914. Cho vay tiêu dùng: Đừng “lập lờ đánh lận con đen”!

(THCL) –  Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng do pháp luật có sự nhập nhằng, không rõ ràng khiến những bất cập nảy sinh, kiện tụng giữa khách hàng và các NH, công ty tài chính, xảy ra liên tục. Và người tiêu dùng phải ngậm đắng nuốt cay.

NTD nên cẩn trọng

Hoạt động cho vay tiêu dùng đang nở rộ, thường được thực hiện dưới dạng các khoản vay để mua tài sản như xe máy, máy tính, điện thoại… Thủ tục đơn giản, nhanh gọn nên nhiều người hăm hở vay mà không nghiên cứu kỹ hợp đồng, cũng như các điều khoản quy định. Nhiều khách hàng trả góp được vài tháng mới tá hỏa phát hiện ra khoản tiền tổng phải trả khi mua trả góp cao hơn hẳn giá trị của món hàng. Quá bức xúc, họ đâm đơn kiện NH.

“Mẹo” của công ty tài chính khi tư vấn cho khách hàng thường đưa mức lãi suất tính theo ngày và theo tháng nên khách hàng lầm tưởng lãi thấp, song thực ra không phải.

Theo Luật sư Đức, ghi lãi suất theo năm, tháng hay ngày, không có gì là mập mờ. Thậm chí, vay các khoản nhỏ lẻ trong một thời hạn ngắn thì người ta còn quen với cách tính lãi suất theo ngày hơn là theo năm.

“Sự mập mờ, khó hiểu xảy ra trong các trường hợp, bên cho vay đưa ra mức lãi suất thấp, nhưng tính lãi dựa trên dư nợ gốc ban đầu của cả thời hạn vay vốn. Tức là, dù người vay có trả gần hết nợ gốc rồi, nhưng tiền lãi thì vẫn phải trả mức cao như chưa trả nợ đồng nào. Rồi cách thức điều chỉnh lãi suất sau một vài kỳ hạn cao hơn hẳn ban đầu. Ngoài ra, có thể là cách tính lãi quá hạn cao bằng 150% trong hạn, rồi lãi nhập gốc, lãi chồng lên lãi… cũng dẫn đến tiền lãi bị đội lên khá cao”, ông Đức dẫn giải.

Lãi suất cho vay tiêu dùng luôn cao hơn cho vay SXKD, thậm chí là cao hơn rất nhiều và đang mặc nhiên được coi là không có giới hạn của pháp luật. Cũng theo Luật sư Đức, khi tiếp nhận thông tin lãi suất thấp thì NTD cần phải xem xét lại. Cần phải biết lý do và sự thực là gì? Chẳng hạn, cho vay để mua nhà, mua hàng nhằm bán hàng là chính, thì có thể lãi suất thấp, vì lợi nhuận nhận được của bên cho vay sẽ được hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ bên bán hàng. Nếu bên vay thu quá mức lãi đã thỏa thuận trên giấy trắng mực đen thì người vay mới có thể kiện được. Còn nếu như hợp đồng đã ghi nhận mức lãi cao, vấn đề chỉ là người vay tưởng nhầm mức thấp hoặc không hiểu cách tính toán, thì phải chấp nhận “bút sa, gà chết”.

Có sự nhập nhằng?

Thời gian qua, các công ty tài chính đã vấp phải không ít lần bị kiện tụng của khách hàng, hai bên cũng mệt mỏi tìm phương án giải quyết.

Đồng tình với việc xuất hiện các công ty tài chính tiêu dùng đã giúp hạn chế nạn tín dụng đen, nhưng Luật sư Trương Thanh Đức cũng thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân gây nên bất cập trên do pháp luật vẫn không công bằng và không rõ ràng. Có trường hợp quản quá chặt, nhưng có những trường hợp lại quá buông lỏng.

Chẳng hạn, quy định trần lãi suất cho vay bên ngoài các tổ chức tín dụng chỉ là 13,5%/năm, nhưng lại buông trần lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng. Lãi suất nợ quá hạn bằng 150% lãi suất quá hạn hay cộng thêm 9% cũng là mức lãi quá cao, quá bất hợp lý. Bên ngoài chỉ được cho vay tối đa 13,5%/năm và khi quá hạn cũng chỉ được cộng thêm tối đa 9%, tức là không quá 22,5%/năm.

Trong khi đó, một số công ty tài chính cho vay lãi suất tới 50%/năm, thậm chí còn hơn nữa, khi quá hạn thì lại được cộng thêm 25%, thành 75%/năm. Và việc tính lãi nhập gốc, lãi chồng lên lãi cũng không rõ ràng. Người vay, nhiều khi không biết mà thắc mắc. Bên cho vay chỉ muốn khách hàng vay nên cũng không giải thích rõ ràng.

“Muốn loại hình này phát triển tốt, cần phải bảo đảm có sự cạnh tranh sòng phẳng, thật sự giữa nhiều công ty tài chính cho vay tiêu dùng. Hiện nay, số người chuyên cho vay, cho vay lãi nặng, có đến hàng vạn, trong khi số lượng các tổ chức tín dụng chuyên cho vay tiêu dùng chỉ dừng lại ở một số công ty với hàng chục chi nhánh. Vì thế, người tiêu dùng vẫn còn ít sự lựa chọn. Cũng gần như thiếu hẳn các cơ quan, tổ chức đứng ra bảo vệ quyền lợi của người vay vốn tiêu dùng”, Luật sư Đức nói.

Đoàn Huế

——————————————————————-

Thương hiệu & Công luận (Kinh tế) 03-12-2015:

http://thuonghieucongluan.com.vn/tin-tuc/kinh-te/26130-cho-vay-tieu-dung-dung-lap-lo-danh-lan-con-den.html

(741/896)

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.712. Hàng loạt vụ mất tiền trên tài khoản,...

(KTĐT) - Dồn dập các vụ mất tiền trên tài khoản, rồi mất ở sổ...

Bình luận 

ANVI Luận cứ: Không thể áp dụng nguyên tắc bất...

Luận cứ bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong Vụ án Trương Mỹ Lan...

Phỏng vấn 

4.269. Luật sư băn khoăn về tội danh của Trương...

(QHTV) - Trong tuần thứ tư diễn ra phiên tòa xét xử các bị cáo, liên quan đến...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 201,693