2.999. Đề xuất kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu

(DIV) – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD).

Theo đó, dự thảo đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 đến ngày 15/8/2025, tức kéo dài thêm 3 năm so với thời hạn hiện tại.

Đồng thời, dự thảo cũng đề xuất Chính phủ có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các TCTD trong thời gian kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42.

Chuyển biến tích cực trong xử lý nợ xấu sau khi có Nghị quyết 42

Thời gian qua, tình hình nợ xấu và công tác xử lý nợ xấu luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội cùng sự quan tâm của đông đảo cử tri, quần chúng cả nước. Đặc biệt, với việc Quốc hội thể chế hóa công tác xử lý nợ xấu thông qua việc xây dựng và ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD (Nghị quyết số 42) đã khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác xử lý nợ xấu, tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất và đồng bộ về xử lý nợ xấu; tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi chung là TCTD) trong việc xử lý hiệu quả, dứt điểm nợ xấu, bảo đảm các TCTD tiếp tục phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

Theo NHNN, Nghị quyết 42 trải qua gần 5 năm đi vào thực tiễn, các quy định tại Nghị quyết đã tạo hành lang pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu của các TCTD, Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), mang lại những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và góp phần không nhỏ vào kết quả công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, thể hiện định hướng, chính sách đúng đắn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tạo niềm tin đối với hệ thống các TCTD nói riêng và toàn xã hội nói chung đối với công tác xử lý nợ xấu trong nền kinh tế.

Trong gần 5 năm áp dụng Nghị quyết số 42, Chính phủ đã chỉ đạo NHNN cùng các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai nghiêm túc, nỗ lực đẩy mạnh xử lý nợ xấu đúng mục tiêu, định hướng; công tác xử lý nợ xấu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các quy định tại Nghị quyết số 42 đã được các TCTD, VAMC áp dụng có hiệu quả trên thực tế, TCTD đã tích cực hơn trong công tác xử lý nợ xấu, ý thức trả nợ của khách hàng tăng cao. Khách hàng chủ động và hợp tác hơn trong việc trả nợ TCTD, hạn chế tình trạng chủ tài sản cố ý chây ỳ, chống đối nhằm kéo dài thời gian xử lý. Các biện pháp, chính sách tại Nghị quyết số 42 đã góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sự phối hợp giữa các cá nhân, tổ chức, các cơ quan hữu quan với tổ chức tín dụng trong công tác xử lý nợ xấu, góp phần thúc đẩy xử lý nợ xấu được thực hiện một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Trước khi có Nghị quyết số 42, nợ xấu của toàn hệ thống các TCTD chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro, các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) và khách hàng trả nợ còn chưa cao. Tuy nhiên, kể từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực, từ 15/8/2017 đến 31/5/2021, xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết số 42 chủ yếu thông qua hình thức khách hàng trả nợ là 130,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 39,28% tổng nợ xấu theo Nghị quyết số 42 đã xử lý), cao hơn nhiều tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng tự trả nợ/tổng nợ xấu đã xử lý trung bình năm từ 2012-2017 là khoảng 22,8%.

Đối với các khoản nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB), triển khai Đề án nâng cao năng lực cho VAMC, lũy kế từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đến 31/5/2021, VAMC mua nợ xấu bằng TPĐB đạt 100.773 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng, tương ứng với giá mua nợ là 98.127 tỷ  đồng. Đối với các khoản nợ mua theo giá trị thị trường , lũy kế từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đến 31/5/2021, VAMC đã mua được 336 khoản nợ đối với 192 khách hàng với dư nợ gốc đạt 11.541 tỷ đồng và giá mua nợ đạt 11.628 tỷ đồng.

Về kết quả xử lý nợ xấu, triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu quy định tại Nghị quyết số 42, VAMC tiếp tục quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu. Lũy kế từ năm 2013 đến 31/5/2021, VAMC đã phối hợp cùng các TCTD xử lý nợ với giá trị thu hồi nợ đạt 177.288 tỷ đồng. Đặc biệt, từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực, kết quả thu hồi nợ của VAMC đạt 115.984 tỷ đồng, bằng 65,42% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ năm 2013 đến 31/5/2021

Có thể nói, Nghị quyết số 42 đã tạo cơ chế xử lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ xấu và xử lý TSBĐ các khoản nợ xấu của TCTD. Trong thời gian qua, kể từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo toàn ngành ngân hàng triển khai nghiêm túc, nỗ lực đẩy mạnh xử lý nợ xấu đúng mục tiêu, định hướng công tác xử lý nợ xấu và đạt được kết quả tích cực. Về cơ bản, ý thức trả nợ của khách hàng được nâng cao, các quy định tại Nghị quyết số 42 đã được các TCTD, VAMC áp dụng có hiệu quả bước đầu trên thực tế, đảm bảo các TCTD tiếp tục phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo và đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Nghị quyết vẫn còn tồn tại các khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ sở pháp lý, đến quá trình thực thi. Nguyên nhân của các khó khăn, vướng mắc tập trung ở việc áp dụng pháp luật còn thiếu đồng bộ do có sự khác nhau giữa nội dung Nghị quyết số 42 với pháp luật chuyên ngành.

Cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42

Nghị quyết 42 là Nghị quyết thí điểm nên hiệu lực chỉ kéo dài 5 năm, đến ngày 15/8/2022 Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực thi hành.

Dự thảo Nghị quyết đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 đến ngày 15/8/2025.

Theo NHNN, khi hết hiệu lực thi hành, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 đang được thực hiện sẽ chấm dứt, việc xử lý nợ xấu của TCTD, VAMC sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, không được ưu tiên áp dụng một số chính sách được quy định tại Nghị quyết 42.

Trái lại, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng vẫn còn và có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới khi dịch Covid–19 chưa được kiểm soát. Đối với trung và dài hạn, nếu dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, dự báo chất lượng tín dụng của hệ thống các TCTD sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tỉ lệ nợ xấu nội bảng và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu có thể tiếp tục tăng nhanh.

Theo luật sư Trương Thanh Đức – Công ty Luật ANVI, Nghị quyết 42 đã sắp hết hiệu lực, nếu không được tiếp tục xử lý nợ xấu theo Nghị quyết này thì sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho ngành ngân hàng, nhất là trong bối cảnh nợ xấu bùng phát sau hậu quả của đại dịch Covid-19.

Hiện nay, NHNN được giao chủ trì nghiên cứu xây dựng Luật xử lý nợ xấu của các TCTD. Song, trong thời gian xây dựng Luật xử lý nợ xấu, việc không tiếp tục thực hiện Nghị quyết 42 sẽ dẫn đến không còn hành lang pháp lý cho cơ chế xử lý nợ xấu của các TCTD, VAMC.

Do vậy, để tiếp tục thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng, tiếp tục khắc phục những khó khăn, hạn chế trong việc xử lý nợ xấu của các TCTD, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, thì việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 là thực sự cần thiết, qua đó góp phần tạo nền tảng cho sự phát triển an toàn, hiệu quả của hệ thống TCTD, gia tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp, tạo điều kiện phát triển kinh tế bền vững.

Theo NHNN, việc tiếp tục thực hiện các quy định của Nghị quyết 42 dưới hình thức ban hành một Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết, tạo hành lang pháp lý lâu dài, ổn định cho các TCTD xử lý nợ xấu, giảm sự xung đột giữa quy định tại Nghị quyết này với các luật chuyên ngành khác khi Luật này được ưu tiên áp dụng.

Việc tiếp tục duy trì chính sách xử lý nợ xấu tại Nghị quyết 42 tạo điều kiện cho TCTD đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu, thu hồi vốn nhanh, khơi thông nguồn vốn cho TCTD hoạt động, kinh doanh, góp phần ổn định hoạt động của TCTD, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu của TCTD và tránh các nguy cơ tiềm ẩn của nền kinh tế.

Về tác động xã hội, cơ quan soạn thảo báo cáo cho rằng, việc xử lý nợ xấu nói chung, xử lý TSBĐ nói riêng, không chỉ đơn thuần giúp các TCTD thu hồi nợ mà còn bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống ngân hàng, hệ thống tài chính quốc gia. Do đó, việc tiếp tục duy trì các chính sách từ Nghị quyết 42 sẽ tạo tâm lý tin tưởng của nhân dân vào hệ thống ngân hàng.

Hơn nữa, giải pháp duy trì các chính sách quy định tại Nghị quyết 42 không nằm trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Ngoài ra, các chính sách tại Nghị quyết 42 góp phần thúc đẩy xử lý nợ xấu ngoài Tòa án mà rất nhiều quốc gia trong quá trình cải cách khu vực tài chính và xử lý nợ xấu áp dụng với các quy trình, biện pháp khác nhau, tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện của từng nước.

Tài liệu tham khảo:

Cổng thông tin điện tử NHNN: sbv.gov.vn;

Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách đề nghị tiếp tục thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD.

Hà Linh

———-

Bảo hiểm tiền gửi (Người gửi tiền nên biết) 15-3-2022:

http://www.div.gov.vn/Default.aspx?tabid=296&CtrName=detail&ArticleId=8870&CatID=17http://www.div.gov.vn/Default.aspx?tabid=296&CtrName=detail&ArticleId=8870&CatID=17

(60/2.084)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.281. Ông Trần Quí Thanh nhận thức hành vi của...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,170