626. Cẩn trọng việc mở rộng cửa thanh toán đồng NDT ở VN

(PL) – Trao đổi với báo chí, TS Lê Đăng Doanh cho rằng Việt Nam vẫn đang trong tình trạng nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc nên càng phải cẩn trọng trong việc sử dụng đồng NDT.

Chuyên gia cảnh báo phải xác định rõ lợi ích ngắn hạn, trung hạn, dài hạn trong quan hệ thương mại với Trung Quốc để “mở cửa” cho phù hợp

Nhiều lý lẽ được Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và Ngân hàng Công Thương Trung Quốc đưa ra để thuyết phục Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mở rộng sử dụng nhân dân tệ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo cần hết sức thận trọng.

“Đơn giản chỉ là đồng tiền thanh toán”

Nội dung kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) cho thấy: Nhu cầu giao dịch thanh toán bằng nhân dân tệ (NDT) tại Việt Nam là khá lớn và tăng lên rõ rệt theo đà phát triển không ngừng thương mại Việt – Trung.

Tại thị trường biên mậu Việt -Trung, cuối năm 2013 ước tính kim ngạch thanh toán bằng NDT đã đạt khoảng 15 tỷ USD, trong khi đó, phương thức lưu thông NDT chưa được pháp luật Việt Nam quy định, đa số giao dịch thanh toán bằng NDT nói trên được thực hiện ở Việt Nam thông qua con đường không chính ngạch.

“Nếu thị trường thanh toán NDT từ biên giới được mở rộng đưa vào nội địa Việt Nam và được các ngân hàng thực hiện theo con đường chính ngạch thì Ngân hàng Nhà nuớc Việt Nam có thể quản lý giám sát nguồn vốn này một cách có hiệu quả; đồng thời có thể tăng cường đóng góp trong việc thu thuế cũng như công tác phòng, chống rửa tiền…”- kiến nghị cho biết.

Kiến nghị cũng nêu, hiện tại đã có ngân hàng của Việt Nam thực hiện nghiệp vụ đổi CNY (tên giao dịch đồng NDT) – VND (như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV) nhưng chưa có ngân hàng Trung Quốc được thực hiện nghiệp vụ này. Và để trấn an, kiến nghị này nhấn mạnh: “Nếu đồng tiền thanh toán thương mại từ đồng USD… được thay bằng NDT chỉ là sự thay thế về đồng tiền thanh toán mà không ảnh hưởng gì đến tình hình xuất siêu hay nhập siêu…”.

“Lợi bất cập hại”

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, kiến nghị này có thể xuất phát từ thực tế có vướng mắc về thanh toán NDT như là một nghiệp vụ ngân hàng giữa các ngân hàng thương mại (NHTM), chứ không phải thanh toán trực tiếp, và đây là kiến nghị không mới vì Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam. Việc này ICBC đã đưa ra tại nhiều diễn đàn, nhưng việc Việt Nam có chấp thuận hay không cần phải cân nhắc giữa thực thi/không thực thi có tác động tích cực/tiêu cực gì với xuất khẩu hay nhập khẩu của doanh nghiệp (DN) Việt Nam hay không?

Trao đổi với PLVN, Luật sư Trương Thanh Đức, chuyên gia pháp chế ngân hàng khẳng định, cả về góc độ kinh tế và pháp luật, kiến nghị này hoàn toàn bình thường, thuộc thẩm quyền giải quyết của Ngân hàng Nhà nước, các NHTM cảm thấy triển khai được thì triển khai, nếu không chấp thuận thì cũng không có gì là vi phạm. 

Theo Luật sư Đức, kiến nghị này đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc đang muốn quốc tế hóa đồng NDT, nhằm đưa đồng nội tệ của nước này thành đồng tiền mạnh thứ ba trên thế giới, sau USD, EURO, và Việt Nam cũng không nằm ngoài “tầm ngắm”. 

Tuy nhiên, theo Luật sư Đức, các NHTM và các DN cần phải cân nhắc khi lựa chọn đồng NDT để thanh toán. “Có thể vào một thời điểm nào đó, việc thanh toán bằng NDT có lợi nhưng rất rủi ro vì có thể xảy ra trường hợp một động thái nào của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đưa ra mà chúng ta trở tay không kịp; trong khi với ngoại tệ mạnh như đồng USD lại khác khi tỷ giá đồng tiền này quyết định bởi rất nhiều yếu tố…”- ông Đức phân tích.

Thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài số ít các ngân hàng như BIDV trên bảng tỷ giá ngoại tệ có niêm yết CNY thì hầu như các ngân hàng khác, thậm chí những ngân hàng liên quan đến xuất nhập khẩu như Vietcombank, Eximbank… đều không niêm yết CNY. Do vậy, nếu chọn đồng NDT làm đồng tiền thanh toán đồng nghĩa với việc DN sẽ không chủ động được nguồn ngoại tệ này.

Trao đổi với báo chí, TS Lê Đăng Doanh cho rằng Việt Nam vẫn đang trong tình trạng nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc nên càng phải cẩn trọng trong việc sử dụng đồng NDT.

Nếu việc thanh toán trực tiếp như kiến nghị, đồng nghĩa với việc NDT sẽ thay thế đồng USD trong thanh toán giao dịch của Việt Nam. Khi đó VND buộc phải phụ thuộc vào đồng NDT. Về lâu dài, điều này sẽ không tốt cho nền kinh tế.

Dưới góc độ ngân hàng, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước – TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng, việc sử dụng đồng NDT trong quan hệ thanh toán song phương Việt Nam – Trung Quốc cần được xem xét dưới nhiều góc độ, một là độ tin cậy và sức mạnh của đồng NDT, hai là sức đề kháng của kinh tế Việt Nam. Ông Kiêm cho rằng, bao giờ đồng NDT có thể chuyển đổi được ra vàng, USD, hay EURO thì đó lại là chuyện khác, còn trong bối cảnh hiện nay, NDT chưa làm được điều đó nên chúng ta sẽ phải chờ…

“Đây là một chủ ý nô lệ tiền tệ, áp đặt vị thế nước lớn về tiền tệ với nước nhỏ. Điều này là bình thường trong quan hệ mậu dịch, nhưng hãy cứ để thế giới chấp nhận trước đi, hãy cứ để CNY là phương tiện thanh toán phổ biến, nhiều quốc gia lựa chọn trước đi, đến khi nào nó thành đồng tiền phổ biến thì ta chọn nó là đồng tiền thanh toán cũng chưa muộn…”- một chuyên gia lên tiếng.

Ông này cũng thẳng thắn thừa nhận, nếu không chấp nhận, có thể phải trả giá về quan hệ thương mại nhưng vấn đề ở đây là phải xác định rõ lợi ích ngắn hạn, trung hạn, dài hạn trong quan hệ thương mại với Trung Quốc để “mở cửa” cho phù hợp…./.

Thanh Thanh

—————–

Pháp luật (Kinh doanh) 06-01-2015:

http://baophapluat.vn/chinh-sach/can-trong-viec-mo-rong-cua-thanh-toan-dong-ndt-o-vn-206350.html

(214/1.178)

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,738