2.680. Từ việc Asanzo bị nghi nhập thiết bị Trung Quốc về lắp ráp, gắn xuất xứ Việt Nam, hiểu cụm từ ‘Made in Vietnam’ thế nào cho đúng?

(ĐS&PL) – Thời gian vừa qua, lợi dụng việc nhập nhằng các quy định về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, nhiều doanh nghiệp đã hô biến từ hàng nhập khẩu thành hàng sản xuất trong nước, và dán mác “Made in Vietnam”, đánh lừa người tiêu dùng. Vậy cần hiểu cụm từ “Made in Vietnam” này thế nào cho đúng?

Thế nào thì được coi là “Made in Vietnam”?

Cần hiểu “Made in Vietnam” thế nào cho đúng? (Ảnh: Financial Times).

“Made in Vietnam” là cụm từ tiếng Anh được sử dụng để định danh, chỉ dẫn về xuất xứ của hàng hóa thương mại, trong tiếng Việt, cụm từ này gần nhất với nghĩa “Sản xuất tại Việt Nam”.

Vậy có phải sản phẩm nào được gắn mác “Made in Vietnam” là đều được sản xuất 100% tại Việt Nam, đại diện cho thương hiệu của Việt Nam? Và cần hiểu cụm từ này thế nào cho đúng?

Theo luật sư Trương Thanh Đức hiện tại trong luật không có định nghĩa về “Made in Vietnam” là gì, mà chỉ giải thích cụm từ này theo tính chất bắc cầu, dựa vào các công ước, tiêu chuẩn quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ban hành 2017 quy định: “Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình, nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa, hoặc các Hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết”.

Với quy định trên, Chính phủ vô hình chung đã “thả” cho doanh nghiệp tự do định danh về xuất xứ sản phẩm, mà không kèm theo những hướng dẫn cụ thể, tạo ra lỗ hổng để các doanh nghiệp mập mờ đánh tráo khái niệm về nguồn gốc sản phẩm.

Nghị định số 19/2006/NĐ-CP ra đời năm 2006 có lí giải: “Xuất xứ hàng hóa là nước hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa, hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa, trong trường hợp có nhiều nước hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó”.

Theo đó, xuất xứ hàng hóa có thể chia làm hai loại: Xuất xứ thuần túy và xuất xứ không thuần túy. Xuất xứ thuần túy được giải thích là hàng hóa được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một nước. Trong khi đó hàng hóa có xuất xứ không thuần túy, tức là hàng hóa đó được sản xuất tại nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ khác nhau.

Về xuất xứ không thuần túy, Nghị định số 31/2018/NĐ-CP của Chính phủ có chỉ rõ, nếu sản phẩm có tỉ lệ phần trăm giá trị từ 30% trở lên sản xuất tại Việt Nam thì được cho là Made in Vietnam.

Điều đó cũng có nghĩa, là dù điện thoại Samsung có ghi Made in Vietnam nhưng nó vẫn là một sản phẩm của Hàn Quốc, được sản xuất bởi một tập đoàn Hàn Quốc.Tương tự, trên các thiết bị iPhone có ghi Made in China nhưng iPhone vẫn là một sản phẩm của Apple, một tập đoàn công nghệ của Mỹ.

Do đó, có thể hiểu dòng chữ “Made in Vietnam” hiện tại không hoàn toàn dùng để chỉ sản phẩm 100% được sản xuất tại Việt Nam, hoặc của các doanh nghiệp Việt Nam, đại diện cho Việt Nam được.

 

Từ “Made in Vietnam” đến “Make in Vietnam”

Made in Vietnam được thay bằng Make in Vietnam. (Ảnh: Vietnamplus).

Khẩu hiệu Make in Vietnam đã được nhắc tới nhiều trong thời gian gần đây, như là một chỉ dấu đỏ cho các doanh nghiệp Việt Nam hướng tới trong thời kì công nghiệp 4.0.

Trong bài phát biểu của mình tại tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giải thích, Make in Vietnam có nghĩa là “Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ, chủ động trong sản xuất”.

Đây thực sự là một định nghĩa khá mới mẻ, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở cả trên thế giới. Theo bà Tô Thị Thu Hương, Phó vụ trưởng vụ công nghệ thông tin, “Cụm từ Made in Vietnam mang tính là ‘sản xuất ở Việt Nam’, không có sự chủ động, chia theo thể bị động. Còn Make in Vietnam – ‘Làm tại Việt Nam’ sẽ hàm nghĩa người Việt Nam chủ động làm ra, sáng tạo và phát triển”.

Với nền kinh tế phẳng như hiện nay, mỗi quốc gia đều nằm trong một chuỗi cung ứng sản xuất có nhiệm vụ khác nhau, có vẻ như những giá trị như sản xuất tại đâu đã không còn mang nhiều ý nghĩa.

Việc đầu tư chất xám, nguồn lực con người, công nghệ để sáng tạo ra sản phẩm đó mới chính là giá trị cốt lõi của sản phẩm trong thời đại mới. Việc một doanh nghiệp nước này thiết kế ra sản phẩm, thuê nước khác sản xuất và lắp ráp, hoặc mua linh kiện từ một nước khác để chế tạo sản xuất đã không còn là chuyện hiếm trên thế giới.

Tuy nhiên, “điều này khác xa với việc anh mua toàn bộ linh kiện của họ về lắp ráp lại, giống nguyên mẫu mà không sáng tạo, thay đổi gì và gắn mác Made in Vietnam vào, thì đó là lừa đảo rồi”, luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.

 

Asanzo bị tố nhập hàng Trung Quốc, thay mác “Made in Vietnam” rồi bán ra thị trường

Asanzo bị tố nhập hàng Trung Quốc, thay mác “Made in Vietnam” rồi bán ra thị trường. (Ảnh: Zing.vn).

Mới đây, Tuổi trẻ đã có loạt bài phóng sự điều tra về những sản phẩm Trung Quốc đội lốt hàng Việt của công ty Asanzo. Theo Tuổi trẻ, Asanzo đã nhập nguyên linh kiện các mặt hàng điện tử Trung Quốc về lắp ráp, xé nhãn cũ và gắn nhãn “Made in Vietnam” vào, rồi đóng gói bán ra thị trường.

Hành vi này diễn ra ở tất cả các sản phẩm của Asanzo từ TV, điều hòa đến lò nướng thủy tinh cùng các thiết bị điện gia dụng khác. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Vietnamnet, ông Phạm Văn Tam, CEO của Asanzo đã thừa nhận việc công ty này sử dụng các linh kiện đến từ Trung Quốc.

Trả lời với  Zing.vn, CEO Phạm Văn Tam khẳng định việc Asanzo gắn mác “Made in Vietnam” cho các sản phẩm của mình là hoàn toàn đúng luật.

“Những linh kiện nhập khẩu là những thứ Việt Nam chưa sản xuất được và chiếm khoảng 70% của một chiếc TV. 30% còn lại Asanzo chủ động thiết kế bảng mạch, hiệu chỉnh phần mềm Android TV cho phù hợp với thị trường Việt Nam, bộ nguồn sao cho phù hợp với điện 220V cũng như điện từ ắc-quy, để có thể hoạt động trên ghe thuyền của các vùng sông nước và các phần phụ trợ như điều khiển (remote)…”, ông Phạm Văn Tam nói.

Trước những thông tin tiêu cực trên, nhiều trang thương mại điện tử, các nhà bán lẻ đã ngừng kinh doanh các sản phẩm của Asanzo. Tại Nguyễn Kim, tuy vẫn được bày bán, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, các sản phẩm này sẽ không còn được nhà sản xuất bảo hành chính hãng nữa.

Tại Điện máy xanh, theo đại diện truyền thông, công ty này đã rút các sản phẩm của Asanzo trên website cho đến khi có thông tin chính thức. Tuy nhiên tại cửa hàng vẫn trưng sản phẩm và bán bình thường. Khách hàng có quyền lựa chọn mua hoặc không mua.

THIÊN TRƯỜNG

———–

Đời sống & Pháp lý (Kinh doanh) 25-6-2019:

https://vietnammoi.vn/tu-viec-asanzo-bi-nghi-nhap-thiet-bi-trung-quoc-ve-lap-rap-gan-xuat-xu-viet-nam-hieu-cum-tu-made-in-vietnam-the-nao-cho-dung-20190624192530024.htm

(221/1.399)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.710. Sự cố VNDirect: Ai sẽ chịu trách nhiệm khi...

(VOV.VN) - Ngày thứ 3 kể từ thời điểm tạm dừng hoạt động, hệ thống...

Bình luận 

ANVI Luận cứ: Không thể áp dụng nguyên tắc bất...

Luận cứ bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong Vụ án Trương Mỹ Lan...

Phỏng vấn 

4.268. Luật sư kiến nghị đánh giá lại tội danh...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 201,581