705. Vào nhà giật 1 tỉ đồng, sao không khởi tố?

(TT) – Cho người quen vay tiền, đến hạn người ta mang trả. Tiền vừa đếm xong, cất vào trong giỏ, giấy nợ vừa đưa thì có một nhóm người xông vào dùng vũ lực lấy đi số tiền 1 tỉ đồng.

Bà Oanh kể lại việc bị “cướp” tiền tại cửa hàng - Ảnh: Hoàng Điệp
Bà Oanh kể lại việc bị “cướp” tiền tại cửa hàng – Ảnh: Hoàng Điệp

Bà Vũ Thị Kim Oanh (44 tuổi, xã Thanh Bình, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) cho biết tháng 12-2014, bà có cho bà Bùi Thị Thúy vay 1 tỉ đồng trong thời gian 20 ngày, tuy nhiên hết hạn 20 ngày không thấy bà Thúy trả tiền nên bà Oanh có hối thúc và ngày 12-1-2015, bà Thúy đã mang tiền đến cửa hàng bán quần áo của bà Oanh trả nợ.

Sau khi tiền đếm xong, bà Oanh đưa giấy mượn nợ cho bà Thúy, bỏ tiền vào bịch nilông rồi bỏ vào trong sọt ở phía dưới bàn bán hàng thì có một nhóm người gồm cả đàn ông và đàn bà xông vào cướp số tiền này.

Lúc này, bà Thúy cũng quay lại tham gia giằng cướp làm rớt lại tờ giấy mượn nợ mà bà Oanh đã đưa cho bà Thúy trước đó (video có ghi lại đoạn này). Sau khi giằng co, nhóm người mang giỏ đựng tiền lên ôtô đậu sẵn ngoài đường. Bà Oanh và người thân giữ lại được một người và gọi Công an xã Thanh Bình cùng Công an huyện Hớn Quản đến giải quyết.

Công an kết luận: không có việc phạm tội xảy ra!

Theo bà Oanh, khi đưa người đàn ông bị giữ lên công an xã thì công an huyện mời tất cả đến huyện làm việc. Bà Oanh đã làm đơn tố giác tội phạm và công an huyện tiếp nhận. Sau đó bà Oanh được công an cho về chờ kết luận.

Ngày 17-4-2015, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Hớn Quản ra thông báo kết quả giải quyết tố giác tội phạm cho bà Oanh.

Thông báo này cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Hớn Quản đã “căn cứ vào nội dung vụ việc và các tài liệu chứng cứ thu thập được, đủ căn cứ để xác định hành vi của bà T.T.N., ông N.C.T. và ông L.L.T. (ba người tham gia giật 1 tỉ đồng tại quầy bán hàng của bà Oanh – NV) không cấu thành tội cướp tài sản và không có vụ việc phạm tội xảy ra”. Do đó, cơ quan này đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Cơ quan điều tra cho rằng đây hoàn toàn là vụ việc giao dịch dân sự chưa thành. Theo đó, bà Bùi Thị Thúy do cần tiền đáo hạn ngân hàng nên đã nhờ một người quen là bà Hồng giới thiệu với bà Oanh để vay 1 tỉ đồng trong thời gian 20 ngày.

Hết thời gian trên, bà Oanh yêu cầu bà Thúy trả tiền để bà Oanh đi mua quần áo về bán. Nhưng do không có tiền nên bà Hồng đã nói dối bà Thúy rằng cứ trả tiền cho bà Oanh, rồi bà Oanh sẽ cho mượn lại.

Vậy nên bà Thúy đã liên hệ với bà T.T.N., ông N.C.T. và ông L.L.T. để vay ba người này số tiền 1 tỉ đồng trong thời gian 15 phút (lãi suất 2 triệu đồng). Sau khi bà Thúy cùng bà Hồng mang tiền đi trả thì ba người này cũng đi ôtô theo.

Về việc ba người trên xông vào tận cửa hàng khống chế, bẻ tay bà Oanh để giật tiền, Công an huyện Hớn Quản cho rằng giữa bà Thúy và nhóm ba người kia đã hình thành một hợp đồng vay tài sản với thỏa thuận bằng miệng là bà Thúy chỉ vay trong vòng 15 phút.

Tuy nhiên, khi bà Oanh đếm tiền xong thì bà Oanh không cho bà Thúy mượn lại (như bà Hồng nói) nên bà Thúy không thể thực hiện cam kết trả món nợ 1 tỉ đồng đó cho nhóm ba người.

Vì vậy khi nhóm này yêu cầu bà Oanh trả lại tiền nhưng bà Oanh không trả nên họ đã “lấy tiền từ tay bà Oanh là đúng quy định của Luật dân sự về mục đích vay tài sản”.

Mặt khác, cơ quan điều tra cũng cho rằng giao dịch giữa bà Oanh và bà Thúy là chưa hoàn thành vì bà Oanh chưa trả lại giấy mượn nợ cho bà Thúy. Bởi vậy 1 tỉ đồng đó dù nằm trong giỏ nhà bà Oanh vẫn chưa phải là tiền của bà Oanh.

Về bằng chứng giấy mượn nợ đã được bà Oanh trao trả cho bà Thúy (video có ghi lại cảnh này), một cán bộ điều tra khẳng định không có gì chứng minh đó là giấy mượn nợ.

Ngay sau khi nhận được thông báo này, bà Oanh đã gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan hữu quan cho rằng kết luận của Công an huyện Hớn Quản đã bỏ lọt tội phạm và làm thiệt hại đến tài sản của bà.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại tá Ngô Văn Hoàng, trưởng Công an huyện Hớn Quản, cho biết cơ quan điều tra công an huyện khẳng định vụ việc này hoàn toàn là giao dịch dân sự chưa hoàn thành. Kết luận này đã được Viện KSND huyện Hớn Quản phê chuẩn.

1 tỉ đồng đã thuộc sở hữu của bà Oanh

Theo quan điểm của ông Vũ Phi Long – phó chánh tòa hình sự TAND TP.HCM, trong vụ việc này có hai giao dịch tách biệt: đó là giao dịch trả nợ giữa bà Bùi Thị Thúy và bà Oanh, hai là giao dịch mượn nợ giữa bà Bùi Thị Thúy và nhóm ba người là bà T.T.N., ông N.C.T. và ông L.L.T..

Diễn biến vụ việc cho thấy tiền bà Thúy trả cho bà Oanh đã hoàn thành, bà Oanh đã bỏ vào trong giỏ của mình. Nếu không đồng ý trả nợ cho bà Oanh thì bà Thúy phải là người trực tiếp đòi lại tiền chứ không phải là nhóm người lạ. Việc xông vào tận nhà bà Oanh dùng vũ lực tước đoạt số tiền có yếu tố cấu thành tội hình sự.

Thẩm phán Long cho rằng bà Oanh hoàn toàn không biết và không thể biết về việc hứa hẹn của bà Thúy với nhóm người kia, bà Oanh chỉ cần thu lại số tiền đó. Khi giao dịch diễn ra, bà Thúy là người trả tiền và chứng kiến bà Oanh đếm tiền, nên bà Oanh chỉ biết đó là tiền của bà Thúy.

Việc cơ quan điều tra căn cứ vào thỏa thuận của bà Oanh là hứa cho mượn lại tiền thì bà Oanh cũng chỉ hứa trong vòng một tháng chứ không hứa sẽ cho vay lại trong vòng 15 phút. Sau khi bà Oanh đếm xong tiền và cất đi, bà Thúy đã cầm giấy đi ra ngoài, không có dấu hiệu giằng co hay đòi lại tiền, chứng tỏ giao dịch đã hoàn thành.

Vì vậy theo ông Long, nếu nhóm ba người cảm thấy thỏa thuận với bà Thúy sẽ không thể thực hiện được (vay trong vòng 15 phút) thì họ chỉ có thể yêu cầu bà Thúy đòi lại tiền và họ chỉ có quyền đòi lại tiền từ bà Thúy chứ không thể xông vào cướp tiền từ trong giỏ nhà bà Oanh. Vì thực chất khoản tiền đó đã thuộc quyền sở hữu của bà Oanh.

Luật sư Trương Thanh Đức (Đoàn luật sư TP Hà Nội): 

Có dấu hiệu của tội cướp tài sản

Điều 472 về “quyền sở hữu đối với tài sản vay”, Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó” thì đương nhiên phải hiểu rằng bên cho vay sẽ trở thành chủ sở hữu tài sản kể từ thời điểm nhận lại tài sản vay.

Như vậy, giao dịch trả nợ xác nhận quyền sở hữu số tiền giữa bà Thúy và bà Oanh đã hoàn thành. Khi đó, bên nhận lại tiền phải chịu rủi ro pháp lý về số tiền thiếu hay tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, thậm chí tiền giả.

Ngoài ra, không hề xuất hiện quan hệ bà Oanh vay tiền của bà N., ông T…. nên các ông, bà này không có quyền đòi lại tài sản vay trước hạn như nhận định của cơ quan điều tra. Thậm chí ngay cả trường hợp có mối quan hệ vay tiền thì việc đòi lại trong tình huống như vậy cũng hoàn toàn trái pháp luật.

Tóm lại, nếu sự việc diễn biến đúng như ghi nhận trong camera thì vụ việc này có dấu hiệu khá rõ của tội cướp tài sản.

HOÀNG ĐIỆP

——————

Tuổi trẻ (Pháp luật) 21-5-2015:

http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20150521/vao-nha-giat-1-ti-dong-sao-khong-khoi-to/749961.html

(226/1.534)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.280. ‘Giải mã cùng luật sư’: Cần lưu ý gì...

(TT) - Quý vị đang lắng nghe chuyên mục Podcast “Giải mã cùng luật sư’’...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,756