956. Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Nguồn lực ở đâu?

(TBDN) – Dù còn nhiều điểm cần phải làm rõ cũng như bổ sung trước khi phê chuẩn song Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV đã được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Đây tiếp tục được xem là những bước đi quan trọng trong nỗ lực của Chính phủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của DN trong thời gian tới.

Thời báo Doanh nhân trích đăng những ý kiến của đại diện các cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp (DN) về những mặt tích cực cũng như hạn chế của Dự thảo.

Dự thảo Luật này dự kiến sẽ được trình Chính phủ vào tháng 7/2016 và trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIV (dự kiến tháng 10/2016).

Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI: Cần hướng đến DN có tiềm năng phát triển

Dự luật sẽ tạo khuôn khổ pháp lý hỗ trợ DN thời gian tới và là hoạt động quan trọng thực hiện Nghị quyết 35 trong việc hướng đến năm 2020 có 1 triệu DN hoạt động hiệu quả, chất lượng. Hiện cả nước có khoảng 400.000 DNNVV và thực tế là Nhà nước chỉ hỗ trợ DNNVV khi họ khó khăn như: miễn, giảm nộp thuế, tín dụng… Việc này sẽ chỉ có tác dụng hỗ trợ khó khăn tạm thời mà chưa hướng đến mục tiêu thúc đẩy phát triển DN. Tuy nhiên, do có 400.000 DNNVV nên Nhà nước cũng không thể hỗ trợ được tất cả khi nguồn lực còn hạn chế. Chính vì vậy, Dự luật cần xác định đối tượng, cách thức, thời điểm hỗ trợ đúng lúc, đúng chỗ, không dàn trải, không hướng đến DN khó khăn triền miên mà hướng đến DN khó khăn tạm thời nhưng có tiềm năng phát triển.

Bên cạnh đó, phương thức hỗ trợ sao cho phải đến trực tiếp với DN bằng cách giảm chi phí không chính thức, thủ tục hành chính, bỏ cơ chế xin – cho. Để làm được điều đó thì các hiệp hội DN phải đóng vai trò trung tâm, là cánh tay nối dài của Nhà nước để Nhà nước chỉ tập trung vào việc ban hành cơ chế, giám sát. Hỗ trợ DNNVV cần trọng tâm, trọng điểm hiệu quả, không làm theo kiểu phong trào, hành chính và dứt khoát không tạo cơ chế xin – cho. Nhà nước không làm thay hiệp hội, không đẻ thêm bộ máy mà để hiệp hội, thị trường thực hiện việc này. Chương trình hỗ trợ nên là mục tiêu lồng ghép trong tất cả chương trình mục tiêu quốc gia, đầu tư công.

  1. Trần Du Lịch: Vai trò chính quyền địa phương còn khá chung chung

Với cơ cấu gồm 7 chương, 49 điều, Dự thảo Luật đã thể hiện tương đối đầy đủ mục tiêu xây dựng và ban hành đạo luật này. Đặc biệt, ở Chương II, các nội dung hỗ trợ mang tính bao quát và cũng chính là những điểm yếu mà DNNVV cần sự hỗ trợ để có thể phát triển được. Tôi tán thành việc thành lập Hội đồng phát triển DNNVV quốc gia nhưng lưu ý cần nói rõ quan điểm: Phát triển DNNVV có ý nghĩa chiến lược trong quá trình công nghiệp hoá của Việt Nam. Hỗ trợ DNNVV phát triển vừa có ý nghĩa kinh tế, nhưng quan trọng hơn là thúc đẩy sự tiến bộ và công bằng xã hội.

Kinh nghiệm ở nhiều nước cho thấy, vai trò nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho DNNVV chủ yếu là chính quyền địa phương hoặc vùng, chứ không phải chính quyền trung ương. Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật, vai trò chính quyền địa phương còn khá chung chung và mờ nhạt, nên cần được quy định rõ hơn. Cần phải tạo điều kiện cho các địa phương nâng cao tính tự chủ, năng động, sáng tạo trong hỗ trợ DNNVV.

Ông Đặng Huy Đông – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Khắc phục tập quán “xin – cho” nhưng phải có quy trình

Quan điểm của ban soạn thảo coi việc cung cấp hỗ trợ DNNVV là dịch vụ công, không có “xin – cho”. Đây là điều Dự luật đang muốn đột phá, theo đúng tinh thần Thủ tướng chỉ đạo là Nhà nước kiến tạo và cơ quan công quyền cung cấp dịch vụ công. Tất nhiên, việc khắc phục tập quán “xin – cho” nhưng phải có quy trình, thủ tục để công bằng.

Ông Lê Xuân Hiền – thành viên Tổ công tác thi hành Luật DN, Luật Đầu tư: Cân đối nguồn lực để thực hiện hỗ trợ không rõ nét

Dự luật đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ nhưng có thể thấy việc cân đối nguồn lực để thực hiện hỗ trợ không rõ nét về mặt tài chính. Cụ thể như dự luật yêu cầu các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ DNNVV nhìn có vẻ hợp lý song sau đó thì Nhà nước lại phải hỗ trợ, ưu đãi các ngân hàng bởi nếu không họ cũng không có nguồn lực ở đâu ra mà hỗ trợ DNNVV vì bản thân ngân hàng cũng là DN. Trong điều kiện nguồn lực của Việt Nam còn yếu và thiếu mọi bề thì Nhà nước cần tập trung vào hỗ trợ một số lĩnh vực như: áp dụng công nghệ cao để sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy, hải sản; công nghệ phần mềm; du lịch và dịch vụ du lịch gắn với văn hóa truyền thống.

Luật sư Trương Thanh Đức: Chỉ nên hỗ trợ DN vừa một số lĩnh vực đặc biệt

Do nguồn lực hỗ trợ DNNVV còn hạn chế nên cũng cần phải thu hẹp phạm vi, đối tượng hỗ trợ để đảm bảo hiệu quả, khả thi. Vì vậy, chỉ cần tập trung vào hỗ trợ DN nhỏ và siêu nhỏ, bao gồm cả hộ kinh doanh (với quy mô 10 – 20 tỷ đồng, doanh thu hoặc 20 – 30 lao động trở xuống) vì đây là nhóm DN rất yếu thế, gặp nhiều khó khăn. Việc hỗ trợ có thể là thuế suất thu nhập DN thấp hơn so với các DN khác. Không nên hỗ trợ DN vừa hoặc chỉ hỗ trợ một số lĩnh vực đặc biệt. Việc hỗ trợ DN vừa có thể dẫn đến tác động ngược, bất lợi cho nền kinh tế. Nếu hỗ trợ DN vừa sẽ là cào bằng với DN nhỏ, dù quy mô khác nhau và sẽ khuyến khích DN vừa giữ nguyên quy mô để hưởng nhiều ưu đãi, không phát triển được thành các DN lớn như Nghị quyết 35 (về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020).

Ông Đào Trọng Lý, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Aprocimex: Dự thảo khiến DN lạc quan

Mặc dù Dự thảo Luật còn một số vướng mắc, cần được tiếp tục hoàn thiện, nhưng nhìn chung các chính sách hỗ trợ được nêu ra trong Dự thảo khiến doanh nghiệp khá lạc quan. Chúng tôi thấy ban dự thảo đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, chi tiết. Những phần cụ thể hóa thì đôi khi ý tứ còn chồng chéo, nhưng nếu  qua những cuộc hội thảo được đóng góp, chỉnh lý thì chúng tôi tin Luật này sẽ nhanh chóng được Quốc hội thông qua. Và khi đó cộng đồng doanh nghiệp sẽ có cơ hội được hỗ trợ bình đẳng bằng luật. Cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi đón nhận Luật này một cách rất hồ hởi và phấn khởi.

Ông Lê Duy Bình, Tổng giám đốc Công ty Economica: Nên học hỏi cách làm của Nhật Bản

Xây dựng và ban hành Luật hỗ trợ DNNVV chúng ta nên nghiên cứu và học hỏi cách làm của Nhật Bản. Khi làm luật cho DNNVV, các chính sách của Nhật Bản đã tập trung vào 3 vấn đề chính là khuyến khích sự sáng tạo của DN và DN khởi nghiệp, nâng cao trình độ quản lý của DNNVV và cuối cùng là tạo điều kiện thuận lợi để DNNVV thích ứng với các thay đổi, biến động của nền kinh tế và các thay đổi trong xã hội.

Minh Lê

————-

Thời báo Doanh nhân (Doanh nghiệp) 14-7-2016:

http://tbdn.com.vn/du-thao-luat-ho-tro-doanh-nghiep-nho-va-vua-nguon-luc-o-dau-n13399.html

(201/1.436)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,791