3.740. Đừng để nghị định, thông tư “cãi” luật

(NDCT) – Bình quân mỗi năm, Quốc hội ban hành khoảng 20 luật. Để hướng dẫn thực thi, có khoảng 150 nghị định và 500 đến 600 thông tư được ban hành. Trong số hàng trăm văn bản “cấp dưới” này có không ít văn bản chứa đựng những quy phạm không có hoặc thậm chí trái với văn bản “cấp trên”, gây ra những phí tổn xã hội rất lớn, không đáng có.


Ngành hóa chất cần cơ chế để phát triển mạnh mẽ. Ảnh: TẬP ĐOÀN HÓA CHẤT ĐỨC GIANG

“Củ sắn mà biết nói năng…”

Dùng hình ảnh ví von này, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nhận xét, chỉ một công văn của ngành thuế mà hàng trăm doanh nghiệp ngành sắn, với 1,2 triệu lao động đang sống dở chết dở. Chẳng là – ông Đức giải thích – Tổng cục Thuế có Công văn 632/TCT-TTKT ngày 7/3/2022 yêu cầu các chi cục thuế dừng hoàn thuế và truy thu thuế giá trị gia tăng (VAT) với các doanh nghiệp xuất khẩu sắn. Nguyên nhân là do theo kết quả xác minh từ phía Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp nước này không hoạt động, không nhập khẩu các sản phẩm từ sắn của Việt Nam.

Vấn đề là, theo Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành, ba điều kiện để doanh nghiệp xuất khẩu được khấu trừ thuế là có hợp đồng xuất khẩu, có chứng từ xác nhận hải quan và chứng từ thanh toán qua ngân hàng. “Như thế là đủ chặt chẽ để khẳng định doanh nghiệp Việt Nam thật sự đã xuất khẩu sản phẩm của mình. Còn nếu doanh nghiệp Trung Quốc nào đó có vi phạm, có gian dối, thì họ phải chịu trách nhiệm với pháp luật Trung Quốc chứ!”, luật sư Đức đặt vấn đề. Quan trọng hơn, nếu cơ quan quản lý nhà nước dựa trên sự nghi ngờ một vài doanh nghiệp mà ban hành công văn “siết” cả ngành, thậm chí quy định cả những điều vốn không có trong Luật, thì thật sự bất hợp lý.

Tin vui cho các doanh nghiệp ngành sắn, Bộ Tài chính đã tiếp nhận thông tin phản hồi và đang xem xét.

Nghị định mọc cành, thông tư đẻ nhánh

Trong khi Chính phủ thúc đẩy hoạt động cải cách, cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp thông qua đơn giản hóa, cắt bỏ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính thì một số chính sách đề xuất soạn thảo mới trong năm 2021 lại có xu hướng gia tăng điều kiện kinh doanh.

Một trong những thí dụ mới nhất có thể kể đến là dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất. Khoản 24, Điều 1 dự thảo Nghị định sửa đổi như sau: “Bộ Công thương có trách nhiệm tổ chức thẩm định và cấp, cấp lại, điều chỉnh Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp. Bộ Công thương quy định thời hạn của Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp”. Như vậy, so với điểm a khoản 7 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP (hiện hành), dự thảo Nghị định sửa đổi đã bổ sung yêu cầu về thời hạn của giấy phép.

Chỉ vài từ thêm vào đó thôi, nhưng thực chất là tăng điều kiện kinh doanh, tạo rào cản cho doanh nghiệp. Trong khi đó, khoản 3 Điều 9 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP nêu rõ: “Tổ chức, cá nhân chỉ được sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện và có trách nhiệm duy trì đủ điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh”. Trường hợp tổ chức, cá nhân không còn đáp ứng đủ điều kiện sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận theo quy định.

Dự thảo sửa đổi giữ nguyên quy định này, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải bảo đảm duy trì đủ điều kiện trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, vậy quy định về “thời hạn của giấy phép” trong dự thảo Nghị định sửa đổi có thật sự cần thiết? Điều rất đáng lưu ý là Bộ Tư pháp và Bộ Công an đều đã góp ý cân nhắc nội dung này, nhưng cơ quan soạn thảo không tiếp thu hoặc giải trình một cách thấu tình đạt lý.

Hoặc, như Bộ Tài chính cho biết, Nghị định 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định cá nhân hành nghề tư vấn xác định giá cần có một trong các điều kiện: “có thẻ thẩm định viên về giá được cấp theo quy định của pháp luật về giá hoặc có chứng chỉ định giá bất động sản được cấp theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản hoặc chứng chỉ định giá đất”. Không có vướng mắc gì trong thực tiễn, song Nghị định số 136/2018/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 5/10/2018 lại quy định thêm người đã có chứng chỉ định giá bất động sản vẫn phải có “giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học nghiệp vụ về định giá đất theo chương trình bồi dưỡng về định giá đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành”.

Lập pháp liêm chính

Nhận diện rõ nguy cơ ký gửi những lợi ích không chính đáng vào các văn bản quy phạm pháp luật, ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần khẳng định, việc xây dựng một hệ thống pháp luật minh bạch, bảo đảm hài hòa lợi ích cho tất cả các bên là tiền đề quan trọng tạo đà cho sự phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện cuộc sống của nhân dân. “Chúng ta yêu cầu Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp thì bản thân công tác lập pháp của Quốc hội cũng phải liêm chính”, đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Tất nhiên, xây dựng pháp luật không chỉ là trách nhiệm của Quốc hội. Không khó để lý giải tại sao các “cành nhánh” lại thường mọc ra trong các văn bản cấp dưới, đặc biệt là thông tư và công văn. Đây là những văn bản chỉ đạo, ít khi được rà soát, thẩm định, thẩm tra một cách kỹ càng, qua nhiều tầng nấc như các đạo luật, pháp lệnh. Nhưng “quan xa, bản nha thì gần”, trên thực tế, việc thực thi pháp luật nhiều khi chỉ căn cứ vào các văn bản cụ thể, sát sườn này.

Việc tồn tại những “hạt sạn” trong các văn bản hướng dẫn là thực tế của môi trường kinh doanh Việt Nam nhiều năm qua. Chính vì thế mà Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã cho phát hành báo cáo thường niên “Dòng chảy pháp luật trong kinh doanh”. Có thể coi đây là một kênh giám sát xây dựng pháp luật với rất nhiều phát hiện hữu ích. Các chuyên gia của VCCI đề xuất phải minh bạch hóa quy trình xây dựng văn bản hướng dẫn, đặc biệt ở các khâu lấy ý kiến, giải trình tiếp thu trước khi chính thức ban hành và đưa vào thực thi.

Cũng phải nói thêm rằng, từ phát hiện cho đến sửa sai là cả một chặng đường dài. Lúc này, vai trò của tòa án hành chính là hết sức quan trọng. Đó là công cụ đủ sức mạnh, đủ thẩm quyền để bảo vệ lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp, người dân; phân xử, giải tỏa những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi pháp luật.

CẨM HÀ

———–

Nhân Dân cuối tuần (Góc nhìn kinh tế) 06-5-2022:

https://nhandan.vn/goc-nhin-kinh-te/dung-de-nghi-dinh-thong-tu-cai-luat-696043/

(266/1.392) #hiephoisan #thue

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,731