649. Để người nước ngoài sở hữu nhà ở thuận lợi

(TBNH) – Với những vị trí địa lý nhạy cảm về an ninh quốc phòng thì phải đặc biệt chặt chẽ về quy định cho người nước ngoài sở hữu bất động sản (BĐS) tại Việt Nam, vì nó có thể hình thành các khu vực với nhiều hoạt động bất lợi về an ninh quốc phòng.

Quy định cho người nước ngoài sở hữu bất động sản (BĐS) tại Việt Nam đã được thông qua. Tuy nhiên, để chủ trương đi vào thực tế còn phải chờ thông tư, nghị định ban hành theo sau. Nhiều DN BĐS trong nước rất mong cơ quan chức năng đẩy nhanh quá trình này và đã có kiến nghị để việc sở hữu BĐS tại Việt Nam của người nước ngoài được thuận lợi.

Nhu cầu sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại một số đô thị là rất lớn

Theo LS. Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH ANVI, chiếu quy định của Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS năm 2014, thì gần như mọi tổ chức, cá nhân nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam hoặc được phép nhập cảnh vào Việt Nam đều có thể sở hữu BĐS ở Việt Nam.

Họ có thể thực hiện việc đầu tư xây dựng, mua, thuê… nhà ở và công trình xây dựng khác. Tuy nhiên, các đối tượng này phải có Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ hợp pháp liên quan đến việc được phép hoạt động, nhập cảnh vào Việt Nam. Vì vậy, trước hết cần tập trung vào việc quy định cụ thể, chi tiết, rõ ràng các giấy tờ chứng minh rằng các đối tượng nào và điều kiện nào để tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Ngoài ra, cần quy định cụ thể từng địa bàn, khu vực nào “có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường” mà có nhiều nhà chung cư hoặc nhiều nhà ở riêng lẻ trên một tuyến phố thì tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua ít hơn hoặc nhiều hơn con số 30% số lượng căn hộ trong một toà nhà chung cư và 250 căn nhà riêng lẻ.

Và ai là người quản lý, theo dõi để cung cấp thông tin này cho các bên mua, bán nhà. “Trường hợp các bên không biết, nên đã ký hợp đồng mua bán, sau đó không thực hiện được do vướng quy định giới hạn thì xử lý quyền và nghĩa vụ của các bên thế nào?”, ông Đức đặt vấn đề.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, đối với Luật Nhà ở (sửa đổi), Hiệp hội đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành khi ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn sẽ quan tâm tới các nội dung về xác định nguồn gốc Việt kiều và quy định giới hạn tỷ lệ sở hữu nhà của người nước ngoài.

Theo đó, về xác định nguồn gốc Việt kiều, đề nghị trong trường hợp Việt kiều không có khai sinh hoặc giấy tờ tùy thân khác để chứng minh nguồn gốc người Việt thì có thể sử dụng thông tin trên giấy căn cước về nguồn gốc dân tộc của Việt kiều do nước sở tại cấp để xác định.

Điều này sẽ làm đơn giản hóa thủ tục xác định nguồn gốc người Việt của Việt kiều, vì thực tế nhiều Việt kiều không còn giữ được giấy khai sinh hoặc các giấy tờ tuỳ thân khác”, ông Châu giải thích.

Về quy định cho người nước ngoài được mua và sở hữu nhà không quá 30% căn hộ trong một toà nhà chung cư, không quá 250 căn nhà trong một đơn vị phường, ông Châu kiến nghị trường hợp trong một đơn vị phường có nhiều tòa nhà chung cư thì tỷ lệ người nước ngoài được mua sẽ do Chính phủ quy định.

Theo các DN trong HoREA, hiện có nhiều đô thị tập trung đông người nước ngoài như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Thanh Hoá… và những phường tại TP. Hồ Chí Minh đang có đông người nước ngoài cư trú như phường Tân Phong, quận 7; phường Thảo Điền, quận 2… nhu cầu sở hữu nhà ở tại đây là rất lớn. Do đó, Hiệp hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành xem xét thấu đáo để tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài có nhu cầu sinh sống lâu dài tại các địa phương này.

Cũng theo đề xuất của các DN thành viên trong Hiệp hội, chỉ nên cho người nước ngoài được mua và sở hữu căn hộ chung cư hạng sang có giá bán khoảng từ 21 triệu đồng/m2 (tương đương 1.000 USD/m2) trở lên để không cạnh tranh hay làm ảnh hưởng đến người thu nhập trung bình, thu nhập thấp trong nước.

Đồng tình với quan điểm của HoREA về tỷ lệ sở hữu, ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội cho rằng, việc quy định tỷ lệ nên được áp dụng uyển chuyển, tùy vào đặc thù vùng, miền. Ông Cường dẫn chứng, qua khảo sát tại các địa phương như Hà Tĩnh, những vùng tập trung đông người nước ngoài thì nhu cầu mua và sở hữu nhà ở lâu dài của đối tượng này là rất lớn.

Nếu giới hạn tỷ lệ vừa không đáp ứng được nhu cầu thực của nhiều người nước ngoài làm việc tại đây, lại làm DN dư thừa, không bán được hàng, do người dân địa phương không có nhu cầu mua. Như vậy sẽ thiệt thòi cho DN, thậm chí khiến DN chưa chắc đã muốn đầu tư vào mảng này.

Tuy nhiên, ông Cường cũng lưu ý với những vị trí địa lý nhạy cảm về an ninh quốc phòng thì phải đặc biệt chặt chẽ về quy định này, vì nó có thể hình thành các khu vực với nhiều hoạt động bất lợi về an ninh quốc phòng.

Cụ thể là những khu vực gần cửa khẩu, sân bay, các khu có địa lý quan trọng liên quan đến an ninh quốc phòng, huyết mạch kinh tế thì phải hết sức chặt chẽ về tỷ lệ sở hữu, thậm chí hoàn toàn không cho người nước ngoài sở hữu BĐS tại các khu vực này.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy dù có giới hạn tỷ lệ sở hữu hay không thì một cách tự nhiên đã hình thành các khu phố tập trung nhiều người nước ngoài tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Bởi theo tập quán chung là người quốc gia nào cũng muốn sinh sống trong cộng đồng quốc gia họ. Vì vậy, quan trọng hơn cả là phải kiểm soát chặt chẽ từ khâu quản lý hành chính cũng như nhập cảnh.

Ông Cường nêu ví dụ, nhập cảnh vào Mỹ, Canada… có hàng rào kỹ thuật ngay từ đầu. Luật pháp của các quốc gia này cho phép sở hữu BĐS, nhưng hàng rào nhập cảnh phải có nhiệm vụ lọc các đối tượng không phù hợp để tránh trường hợp nhập cư một cách ào ạt.

Ngoài ra, các DN BĐS cũng kiến nghị khi người nước ngoài có nhu cầu mua nhà ở thì phải tạo điều kiện cho họ có sự kết nối với các đơn vị, hiệp hội để nhanh chóng cung cấp thông tin về nhiều phân khúc nhà ở; từ đó tư vấn, hỗ trợ cho họ, tạo điều kiện có sự gắn kết giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với các tổ chức hiệp hội để họ có thông tin chính xác, tránh gặp phải tình trạng cò mồi, gây nhiễu thông tin.

Khanh Đoàn

————

 

Thời báo Ngân hàng (Bất động sản) 05-3-2015:

http://thoibaonganhang.vn/de-nguoi-nuoc-ngoai-so-huu-nha-o-thuan-loi.html

(291/1.360)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,110