613. Quản lý kinh doanh trên facebook chẳng khác gì quản việc “chat chit”?

(MTG) – “Quản lý kinh doanh trên facebook hoàn toàn không có tính khả thi. Có đến hàng chục triệu người thì làm sao phân biệt được việc người này kinh doanh với người kia không kinh doanh?” – Luật sư Trương Thanh Đức nêu quan điểm trước quy định kinh doanh trên facebook phải nộp thuế.

Ngày 9.12, Bộ Công thương ban hành Thông tư số 47 quy định về quản lý website thương mại điện tử có hiệu lực từ ngày 20.1.2015, trong đó có quy định các cá nhân, đơn vị kinh doanh trên facebook phải nộp thuế.

Thông tin này đã gây ra không ít sự hoang mang đối với những người đang hoạt động kinh doanh trên facebook và cũng có không ít ý kiến trái chiều.

Không quản nổi và không nên quản!

Đó là khẳng định của luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI khi trao đổi với Một Thế Giới về vấn đề này. Theo đó, luật sư Đức cho rằng, việc bán hàng trên website thương mại điện tử đã được quy định rất cụ thể, không còn gì phải bàn luận, chỉ là bổ sung, cập nhật thêm vấn đề. Còn việc kinh doanh trên mạng xã hội thì phân thành 2 loại.

“Thứ nhất là những trường hợp đã thành lập công ty, có hoạt động kinh doanh, có cửa hàng thì tranh thủ quảng cáo, chào hàng thêm ở trên mạng xã hội. Với trường hợp này thì không phải quan tâm nữa, vì đã có quản lý từ cái gốc, thành lập công ty là phải đóng thuế, phải có hóa đơn chứng từ. 

Thứ hai là hình thức kinh doanh mà chưa có gì, chỉ tranh thủ làm thêm, bán thêm trên mạng xã hội như facebook thì tôi cho rằng không thể quản lý được. Chúng ta muốn quản lý thì phải quản cái gốc, tức là quay trở về việc bắt người ta phải đăng ký kinh doanh. Nếu người dân chỉ kinh doanh nhỏ lẻ thì sẽ không phù hợp” – luật sư Đức cho biết.

Trên cơ sở đó, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, nếu như người dân chỉ bán hàng cho vui, bán với số lượng ít ỏi, không đáng kể thì không cần quản lý. Bởi vì luật thuế vừa mới ban hành cũng đã cho phép các hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu sẽ không phải đóng thuế. Vậy nên thu nhập từ facebook khoảng 9-10 triệu/tháng thì cũng không nên bắt người dân phải nộp thuế.

“Bên cạnh đó, những người bán lặt vặt, bán mà không có cửa hàng, cửa hiệu thì thường cũng không bán được nhiều. Còn những người bán nhiều, có cửa hàng đàng hoàng thì mới nên bắt đăng ký kinh doanh và khi quản lý thì phải quản lý cái gốc như vậy. Quản lý trên facebook chỉ là tín hiệu theo dõi, giám sát để có thể phát hiện ra những người buôn bán, làm ăn lớn sau đó bắt họ phải đăng ký kinh doanh thôi” – luật sư Đức nói.

 Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI

Luật sư Đức cũng ví von việc quản lý kinh doanh trên facebook chẳng khác gì quản việc “chat chit” của mọi người, làm sao mà quản được. 

“Có đến hàng chục triệu người thì làm sao phân biệt được việc người này kinh doanh với người kia không kinh doanh?

Đã gọi là kinh doanh thì ở đâu cũng quản, chỉ là quản chặt chẽ hay không chặt chẽ mà thôi. Ở các nước khác, đã kinh doanh thì phải đóng thuế, đã có thu nhập thì phải đóng thuế, tuy nhiên ở Việt Nam thì thu nhập dưới 9 triệu không phải đóng thuế, thậm chí có những người thu nhập cả trăm triệu cũng không phải đóng thuế. 

Ngay việc này còn không quản lý nổi thì làm sao mà quản lý được kinh doanh trên facebook. Cho nên quan điểm của tôi là không nên quản, thậm chí nên khuyến khích mọi người làm” – luật sư Đức cho biết.

Phải có vấn đề thì mới phải quy định!

Đồng tình với luật sư Trương Thanh Đức, trao đổi với  Một Thế Giới, Luật sư Nguyễn Thanh Điệp, Văn phòng Luật sư Khang Dân (Đoàn luật sư Hải Phòng) cũng cho rằng, quy định kinh doanh trên facebook phải nộp thuế là không có tính khả thi.

“Bất kể kinh doanh gì thì cũng phải đóng thuế. Từ hoạt động đầu tiên là thuế môn bài sau đó là thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng… Nếu mà nói về tính khả thi thì tôi cũng cho rằng hoàn toàn không khả thi, bởi vì mọi người mua bán trên facebook cũng đều chấp nhận một độ rủi ro nào đó, còn quản lý Nhà nước hiện nay thì quá nhiều.

Nhiều khi người ta lên facebook còn kết hợp giữa việc giao lưu kết bạn với buôn bán thêm, nên rất khó quản lý. Có những trang chuyên bán hàng, những doanh nghiệp lớn muốn mở thêm trên mạng để hỗ trợ việc kinh doanh thì có thể quản lý được, nhưng kinh doanh nhỏ lẻ sẽ rất khó” – luật sư Điệp cho biết.

Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Thanh Điệp thì phải có vấn đề thì Nhà nước mới phải quy định, và quy định này sẽ có lợi cho người tiêu dùng.

“Có thể quy định này là để giúp điều chỉnh trong tương lai, để hoạt động buôn bán facebook đi vào nề nếp, chuyên nghiệp hơn. Từ những giao dịch nhỏ sẽ phát sinh thành những giao dịch lớn và sẽ gây hậu quả khó lường nếu chúng ta không có quy định. Ví dụ như chất lượng hàng hóa, hoặc người ta tạo dựng lên các fan page để lừa đảo. Cho nên cũng nên quản lý, vấn đề là quản lý ở góc độ nào, mức độ nào.

Bên cạnh đó, nếu Nhà nước quản lý thì ở phía người dân cũng được lợi. Chẳng hạn như những chỗ nào có đăng ký thì người tiêu dùng có thể mua bán yên tâm, còn những chỗ nào không có đăng ký thì có thể không mua để tránh lừa đảo. Đương nhiên, đã hoạt động kinh doanh thì phải nộp thuế, và hiện nay với những đơn vị kinh doanh nhỏ thì mức thuế cũng chỉ 200-300.000 đồng/năm, tôi cho là không đáng kể” – luật sư Điệp nói.

Về quản lý hoạt động kinh doanh trên các mạng xã hội, thông tư 47 quy định, mạng xã hội như kinh doanh trên facebook phải tiến hành đăng ký với Bộ Công Thương dưới hình thức sàn giao dịch TMĐT mới được cho phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ; cho phép người tham gia lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ hoặc website có chuyên mục mua bán cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa, dịch vụ

Người kinh doanh trên facebook cũng phải thực hiện các trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT theo quy định của pháp luật đồng thời phải tuân thủ những quy định tại Điều 37 Nghị định số 52. Ví dụ như: cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin tối thiểu sau: Tên và địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức hoặc tên và địa chỉ thường trú của cá nhân; Số, ngày cấp và nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân, hoặc số, ngày cấp và đơn vị cấp quyết định thành lập của tổ chức, hoặc mã số thuế cá nhân của cá nhân; Số điện thoại hoặc một phương thức liên hệ trực tuyến khác…

Cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ về giá cả, phương thức thanh toán, giao nhận khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ. Đảm bảo tính chính xác, trung thực của thông tin về hàng hóa, dịch vụ cung cấp. Tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định của pháp luật có liên quan khác. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.

Duyên Duyên

—————–

Một thế giới (Tiêu điểm) 11-12-1014:

http://motthegioi.vn/tieu-diem/quan-ly-kinh-doanh-tren-facebook-chang-khac-gi-quan-viec-chat-chit-130340.html

(629/1.472)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.730. Ra mắt cuốn “cẩm nang” tra cứu về pháp...

(ND) - Cuốn sách “Cẩm nang pháp luật ngân hàng (Nhận diện những vấn...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.277. Tìm hiểu kỹ về hợp đồng tín dụng

(FE) - Livetream: Finace explorers – Hiểu tiền bớt phiềnTập 6: Những...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,368