2.720. Đưa hộ kinh doanh lên doanh nghiệp: Cần, nhưng phải tính…

(ĐV) – Phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ thở như hộ gia đình chứ không phải đưa hộ gia đình lên doanh nghiệp để hành

Đưa vào luật là cần thiết

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất đưa 6 triệu hộ kinh doanh vào vòng pháp luật, phải nâng cấp, minh bạch hóa, đưa hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Nhìn nhận vấn đề trên, LS Trương Thanh Đức cho rằng, đưa các hộ kinh doanh vào luật là giải pháp cần thiết nhưng phải có lộ trình.

Đưa hộ lên doanh nghiệp phải để họ dễ thở, dễ sống. Ảnh: An ninh thủ đô

Ông phân tích, về bản chất hộ kinh doanh chính là cá nhân kinh doanh, xét về góc độ địa vị, pháp lý phải thừa nhận như doanh nghiệp tư nhân, không thể phủ nhận.

Trong quá khứ, kinh tế hộ, kinh tế tư nhân, con buôn bị hạn chế, pháp luật không khuyến khích,  thậm chí còn bị ngăn cản hoạt động nhưng thực tế hoạt động này vẫn diễn ra.

Đến những năm gần đây, kinh tế cá thể được thừa nhận và gọi với tên gọi là hộ kinh doanh, rồi kinh tế tư nhân.

“Định nghĩa hộ kinh doanh một cách rõ ràng, xác định rõ địa vị, pháp lý, danh xưng là cách giúp họ tồn tại công khai, đàng hoàng thực hiện các giao dịch, làm ăn”, ông Đức nói.

Trong trường hợp không được thừa nhận như doanh nghiệp tư nhân cũng cần được định nghĩa rõ ràng trong luật để doanh nghiệp có cơ sở pháp lý để tồn tại.

Ông Đức cho rằng, hộ kinh tế hoạt động như một doanh nghiệp nhưng lại không được thừa nhận là doanh nghiệp là do sự khiếm khuyết của pháp luật.

Có thực trạng trên là do các văn bản quy phạm pháp luật liên quan còn quy định về hộ kinh doanh một cách quá sơ sài, dễ dãi, đơn giản. Thậm chí trong luật còn không có một quy định nào đề cập tới quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của loại hình kinh doanh này trong khi đó những quy định với doanh nghiệp lại rất cụ thể, chi tiết.

Chính vì những bất cập nói trên đã dẫn tới một thực tế bất bình đẳng giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ.

Có những hộ kinh doanh thu nhập vài tỉ một tháng, lợi nhuận hàng chục tỉ đồng/năm như hàng xôi, quán phở của Hà Nội cũng không được coi là doanh nghiệp. Nhưng lại có những doanh nghiệp siêu nhỏ thu nhập vài trăm triệu một tháng cũng phải báo cáo tài chính, thực hiện sổ sách, kế toán như doanh nghiệp…

Ngoài ra, nếu hộ kinh doanh là 2 vợ chồng hoặc cả gia đình làm chủ thì phải chịu trách nhiệm vô hạn về toàn bộ tài sản của cả 2 vợ chồng hoặc cả gia đình.

“Rủi ro là quá cao trong kinh doanh, có thể mất toàn bộ tài sản của cả 2 vợ chồng và cả gia đình, thay vì thì chỉ mất một phần tài sản (đối với công ty) và toàn bộ tài sản của 1 người (đối với doanh nghiệp tư nhân)”, ông Đức phân tích.

Làm thế nào cho ổn?

Với hơn 6 triệu hộ kinh doanh, chiếm hơn 30% GDP chủ trương đưa thành doanh nghiệp là cần thiết nhưng phải có lộ trình.

Hiện đang có khoảng 1,6 triệu hộ kinh doanh đã đăng ký kinh doanh, với nhóm này cần thừa nhận họ là một loại hình doanh nghiệp.

Còn 3,4 triệu hộ chưa có đăng ký, sẽ thực hiện theo lộ trình tăng dần từng năm để xóa dần khoảng cách giữa hộ kinh doanh với doanh nghiệp siêu nhỏ, từng bước chuyên nghiệp hóa trong hoạt động và quản lý.

“Trước đây từng nói phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ thở, dễ sống như hộ kinh doanh, doanh nghiệp mới phát triển được. Bây giờ cũng vậy, không cần đưa hộ lên doanh nghiệp rồi đặt ra hàng loạt các quy định về kế toán, sổ sách, hóa đơn, chứng từ… như doanh nghiệp, như vậy là làm khó họ, làm họ nhụt chí rồi lại đi vào hoạt động ngầm, lại trốn thuế, lậu thuế, rất khó quản lý.

Tất nhiên cũng không hoàn toàn buông lỏng để hộ kinh doanh muốn làm gì thì làm mà cần quản lý theo cơ chế phù hợp.

Quan trọng nhất không phải là đưa hộ kinh doanh lên doanh nghiệp để nâng tiêu chí, tăng gấp đôi, gấp ba các điều kiện gây khó dễ cho họ. Mục đích chính là tạo điều kiện thuận lợi cho họ phát triển. Do đó, phải nâng dần từng bước, hợp lý hóa từng bước. Nếu không nâng được chuẩn hộ kinh doanh lên, thì buộc phải hạ chuẩn doanh nghiệp siêu nhỏ xuống”, ông Đức nói.

Hơn nữa, ông Đức cũng lưu ý quy định cần căn cứ trên quy mô, đặc điểm của các hộ kinh doanh như, kinh doanh lĩnh vực gì, có mang tính thường xuyên liên tục không? có phải lĩnh vực chuyên biệt hay nhạy cảm, liên quan tới an ninh quốc phòng hay không…?.

Ví dụ, có những sinh viên, giáo viên bán hoa, rửa xe làm thêm, đó chỉ là kinh doanh mang tình thời vụ, không ổn định thì không bắt buộc phải quản lý họ như doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cũng có những hộ gia đình có mặt bằng, có người làm, thu nhập vài tỉ một tháng thì phải coi đó là doanh nghiệp và phải hoạt động theo luật doanh nghiệp.

Hoài An

—————–

Đất Việt (Doanh nghiệp) 06-8-2019:

http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/dua-ho-kinh-doanh-len-doanh-nghiep-can-nhung-phai-tinh-3384889/

(993/993)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.730. Ra mắt cuốn “cẩm nang” tra cứu về pháp...

(ND) - Cuốn sách “Cẩm nang pháp luật ngân hàng (Nhận diện những vấn...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.277. Tìm hiểu kỹ về hợp đồng tín dụng

(FE) - Livetream: Finace explorers – Hiểu tiền bớt phiềnTập 6: Những...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,394