3.318. Doanh thu trăm tỷ vẫn không muốn làm giám đốc

(VNN) – Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật Anvi kể, qua khảo sát ở Hạ Long (Quảng Ninh) có những gia đình làm vận tải du lịch biển, trước khi dịch Covid 19 xảy ra, kinh doanh rất thuận lợi, doanh thu lớn, mua thêm tàu, tuyển thêm lao động. Nhưng không đăng ký thành lập doanh nghiệp (DN), thay vào đó là đăng ký thành 2 hộ kinh doanh để hoạt động. Họ chỉ muốn là hộ kinh doanh cho dù quy mô là DN.

Ông Vũ Xuân Hiền, Sở KH-ĐT tỉnh Hải Dương thừa nhận,  địa phương có những hộ kinh doanh đủ điều kiện về đất đai, quy mô tới hàng trăm lao động, doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm, nhưng họ chỉ kê khai có 9 lao động và không muốn “lên đời” thành DN.

TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, khi còn làm việc tại ĐH Quốc gia Hà Nội kể: khi trao đổi với 1 hộ gia đình nuôi lợn liên kết với đối tác kinh doanh ở Thái Lan. Mô hình phát triển khá tốt, phía Thái Lan mong muốn để hộ Việt Nam nâng cấp mô hình này lên DN. Tuy nhiên, sau khi bàn bạc và xem xét kỹ, họ quyết định không làm nữa vì phát sinh quá nhiều chi phí.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 5 triệu hộ sản xuất, kinh doanh đang hoạt động, đóng góp trên 30% GDP cả nước. Rất nhiều hộ kinh doanh có doanh thu lớn, số lao động nhiều nhưng mãi mãi vẫn chỉ thích là hộ kinh doanh.

Luật sư Trương Thanh Đức cho biết, thời bao cấp chúng ta không có khái nệm về kinh tế tư nhân, chỉ có kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể. Kinh tế tư nhân bị hạn chế tối đa, dẫn đến sản xuất kinh doanh không phát triển được. Do nhu cầu đòi hỏi, kinh tế tư nhân, dưới dạng các hộ kinh doanh đã tự phát triển và được Nhà nước thừa nhận dần dần; sau này được ghi nhận như chủ thể kinh doanh, có đăng ký kinh doanh đàng hoàng.

Luật Doanh nghiệp hiện nay đã rất cởi mở. không cần nhà cửa, không cần vốn, không trình độ… vẫn có thể làm giám đốc. Nhưng không ít hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh chuyên nghiệp, đạt doanh thu mỗi năm tới vài chục tỷ đồng vẫn không chịu nâng cấp thành doanh nghiệp. Giữ nguyên hộ kinh doanh, có nhiều cái lợi như chỉ phải nộp thuế khoán, hệ thống sổ sách kế toán, hóa đơn tùy tiện. Thuận lợi và có phần dễ dãi, nên loại hình này đã nở rộ tới hơn 5 triệu hộ. 

Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 đặt mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam có 1 triệu DN hoạt động, trong đó có những DN quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Tuy nhiên, mục tiêu này đã không thành hiện thực. Một trong những nguyên nhân được các chuyên gia kinh tế chỉ ra, đó là kỳ vọng “biến” các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp đã không thành công.

Đóng góp của các loại hình doanh nghiệp

Khảo sát của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện với 400 hộ kinh doanh lớn trên cả nước, có quy mô tương đương doanh nghiệp nhỏ, trong năm 2018 cũng cho thấy, chỉ có khoảng 8,7% số hộ kinh doanh có vốn từ 1-5 tỷ đồng nghĩ tới việc chuyển đổi thành doanh nghiệp. Tỷ lệ hộ kinh doanh có trên 10 lao động muốn trở thành doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 5,63%.

Tại Hà Nội, năm 2019, thành phố đã cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập cho 27.000 doanh nghiệp mới. Tuy nhiên, chỉ có 48 doanh nghiệp được chuyển đổi từ mô hình hộ kinh doanh lên. Trong khi đó, theo thống kê, Hà Nội có tới 300.000 hộ kinh doanh và hầu hết đều ngại chuyển đổi.

Nỗi sợ khi lên doanh nghiệp

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nhiều hộ kinh doanh thừa nhận rất ngại chuyển sang mô hình DN vì phải thay đổi chế độ kế toán, từ thuế khoán lên tự khai, tự nộp, tự in và sử dụng hóa đơn. Bên cạnh đó, cách thức quản lý sổ sách thay đổi, đòi hỏi hộ kinh doanh phải thuê nhân lực, xây dựng hệ thống quản trị,… làm gia tăng chi phí.

Với tình hình hiện nay, hộ kinh doanh cá thể không muốn lên DN là điều dễ hiểu. Kinh doanh là lợi nhuận, làm gì để giảm chi phí được thì họ sẽ khai thác triệt để. Nếu trở thành DN tư nhân thì phải công khai, minh bạch, có kế toán, sổ sách, đóng thuế đầy đủ… nên họ sẽ không được làm ‘thuận tiện’ như cách làm của hộ kinh doanh cá thể nữa.

Theo Luật sư Đức, lý do sâu xa hơn khiến các chủ hộ không mặn mà với việc chuyển đổi là khi trở thành DN là do áp lực thanh tra, kiểm tra nhiều. 

Ông kể, có hộ kinh doanh vừa đăng ký thành lập DN xong ngày hôm trước, thì hôm sau các cơ quan phòng cháy chữa cháy, thanh kiểm tra, thuế đã ngay lập tức “hỏi thăm” nên rất hãi. Tôi biết, tại một số địa phương còn có hiện tượng những hộ kinh doanh được động viên “lên” DN rồi, sau đó lại thành lập hộ kinh doanh mới để hoạt động, còn DN chỉ duy trì cho có, khi cần để xuất hóa đơn

Luật sư Đức giải thích, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh (khác với hộ kinh doanh không bắt buộc phải đăng ký kinh doanh) là một tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp, bản chất chính là DN tư nhân. Duy trì hộ kinh doanh bên cạnh các loại hình doanh nghiệp là một sự bất bình đẳng. Vừa qua, đã có nhiều ý kiến từ giới chuyên môn đề nghị đưa những hộ kinh doanh này vào Luật Doanh nghiệp 2020, nhưng cuối cùng không được đa số tại Quốc hội tán thành.

Trong khi đó, Cục Thuế Hà Nội cho hay, hoạt động của hộ kinh doanh trên địa bàn Thủ đô hiện mang tính chất rất ‘biến ảo’, khó xác định địa điểm kinh doanh cố định, nên dễ xảy ra các trường hợp không minh bạch, lợi dụng xuất hóa đơn bất hợp pháp, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh, gây thất thu ngân sách nhà nước. Nhiều hộ kinh doanh hiện có doanh thu rất lớn, nhất là qua hình thức kinh doanh trực tuyến, nhưng thay đổi địa điểm kinh doanh lại không thông báo, dẫn đến rất khó quản lý thuế.

Việt Nam đặt ra mục tiêu tới 2030 sẽ có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động và nâng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP lên 65%. Tuy nhiên, mục tiêu này rất khó khăn nếu lực lượng lớn các hộ kinh doanh không muốn “đổi đời” thành DN và đưa hoạt động sản xuất kinh doanh lên quy mô lớn.

Một chuyên gia kinh tế chua chát, không ở đâu như Việt Nam, DN tư nhân thì không muốn lớn, còn hộ kinh doanh thì không muốn thành DN tư nhân. Điều này khiến cho hoạt động của hầu hết các tổ chức kinh tế cả nước chỉ ở quy mô nhỏ lẻ, không có thương hiệu, năng lực cạnh tranh thấp. Tuy nhiên, trước khi đặt câu hỏi với các chủ hộ vì sao không muốn làm giám đốc thì các nhà quản lý phải tự hỏi các chính sách quản lý vì sao chưa khuyến khích hộ kinh doanh lên DN và trở thành DN là 1 nỗi lo sợ của nhiều chủ hộ kinh doanh.

Trần Thủy

——————

Vietnamnet (Premium) 16-4-2021:

https://premium.vietnamnet.vn/doanh-thu-tram-ty-van-khong-muon-lam-giam-doc-n-474479.html

(495/1.369)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.279. Tình trạng thuê người mua ngoại tệ: Cần...

(HNM) - Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện tình trạng đăng tin tìm...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,628