nghiêm minh. Từ năm 2020, người dân có thể nộp phạt qua Cổng dịch vụ Công quốc gia, Cổng dịch vụ công của Cảnh sát giao thông. Việc trả lại giấy tờ đã có dịch vụ bưu chính công ích.

Bạn đọc Ninh Hoa, Bắc Ninh có ý kiến: Việc tách Luật Giao thông đường bộ 2008 thành 2 Luật là không cần thiết bởi như vậy Luật đường bộ sẽ thiếu 2 thành tố quan trọng là quy tắc giao thông đường bộ và người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Còn Luật TTATGTĐB thì lại không phủ hết được các nội dung liên quan đến an toàn giao thông đường bộ như kết cấu hạ tầng đường bộ, phương tiện giao thông, vận tải đường bộ?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Việc xây dựng và ban hành Luật TTATGTĐB và Luật Đường bộ là sự thể chế hóa quan điểm, đường lối chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất của Đảng, là đòi hỏi tất yếu, khách quan của thực tiễn để đáp ứng yêu cầu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ trong tình hình mới.

Qua 4 năm chuẩn bị từ năm 2019 đến năm 2022, Chính phủ đã nghiên cứu, thảo luận rất kỹ, thống nhất cao, ban hành 05 Nghị quyết về việc này. Đồng thời đã chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải tổ chức nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đơn vị, địa phương, các tổ chức, cá nhân là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản và đã nhận được sự đồng thuận cao của việc xây dựng 2 Luật.

Lý luận và thực tiễn cho thấy trật tự, an toàn giao thông thuộc lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội để điều chỉnh hành vi chấp hành quy tắc ứng xử của người tham gia giao thông nhằm thiết lập, duy trì trạng thái trật tự, kỷ cương từ đó bảo đảm sự an toàn về tính mạng, sức khỏe cho con người khi di chuyển trên đường giao thông. Còn xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ thuộc lĩnh vực kinh tế – kỹ thuật điều chỉnh mối quan hệ trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, bảo trì tài sản công (công trình giao thông), lĩnh vực kinh tế vận tải hàng hóa, hành khách, tuân thủ các yêu cầu của kinh tế thị thường. Hai lĩnh vực lớn với mục tiêu và đối tượng điều chỉnh khác nhau như vậy không thể kết cấu trong cùng một Luật.

Nghiên cứu 5 trụ cột về an toàn giao thông của Liên hợp quốc gồm: (1) Quản lý an toàn giao thông; (2) Đường an toàn và lưu thông an toàn; (3) Phương tiện giao thông an toàn; (4) Người tham gia giao thông an toàn; (5) Ứng phó sau tai nạn và thấy rằng 5 trụ cột là một thể thống nhất trong xây dựng hệ thống pháp luật, không phải trong cùng một luật mới là thể thống nhất.

Qua trao đổi kinh nghiệm và nghiên cứu, tham khảo pháp luật của nhiều quốc gia, cho thấy nhiều quốc gia xây dựng tách bạch thành các luật riêng về an toàn giao thông, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào có 3 đạo luật riêng biệt về 3 lĩnh vực là an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ; Trung Quốc, Singapore, Philippin, Campuchia có 2 đạo luật về lĩnh vực an toàn giao thông và kết cấu hạ tầng giao thông/luật về đường cao tốc; Nga, Đức có đạo luật riêng về an toàn giao thông…

Nếu tiếp tục kết cấu như Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì không thể đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới khi xã hội đã trải qua hơn 13 năm vận động, phát triển và có rất nhiều thay đổi, đòi hỏi phải có tư duy mới, cách làm mới chứ tuyệt nhiên không thể duy trì cái cũ đã lỗi thời. Khi tách ra thì 2 dự án Luật này có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau, là mối quan hệ giữa các ngành luật trong hệ thống pháp luật, có tính thống nhất và liên kết với nhau, không cản trở, mâu thuẫn nhau.

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó Trưởng phòng, Phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an trả lời bạn đọc tại Diễn đàn.

Bạn đọc Hoàng Phi, Trà Vinh: Hiện nay Giấy phép lái xe đã tích hợp vào Căn cước công dân, vậy người dân có cần trình Giấy phép lái xe nữa ko hay chỉ cần trình Căn cước công dân?

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh: Thời gian qua, việc Giấy phép lái xe (GPLX) được tích hợp vào Căn cước công dân (CCCD) nhằm khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong việc liên kết các dữ liệu chuyên ngành khác với dữ liệu quốc gia về dân cư. Khi GPLX được kết nối vào CCCD sẽ giảm được một số thủ tục hành chính, giảm các bước thủ tục hành chính trung gian gây phiền hà cho nhân dân như: Thủ tục liên quan đến cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe, cơ quan có thẩm quyền có thể làm các thủ tục liên quan đến GPLX tại bất cứ nơi nào (thường trú, tạm trú) mà không cần làm các thủ tục xác nhận như trước đây; việc thay đổi nơi ở của công dân được cập nhật vào cơ sở dữ liệu dân cư, do vậy các vụ việc hành chính của công dân (bị xử phạt, thông báo vi phạm…) cũng sẽ rất thuận lợi cho người dân và công tác quản lý nhà nước về TTATGTĐB.

Theo khoản 1 Điều 41 Công ước Viên về giao thông đường bộ mà Việt Nam tham gia ký kết là thành viên, quy định: Người điều khiển phương tiện cơ giới phải có giấy phép lái xe; khoản 2 Điều 41 Công ước Viên, quy định: Quốc gia ký kết phải công nhận những lái xe sở hữu Giấy phép lái xe quốc tế phù hợp với quy định Công ước.

Đồng thời, theo khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới.

Những vấn đề quy định về giấy phép lái xe, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải nội luật hóa những nội dung mà Công ước Viên về giao thông đường bộ quy định; kế thừa Luật Giao thông đường bộ 2008. Vì vậy: Người dân khi điều khiển xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ phải mang theo giấy phép lái xe theo quy định là bắt buộc.

Bạn đọc Ánh Lê, Hưng Yên: Hiện nay, tiêu chuẩn sức khỏe để lái xe đã sát thực tế, vừa đủ chặt chẽ nhưng ko quá khắt khe để mất cơ hội thiết yếu của mọi người. Có 1 điều trong dự thảo tôi hơi băn khoăn: “Người khuyết tật điều khiển phương tiện tham gia giao thông được cấp giấy phép lái xe phù hợp với loại xe và tình trạng khuyết tật”. Theo tôi thì chúng ta cũng không cần tách biệt người khuyết tật ra riêng mà cứ căn cứ trên bộ tiêu chuẩn sức khỏe nói chung để áp dụng với tất cả mọi người. Tránh trường hợp tạo sự phân biệt thái quá hoặc quá khắt khe về tiêu chuẩn sức khỏe của người khuyết tật. Sự phân biệt thái quá sẽ làm cản trở người khuyết tật hòa nhập và phát triển.

Tôi thấy ở các nước phát triển, tiêu chuẩn đầu vào của 1 kỳ thi thường không quá khó, nhưng quá trình và đầu ra cần thắt chặt. Việc này đảm bảo càng nhiều người có cơ hội thì càng tốt, nhưng kết quả phải thực chất. Tôi mong Bộ Công an lưu tâm điều này để tiêu chí sức khỏe không quá khắt khe cho mọi người. Bộ Công an nghĩ sao về vấn đề này?

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh: Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông là chủ thể mang tính quyết định đến sự an toàn, bởi liên quan chặt chẽ đến các yếu tố như khả năng nhận thức và năng lực hành vi, kỹ năng lái xe, kỹ năng phán đoán, xử lý tình huống, điều kiện sức khỏe, trạng thái tâm lý, quá trình chấp hành pháp luật về hình sự, hành chính… Khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải hiểu và chấp hành các quy định của pháp luật để lưu thông an toàn, bảo đảm tính mạng, sức khỏe cho mình và cho những người tham gia giao thông khác. Theo dự thảo Luật, Điều 39 Giấy phép lái xe, Khoản 2 quy định Người khuyết tật điều khiển phương tiện tham gia giao thông được cấp giấy phép lái xe phù hợp với loại xe và tình trạng khuyết tật là đảm bảo cho người khuyết tật được điều khiển phương tiện tham gia giao thông một cách an toàn. Điều kiện về sức khỏe của người khuyết tật được quy định tại Khoản 3 Điều 40 Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải có sức khỏe phù hợp với từng loại phương tiện được phép điều khiển. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết Khoản này.

Bạn đọc Quang Nam, Hà Giang: Bộ Công an nhận xét gì về tỷ trọng của vận tải đường bộ so với các phương thức vận tải hiện nay?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Vận tải đường bộ hiện phải đảm nhận tỷ trọng lớn, không cân đối với các phương thức vận tải khác. Kinh doanh vận tải là kinh doanh có điều kiện nhưng quy định chưa rõ, chưa đủ cơ chế, chính sách để phát triển tương xứng với nhu cầu xã hội.

Bạn đọc Văn Tuấn, Hà Nam: Bộ Công an có thể chia sẻ một số kinh nghiệm về việc xây dựng Luật này ở một số quốc gia khác trên thế giới?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Trong quá trình xây dựng dự án Luật, cơ quan soạn thảo đã trao đổi kinh nghiệm và nghiên cứu, tham khảo pháp luật của nhiều quốc gia, cho thấy không có quốc gia nào ban hành luật giao thông đường bộ bao gồm cả 3 lĩnh vực an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng và vận tải đường bộ; các quốc gia xây dựng luật riêng về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhiều quốc gia xây dựng luật riêng về đường bộ cao tốc, luật riêng về vận tải đường bộ.

Bạn đọc Hải Yến, Hải Phòng: Tôi muốn biết các phương tiện tham gia giao thông di chuyển với tốc độ như thế nào được gọi là ùn tắc giao thông? Bộ Công an có giải pháp gì giải quyết tình trạng ùn tắc tại các khu đô thị lớn?

Luật sư Trương Thanh Đức: Đây là vấn đề quan trọng mà cả người dân và nhà nước quan tâm; xuất phát từ nhiều lý do và tác động ảnh hưởng lớn đến quyền lợi, sự an toàn của nhân dân cũng như sự phát triển kinh tế xã hội. Hiện tại chưa có quy định thống nhất thế nào là ùn, tắc. Khi xảy ra ùn tắc phải xử lý nhiều biện pháp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lực lượng. Do đó đây là vấn đề cơ bản mà Luật cần được đưa ra một cách cụ thể hơn có tính định lượng hoặc hướng dẫn bằng các văn bản dưới Luật từ đó có khung chính sách, để đảm bảo tổ chức hiệu quả, an toàn giao thông, bảo vệ quyền đi lại, sức khỏe con người.

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Bộ Công đang nghiên cứu nhiều giải pháp về vấn đề này. Trong đó đặc biệt quan tâm nghiên cứu đưa ra biện pháp công nghệ đo tốc độ phương tiện, tốc độ lưu thông, lưu lượng phương tiện vào từng thời điểm cụ thể  để đề ra giải pháp về hạ tầng và tổ chức giao thông. Cảnh báo, cung cấp thông tin kịp thời cho nhân dân thông qua các phương tiện truyền thông đặc biệt hướng tới xây dựng bản đồ số về giao thông. Tiếp tục đề xuất tăng cường sử dụng phương tiện công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân; tích cực tham mưu hoàn thiện chính sách trong đó có việc quy hoạch hạ tầng giao thông. Kết hợp hài hòa giữa các biện pháp kinh tế và hành chính để người dân linh hoạt lựa chọn phương án giao thông, sử dụng tối ưu hạ tầng hiện tại.

Bạn đọc Mai Hạnh, Bắc Giang: Việc đi ngược chiều trên cao tốc và xe máy đi vào đường cao tốc rất nhiều, thậm chí xe máy chạy ngược chiều trên cao tốc. Bộ Công an cần thay đổi thế nào về hình thức xử phạt và kiểm soát việc này?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: 
– Về hành vi vi phạm đi ngược chiều trên đường cao tốc và đi xe máy vào đường cao tốc đã có quy định xử phạt tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.Hiện nay trên các tuyến cao tốc đã lắp đặt các hệ thống camera giám sát. Cơ quan Cảnh sát giao thông vận hành hệ thống để giám sát hoạt động giao thông trên tuyến, phát hiện các hành vi vi phạm của người và phương tiện tham gia giao thông, trong đó có hành vi đi ngược chiều, đi xe máy vào đường cao tốc, để thực hiện xử phạt theo thông báo vi phạm; ngoài ra còn bố trí lực lượng Cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát cơ động trên tuyến để phát hiện, xử lý vi phạm.

– Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã có một điều riêng quy định về giao thông trên đường cao tốc, theo đó: Người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô, các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được đi trên đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.

Bạn đọc Tuấn Quang, Đồng Nai: Vấn nạn sửa chữa đường không có cảnh báo, cũng không trả lại mặt bằng phẳng gây rất nhiều tai nạn và việc lưu thông của phương tiện. Vậy có cơ quan nào kiểm tra và tiếp nhận thông tin người dân phản ảnh vấn đề này không. Nếu có thì đó là cơ quan  nào?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Dự thảo Luật đã có 02 điều riêng quy định về vấn đề này:

– Về việc giải quyết tai nạn giao thông. Tất cả vụ tai nạn giao thông đều phải tìm nguyên nhân: một là do người điều khiển vi phạm quy tắc giao thông; hai là do phương tiện mất an toàn; ba là do hạ tầng mất an toàn như cắm biển báo sai, đào, sửa đường mà không có cảnh báo… Nếu hạ tầng mất an toàn để xảy ra tai nạn thì cơ quan quản lý hạ tầng, đơn vị sửa chữa đường phải chịu trách nhiệm.

– Về kiến nghị về an toàn giao thông đối với công trình đường bộ đang khai thác sử dụng. Theo đó: Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện các yếu tố có nguy cơ mất an toàn giao thông công trình đường bộ đang khai thác, vận hành phải báo ngay cho cơ quan quản lý công trình đường bộ, cơ quan Công an nơi gần nhất để xử lý, khắc phục.

+  Cơ quan Công an khi tiếp nhận thông tin về các yếu tố có nguy cơ mất an toàn giao thông công trình đường bộ đang khai thác, vận hành hoặc thông qua thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nếu phát hiện các yếu tố có nguy cơ mất an toàn giao thông công trình đường bộ, có trách nhiệm xử lý, khắc phục trong phạm vi quản lý hoặc kiến nghị cơ quan quản lý công trình đường bộ xử lý, khắc phục kịp thời;Trường hợp cần thiết, thực hiện các biện pháp điều khiển giao thông hoặc tạm thời đình chỉ hoạt động giao thông tuyến đường nếu gây mất an toàn giao thông.

+ Cơ quan quản lý công trình đường bộ đang khai thác, vận hành có trách nhiệm: Tiếp nhận, kiểm tra và có kế hoạch xử lý, khắc phục các yếu tố có nguy cơ mất an toàn giao thông công trình đường bộ theo quy định của pháp luật đường bộ và thông báo kết quả xử lý, khắc phục cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã kiến nghị.

Bạn đọc Văn Hà, Lâm Đồng: Tôi là tài xế xe tải, trong quá trình chở hàng, tôi đã có lần bị lập biên bản bởi 2 lực lượng làm nhiệm vụ trên đường là CSGT và một lực lượng khác với trang phục là màu xanh da trời. Vậy trường hợp này ai là người có quyền lập biên bản lỗi vi phạm của tôi?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Đối với vụ việc mà công dân hỏi, chúng tôi chưa nghiên cứu hồ sơ vụ việc cụ thể mà công dân cung cấp. Vì vậy, để có câu trả lời cụ thể đối với vụ việc cụ thể mà công dân hỏi thì cơ quan chức năng cần nghiên cứu hồ sơ vụ việc nêu trên để có câu trả lời chính xác. Tuy nhiên, qua thông tin ban đầu, việc xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo nguyên tắc sau:

(1) Việc xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo nguyên tắc “Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần” quy định tại Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020.

(2) Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi vi phạm về giao thông đường bộ được quy định tại chương thẩm quyền, thủ tục xử phạt của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, đường sắt; Nghị định số 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, giao thông đường bộ, đường sắt và hàng không dân dụng.

Ban tổ chức tiếp nhận câu hỏi của bạn đọc gửi về Diễn đàn.

Bạn đọc Linh Anh, Hà Nội: Thời gian gần đây rất nhiều các vụ TNGT liên quan đến chất lượng đường như vụ tai nạn ở đường Lê Duẩn hôm vừa rồi. Tình trạng nắp cống thoát nước không cùng phẳng với mặt đường, trách nhiệm là của ai?CSGT làm việc trực tiếp trên đường, có trách nhiệm phản ảnh với cơ quan chức năng về việc sau cải tạo sửa chữa đường bộ không?
Đại tá Đỗ Thanh Bình: Tại khoản 5 Điều 52 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 về “Bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ” quy định: “5. Người nào phát hiện công trình đường bộ bị hư hỏng hoặc bị xâm hại, hành lang an toàn đường bộ bị lấn chiếm phải kịp thời báo cho Uỷ ban nhân dân, cơ quan quản lý đường bộ hoặc cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý; trường hợp cần thiết có biện pháp báo hiệu ngay cho người tham gia giao thông biết. Khi nhận được tin báo, cơ quan có trách nhiệm phải nhanh chóng thực hiện các biện pháp khắc phục để bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.”.

Như vậy, việc phát hiện công trình đường bộ bị hư hỏng, bị xâm hại, hành lang an toàn đường bộ bị lấn chiếm là trách nhiệm của mọi công dân. Thực tế thời gian qua, Cơ quan Công an khi tiếp nhận thông tin về các yếu tố có nguy cơ mất an toàn giao thông công trình đường bộ đang khai thác, vận hành hoặc thông qua thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông như: Điều tra tai nạn giao thông, Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, chỉ huy điều khiển giao thông, nếu phát hiện các yếu tố có nguy cơ mất an toàn giao thông công trình đường bộ đều có biện pháp khắc phục trong phạm vi quản lý (như đối với các bất hợp lý về vận hành chu kỳ đèn tín hiệu)hoặc kiến nghị cơ quan quản lý công trình đường bộ xử lý, khắc phục.

Căn cứ theo khoản 3 Điều 52 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 về “Bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ” thì: “3. Đơn vị quản lý công trình đường bộ có trách nhiệm bảo đảm an toàn kỹ thuật của công trình, liên đới chịu trách nhiệm đối với tai nạn giao thông xảy ra do chất lượng quản lý, bảo trì công trình; trường hợp phát hiện công trình bị hư hỏng hoặc có nguy cơ gây mất an toàn giao thông thì phải xử lý, sửa chữa kịp thời, có biện pháp phòng, chống và khắc phục kịp thời hậu quả do thiên tai gây ra đối với công trình đường bộ.”.

Theo thống kê, từ năm 2021 đến nay, lực lượng CSGT đã kiến nghị 4.300 điểm bất cập về tổ chức giao thông, điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông gửi ngành Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan để có biện pháp khắc phục, trong đó có 894 kiến nghị (vỉa hè; hệ thống chiếu sáng; cây xanh; cống thoát nước;…), chiếm (21,6%).

Số kiến nghị hiện nay được ngành Giao thông vận tải khắc phục là 1084 chiếm 25,2%. Số kiến nghị hiện nay chưa được nghành Giao thông vận tải chưa khắc phục là 3216 chiếm 74,8%. Có 434 kiến nghị (chiếm 10,1%) chưa được khắc phục là điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Bạn đọc Quang Thanh, Hà Nội: Hình ảnh từ camera hành trình xe ô tô của tôi có được lấy làm cơ sở để phạt nguội các xe vi phạm khác không? Hình ảnh và video gửi đến đâu để Công an phạt xe vi phạm đó?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Chính phủ ban hành Nghị định 135/2011/NĐ-CP quy định về danh mục, việc quản lý sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp về phát hiện vi phạm hành chính. Trong đó, hình ảnh do các cá nhân cung cấp được sử dụng là căn cứ để “phạt nguội”. Trường hợp này các cơ quan chức năng phải xác minh tính chính xác của hình ảnh được cung cấp, được sử dụng để xử phạt. Mọi người dân có thể gửi hình ảnh đến các cơ quan CSGT hoặc các diễn đàn về giao thông. Bộ Công an sẽ sử dụng app VNEID để tiếp nhận thông tin dữ liệu phục vụ xử lý, xác minh hành vi vi phạm.

Dự thảo Luật quy định cụ thể, trách nhiệm của chủ phương tiện đối với hành vi vi phạm được phản ánh.

Luật sư Trương Thanh Đức: Phương tiện tham gia giao thông được xác định là nguồn nguy hiểm cao đối với an toàn giao thông. Quy định rõ chế tài rõ đối với việc sử dụng phương tiện và giao phương tiện không an toàn cho người khác lưu hành. Ghi lại được hình ảnh vi phạm là rất tốt; sử dụng hình ảnh đúng pháp luật cũng rất tốt. Các cơ quan chức năng có trách nhiệm bảo vệ danh tính người cung cấp và xác minh nguồn tin.Việc “phạt nguội” thực tế triển khai rất hiệu quả. Xử lý được vấn đề này có tính giáo dục và răn đe rất lớn, giảm áp lực cho lực lượng CSGT; phù hợp với quan điểm của Đảng và Nhà nước trong về phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong đảm bảo an toàn xã hội.

Bạn đọc Minh Trang, Hà Tĩnh: Các biển báo và vạch kẻ đường hiện này còn nhiều bất cập. Ví dụ Quốc lộ 5 biển báo hạn chế tốc độ quá gần nhau, phân chia làn đường xe tải và xe con thay đổi liên tục gây căng thẳng cho lái xe. Cảnh sát giao thông cũng thường lấy việc này để bắt lỗi lái xe ô tô. Như vậy thì trách nhiệm thuộc về ai và Luật mới có xử lý được những bất cập này không?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Theo quy định tại Điều 10 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 về Hệ thống báo hiệu đường bộ, trong đó có biển báo hiệu (Biển báo cấm, Biển báo nguy hiểm, Biển hiệu lệnh, Biển chỉ dẫn, Biển phụ) và vạch kẻ đường phân chia làn đường, vị trí hoặc hướng đi, vị trí dừng lại; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể về báo hiệu đường bộ.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 54/2019/TT-BGTVT ngày 31/12/2019 kèm theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT do Tổng cục Đường bộ Việt Nam biên soạn.

Theo thống kê, từ năm 2021 đến nay, lực lượng CSGT đã kiến nghị 4.300 điểm bất cập về tổ chức giao thông, điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông gửi ngành Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan để có biện pháp khắc phục, trong đó có kiến nghị về: Vạch sơn: 647, chiếm 15,1%; Biển báo: 1671, chiếm 38,9%

Số kiến nghị hiện nay được ngành Giao thông vận tải khắc phục là 1.084 chiếm 25,2%. Trong đó: vạch sơn: 204 kiến nghị, biển báo: 336 kiến nghị.Số kiến nghị hiện nay chưa được ngành Giao thông vận tải chưa khắc phục là 3.216, chiếm 74,8%. Trong đó: Vạch sơn: 443 kiến nghị, biển báo: 1135 kiến nghị.

Tại Điều 48 dự thảo Luật trật tự, an toàn giao thông quy định rõ Kiến nghị về an toàn giao thông đối với công trình đường bộ đang khai thác sử dụng như sau:

“1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện các yếu tố có nguy cơ mất an toàn giao thông công trình đường bộ đang khai thác, vận hành phải báo ngay cho cơ quan quản lý công trình đường bộ, cơ quan Công an nơi gần nhất để xử lý, khắc phục.

2. Cơ quan Công an khi tiếp nhận thông tin về các yếu tố có nguy cơ mất an toàn giao thông công trình đường bộ đang khai thác, vận hành theo quy định tại khoản 1 Điều này hoặc thông qua thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nếu phát hiện các yếu tố có nguy cơ mất an toàn giao thông công trình đường bộ, có trách nhiệm:
a) Xử lý, khắc phục trong phạm vi quản lý hoặc kiến nghị cơ quan quản lý công trình đường bộ xử lý, khắc phục kịp thời; b) Trường hợp cần thiết, thực hiện theo khoản 3 Điều 44 Luật này hoặc tạm thời đình chỉ hoạt động giao thông tuyến đường nếu gây mất an toàn giao thông.
3. Cơ quan quản lý công trình đường bộ đang khai thác, vận hành có trách nhiệm:
a) Tiếp nhận, kiểm tra và có kế hoạch xử lý, khắc phục các yếu tố có nguy cơ mất an toàn giao thông công trình đường bộ theo quy định của pháp luật đường bộ và thông báo kết quả xử lý, khắc phục cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã kiến nghị; b) Chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không xử lý, khắc phục theo quy định tại điểm a khoản này.”.

Bạn đọc Bảo Việt, Cần Thơ: Vấn đề đấu giá biển số xe ô tô có được đưa vào quy định trong dự thảo Luật không? Bộ Công an đề xuất cơ chế như thế nào trong đề xuất đấu giá biển số xe?

Luật sư Trương Thanh Đức: Vấn đề cấp biển số thông qua đấu giá là vấn đề thực tiễn được nhân dân rất quan tâm đã từng tổ chức thí điểm nhưng chưa đảm bảo về yếu tố pháp lý. Việc đề xuất thí điểm lần này là mở ra một số quyền của công dân như giữ lại biển số xe để sử dụng cho xe khác, chưa mở quy định quyền mua bán chuyển nhượng. Đây là cố gắng rất lớn của Bộ Công an, vấn đề này liên quan đến rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, theo tôi cần thí điểm đảm bảo chín muồi, có đánh giá tổng kết mới đưa quy định vào Luật. Biển chọn theo nhu cầu từng người, tự chọn thì sẽ đấu giá, nếu ai không có nhu cầu thì chuyển sang ngẫu nhiên, không làm hạn chế mất quyền của người dân mà có thêm một sự lựa chọn theo nhu cầu, sở thích. Nhà nước hoàn toàn quản lý được biển số, tăng thu ngân sách phục vụ an sinh xã hội, đồng thời đảm bảo công khai minh bạch, hạn chế tiêu cực trong quản lý cấp biển số xe.

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Bộ Công an đã báo cáo được Chính phủ đồng ý thực hiện thí điểm cấp biển số xe thông qua đấu giá và sẽ đưa vào Luật sau khi tổng kết thí điểm. Việc xác định biển số đẹp sẽ theo nhu cầu của từng người, cơ quan nhà nước không quy định biển như thế nào là đẹp và sẽ tổ chức đấu giá trực tuyến, công khai. Công dân vẫn được đảm bảo quyền lợi sử dụng phương tiện theo pháp luật và có thêm quyền lựa chọn.

Bạn đọc Lệ Thu, Nha Trang: Theo dự thảo có 07 nhóm cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, người dân có được truy cập, sử dụng các cơ sở dữ liệu này không?

Đại tá Đỗ Thanh Bình: Cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, được quy định là dữ liệu dùng chung: giữa cơ quan Nhà nước trong đó có một số dữ liệu người dân có thể truy cập khai thác như dữ liệu vi phạm giao thông qua hình ảnh, nhật ký điện tử, dịch vụ công về an toàn giao thông, đăng ký xe… Việc truy cập khai thác sẽ không ảnh hưởng đến quyền riêng tư của công dân.

Bạn đọc Tuấn Minh, Đà Nẵng: Tôi là lái xe taxi công nghệ gặp rất nhiều khó khăn khi dừng đỗ xe đón trả khách trong các khu phố trung tâm. Dự thảo Luật quy định các vị trí nào người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe? Có quy định dừng đỗ riêng cho xe taxi không?

Luật sư Trương Thanh Đức: Theo quan điểm của tôi, taxi là phương tiện công cộng cần ưu tiên hơn xe cá nhân. Các cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng giao thông cần quan tâm hơn về vấn đề này.

Bộ Công an trân trọng cảm ơn sự quan tâm của bạn đọc và Nhân dân. Mọi nội dung quan tâm liên quan dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ tiếp tục được Bộ Công an tiếp nhận và giải đáp tại Chuyên mục BỘ VỚI CÔNG DÂN trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an.

Ban Biên tập

—————–

Bộ Công an (Tin tức) 06-5-2022:

http://bocongan.gov.vn/tin-tuc-su-kien/dien-dan-hoi-dap-truc-tuyen-ve-du-an-luat-trat-tu-an-toan-giao-thong-duong-bo-t31684.html

(1.688/10.186)

——————

Câu hỏi phỏng vấn Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI

Câu hỏi 1. Hiện tại tôi thấy trên tất cả các con đường Hà Nội các nắp ga và nắp cống không theo quy chuẩn, lồi lõm tùy tiện, cẩu thả nhưng không thấy ai xử lý gì và cứ thế tồn tại. Luật có đề cập gì về hiện tượng này không? Trách nhiệm của lực lượng CSGT trong vấn đề này khi tách Luật?

Trả lời: Về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (trong đó có việc lắp đặt các nắp ga và nắp cống trên đường bộ) được điều chỉnh trong Luật đường bộ. Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ điều chỉnh về vấn đề quản lý con người và công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (một nội dung trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội), đảm bảo trách nhiệm, nghĩa vụ cụ thể của các bộ, ngành và người tham gia giao thông đáp ứng yêu cầu giảm tai nạn giao thông, khắc phục ùn tắc giao thông và đảm bảo thuận lợi cho người tham gia giao thông.

Câu hỏi 2. Chúng ta đang dần áp dụng công nghệ 4.0 vào trong đời sống. Vậy có cách nào để giải quyết tình trạng một số trường hợp Cảnh sát giao thông xử lý sai lỗi hoặc yêu cầu người dân về trụ sở đơn vị để giải quyết không? Bộ có kênh nào hỗ trợ người dân phản biện, tránh mất thời gian và tiền bạc không?

Hiện Chính phủ đã có đề án 165 về việc lắp đặt hệ thống camera trên tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm tại Hà Nội và TP. HCM. Mọi việc xử phạt sẽ được xử lý bởi ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đảm bảo xử phạt nghiêm minh. Từ năm 2020, người dân có thể nộp phạt qua Cổng dịch vụ Công quốc gia, Cổng dịch vụ công của Cảnh sát giao thông. Việc trả lại giấy tờ đã có dịch vụ bưu chính công ích.

Câu 3: Thưa Ông, những năm gần đây, cơ sở hạ tầng giao thông đã có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, sau sự phát triển đó cũng đặt ra rất nhiều vấn đề liên quan đến nguồn lực đầu tư, cơ chế vốn, bảo trì, bảo dưỡng. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 tuy đã có quy định chính sách về quy hoạch, đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, vận hành bảo trì, quản lý vận tải đường bộ nhưng chưa đầy đủ và cụ thể, như cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư, cơ chế về vốn, về bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng… Thực tế cho thấy khi đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ gặp nhiều khó khăn về cơ sở pháp lý, trong khi đó thực tiễn luật điều chỉnh hạ tầng đường bộ chưa thể chế đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng, tổng kết thực tiễn để trở thành luật quan trọng nhất trong quá trình triển khai thực hiện.

Câu 4: Kính thưa ông Luật Giao thông đường bộ năm 2008, đâu là những điểm cần bổ sung khi xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông?

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 không quy định đầy đủ, cụ thể về các chế định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông liên quan cần bổ sung, như: (1) Giải quyết tai nạn giao thông; (2) chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông, giải quyết các vấn đề an ninh, trật tự, sự kiện trên các tuyến giao thông; (3) cưỡng chế chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông…

Câu 5: Hiện nay người dân tham gia giao thông chỉ cần soi chiếu một luật Giao thông đường bộ, nếu Quốc hội thông qua dự Luật Trật tự an toàn giao thông và dự luật Đường bộ thì phải soi chiếu hai luật cho một hành vi. Như vậy sẽ không đảm bảo tiêu chí đơn giản trong tiếp cận luật pháp. Điều này có gây khó khăn cho người dân không?

Như đã nói ở trên, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đang có hiệu lực thi hành điều chỉnh đồng thời ba lĩnh vực khác nhau là an toàn giao thông; kết cấu hạ tầng giao thông; và vận tải đường bộ.

Thực tiễn cho thấy an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ là ba lĩnh vực rất lớn, mục tiêu, đối tượng điều chỉnh khác nhau, nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một luật. Điều này dẫn đến không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc từng lĩnh vực, phải ban hành rất nhiều văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện.

Tên gọi Luật Giao thông đường bộ là chuyên ngành nhưng nội dung, phạm vi điều chỉnh không đúng là luật chuyên ngành. Trong đó, an toàn giao thông (an toàn cho người đi đường) thuộc lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội; xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ (trong đó có chất lượng an toàn công trình và phương tiện) thuộc lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, liên quan đến đầu tư, quản lý tài sản công và hoạt động kinh tế vận tải, tuân theo quy luật thị trường.

Các quy phạm pháp luật, điều khoản, chương, mục của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 hoặc chỉ phù hợp áp dụng cho lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ hoặc chỉ phù hợp áp dụng cho lĩnh vực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ và đa số các điều khoản, chương, mục của Luật chỉ có thể áp dụng cho một lĩnh vực, không thể đồng thời áp dụng được cho cả ba lĩnh vực.

Qua trao đổi kinh nghiệm và nghiên cứu, tham khảo pháp luật của nhiều quốc gia, chúng tôi thấy nhiều quốc gia xây dựng luật về an toàn giao thông (trật tự, an toàn giao thông), luật về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhiều quốc gia xây dựng luật riêng về xây dựng, vận hành đường bộ cao tốc, luật riêng về vận tải đường bộ gắn với dịch vụ logistic. Công ước Viên mà Việt Nam tham gia cũng chỉ điều chỉnh về an toàn giao thông. Vì vậy, khi xây dựng luật chuyên sâu chỉ giúp cho trật tự an toàn giao thông được thực thi, kiểm soát tốt hơn, hoàn toàn không có khó khăn gì cho người dân.

Câu 6: Nghị quyết của Trung ương Đảng về cải cách hành chính nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước đã nêu rõ một số nhiệm vụ thuộc Bộ Quốc phòng, Công an có điều kiện dân sự hóa thì chuyển cho các bộ khác. Việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ có nên giao cho dân sự phụ trách?

Tại Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 01/8/2007 Ban chấp hành Trung ương khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, trong đó có nội dung: Một số nhiệm vụ thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có đủ điều kiện dân sự hóa thì chuyển cho các Bộ không thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quản lý nhằm tập trung hơn nhiệm vụ xây dựng quân đội, công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Bộ Công an luôn tập trung xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ngành công an luôn xác định làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, không làm thay nhiệm vụ của bộ, ngành khác và bộ, ngành khác cũng không làm thay nhiệm vụ của ngành công an.

Việc xác định nhiệm vụ nào là “đủ điều kiện dân sự hóa” là theo quan điểm, đường lối chỉ đạo của Đảng, đúng Hiến pháp, pháp luật, phù hợp với thực tiễn trong từng giai đoạn phát triển của đất nước. Nếu Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ cho bộ, ngành nào thực hiện thì bộ, ngành đó phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân về nhiệm vụ được giao.

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ hiện nay điều chỉnh các nội dung: Quy tắc giao thông; điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; chỉ huy, điều khiển giao thông; giải quyết tai nạn giao thông; tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đây là những chế định nhằm bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông, duy trì trật tự, kỷ cương, không quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước của các bộ, ngành. Nội dung này sẽ do Chính phủ quy định tại các nghị định liên quan.

Câu 7: Trong dự thảo Luật đã có những biện pháp mạnh hơn để giảm thiểu tình trạng tổ chức đua xe trái phép, coi thường pháp luật, sử dụng ma tuý trong khi điều khiển phương tiện giao thông, đặc biệt là đối với các tổ chức kinh doanh vận tải không? Có thể đưa ra các biện pháp truy tố hình sự đối với các hành vi trên không?

Dự thảo luật chỉ quy định các hành vi bị cấm như đua xe, lạng lách, đánh võng, sử dụng ma túy… Trên cơ sở hành vi đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ quy định phạt bao nhiêu, phạt như thế nào. Luật Trật tự an toàn giao thông chỉ quy định về hành vi, còn chế tài thì các luật khác sẽ điều chỉnh. Ở một số nước như Campuchia, ở cuối luật sẽ có quy định nếu có các hành vi vi phạm thì sẽ xử phạt thế nào, nhưng luật nước mình thì sẽ quy định tại Nghị định.

Câu 8: Luật mới có đề cao tính giáo dục về văn hoá giao thông hay chỉ đặt nặng tính răn đe?

Dự luật quy định ngắn gọn để người tham gia giao thông biết quyền và nghĩa vụ khi tham gia giao thông. Dự luật chỉ 60 điều chuyên sâu về an toàn giao thông, quy định rõ hành vi cấm, được và không được làm. Nếu anh vi phạm thì phải chấp hành chế tài của Nhà nước.

Luật đảm bảo công khai minh bạch, dễ hiểu dễ nhớ, với mục tiêu là quyền con người, bảo vệ tính mạng và tài sản (giảm thiểu tai nạn giao thông); để người dân tự phòng ngừa vi phạm; ứng dụng công nghệ phát hiện vi phạm. Không có luật nào xây dựng chỉ để phạt, nhưng nếu vi phạm bị phát hiện thì phải xử lý nghiêm minh.

Chúng tôi sẽ đặt nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, để khi không có cảnh sát thì người dân vẫn phải chấp hành luật, nếu không chấp hành thì phải chịu chế tài của Nhà nước

Câu hỏi 9.  Trong điều kiện chúng ta áp dụng công nghệ để tăng cường xử phạt nguội thì có thể nó liên quan đến một số luật hiện hành ví dụ như Luật Xử lý vi phạm Hành chính. Nếu theo quy trình của Luật này thì thủ tục nó rất nhiều khâu ví dụ anh phải lập biên bản vi phạm, rồi ra quyết định xử phạt thì bây giờ áp dụng công nghệ vào trên cơ sở dữ liệu người ta ghi nhận thì có cần thiết phải lập biên bản hay không, có cần thiết phải ra quyết định xử phạt hay là tất cả những nội dung đó chúng ta thực hiện trong điều kiện qua mạng, qua hệ thống.

Câu 10: Luật giao thông đường bộ năm 2008 đang điều chỉnh 03 lĩnh vực khác nhau: an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ thuộc nội dung quản lý của 02 Bộ là Bộ Công an và Bộ giao thông vận tải. Câu hỏi đầu tiên chúng tôi xin được gửi tới đại diện lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông ông……. Thưa ông, 14 năm áp dụng Luật giao thông đường bộ năm 2008 đến thời điểm hiện tại đạo luật này còn phù hợp với tình hình phát triển của đất nước hay không? Nội dung cơ bản của dự thảo luật là gì? Điểm mới so với bản thảo trình xin ý kiến Quốc hội khóa XIV ra sao?

       Sau hơn 13 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Nếu tiếp tục kết cấu trong một luật như hiện nay thì không thể quy định được đầy đủ, rõ ràng và khó có sự liên kết chặt chẽ giữa các nội dung, chế định của từng lĩnh vực hoặc nội dung quá lớn, không phù hợp về phạm vi, đối tượng điều chỉnh và tên của luật.

Thực tiễn đòi hỏi phải xây dựng các luật chuyên ngành để điều chỉnh từng lĩnh vực. Trong đó, xây dựng Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ để xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, khắc phục được những tồn tại, yếu kém hiện nay, đề cao bảo vệ tính mạng cho con người… Xây dựng Luật Đường bộ để phát triển hạ tầng giao thông, quản lý vận tải, thích ứng với sự thay đổi, phát triển nhanh của kinh tế, xã hội, khoa học, kỹ thuật, hướng tới phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, vận tải hiện đại, đồng bộ, chất lượng.

Bối cảnh xây dựng các Luật Giao thông đường bộ năm 2001 và 2008 là khi người dân chủ yếu dùng xe máy, nên yêu cầu khác hiện nay. Lần này, khi sửa đổi, chúng tôi sẽ còn nhiều chính sách liên quan để đảm bảo an toàn cho người đi đường, phát triển đường sá, phát triển đường bộ, nhất là đảm bảo quyền con người, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông tập trung vào con người, gồm các quy tắc giao thông và người tham gia giao thông, điều kiện của phương tiện tham gia giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông. Bên cạnh đó là mối quan hệ giữa nhà nước và người dân, việc tuần tra kiểm soát; quy định người thực thi công vụ được làm gì, làm đến đâu và cách thức ra sao…

Điểm rất mới là dự luật sẽ quy trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong đảm bảo an toàn giao thông. Mục tiêu của luật mới là đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Khi có luật chuyên sâu sẽ giảm các văn bản dưới luật và gắn trách nhiệm từng đơn vị cụ thể. Tức sẽ có người phải chịu trách nhiệm nếu trật tự an toàn giao thông không được đảm bảo.

Câu 11: Thưa ông, có ý kiến cho rằng, việc tách Luật giao thông đường bộ 2008 thành 2 Luật là không cần thiết bởi như vậy Luật đường bộ sẽ “bị què quặt” vì thiếu 2 thành tố quan trọng là quy tắc giao thông đường bộ và người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Còn Luật bảo đảm TTATGT đường bộ thì lại không phủ hết được các nội dung liên quan đến an toàn giao thông đường bộ như kết cấu hạ tầng đường bộ, phương tiện giao thông, vận tải đường bộ?

       Việc xây dựng và ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ là sự thể chế hóa quan điểm, đường lối chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất của Đảng, là đòi hỏi tất yếu, khách quan của thực tiễn để đáp ứng yêu cầu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ trong tình hình mới.

Qua 4 năm chuẩn bị từ năm 2019 đến năm 2022, Chính phủ đã nghiên cứu, thảo luận rất kỹ, thống nhất cao, ban hành 05 Nghị quyết về việc này. Đồng thời đã chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải tổ chức nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đơn vị, địa phương, các tổ chức, cá nhân là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản và đã nhận được sự đồng thuận cao của việc xây dựng 2 Luật.

Lý luận và thực tiễn cho thấy trật tự, an toàn giao thông thuộc lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội để điều chỉnh hành vi chấp hành quy tắc ứng xử của người tham gia giao thông nhằm thiết lập, duy trì trạng thái trật tự, kỷ cương từ đó bảo đảm sự an toàn về tính mạng, sức khỏe cho con người khi di chuyển trên đường giao thông. Còn xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ thuộc lĩnh vực kinh tế – kỹ thuật điều chỉnh mối quan hệ trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, bảo trì tài sản công (công trình giao thông), lĩnh vực kinh tế vận tải hàng hóa, hành khách, tuân thủ các yêu cầu của kinh tế thị thường. Hai lĩnh vực lớn với mục tiêu và đối tượng điều chỉnh khác nhau như vậy không thể kết cấu trong cùng một Luật.

Nghiên cứu 5 trụ cột về an toàn giao thông của Liên hợp quốc gồm: (1) Quản lý an toàn giao thông; (2) Đường an toàn và lưu thông an toàn; (3) Phương tiện giao thông an toàn; (4) Người tham gia giao thông an toàn; (5) Ứng phó sau tai nạn và thấy rằng 5 trụ cột là một thể thống nhất trong xây dựng hệ thống pháp luật, không phải trong cùng một luật mới là thể thống nhất.

Qua trao đổi kinh nghiệm và nghiên cứu, tham khảo pháp luật của nhiều quốc gia, cho thấy nhiều quốc gia xây dựng tách bạch thành các luật riêng về an toàn giao thông, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào có 3 đạo luật riêng biệt về 3 lĩnh vực là an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ; Trung Quốc, Singapore, Philippin, Campuchia có 2 đạo luật về lĩnh vực an toàn giao thông và kết cấu hạ tầng giao thông/luật về đường cao tốc; Nga, Đức có đạo luật riêng về an toàn giao thông…

Nếu tiếp tục kết cấu như Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì không thể đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới khi xã hội đã trải qua hơn 13 năm vận động, phát triển và có rất nhiều thay đổi, đòi hỏi phải có tư duy mới, cách làm mới chứ tuyệt nhiên không thể duy trì cái cũ đã lỗi thời. Khi tách ra thì 2 dự án Luật này có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau, là mối quan hệ giữa các ngành luật trong hệ thống pháp luật, có tính thống nhất và liên kết với nhau, không cản trở, mâu thuẫn nhau.

Một trong những vấn đề cấp thiết nhất trong giao thông đường bộ hiện nay là tai nạn giao thông. Hàng năm có hàng chục nghìn người chết vì tai nạn giao thông, nhiều người bị thương tật và gây thiệt hại tài sản. Sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện giao thông trong khi hạ tầng phát triển chưa kịp, dẫn đến ùn tắc.

Câu 12: Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông có quy định rõ quyền lợi của người tham giao thông khi đường sá, cầu cống không đảm bảo chất lượng an toàn, gây ra tai nạn, ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của người tham gia giao thông hay không? Cơ quan nào sẽ phải bồi thường?

       Dự luật quy định rõ chế định để phát triển hạ tầng giao thông, và có quy trách nhiệm để an toàn chất lượng công trình tốt hơn; có đầy đủ chế định để phát triển vận tải đường bộ tốt nhất.

Trong dự thảo quy định rõ về việc giải quyết tai nạn giao thông. Tất cả vụ tai nạn giao thông đều phải tìm nguyên nhân: một là do người điều khiển vi phạm quy tắc giao thông; hai là do phương tiện mất an toàn; ba là do hạ tầng mất an toàn như cắm biển báo sai, thiếu đèn buổi tối, đào đường mà không có cảnh báo… Nếu hạ tầng mất an toàn để xảy ra tai nạn thì cơ quan quản lý hạ tầng phải chịu trách nhiệm về hình sự, bồi thường dân sự

Chúng tôi đề xuất quy định tiếp cận nhanh nhất hiện trường để bảo vệ, sơ cứu người dân gặp nạn; quy định quan hệ giữa lực lượng công an với người dân chặt chẽ hơn, xử lý nghiêm minh, đặt nền tảng cho ứng dụng công nghệ, để các vi phạm thay vì xử lý thủ công có thể chuyển sang xử lý thông qua hệ thống trung tâm, hệ thống giám sát.

Khi xây dựng luật, chúng tôi mong muốn sẽ giảm tối đa tỷ lệ tai nạn giao thông. Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật phải nghiêm minh, cần sự phối hợp của tất cả các đối tượng tham gia giao thông thì mới có kết quả như mong muốn.

Câu 13: Công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và quản lý sau cấp phép là quản lý hành vi của con người, và nội dung này liên quan đến đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Cơ sở dữ liệu về cấp giấy phép lái xe được kết nối với dữ liệu vi phạm sẽ giúp lực lượng chức năng xử phạt vi phạm hành chính. Dự thảo Luật mới đề cập quy định đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe mang tính nguyên tắc. Thưa ông, dự thảo Luật quy định như thế nào về quản lý đào tạo, cấp giấy phép lái xe, thay đổi hạng giấy phép lái xe?

Các nội dung về: Đào tạo lái xe, sát hạch lái xe, cấp và thu hồi giấy phép lái xe được quy định tại Mục 2 Chương III. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo Luật quy định nhiều điểm mới như: Đào tạo lái xe, sát hạch lái xe, cấp và thu hồi giấy phép lái xe được quy định thành 3 điều riêng biệt; Người đủ 17 tuổi trở lên được đăng ký học lái xe; người học lái xe được lựa chọn cơ sở đào tạo lái xe, giáo viên dạy lái theo yêu cầu, được đào tạo hoặc lựa chọn hình thức tự học các kiến thức về pháp luật giao thông đường bộ; người được cơ sở đào tạo xác nhận đã hoàn thành chương trình đào tạo, được lựa chọn và đăng ký với cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe để tham dự kỳ sát hạch; kết quả đào tạo, sát hạch lái xe phải thông tin công khai; sửa đổi một số hạng và ký hiệu 11 giấy phép lái xe gồm A01, A2, A3, B, C, D2, D, BE, CE, D2E, DE để phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Giao thông đường bộ năm 1968 (Công ước Viên). Tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật ngày 04/3/2022, Chính phủ đã thống nhất sau khi Luật được ban hành, tiếp tục giao Bộ Giao thông vận tải thực hiện quản lý nhà nước đối với công tác này, Bộ Công an tham gia giám sát, bảo đảm có sự phối hợp, kiểm soát quyền lực chặt chẽ.

        Câu 14: Hiện nay, người tham gia giao thông theo xu thế lấp đầy, nghĩa là cứ chỗ nào trống là vào khiến tình trạng kẹt càng thêm kẹt . Để hạn chế, tôi đề nghị với những điểm có mặt đường lớn nên chia theo làn đường như làn đường đi thẳng, rẽ trái, rẽ phải cách các điểm nút 100 đến 200 mét để dẫn hướng. Người giám sát có thể là lái xe ôm (có trả công và đăng ký viễn thông qua Website), camera giám sát… các ông thấy đề xuất đó thế nào? 

Vấn đề như bạn nêu ở nước ta hiện này là tham gia giao thông theo kiểu “điền vào chỗ trống” thực chất là ý thức chấp hành quy định về quy tắc giao thông đường bộ, đó là: Quy tắc sử dụng làn đường (người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép…); quy tắc chấp hành quy định khoảng cách giữa các xe (phải chấp hành quy định về tốc độ, khoảng cách an toàn tối thiểu với xe phía trước cùng làn đường hoặc phần đường); quy tắc chuyển hướng xe (quan sát, bảo đảm khoảng cách an toàn với xe phía sau, giảm tốc độ và bật tín hiệu báo hướng chuyển mới được phép chuyển hướng).

Về thực trạng nêu trên, ngoài vấn đề ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông về trật tự an toàn giao thông như: Chuyển làn liên tục khi có chỗ trống làn đường liền kề; chấp hành khoảng cách với xe liền trước chưa nghiêm; chuyển hướng xe (rẽ trái, rẽ phải) không quan sát, không bảo đảm khoảng cách an toàn với xe phía sau, không giảm tốc độ và bật tín hiệu báo hướng rẽ… thì hạ tầng giao thông đường bộ và công tác tổ chức giao thông cũng còn nhiều bất cập như: Trê các trục giao thông chính còn có nhiều giao cắt cùng mức, tổ chức giao thông giao thông tại các nút giao và trên các trục đường chưa khoa học, rõ ràng: bố trí vạch sơn kẻ đường, biển báo hiệu đường bộ để phân định làn rẽ trái, làn rẽ phải, nơi được chuyển làn đường, biển báo về khoảng cách giữa các xe chưa đầy đủ, hoặc chưa có cũng là nguyên nhân tạo nên một tình trạng giao thông lộn xộn như hiện nay ở nước ta.

Đề giải quyết vấn đề này, thiết nghĩ cần thực hiện nghiêm về các vấn đề sau đây: (1) Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về quy tắc giao thông đường bộ khi tham gia gia giao thông đường bộ ở nhiều cấp độ khác nhau để tạo ý thức tốt và thói quen chấp hành luật khi tham gia giao thông; (2) Trong chương trình đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe cần bổ sung chi tiết các nội dung quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trực tiếp liên quan đến chấp hành quy tắc giao thông đường bộ như: Quy tắc sử dụng làn đường, quy tắc chấp hành quy định khoảng cách giữa các xe, quy tắc chuyển hướng xe; (3) Trong công tác quy hoạch, xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ, cần làm tốt công tác tổ chức giao thông tại các nút giao và trên đường từ việc bố trí biển báo hiệu, vạch sơn kẻ đường, bố trí làn đường, nơi chuyển hướng,… một cách khoa hoạch, rõ ràng để người tham gia giao thông chấp hành pháp luật một cách đầy đủ./.

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.279. Tình trạng thuê người mua ngoại tệ: Cần...

(HNM) - Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện tình trạng đăng tin tìm...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,724