1.306. Lỏng lẻo từ quy trình giao dịch đến bảo mật tài khoản ngân hàng

(KTĐT) – Vụ việc khách hàng Vietcombank mất 500 triệu trong một đêm vẫn chưa hết nóng thì trong thời gian gần đây lại xảy ra liên tiếp tiền trong tài khoản ngân hàng (NH) của một số khách hàng “tự nhiên” bị mất.

Nếu không có biện pháp xử lý triệt để, rõ ràng sẽ khiến người dân, DN mất niềm tin đối với các NH.

Dồn dập báo mất tiền
Trong các ngày từ 16 – 19/8, liên tiếp 2 chủ tài khoản của Vietcombank bị mất tiền, một khách hàng là anh Vũ Thành Phương (quận 9, TP Hồ Chí Minh) trong một đêm bị mất khoảng 17 triệu đồng ở thẻ Master Card Debit. Chị Lê Thị Quỳnh Nga (phường Tân Tiến, TP Biên Hòa, Đồng Nai), bị trừ 592 đô la Singapore trong thẻ Mastercard. Không những giao dịch online, mà nhiều khách hàng (bao gồm cả tài khoản cá nhân lẫn DN) bị mất tiền gửi trong NH. Câu chuyện đang gây sốt dư luận liên quan đến số tiền 26 tỷ đồng trong tài khoản của bà Trần Thị Thanh Xuân – Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Quang Huân (Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) mở tại Ngân hàng Thịnh Vượng (VPBank) “tự nhiên” biến mất hồi giữa năm 2015 nay được đưa ra. Tương tự, bà T.T.T.Phúc (Hà Nội) phản ánh mất tiền vô lý tại NH TMCP Sài Gòn (SCB). Theo đó, bà Phúc gửi tiền tại Phòng giao dịch Nguyễn Khuyến (Hà Nội) của SCB hơn 4,2 tỷ đồng để chuẩn bị mua nhà. Ngày 19/11/2015, bà Phúc ra SCB rút tiền thì được biết ngày 5/10/2015, số tiền này đã được chuyển qua một tài khoản khác. “NH khăng khăng đã thực hiện chuyển tiền theo ủy quyền của tôi nhưng không xuất trình được hợp đồng ủy quyền theo quy định của pháp luật. SCB xác nhận việc ủy quyền bằng cách cho nhân viên gọi điện cho tôi để hỏi có ủy quyền cho người đàn ông đó. Thực tế tôi không nhận được cuộc gọi nào từ SCB và khi yêu cầu cho nghe băng ghi âm thì SCB từ chối” – bà Phúc bức xúc và cho rằng SCB làm sai quy trình dẫn đến thất thoát 4,2 tỷ đồng của mình.
Điều chỉnh Thông tư 07/2014/TT-NHNN: Cú hích để kích tín dụng - Ảnh 1
Hoạt động nghiệp vụ tại VPBank chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Hiện, chị Na Hương – nạn nhân vụ mất 500 triệu đồng trong ATM của Vietcombank đã nhận lại được 300 triệu đồng do NH kịp thời khoanh giữ lại trước sự tấn công của hacker. Còn số tiền 200 triệu đồng, chị Hương vẫn chưa nhận lại được từ phía NH (đây là số tiền mà hacker đã chuyển khỏi tài khoản của chị Hương thành công và rút qua ATM ở Malaysia). Trong khi các khách hàng khác vẫn đang chờ phía các NH. Đến thời điểm này, các NH đều cho biết đã báo cáo nội dung vụ việc, phối hợp với cơ quan công an, theo yêu cầu của NH Nhà nước.
Trách nhiệm và niềm tin
LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, với giao dịch online, tuy không có hệ thống bảo mật nào là hoàn hảo, nhưng trách nhiệm của NH là phải cố gắng hết sức để đảm bảo an toàn cao nhất cho tài sản của khách hàng. “NH có thể dùng cách này hay cách khác, một tầng hay nhiều tầng bảo mật, mức độ bảo mật khó… nhưng mục đích cao nhất hướng đến vẫn là bảo đảm an toàn tuyệt đối cho tài sản, giao dịch của khách hàng. Tương tự, với gửi tiền và rút tiền tiết kiệm truyền thống như vụ của bà Xuân, bà Phúc cũng vậy!” – ông Đức nhấn mạnh.
Thực tế trong hoạt động NH, rất hiếm khi lãnh đạo DN trực tiếp đến mở tài khoản, ngồi đặt bút ký trước sự chứng kiến của NH, cũng như mang theo cơ sở pháp lý để đối chứng cho chữ ký ấy. Thay vào đó, hầu hết lãnh đạo DN đều giao cho nhân viên kế toán, hoặc bộ phận chuyên trách đứng ra làm thủ tục, trình ký, thậm chí hồ sơ này có thể chuyển qua đường bưu điện đến DN… Cũng như có những trường hợp khách “VIP” bận rộn, yêu cầu nhân viên NH thực hiện thay các thủ tục, thậm chí rút tiền hộ và mang đến tận nhà. “Cách làm này lại tiềm ẩn vô cùng nhiều rủi ro cho khách gửi tiền. Nếu không mở sổ tại quầy, bạn có thể bị mạo danh để chiếm đoạt. Tương tự, vội vàng ký sẵn chứng từ, bạn có thể bỗng dưng thành con nợ” – một chuyên gia trong lĩnh vực NH phân tích.
Trở lại vụ việc bà Xuân. Nhân viên VPBank – bà Đoàn Thị Thúy Hằng là người ký tên trên giấy đề nghị mua séc của Công ty Quang Huân tại VPBank. Nhân viên này cũng là người ký nhận 2 quyển séc và giao lại cho đại diện Công ty. Việc nhân viên NH ký nhận hộ quyển séc cho khách là sai quy định, song lãnh đạo VPBank khẳng định đây không thể là mấu chốt của sự việc, bởi ngay sau đó, bà Hằng đã giao lại đầy đủ cho khách, và cũng ký tên mình trên giấy nhận quyển séc. Bên cạnh đó, quyển séc chỉ có giá trị rút tiền khi có chữ ký của chủ tài khoản và con dấu đã đăng ký với NH. Từ đó đến nay, hơn một năm, bà Xuân đã làm việc với VPBank và cả cơ quan công an nhưng vẫn chưa xác định được trách nhiệm trong vụ việc này thuộc về ai: NH hay bà Xuân. Còn trường hợp của bà Phúc, nếu SCB chỉ xác định ủy quyền trên điện thoại cũng sai nguyên tắc.
Một cựu quan chức NH cho rằng, việc khách hàng mất số tiền lớn trong cả năm qua nhưng im ắng trong thời gian dài, và đến nay mới lên tiếng thì không loại trừ khả năng có góc khuất nào đó trong vụ việc, do đó đòi hỏi sự điều tra kỹ lưỡng. Tuy nhiên, khi nhận tiền gửi vào của khách, trách nhiệm và nghĩa vụ đầu tiên của NH là phải áp dụng các biện pháp an toàn đảm bảo tiền của khách không bị thất thoát. Nếu tiền “bốc hơi” mà không có chữ ký của khách hàng, NH trích từ quỹ rủi ro bồi thường trước, lỗi thuộc về ai sẽ làm rõ sau. Kinh nghiệm này, các NH trên thế giới vẫn áp dụng khi sơ hở gây ra sự cố.
Nhưng ở Việt Nam thì khác. Luật sư Nguyễn Quang Ngọc – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, nếu NH cứ khăng khăng là mình đúng, đẩy phần thiệt cho khách hàng, không chịu trách nhiệm và xử lý kịp thời thì chỉ còn cách kiện ra tòa. Quy trình tố tụng kéo dài và kết quả như thế nào, chúng ta có thể hình dung. Trách nhiệm của NH và quyền lợi của người dân gửi tiền vào NH trong những trường hợp “tự nhiên” mất tiền đòi hỏi sự cân nhắc và thận trọng không chỉ nhằm bảo đảm an toàn hệ thống mà còn là lòng tin của người dân.

——————

Kinh tế & Đô thị (Kinh tế) 29-8-2016:

https://kinhtedothi.vn/long-leo-tu-quy-trinhgiao-dich-den-bao-mat-tai-khoan-ngan-hang.html

(135/1.322)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,824