73. Những khó khăn của ngân hàng trong việc thu hồi nợ thông qua khâu thi hành án.

(TCTT) – Lâu nay, những người có quyền và lợi ích hợp pháp đã gặp rất nhiều khó khăn để giành lại lẽ phải và quyền lợi hợp pháp về tài sản của mình, khi phải thông qua con đường xét xử tại Toà án. Và họ lại còn vô cùng lận đận trong chặng đường đi đến thực thi công lý cuối cùng, khi phải thu hồi tài sản thông qua cơ quan thi hành án. Bởi pháp luật còn nhiều điều không hợp lý, còn bị coi thường và nhiều khi bị vô hiệu hoá trên thực tế.

  1. Về phí thi hành án: Điều 20, Pháp lệnh Thi hành án dân sự số 13/2004/PL-UBTVQH ngày 14-01-2004 quy định “Người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án phải nộp phí thi hành án đối với khoản thi hành án có giá ngạch tính trên giá trị tài sản mà người đó thực nhận”. Đây là một quy định không hợp lý, đặc biệt thu với mức tạm thu 5% như hướng dẫn của Bộ Tư pháp là quá cao (khoản nợ 1 tỷ đồng phải mất thêm tới 50 triệu đồng phí thi hành án). Các ngân hàng thường phải mất rất nhiều tiền bạc, công sức khi phải theo đuổi các vụ kiện mới đến lúc được thi hành án. Các cơ quan Nhà nước chi tiêu bằng tiền thuế của nhân dân; nếu cứ tiến hành hoạt động phục vụ lợi ích chung của xã hội mà lại thu phí và thu phí cao như vậy, thì có khác gì cách tính toán và hành động của các nhà kinh doanh.

Việc thu phí thi hành án chỉ là bổ sung thêm một phần nào chi phí công vụ chứ không phải là nguồn thu chính để phục vụ cho hoạt động này. Và đặc biệt không thể đứng trên quan điểm, người được lợi do bất kỳ lý do gì, kể cả do được thi hành án thì phải có nghĩa vụ đóng góp, phân phối lại cho xã hội. Tài sản mà các ngân hàng được hưởng thông qua việc thi hành án chỉ là sự trả lại cái mà người ta đã bị mất, mà Nhà nước phải có trách nhiệm bảo hộ. Vì vậy, nếu phải thu, thì cần quy định rõ khoản phí này, là do bên phải thi hành án chịu. Có như vậy mới nâng cao được trách nhiệm và khuyến khích sự tự nguyện thi hành án, thậm chí có tác dụng thúc đẩy giải quyết tranh chấp nhanh chóng hơn trong các giai đoạn tố tụng. Hơn nữa, dù có quy định khoản phí này do bên phải thi hành án chịu, thì trong nhiều trường hợp trên thực tế, do chỉ thi hành được một phần, nên bên được thi hành án cũng vẫn là người chịu thiệt, vì Nhà nước cũng sẽ khấu trừ trước vào số tiền đã thu được.

Một phương án giải quyết khác là: Nếu thi phí thi hành án ở mức cao như thế thì đó thật sự không còn là một khoản phí mà đã là một khoản thuế, do vậy cần miễn giảm thuế, lệ phí khác trong việc xử lỷ tài sản thi hành án như: Thuế chuyển quyền sử dụng đất, Thuế giá trị gia tăng, lệ phí trước bạ. Đó là sự bảo đảm cho một nguyên tắc không thu thuế chồng lên thuế.

  1. Về trách nhiệm xác minh trong thi hành án: Hiện nay, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan đến công tác thi hành án dân sự vẫn chưa rõ. Ví dụ, một vụ việc của Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (VIB), với một khoản nợ được thể chấp bằng căn nhà số 104/1 Lê Lợi, phường 4, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh của vợ chồng ông Nguyễn Phước Thiện. Hồ sơ thế chấp là hợp lệ, hợp pháp, đã được Cơ quan Công chứng chứng nhận và Toà án đã có Quyết định công nhận hoà giải thành từ ngày 25-12-2000, trong đó xác định việc phát mãi căn nhà để thu hồi nợ. Nhưng Đội Thi hành án quận G. TP HCM đã trả lời Ngân hàng là, căn nhà trên không phát mại được vì thuộc diện 2/IV (tức là nhà do Nhà nước đang quản lý), hiện đang chờ quyết định xử lý của UBND thành phố Hồ Chí Minh. Đội Thi hành án cho biết, đó là thông tin do Phòng Quản lý đô thị quận cung cấp. Phòng Quản lý đô thị thì bảo rằng lấy từ UBND Phường. Nhưng UBND Phường lại khẳng định là không biết việc đó. Qua gần 4 năm trời, với nhiều lần làm việc, trao đổi công văn nhưng không đi đến kết quả. Mụ một vụ việc bị bế tắc mà không hề có lý do xác đáng. Nếu không vì giá cả nhà đất tăng cao, người phải thi hành án đã tư nguyện trả nợ cho Ngân hàng, thì chưa biết bao giờ mới thi hành được bản án. Trong vụ việc này, có thể nói cả các cơ quan quan liên quan cũng như cơ quan thi hành án đều thờ ơ trước quyền lợi chính đáng của người được thi hành án. Nhưng tất cả những việc như thế, đều không có ai phải chịu trách nhiệm.
  2. Về việc bán đấu giá tài sản thi hành án: Trong những năm qua, một trong những vấn đề nhức nhối là các trường hợp bán đấu giá tài sản thi hành án đã hoàn tất, nhưng lại bị huỷ kết quả do bản án, quyết định của Toà án hoặc thủ tục bán đấu giá bị xem xét lại. Hầu hết những việc là đều do các cơ quan Nhà nước gây ra, nhưng hậu quả thì dường như chỉ có các đương sự gánh chịu. Ví dụ, trường hợp của bà Lý Thị Cẩm Thúy, người đã trúng đấu giá hai lần (năm 2000 và 2001) căn nhà số 508 Nguyễn Chí Thanh, phường 7, quận 10, TP HCM trong vụ xử lý tài sản bảo đảm của Ngân hàng TMCP Nam Á. Mặc dù tài sản đã được sang tên cho người mua, nhưng sau đó lại bị  huỷ bỏ. Bà Thuỷ như người bị trời phạt, bị mất của một cách vô cùng ngang trái, mà pháp luật không thể cứu vớt.

Hay như trường hợp của ông Lê Hồng Hải tại quận Ngô Quyền, Hải Phòng trúng đấu giá nhà đất trong vụ bán tài sản để thi hành Bản án trả nợ Ngân hàng TMCP Á Châu từ năm 1998. Đến tận ngày 04-6-2001 mới tiến hành được việc bán đấu giá. Sau khi nộp tiền 1,5 năm (đến ngày 03-01-2003), người mua mới nhận được tài sản. Vì thời gian kéo dài, giá nhà đất tăng lên quá cao, chủ nhà cũ lấn chiếm trở lại và liên tục khiếu kiện về kết quả bán đấu giá, chỉ vì thời hạn thông báo bán đầu giá chưa đủ 15 ngày theo quy định. Một lỗi rất nhỏ do Trung tâm bán đấu giá cho rằng, đó là thông báo bán đấu giá lần thứ hai, nên không cần đủ thời hạn 15 ngày, nhưng đã làm cho người mua phải chịu thiệt hại vô cùng to lớn vì phải trả lại tài sản.

Vì vậy, pháp luật cần xác định rõ người mua tài sản theo đúng thủ tục thì phải được bảo vệ tối đa. Nếu cứ như vừa qua, thì nhiều trường hợp mua nhà đất từ các các cơ quan Nhà nước cũng không khác gì mua tài sản bất hợp pháp. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 164/2004/NĐ-CP ngày 14-9-2004 về Kê biên, đấu giá quyền quy định đất để bảo đảm thi hành án và đã khắc phục được một phần hạn chế nói trên.

  1. Về việc áp dụng lãi suất chậm thi hành án: Đây là một vấn đề rất quan trọng và thường gặp trong hầu hết các vụ việc thi hánh án nhưng lại không được đề cập đến trong cả Bộ luật Tổ tụng dân sự cũng như Pháp lệnh Thi hánh án dân sự năm 2004. Khoản 1, Phần III, Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19-6-1997 của Toà án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính Hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản có quy định: Bên chậm thi hành án “phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian chưa thi hành án”. Tuy nhiên, khó có thể xác định được đâu là “mức lãi suất nợ quá hạn”. Nguyên nhân là, thay vì quy định “mức lãi suất nợ quá hạn” bằng đúng một con số 150% lãi suất nợ trong hạn như trước đây, kể từ ngày 01-6-1999 đến nay, bằng Quyết định số 189/1999/QĐ-NHNN1 ngày 29-5-1999 Về việc “Quy định trần lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam của các tổ chức tín dụng đối với Khách hàng”, Ngân hàng Nhà nước chỉ quy định: “Lãi suất nợ quá hạn được thoả thuận cụ thể trong hợp đồng tín dụng giữa bên cho vay và bên đi vay, nhưng tối đa không quá 150% mức lãi suất cho vay trong hạn cùng loại”. Mặt khác, mức lãi suất trong hạn cũng có nhiều loại, và hiện nay, NHNN cũng không quy định mức giới hạn lãi suất cho vay trong hạn như trước kia. Như vậy, sẽ không có căn cứ để xác định mức lãi suất chậm thi hành án theo Thông tư liên tịch 01/TTLT, vì không có cơ sở xác định đâu là lãi suất trong hạn, đồng thời cũng không có căn cứ xác định “mức lãi suất nợ quá hạn” là bao nhiêu trong khoảng từ 100 đến 150% lãi suất trong hạn.

Để giải quyết tình trạng thiếu căn cứ pháp lý trong cách tính mức lãi suất nợ quá hạn theo những quy định nêu trên của Bộ luật Dân sự năm 1995 và Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19-6-1997, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 404/TP-THA ngày 24-2-2005 V/v Hướng dẫn một số vấn đề nghiệp vụ thi hành án. Tại điểm 14.2, mục 14 của Công văn này có hướng dẫn về cách tính lãi suất chậm thi hành án như sau: “Trong thời gian qua, NHNN chỉ quy định khung lãi suất quá hạn cho các ngân hàng thương mại áp dụng (ví dụ quy định khung lãi suất quá hạn là 100% đến 150% mức lãi suất trong hạn). Mặt khác Thông tư 01/TTLT nêu trên không quy định tiền lãi do chậm thi hành án được tính theo lãi suất của loại vay nào (có kỳ hạn hay không kỳ hạn…). Vì vậy, để thực hiện thống nhất việc tính lãi chậm thi hành án, từ ngày 15-3-2005 trở đi, cơ quan thi hành án phải tính theo mức thấp nhất của khung lãi suất do NHNN quy định cho các ngân hàng thương mại áp dụng theo từng thời kỳ với mức lãi suất vay trung hạn”. Tuy nhiên, hướng dẫn này chỉ xác định được “mức lãi suất cho vay quá hạn thấp nhất” do Ngân hàng Nhà nước quy định là bằng 100% lãi suất trong hạn, nhưng vẫn chưa đủ cơ sở pháp lý để thực hiện, vì không thể xác định được “mức lãi suất vay trung hạn”, do hiện nay Ngân hàng Nhà nước không có quy định về một mức lãi suất cho vay cụ thể nào. Cũng không thể dựa vào mức lãi suất cho vay trung hạn của Ngân hàng thương mại, vì không có cơ sở pháp lý và thực tế thì cũng không thể biết căn cứ vào ngân hàng thương mại nào trong số hàng mấy chục ngân hàng thương mại trên thị trường. Thậm chí, trong cùng một ngân hàng thương mại cũng có thể hàng chục mức lãi suất cho vay trung hạn khác nhau, tuỳ thuộc vào đối tượng khách hàng, lĩnh vực cho vay và địa bàn hoạt động của các chi nhánh khác nhau.

  1. Về việc thi hành án liên quan đến những bản án không khả thi: Một trong những nguyên nhân khiến việc thi hành án dân sự của chúng ta nhiều khi rơi vào vòng luẩn quẩn, bế tắc là do bản án không có khả năng thi hành. Ví dụ, Tháng 9-1998, Ngân hàng TMCP Quốc Tế khởi kiện đòi nợ ông Đặng Hồng Vân, theo Hợp đồng tín dụng, mà tài sản bảo lãnh là ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Ngọ. Chẳng hiểu tại sao, Toà án nhân dân TP Hà Nội lại có hai Quyết định cùng số, cùng ngày (18-11-1998), một là “Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự” và một là “Quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án kinh tế”. Sau đó Toà phúc thẩm TAND Tối cao đã huỷ “Quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án kinh tế” của Toà Hà Nội. Quyết định công nhận của Toà sơ thẩm có ghi nhận: Anh Phạm Văn Thảo nhận trả nợ thay cho mẹ là bà Ngọ, bằng cách “làm xong thủ tục chuyển quyền sở hữu ngôi nhà của anh Thảo cho người do Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam chỉ định”. Tuy nhiên, Quyết định lại không xác định điều mấu chốt nhất là “chuyển quyền sở hữu ngôi nhà” nào của anh Thảo và thời hạn nào phải hoàn thành việc đó. Vì vậy, cho đến nay, vẫn không thể nào thi hành được, trong khi thời hạn kháng nghị đã hết từ lâu. Nếu pháp luật không có cơ chế giải quyết các tính huống dở khóc dở cười như thế, thì chẳng hoá ra pháp luật là trò đùa và bản án của Toà là vô giá trị?
  2. Về việc thi hành án đối với các trường hợp không có tài sản bảo đảm: Nhìn chung, việc thi hành án đòi nợ đối với các ngân hàng là khá thuận lợi, vì đa số là việc xử lý tài sản bảo đảm tiền vay đã có. Nhưng việc thi hành án nói chung và đối với những trường hợp không có tài sản bảo đảm tiền vay nói riêng của các ngân hàng, thì vô cùng khó khăn. Trường hợp người phải thi hành án không có khả năng tài sản để thi hành, thì người được thi hành án đành mòn mỏi chờ đợi và chỉ còn biết mong chờ một điều kỳ diệu kiểu như một ngày nào đó người phải thi hành án trúng số độc đắc. Nhưng, điều đáng nói là, khá nhiều trường hợp, người phải thi hành án có đủ khả năng về tài sản nhưng vẫn không chịu thi hành. Pháp luật gần như đang bó tay trong những trường hợp này, vì không có đủ biện pháp và điều kiện thực tế để thực hiện. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp phải thi hành án tuy không bị giải thể, phá sản nhưng vẫn làm động tác “giả chết” để trốn nợ. Người được thi hành án biết rõ những người chủ doanh nghiệp tẩu tán, chuyển dịch tài sản sang cho cá nhân hoặc doanh nghiệp khác, nhưng không cũng đành bất lực. Ví dụ, Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Sông Cầu có trách nhiệm trả nợ Ngân hàng TMCP Quốc Tế theo “Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự” từ tháng 3-2002 của Toà án Nhân dân TP Hồ Chí Minh. Nhưng sau đó, Công ty này lập tức ngừng hoạt động, Giám đốc chuyển vốn sang hoạt động rất mạnh tại một doanh nghiệp mới, nhưng Ngân hàng không làm gì được, cơ quan thi hành án và pháp luật cũng bó tay. Nguyên nhân là do hệ thống pháp luật của chúng ta đang bất lực trong việc kiểm soát nguồn thu nhập cũng như hoạt động chu chuyển của đồng tiền. Nhiều trường hợp chủ doanh nghiệp có dấu hiệu chiếm đoạt, phạm tội hình sự, nhưng do khoản nợ đã được giải quyết bằng một bản án dân sự, nên chủ nợ cũng chỉ biết ngậm ngùi ôm hận.
  3. Về trường hợp tự nguyện thi hành án: Nhiều vụ việc, các bên đương sự tự nguyện thi hành, nhưng lại vướng mắc ở các thủ tục hành chính như giấy tờ tài sản, đăng ký trước bạ, sang tên. Một trong những khó khăn đối với nhiều thủ tục pháp lý, trong đó có việc xử lý tài sản để thi hành án, là quy định của pháp luật rất chồng chéo, mập mờ về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Cần phải nhanh chóng thống nhất khái niệm bất động sản, không thế lúc thì ôm vào, khi thì lại tách bạch giữa quyền sử dụng đất với bất động sản trên đất. Chẳng hạn như Nghị định số 164/2004/NĐ-CP ngày 14-9-2004 của Chính phủ Về kê biên, đấu giá quyền sử dụng đất bảo đảm thi hành án, đã không bảo đảm cơ sở pháp lý trong mối quan hệ giữa bất động sản trên đất và quyền sử dụng đất.

Vì vậy, ngoài việc thi hành các bản án như thông thường, cần có quy định về việc cơ quan thi hành án tác động, hỗ trợ các bên tự nguyện thi hành án, nhất là đối với việc xử lý các tài sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng chung để tạo điều kiện thuận lợi cho các đương sự và đỡ gánh nặng cho Nhà nước./.

 

Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

——

Bài viết đăng Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 12 (186) 15-6-2005

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Luận cứ bào chữa cho 3 bị cáo vụ Tân...

Chuẩn bị 3 phương án hoàn toàn khác nhau: Phương án 1 là 1 mất 1...

Phỏng vấn 

4.281. Ông Trần Quí Thanh nhận thức hành vi của...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,327