906. Doanh nghiệp phản ứng, rồi sao nữa?

(KTSG) – LTS: Tại nhiều cuộc đối thoại với cơ quan thuế, hải quan gần đây, đại diện một số doanh nghiệp đã mạnh dạn phản ánh những khó khăn và cả tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ thực thi với lãnh đạo bộ, ngành. Tuy nhiên, đây vẫn là những tiếng nói đơn lẻ và mang tính tình thế. Vậy, giải pháp căn cơ hơn để giải quyết vấn đề là gì? TBKTSG ghi nhận ý kiến của ông Nguyễn Thái Linh, Tổng giám đốc Công ty Giấy vi tính Liên Sơn, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các khu công nghiệp TPHCM và luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Công ty Hoàng Dũng nêu thắc mắc về hoàn thuế với cơ quan thuế tại hội nghị sáng 28-2-2015. Ảnh: Minh Tâm

TBKTSG: Những phản ứng của một số doanh nghiệp gần đây về tình trạng nhũng nhiễu nói lên điều gì?

– Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC: Điều đó cho thấy doanh nghiệp đã dám thể hiện rõ ràng ý chí phản ứng của mình, đã đủ vững vàng, tự tin để cất lên tiếng nói chống lại sai trái khi bị dồn đến chân tường. Nhưng quan trọng hơn, điều đó còn chứng tỏ doanh nghiệp tin tưởng vào sự công minh, khách quan của lãnh đạo bộ, ngành.– Ông NGUYỄN THÁI LINH: Thông thường, doanh nghiệp chọn giải pháp làm việc trực tiếp với cán bộ quản lý. Tuy nhiên, khi không được thấu hiểu, chịu hết nổi thì đành phải lộ diện tại các buổi đối thoại với sự có mặt của lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan và giới truyền thông để mong được giải quyết vấn đề. Thực tế là nhiều vướng mắc của doanh nghiệp được giải quyết ổn thỏa sau đó, một phần vì các cơ quan truyền thông đưa tin. Nhưng ở địa phương thì thời gian lâu hơn.

– Ông NGUYỄN VĂN BÉ: Tôi xin kể một câu chuyện như thế này. Cách đây hơn một tháng, một tờ báo đưa tin máy móc thiết bị nhập khẩu để đổi mới công nghệ phải chung chi mới qua cửa hải quan. Thấy lạ, chúng tôi mới đi hỏi doanh nghiệp để biết thực hư. Một doanh nghiệp trả lời như thế này: trên tờ khai ghi máy móc mới 100%, hồ sơ ngày sản xuất, ngày xuất xưởng đầy đủ nhưng khi làm thủ tục thông quan, cán bộ hải quan nói đại ý rằng, anh ta không có chuyên ngành nên không thể chắc chắn đó là hàng mới, cần phải có công ty độc lập kiểm tra. Doanh nghiệp nói với chúng tôi, họ không biết cơ sở pháp lý của lời nói miệng đó như thế nào nhưng để tránh thiệt hại đã phải “vui vẻ” cho yên chuyện. Có doanh nghiệp khác thì kể, tờ khai ghi là máy móc thiết bị đồng bộ nhưng cán bộ hải quan cắc cớ nói đồng bộ là phải một bộ máy hoàn chỉnh nên cần phải ráp lại. Doanh nghiệp rụng rời tay chân nên cũng phải “biết điều”, còn hơn là mang máy ra ráp ở cảng hoặc tốn tiền mời chuyên gia từ nước ngoài về thực hiện.

Trong thời gian qua, lĩnh vực thuế và hải quan đã có nhiều cải tiến nhưng trong hoạt động thực tế, doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Khi cơ quan thuế, hải quan cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục bằng tiền kiểm sang hậu kiểm thì nhũng nhiễu, tiêu cực cũng “đẻ” ra từ đây. Doanh nghiệp phản ánh họ không sợ luật mà sợ người thi hành luật.

TBKTSG: Vậy nhưng, những tiếng nói này vẫn rời rạc, mang tính tình thế. Và nhiều doanh nghiệp sau khi phản ứng lại lo lắng sẽ bị cơ quan quản lý “đì”. Vì sao lại như vậy?

– Ông NGUYỄN THÁI LINH: Có hai trường hợp xảy ra khi doanh nghiệp phản ánh những khó khăn, vướng mắc của mình tại các buổi họp công khai. Thứ nhất, nếu vấn đề nằm ở chỗ những người thực thi sợ trách nhiệm, khi doanh nghiệp phản ánh, họ nhận được chỉ đạo của cấp trên để dễ dàng thực hiện thì không có gì.

Nhưng nếu doanh nghiệp phản ánh sai phạm của cán bộ thực thi, họ bị phê bình thì sau đó, doanh nghiệp sẽ bị trả đũa. Ác nỗi là doanh nghiệp sẽ nhận được những quyết định thanh tra, kiểm tra toàn diện quá khứ.

Chuyện này một doanh nghiệp ở Bình Dương đã gặp rồi. Nếu doanh nghiệp có mối quan hệ với cấp cao thì mới tự tin để nói. Còn không thì không thể.

Vấn đề quan trọng nữa là giả dụ, doanh nghiệp muốn đi đến tận cùng sự việc, theo đuổi các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình như luật này, luật kia cho phép thì kết quả đạt được là gì khi hiện nay chưa có chế tài xử phạt đối với lãnh đạo một cơ quan nhà nước làm sai! Điều doanh nghiệp muốn là người ra quyết định, ban hành điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền phải bồi thường và quy định phải được thay đổi chứ không phải là ai thắng – ai thua trong một phiên tòa. Không đạt được mục đích gì mà lại phải tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để hầu tòa thì không ai làm!


Còn các hiệp hội doanh nghiệp, với tôn chỉ, mục đích bảo vệ doanh nghiệp nhưng đa số chưa thực sự là tiếng nói của doanh nghiệp, vì còn sợ cơ quan chức năng hơn cả doanh nghiệp đã sợ!

– Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC: Theo tôi, thứ nhất là sự liên kết, hợp tác nói chung giữa các doanh nghiệp còn rất hạn chế, nên việc phối hợp để cùng đấu tranh cũng đương nhiên khó khăn. Muốn tố cáo nhũng nhiễu, tiêu cực cụ thể thì phải có bằng chứng rõ ràng. Điều này thật không dễ, vì thường tay đã nhúng chàm là cả từ hai phía. Nếu không cẩn trọng thì người tố cáo còn bị tù tội trước người bị tố cáo về hành vi đưa hối lộ. Thứ hai, với hệ thống pháp luật phức tạp, bất cập, lạc hậu, mâu thuẫn, chồng chéo… như hiện nay, nếu cơ quan hành pháp không thiện chí, thì chẳng thiếu gì lý do để “hành tỏi” doanh nghiệp. Trong khi đó, việc chấp hành đúng mọi quy định pháp luật gần như là việc không thể. Doanh nghiệp dù gặp “oan sai” với việc này, thì cũng khó mà đúng hết được trong những việc khác. Vì vậy, việc lo ngại, sợ hãi là điều dễ hiểu.

– Ông NGUYỄN VĂN BÉ: Nếu chỉ là tiếng nói riêng lẻ của từng doanh nghiệp thì rất có hại về sau. Doanh nghiệp sợ không phải vì không tuân thủ mà vấn đề là không biết tuân thủ thế nào.

Chúng tôi khuyến cáo doanh nghiệp là phải đóng đúng, đóng đủ thuế nhưng khó lòng làm được vậy vì luật pháp chưa rõ ràng, lại thay đổi thường xuyên, thông tin dù mang tiếng công khai, minh bạch nhưng như một cái rừng, tìm không ra. Đó là chưa nói các quy định không được chuẩn hóa, có những mặt hàng áp mã này cũng được, áp mã kia cũng không sai. Chính vì vậy mà công chức nào muốn “giúp” mình cũng dễ mà hại mình cũng không khó.

TBKTSG: Để tiếng nói của doanh nghiệp được mạnh mẽ hơn, các hiệp hội ngành nghề phải làm gì?

– Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC: Hiệp hội muốn có tiếng nói giá trị thì phải có sức mạnh và dũng khí. Muốn thế, trước hết hiệp hội phải thực sự sinh ra vì doanh nghiệp và phải tự chủ, độc lập hoàn toàn với Nhà nước.

Sau nữa, hiệp hội phải có được những người đại diện có tâm, có tầm và đặc biệt là phải vượt qua được nỗi sợ, dám đứng ra bảo vệ thành viên trong mọi tình huống. Hiệp hội sinh ra không phải để quản lý hay xoa dịu, mà quan trọng nhất là phải thực sự bảo vệ quyền lợi và mang lại lẽ công bằng, công lý cho doanh nghiệp. Thương trường như chiến trường, nếu hiệp hội không là hòn tên, mũi đạn, thì cũng phải là tấm khiên che đỡ!

– Ông NGUYỄN THÁI LINH: Khi hiệp hội lên tiếng doanh nghiệp sẽ khó bị trù dập hơn. Đơn cử như ở Hội In của chúng tôi, khi doanh nghiệp có những vướng mắc, họ sẽ trực tiếp gửi e-mail hoặc văn bản đến và ban chấp hành sẽ tập hợp để phản ánh với cơ quan quản lý. Để được như vậy thì mối quan hệ giữa các doanh nghiệp thành viên và hiệp hội phải gắn kết. Hiện tại, Hội In đang quyết liệt đấu tranh với những chính sách bất cập, chẳng hạn như Nghị định 60/2014/NĐ-CP và Thông tư 03/2014/TT-BTTTT với những quy định trái ngược với thông lệ, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp, đến mức Bộ Tư pháp đã cử đoàn công tác vào làm việc và thẩm định tính pháp lý của các văn bản này.

TBKTSG: Và căn cơ hơn, để giải quyết tất cả những câu chuyện trên, cần có những giải pháp nào? ai tham gia?

Hệ thống luật pháp phải được chuẩn hóa và hiện đại hóa. Mọi việc đã quá cấp thiết rồi. Ngày 31-12-2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức vận hành. Doanh nghiệp Việt Nam chỉ còn hơn một tháng nữa. Nhà nước phải làm gì đó thì doanh nghiệp mới có cơ may tồn tại, phát triển và hội nhập hiên ngang.

– Ông NGUYỄN VĂN BÉ: Có những việc có thể làm ngay. Về thủ tục, phải đơn giản nhiều hơn nữa. Bởi những người làm chính sách cần hiểu rằng, bớt một dòng trong tờ khai là sẽ bớt được hàng trăm ngàn dòng cho các doanh nghiệp, bớt được một phút làm thủ tục thuế là bớt được hàng ngàn giờ lao động của doanh nghiệp. Các thủ tục đó cần phải được công khai, minh bạch để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tìm hiểu. Đồng thời, phải cung cấp các dịch vụ khai thuế, dịch vụ hải quan công và tư để tùy quy mô, nhu cầu, doanh nghiệp sẽ tiếp cận.

Chúng tôi cũng mong muốn doanh nghiệp phải thực hiện tuân thủ và không thỏa hiệp với cán bộ thuế, hải quan để tránh những hậu quả khôn lường về sau.

Tuy nhiên, để hết đường cho cán bộ, công chức làm “lệ” với doanh nghiệp thì Quốc hội cần phải tăng cường đội ngũ chuyên gia viết luật, các bộ ngành chỉ nên tham gia ở chừng mực nhất định, ở những nội dung chuyên ngành. Phải thực hiện rà soát hệ thống các văn bản pháp quy theo tinh thần của Hiến pháp 2013.

– Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC: Xuất phát điểm của mọi chuyện là từ phía cán bộ, công chức nhà nước, thì cũng phải xử lý từ cái gốc đó trở đi. Nhưng giải pháp gì, dù là điều chỉnh con người, chính sách hay công cụ, thì cũng đều cần phải dựa vào pháp luật. Không có cách gì chuẩn mực hơn là dùng pháp luật để giảm thiểu sự bất cập, vướng mắc của chính hệ thống pháp luật. Loại bỏ hoàn toàn nhũng nhiễu, tiêu cực đối với doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay là điều không tưởng. Tuy nhiên, có nhiều cách thức để giảm thiểu vấn nạn này.

Chẳng hạn, chỉ cần dũng cảm bỏ tội đưa hối lộ (nếu như người đưa hối lộ chủ động tố cáo người nhận hối lộ), thì sẽ lập tức cắt đứt những chiếc vòi độc hút tiền doanh nghiệp và cô lập những tội đồ uy hiếp, đòi hỏi, vòi vĩnh, ăn tiền của nhân dân. Hiện tại, có ba tội là nhận, đưa và môi giới hối lộ. Người môi giới thì bị xử nhẹ còn người nhận và đưa thì nặng suýt soát như nhau. Ai không biết gì hoặc quá liều thì mới dám tố cáo. Tội tham ô thì còn dễ phát hiện, vì kiểu gì cũng để lại dấu vết thất thoát tiền bạc. Còn tội nhận hối lộ thì đang bị chính pháp luật vô hiệu hóa, rào giậu kín như bưng, vì hoàn toàn phụ thuộc vào việc có hay không phát hiện ra tội đưa hối lộ.

– Ông NGUYỄN THÁI LINH: Chính phủ cần có biện pháp quyết liệt với các bộ, ngành (như xử lý, quy trách nhiệm với người trực tiếp ban hành văn bản trái quy định), đồng thời kịp thời xử lý, sửa đổi chính sách khi doanh nghiệp phản ánh. Bản thân các doanh nghiệp cũng cần phải thay đổi tư duy, thay đổi nhận thức và hành động trong việc tuân thủ pháp luật để hướng đến mục tiêu lớn hơn là sức mạnh của cả nền kinh tế, thể diện quốc gia… bên cạnh câu chuyện doanh thu, lợi nhuận của bản thân. Trong cuộc đấu tranh của doanh nghiệp, rất cần có sự góp sức, đồng hành của các cơ quan truyền thông để phản ánh kịp thời những khó khăn, bất cập. Dưới sức ép của kênh thông tin truyền thông, hy vọng những sai sót sẽ được sửa chữa kịp thời.

Không dám đấu tranh vì sợ hậu quả về sau

Tổng giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản (đề nghị không nêu tên) chia sẻ, ngay sau cuộc đối thoại của cộng đồng doanh nghiệp phía Nam với Bộ Tài chính, nhờ có một số doanh nghiệp mạnh mẽ phản ánh mà doanh nghiệp ông đã được hoàn thuế 16/40 tỉ đồng. Tuy nhiên, bản thân ông, rất sợ phải lên tiếng vì lo sợ sẽ có những quyết định thanh tra thuế “bất ngờ” nhận được sau đó. Sợ không phải vì doanh nghiệp không tuân thủ mà thực tế là không thể tuân thủ với hệ thống pháp luật hiện tại.

Doanh nghiệp ông vừa nhận quyết định xử phạt hành chính 60 triệu đồng (hai biên bản) vì cơ quan tài nguyên môi trường kiểm tra văn phòng, nhà xưởng, phát hiện 2 bóng đèn huỳnh quang rơi ở cửa kho, bình ắc quy ở góc kho, tức “vi phạm quy định về chất thải nguy hại ra môi trường”! “Doanh nghiệp mắc tội không kêu cơ quan chức năng thu gom rác thải độc hại! Nhưng có ai hiểu rằng ký một hợp đồng thu gom, dù là 1-2 bóng đèn thì đều là 12 triệu đồng/lần và các công ty thu gom toàn là anh em họ hàng của cán bộ môi trường!”, ông ngao ngán.

Cũng theo ông, doanh nghiệp bây giờ sợ nhất năm “ông”: hải quan, thuế, phòng cháy chữa cháy, môi trường và đất đai. Không ai dám đấu tranh vì sợ hậu quả về sau. Kiện cáo lại càng không vì kiện lúc nào cũng thua (vì các văn bản, thông báo) hoặc nếu có thắng được thì tính ra cũng lỗ vốn vì đã mất quá nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Đó là chưa nói, đánh đổ ông A thì sẽ có ông B lên thay mà không chừng ông B lại là chiến hữu của ông A. Hiệp hội ngành nghề cũng đã nhiệt tình tham gia, có hẳn đội ngũ luật sư lo pháp lý nhưng cuối cùng cũng đấu không lại vì cứ như mang gậy chống trời.

Ông kết luận, nếu không thay đổi từ thượng tầng kiến trúc, dẹp bỏ những văn bản vớ vẩn, quy định trách nhiệm công chức một cách rõ ràng, cải cách thể chế… thì sẽ không có gì chuyển biến. Doanh nghiệp từ thua đến chết. “Vì người ta nói với nhau rằng, doanh nghiệp là nguồn thu nên người ta thi nhau cứa cổ, trèo hái mỗi ngày. Hệ quả là ngân sách nhà nước phải chịu hậu quả như ngày hôm nay!”, ông nói.

 

Minh Tâm thực hiện

—————————-

TB Kinh tế Sài Gòn (Bàn tròn Doanh nghiệp) 28-11-2015 (báo giấy 26-11):

http://www.thesaigontimes.vn/138910/Doanh-nghiep-phan-ung-roi-sao-nua.html

(760/2.969)

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,741