2.756. Ngân hàng say sưa trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ?

Những lo ngại về nguy cơ sở hữu chéo, đổ tín dụng vào bất động sản, đảo nợ khi ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp được chuyên gia giải đáp.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Theo LS Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, động thái của NHNN được đưa ra khi thấy hoạt động đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng nở rộ. Tuy nhiên, ông cho rằng, ngân hàng nào cũng biết rõ phải làm gì.

‘Vay cái gì, đầu tư vào đâu, cấp tín dụng ra sao, điều kiện về giới hạn tỷ lệ an toàn… đều đã có quy định, vấn đề là ngân hàng có làm đúng không hay cố tình lách. Chuyện biến tướng, bị lợi dụng xảy ra trong mọi lĩnh vực, NHNN và các cơ quan chức năng có phát hiện kịp thời, có dám xử lý nghiêm minh hay không mà thôi’, LS Trương Thanh Đức nói.

Trong khi đó, trước lo ngại các ngân hàng mua trái phiếu của doanh nghiệp có phải là cách để ngân hàng thực hiện việc sở hữu chéo hay không, chuyên gia tài chính-ngân hàng – TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định rằng chuyện này khó xảy ra bởi trái phiếu là công cụ nợ, không phải công cụ đầu tư. Một ngân hàng mua trái phiếu không có nghĩa là ngân hàng đó đầu tư vào một doanh nghiệp mà là cho doanh nghiệp đó vay.

NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

‘Mua trái phiếu mà lo ngại đó có thể là cách để ngân hàng sở hữu các doanh nghiệp, điều đó khó xảy ra, trừ trường hợp:

Thứ nhất, nếu nó là trái phiếu chuyển đổi. Sau một thời gian là công cụ nợ, trái phiếu đó trở thành cổ phiếu thì bấy giờ ngân hàng có thể sở hữu những doanh nghiệp đó. Khi ấy mới có vấn đề sở hữu chéo, còn nếu chỉ là công cụ nợ thì sở hữu chéo không xảy ra.

Thứ hai, nếu ngân hàng mua trái phiếu của các doanh nghiệp, các doanh nghiệp dùng tiền đó để mua lại cổ phần của ngân hàng, thay vì đầu tư vào các dự án, thì có thể xem doanh nghiệp đó sở hữu chéo’, TS Nguyễn Trí Hiếu chỉ rõ.

Cũng theo vị chuyên gia, thời gian qua NHNN khuyến cáo các ngân hàng giảm tín dụng cho vay bất động sản mà giờ đây ngân hàng lại mua trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản, điều đó có vẻ mâu thuẫn.

Tiền mà các doanh nghiệp thu được sau khi phát hành trái phiếu có thể dùng để xây dựng các dự án bất động sản. Thế nên, cách này hay cách khác, tiền đó vẫn liên quan đến bất động sản, điều này có thể đi ngược lại với chủ trương của NHNN.

Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa trực tiếp cho vay bất động sản và mua trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản, TS Nguyễn Trí Hiếu lưu ý.

Theo đó, khi các ngân hàng cho vay trực tiếp một dự án bất động sản nào đó, tiền đó được sử dụng cho dự án. Còn khi doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu cho ngân hàng thì không chắc chắn toàn bộ số tiền đó được sử dụng cho dự án bất động sản của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể sử dụng đồng tiền đó cho các hoạt động kinh doanh khác.

‘Vì thế, đúng là việc mua trái phiếu doanh nghiệp bất động sản không phù hợp với chủ trương của NHNN nhưng chưa thể kết luận là các ngân hàng đã đi ngược lại với chủ trương’, TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Một điểm khác, nhìn vào cơ cấu đầu tư của một số ngân hàng, có thể thấy hầu hết những nhà phát hành trái phiếu mà ngân hàng nắm giữ hiện là ‘con nợ’ của ngân hàng này.

Về khả năng ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trên nguyên tắc các ngân hàng không thể dùng việc mua trái phiếu của một doanh nghiệp đã nợ mình để tái cơ cấu nợ, điều đó không hợp lệ.

Tuy nhiên, nếu ngân hàng mua trái phiếu của một doanh nghiệp đã vay họ thì việc mua trái phiếu đó sẽ cộng vào dư nợ mà doanh nghiệp đã vay trước đó.

‘Không có gì khác biệt giữa mua trái phiếu hay cho vay trực tiếp, tất cả đều phải cộng vào dư nợ của doanh nghiệp tại ngân hàng đó.

Về lo ngại doanh nghiệp phát hành trái phiếu, dùng tiền đó trả nợ cho ngân hàng, để ngân hàng tái cơ cấu nợ, biến nợ xấu hoặc nợ có thể thành nợ xấu trở thành tài sản xốt, điều này các ngân hàng không được phép làm’, TS Nguyễn Trí Hiếu khẳng định.

————

Đất Việt 03-9-2019:

http://gioitre.baodatviet.vn/Ngan-hang-say-sua-trai-phieu-doanh-nghiep-de-dao-no-news-2060292.html

(141/913)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.712. Hàng loạt vụ mất tiền trên tài khoản,...

(KTĐT) - Dồn dập các vụ mất tiền trên tài khoản, rồi mất ở sổ...

Bình luận 

ANVI Luận cứ: Không thể áp dụng nguyên tắc bất...

Luận cứ bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong Vụ án Trương Mỹ Lan...

Phỏng vấn 

4.268. Luật sư kiến nghị đánh giá lại tội danh...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 201,624