2.893. Thuế giá trị gia tăng với nghiệp vụ L/C: Ngân hàng tiếp tục mắc kẹt vì hai bộ đùn đẩy

(ĐT) – Sau thời gian dài chờ đợi việc tháo gỡ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính về vấn đề thu thuế VAT với nghiệp vụ L/C, các ngân hàng thương mại lại tiếp tục thất vọng.

Mới đây, NHNN đã có văn bản từ chối đề nghị của Bộ Tài chính, trong khi Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên ý kiến của mình. 

Doanh nghiệp xuất nhập khẩu lo ngại việc truy thu VAT với dịch vụ L/C trong 10 năm qua, bởi đã quyết toán thuế.  Ảnh: Đ.T

Hai bộ đều có lý, ngân hàng thương mại bị kẹt

NHNN vừa có văn bản phúc đáp Công văn của Bộ Tài chính về thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với thư tín dụng (L/C). Theo đó, NHNN từ chối đề nghị phân loại các khoản phí thu từ dịch vụ L/C.

Lý do mà NHNN đưa ra là thông lệ quốc tế và pháp luật Việt Nam trong giai đoạn 2011 đến nay không có quy định về việc xác định cụ thể loại phí nào thu từ dịch vụ L/C là phí cấp tín dụng, loại phí nào là phí thanh toán qua tài khoản.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về công văn của NHNN, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn thuộc Tổng cục thuế (Bộ Tài chính) tỏ ra bức xúc.

“Thuế thu không sai, ngân hàng, doanh nghiệp cũng không sai. Chúng tôi rất thiện chí, rất trách nhiệm, đã đưa ra hướng mở để NHNN phối hợp tháo gỡ, nhưng nếu NHNN không nghe, thì chúng tôi cũng bó tay, không ai có thể gỡ cho ngân hàng thương mại được cả. Chúng tôi đã cố gắng hết sức rồi”, ông Phụng nói.

Tranh cãi về thuế VAT với nghiệp vụ L/C giữa ngân hàng, doanh nghiệp với cơ quan quản lý thuế bùng lên từ năm 2020 khi cơ quan thuế hướng dẫn các ngân hàng rà soát, kê khai và nộp thuế VAT đối với các khoản thu từ L/C trong gần 10 năm qua, từ khi Luật Các tổ chức tín dụng 2010 có hiệu lực (năm 2011). Mấu chốt của vấn đề là ngành thuế coi L/C là dịch vụ thanh toán, nghĩa là đối tượng phải nộp thuế, trong khi các ngân hàng khẳng định, L/C là hoạt động lưỡng tính, vừa là dịch vụ thanh toán, lại vừa là nghiệp vụ bão lãnh cấp tín dụng (không nằm trong đối tượng chịu thuế VAT).

Ông Nguyễn Văn Phụng khẳng định, việc áp thuế VAT với nghiệp vụ L/C là theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010.

Cụ thể, khoản 15, Điều 4 của Luật Các tổ chức tín dụng quy định, L/C là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản. Vì vậy, để ngành thuế thu thuế chính xác, NHNN cần đưa ra những quy định cụ thể phần phí L/C nào thuộc về tín dụng, phần nào là dịch vụ thanh toán. Khi văn bản pháp luật rõ ràng sẽ thuận lợi cho cả tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và cơ quan kiểm tra, giám sát.

Theo ông Phụng, nếu NHNN không phối hợp ban hành hướng dẫn, ngành thuế sẽ “theo luật mà làm”.

Hai bộ khó bắt tay, Chính phủ phải vào cuộc?

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Phó tổng giám đốc một ngân hàng TMCP tư nhân tỏ ra thất vọng khi NHNN và Bộ Tài chính không tìm được tiếng nói chung để gỡ khó cho ngân hàng, doanh nghiệp.

Hệ thống pháp luật nước ta còn khá rối rắm, nên bên nào cũng có lý. Để thu thuế chính xác với nghiệp vụ L/C của ngân hàng, cần bóc tách ra đâu là phần dịch vụ thanh toán, đâu là phần tín dụng. Muốn vậy, ngành thuế và ngân hàng phải hợp tác với nhau để tìm tiếng nói chung.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI

“Các khoản thu liên quan đến nghiệp vụ L/C mà tổ chức tín dụng đã thu của khách hàng trong giai đoạn trước thì bây giờ, ngân hàng không thể lấy lý do bị truy thu thuế để đòi khách hàng nộp thêm. Nếu bị truy thu 10 năm, số tiền phải nộp bổ sung, nộp phạt do nộp chậm là rất lớn, song ngân hàng không biết lấy từ nguồn nào. Chưa kể, với những ngân hàng đã từng mua bán, sáp nhập, việc thống kê số liệu từ thời trước sáp nhập là rất khó khăn”, vị này nói.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cũng tỏ ra lo lắng bị vạ lây. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu – đối tượng thường sử dụng L/C ngân hàng – nếu ngân hàng bị truy thu VAT với dịch vụ L/C trong 10 năm và truy thu lại từ doanh nghiệp, thì doanh nghiệp cũng không biết làm như thế nào, bởi đã quyết toán thuế hàng năm, báo cáo tài chính cũng đã được kiểm toán. Chưa kể, doanh nghiệp sẽ phải chuẩn bị cả “núi thủ tục”.

Trước mắt, sau khi NHNN từ chối phân loại phí dịch vụ L/C, ông Nguyễn Văn Phụng cho hay, ngành thuế sẽ căn cứ theo kết quả tự phân loại của các tổ chức tín dụng để thu thuế. Sau này, nếu thanh kiểm tra, ngân hàng sai sót trong phân loại sẽ phải tự chịu trách nhiệm.

Được biết, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng cung cấp số liệu về nghiệp vụ L/C cho Tổng cục Thuế. Cơ quan này cũng cho rằng, hầu hết các quốc gia trên thế giới không phân biệt L/C là thanh toán hay cấp tín dụng và không áp thuế VAT đối với L/C. Đồng thời, NHHN cũng đề nghị Bộ Tài chính không đặt vấn đề truy thu thuế VAT trong giai đoạn 10 năm, bởi sẽ phát sinh nhiều bất cập, tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư.

Đáp lại, Tổng cục Thuế cho rằng, việc thu thuế của Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Tổng cục Thuế không truy thu thuế, mà do ngân hàng thương mại chưa nộp thuế, thì bây giờ phải nộp đủ.

Ồn ào liên quan đến thuế VAT với nghiệp vụ L/C diễn ra hơn một năm nay, nhưng vẫn chưa được giải quyết, khiến các ngân hàng thương mại hết sức hoang mang. Nhiều ngân hàng thương mại kỳ vọng, Chính phủ sẽ có văn bản chỉ đạo để tháo gỡ vướng mắc này, nếu không, các ngân hàng và doanh nghiệp sẽ đối mặt với “núi thủ tục”.

 

Hà Tâm

—————

Đầu tư (Ngân hàng) 29-10-2021:

https://baodautu.vn/thue-gia-tri-gia-tang-voi-nghiep-vu-lc-ngan-hang-tiep-tuc-mac-ket-vi-hai-bo-dun-day-d154463.html

(173/1.116)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.279. Tình trạng thuê người mua ngoại tệ: Cần...

(HNM) - Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện tình trạng đăng tin tìm...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,727