2.677. Tương tác giữa báo chí và doanh nghiệp.

(ĐT) – Những con số trên báo cáo tài chính nói lên “sức khoẻ” của doanh nghiệp. Hoạt động quảng bá, marketing góp phần đưa hình ảnh sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đến với công chúng. Là báo chí, chúng tôi kể câu chuyện kinh doanh từ đa dạng góc nhìn, bằng ngôn ngữ của đời sống kinh tế hàng ngày.

Nhiều sản phẩm thương hiệu “Made in Vietnam” đã được khách hàng tin dùng nhờ hoạt động truyền thông tích cực. Ảnh: Lê Tiên

Doanh nghiệp hưởng lợi về nhiều mặt

Dăm năm trước, startup (doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo) là một khái niệm còn xa lạ với nhiều bạn đọc tại Việt Nam. Từ lúc khái niệm này còn gây nhiều tranh cãi trên mặt báo cho đến khi nhiều người hiểu rõ cả hành trình và những gian khó của loại hình doanh nghiệp này, không thể phủ nhận vai trò của báo chí.

Kể từ đó, nhiều sản phẩm của startup Việt được người tiêu dùng ủng hộ, nhiều chính sách của Chính phủ đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này hoạt động và phát triển. Họ đã lớn lên thành một cộng đồng rõ nét. Ngày qua ngày, các câu chuyện về khởi nghiệp, các chính sách hỗ trợ họ tiếp tục được kể trên mặt báo, đưa startup đến gần với đông đảo bạn đọc.

Đó là ví dụ cho thấy hiệu quả tích cực của phương tiện truyền thông trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh mỗi ngày.

Mặt khác, một hàng hóa mới hoặc một loại hình dịch vụ mới sẽ gõ cửa nhu cầu người tiêu dùng qua thông tin trên mặt báo. Từ đó, xu hướng tiêu dùng cũng được định hình và điều chỉnh để phù hợp và có lợi cho người mua hàng.

Các loại thực phẩm hữu cơ đã đến với người dân từ khắp nông thôn đến thành thị theo cách thức như vậy. Hay hàng hóa thương hiệu “Made in Vietnam” đã được tin dùng trong nhiều năm qua không chỉ bởi sự nở rộ của các biển hiệu này từ trong ngõ ra ngoài phố lớn mà còn bởi chủ trương người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã được truyền thông tích cực.

Về phương diện chính sách, qua báo chí, doanh nghiệp đã có tiếng nói bảo vệ quyền lợi của mình. Các chính sách ưu đãi thuế, ưu đãi đầu tư cho nhiều nhóm doanh nghiệp, hoặc tiếng nói bảo vệ doanh nghiệp trước các rủi ro kinh doanh đã và đang cho thấy vai trò tích cực của báo chí.

Ở khía cạnh khác, việc phổ biến thông tin pháp luật trên mặt báo cũng giúp doanh nghiệp hiểu rõ về chính sách và có định hướng hoạt động đúng đắn, phù hợp với cơ sở pháp lý hiện hành.

Bình luận về tác động đa chiều của báo chí với doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội nói: “Rõ ràng, mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp từ trước đến nay là rất tích cực. Các doanh nghiệp trong hiệp hội chúng tôi đã có thể đối thoại với cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhà nước qua các phương tiện truyền thông. Nhiều cơ quan báo chí hoạt động chuyên sâu về một lĩnh vực nên có những bài viết rất cụ thể, hữu ích cho bạn đọc cần tìm hiểu và nghiên cứu sâu sắc vấn đề”.

Ở khía cạnh khác, theo ông Quốc Anh, doanh nghiệp đã có thể tìm kiếm và lựa chọn được bạn hàng, đối tác từ các thông tin trên các phương tiện truyền thông. “Doanh nghiệp cũng luôn thận trọng trong việc lựa chọn kênh báo chí để truyền tải thông điệp kinh doanh và phản biện chính sách”, ông Quốc Anh chia sẻ.

Những xích mích do chủ quan và thiếu công tâm

Về phương diện chính sách, qua báo chí, doanh nghiệp đã có tiếng nói bảo vệ quyền lợi của mình. Các chính sách ưu đãi thuế, ưu đãi đầu tư cho nhiều nhóm doanh nghiệp, hoặc tiếng nói bảo vệ doanh nghiệp trước các rủi ro kinh doanh đã và đang cho thấy vai trò tích cực của báo chí. 

Với những lợi ích như trên, báo chí được coi là người bạn của doanh nghiệp, cùng họ đi suốt chặng đường từ xây dựng đến trưởng thành và phát triển. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp cố tình sai phạm và làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, quyền lợi của người dân, tiếng nói của báo chí đã đưa nhiều vụ việc ra ánh sáng.

Trong sự tương tác đó, đã có nhiều trường hợp nảy sinh sự bất hòa giữa báo chí và doanh nghiệp dẫn đến việc doanh nghiệp kiện báo chí ra tòa. Khi đó, không hẳn doanh nghiệp đúng mà cũng không hẳn báo chí sai. Ranh giới giữa “sự thật” và “một nửa sự thật” trong những sự vụ như vậy cần nhiều bằng chứng cụ thể và sự đánh giá khách quan, chính trực.

Tuy nhiên, nếu báo chí chỉ nắm được một nửa sự thật đã vội phán xét thì sai sót là khó tránh khỏi. Hoặc khi báo chí nhìn rõ cả 2 mặt tốt – xấu của sự việc nhưng chỉ phản ánh một mặt theo ý chí chủ quan thì xích mích giữa hai bên chắc chắn xảy ra. Cả hai trường hợp này đều khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, mệt mỏi.

Theo ông Mạc Quốc Anh, việc báo chí phanh phui các hành động sai trái của doanh nghiệp là điều cần thiết để giúp bạn đọc có thể hiểu về cộng đồng doanh nghiệp một cách chân thực, đồng thời, góp phần làm lành mạnh môi trường kinh doanh.

Tuy nhiên, giữa hàng trăm cơ quan báo chí, hàng ngàn nhà báo hiện nay, vẫn còn có sự khác biệt về định hướng và đạo đức làm nghề. Khi báo chí phản ánh khách quan và công tâm, doanh nghiệp và bạn đọc hưởng lợi. Ngược lại, khi ý chí chủ quan chi phối bài viết, doanh nghiệp sẽ phải nhọc nhằn xử lý và báo chí cũng không hẳn được yên.

Xem xét hoạt động báo chí qua các bài viết và những vụ việc kiện tụng từng xảy ra, Luật sư Trương Thanh Đức nêu quan điểm: “Đúng là có những bài viết cho thấy rõ có chủ đích không vì bạn đọc mà vì lợi ích riêng lẻ của tòa soạn hoặc một cá nhân. Có những bài viết dường như được đăng tải nhằm đánh bóng hoặc bôi nhọ một cá nhân nào đó. Tình trạng đưa tin thất thiệt cũng không phải là quá hiếm gặp. Khi chịu tổn thất lớn, một số doanh nghiệp đã chọn cách làm là kiện cơ quan báo chí để lấy lại danh tiếng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, người chịu thiệt thòi vì các thông tin thiếu tính khách quan như vậy không muốn đi kiện do ngại phiền phức”.

Với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của đa dạng các phương tiện truyền thông hiện nay, ông Đức cho rằng, mối quan hệ của báo chí và doanh nghiệp đã và đang thay đổi theo xu hướng tích cực. Tức là, cả hai bên đều nhận thức rõ hơn vai trò và sự bình đẳng trong mối quan hệ này. 

Trở lại với câu chuyện các startup bước vào truyền thông và cộng đồng kinh doanh, từng có nhiều ý kiến cho rằng, truyền thông đang làm quá lên vai trò của startup khiến nhiều bạn trẻ ảo tưởng sức mạnh và vội vã kinh doanh khi chưa đủ điều kiện và bản lĩnh.

Tương tự, trong nhiều trường hợp báo chí quá được đề cao vai trò dẫn đến ảo tưởng sức mạnh của “quyền lực thứ tư” nên rơi vào bẫy của chính mình. Cái sai của người khởi nghiệp có thể chỉ dẫn đến tổn thất cho cá nhân hoặc một nhóm người trong doanh nghiệp đó. Trong khi đó, cái sai của báo chí có thể làm doanh nghiệp lao đao, khốn khổ và uy tín tờ báo giảm sút nặng nề.

Ở cả hai chiều hỗ trợ và phanh phui sai phạm của doanh nghiệp, báo chí luôn cần đặt mình ở vị trí khách quan và công tâm nhất. Từ đó, thông tin trên báo mới đảm bảo tính trung thực, đa chiều để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững, hơn hết là để có được niềm tin từ bạn đọc. Cuối cùng, sự tương tác tích cực giữa báo chí – doanh nghiệp – bạn đọc sẽ đạt hiệu quả cao nhất cho cả các bên.

Lê Hường


 

Đấu thầu (Doanh nghiệp) 21-6-2019:

http://baodauthau.vn/doanh-nghiep/tuong-tac-giua-bao-chi-va-doanh-nghiep-101416.html

(210/1.529)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,827