2.696. Từ vụ Big C tạm ngừng nhập hàng may mặc: Bài toán nằm ở cạnh tranh, chất lượng và giá cả.

(TBNH) – Để hàng Việt Nam, các DN Việt Nam cạnh tranh được, bên cạnh sự nỗ lực của chính DN thì rất cần sự hậu thuẫn của Chính phủ bằng sự cải cách mạnh mẽ cả một hệ thống luật pháp, chính sách và thể chế.

Hàng Việt, DN Việt phải vươn lên

Vụ việc Big C đột ngột thông báo ngừng nhập hàng may mặc Việt Nam để rà soát lại danh mục hàng hóa và tính khả thi từ nhà cung cấp lại để phát triển các sản phẩm với chất lượng tốt nhất là một tiếng chuông cảnh báo nguy cơ cho hàng sản xuất trong nước.

Nhiều ý kiến lo ngại Big C và cả các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ đưa ra những điều kiện khắt khe hơn, giảm dần hàng Việt Nam nhường chỗ cho hàng ngoại. Ở trường hợp Big C có thể chính là hàng Thái Lan. “Điều đó rất dễ xảy ra bởi trong xu thế ASEAN là mái nhà chung trong Cộng đồng kinh tế thì việc nhập hàng Thái Lan cũng hết sức bình thường và ngày càng nhiều hơn”, ông Vũ Vinh Phú – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết.

Để hàng Việt Nam không bị đẩy khỏi các siêu thị nước ngoài, trước hết luật pháp cần có quy định rõ ràng hơn

Trên thực tế hiện ở Việt Nam hàng hoá Thái Lan và một số nước khác đang từng bước phủ đa phần trên các quầy kệ trong các siêu thị nước ngoài. Vì vậy, để hàng Việt Nam không bị đẩy khỏi các siêu thị nước ngoài, trước hết luật pháp cần có quy định rõ ràng hơn “Luật Cạnh tranh đang rất hở. Vì luật đang rất chung chung khi có câu “Nhà bán lẻ không được từ chối những nhà cung ứng gửi hàng khi không có lý do chính đáng nhưng lại không chỉ rõ thế nào là lý do chính đáng”. Đây là kẽ hở cho các siêu thị, các nhà bán lẻ nước ngoài ép nhà cung ứng”, ông Phú nói.

Đồng thời, các DN phải chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước và sự hỗ trợ của Nhà nước một cách hợp lý mà không vi phạm các cam kết của các FTA. Nhưng hàng Việt đang yếu ở khâu xây dựng thương hiệu, quảng bá chất lượng và hệ thống phân phối, và cả khâu liên kết giữa nhà sản xuất với nhà phân phối thành những chuỗi liên kết mạnh, hiệu quả. Ông Phú mong DN sản xuất Việt, hệ thống phân phối Việt tạo thành những sức mạnh cộng sinh, chặt chẽ, chủ động cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa, giảm bớt những áp lực xấu của những nhà bán lẻ nước ngoài.

Nhấn mạnh “Ở đây là bài toán cạnh tranh, chất lượng và giá cả”, Luật sư Trương Thanh Đức nói: “Nếu hàng của Việt Nam nói chung và may mặc nói riêng bán chạy thì họ – các nhà bán lẻ ngoại sẽ nhập ào ào, thậm chí còn dành chỗ đẹp nhất để trưng bày. Nhưng nếu bán ế thì tình thế sẽ ngược lại. Nếu không có chính sách nâng mình từ gốc thì chuyện này là tất yếu phải đến”.

Tuy nhiên, không thể lựa chọn cách ngăn sông cấm chợ với hàng ngoại để bảo hộ hàng Việt Nam, bảo vệ DN Việt Nam bởi cách làm đó là vi phạm các cam kết quốc tế. Thứ nữa, chính sự cạnh tranh càng gay gắt là động lực buộc DN Việt, hàng Việt phải đổi mới, nâng cao chất lượng, mẫu mã; phải cải cách để nâng cao năng suất, hạ giá thành. Thứ ba, người tiêu dùng sẽ được dùng hàng tốt, đẹp, giá hợp lý, mua sắm tại thị trường Việt Nam sôi động hơn và không lo tình trạng chảy máu tiêu dùng, người Việt Nam sẽ không phải ra nước ngoài để mua hàng ngoại.

Thế nhưng, để hàng Việt Nam, các DN Việt Nam cạnh tranh được, bên cạnh sự nỗ lực của chính DN thì rất cần sự hậu thuẫn của Chính phủ bằng sự cải cách mạnh mẽ cả một hệ thống luật pháp, chính sách và thể chế. Đó là một môi trường kinh doanh thông thoáng, chi phí kinh doanh thấp, đó là chính sách cho logistics, hạ tầng phát triển, đó là pháp luật đất đai sửa đổi để DN tập trung ruộng đất cho sản xuất lớn, công nghệ cao để có hàng hóa chất lượng, giá rẻ…

Quyền thuộc về người tiêu dùng

Cho rằng, những ngày hàng bị đẩy khỏi hệ thống chắc chắn sẽ đem lại tổn thất ít nhiều cho các DN dệt may, ông Phú đặt vấn đề: “Nếu theo Luật Dân sự thì Big C có phải bồi thường cho nhà cung ứng hay không? Câu hỏi này chưa được trả lời từ Bộ Công thương”.

Hơn nữa, Bộ Công thương có nói việc phân xử phải theo hợp đồng ký kết, nhưng thực tế, hợp đồng của người mạnh là Big C thảo ra thì nhà cung ứng bao giờ cũng là bên yếu, chịu nhiều thua thiệt. “Vậy, chúng ta thương thảo trên một hợp đồng, giả sử mất công bằng thì có ý nghĩa gì không?”, ông Phú băn khoăn.

Phân tích về pháp luật, Luật sư Trương Thanh Đức, cho rằng, việc Big C ngừng nhập hàng, vi phạm hợp đồng, nhưng có đền bù thiệt hại cho nhà cung cấp thì họ không sai luật. Còn nếu Big C muốn đưa hàng Thái Lan vào hệ thống bán lẻ của họ, kể cả việc họ chỉ bán hàng Thái Lan… thì cũng không vi phạm pháp luật hay cam kết hội nhập nào. Lựa chọn mặt hàng nào là tùy ở chiến lược kinh doanh, mục tiêu lợi nhuận của mỗi DN. Nhưng nếu họ (Big C và kể cả các nhà bán lẻ khác) bắt tay với đối tác khác loại trừ hàng Việt để thống lĩnh thị trường thì họ vi phạm Luật Cạnh tranh. “Nhưng siêu thị sẽ bán hàng gì, hàng gì sẽ tiếp tục ngự trị trên các quầy hàng, hàng nào sẽ bị đẩy ra… siêu thị nào sẽ tiếp tục phát triển, siêu thị nào sẽ bị đóng cửa… hoàn toàn phụ thuộc vào người tiêu dùng”, vị luật sư nhấn mạnh về quyền lực to lớn mà lâu nay người tiêu dùng Việt vẫn đang bỏ quên.

Trong mấy ngày qua, cũng đã nhen nhóm tâm lý “nếu Big C” ngưng nhập hàng Việt Nam thì sẽ có làn sóng tẩy chay Big C. Không thể phủ nhận trong nền kinh tế thị trường, quyền lực tối thượng thuộc về người tiêu dùng; sự tồn tại và phát triển của mặt hàng nào đó, của DN nào đó phụ thuộc vào người tiêu dùng. Người tiêu dùng biết dùng quyền của mình sẽ ngăn cản được hành vi làm ăn không tử tế. “Nếu sau vụ Vedan gây ô nhiễm môi trường nặng mà sản phẩm bị tẩy chay, thì sẽ không có chuyện Vedan lại tiếp tục làm môi trường ô nhiễm. Vì vậy các DN đừng coi thường sức mạnh và quyền của người tiêu dùng”, Luật sư Đức nói.

Trên thực tế, ngay khi dư luận có phản ứng Bộ Công thuơng vào cuộc thì Big C đã cam kết mở lại đơn hàng với 50/200 nhà cung cấp. “Nếu không có sự phản ứng từ dư luận, Bộ Công thương vào cuộc, liệu Big C có tuyên bố rõ ràng thời hạn 15 ngày và mở lại đơn hàng ngay cho 50 nhà cung ứng hay không”, ông Phú dẫn chứng.

Nhân vụ việc này, ông Phú cũng một lần nữa nêu lên đề xuất đã được nêu lên từ 2 năm trước, đó là thành lập Hiệp hội cung ứng hàng hoá vào khâu bán lẻ để sẵn sàng đối phó với những siêu thị nước ngoài và trong nước nếu họ làm ăn không tử tế. Theo đó, trường hợp có một siêu thị nào đó “làm ăn không tử tế” thì đồng loạt cả nghìn nhà cung ứng, thành viên Hiệp hội cung ứng hàng hoá rút hết hàng khỏi siêu thị này…

Lưu Thủy


Thời báo Ngân hàng (DN – DN) 12-7-2019:

http://thoibaonganhang.vn/tu-vu-big-c-tam-ngung-nhap-hang-may-mac-bai-toan-nam-o-canh-tranh-chat-luong-va-gia-ca-89915.html

(646/1.460)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.712. Hàng loạt vụ mất tiền trên tài khoản,...

(KTĐT) - Dồn dập các vụ mất tiền trên tài khoản, rồi mất ở sổ...

Bình luận 

ANVI Luận cứ: Không thể áp dụng nguyên tắc bất...

Luận cứ bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong Vụ án Trương Mỹ Lan...

Phỏng vấn 

4.268. Luật sư kiến nghị đánh giá lại tội danh...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 201,638