833. Quan điểm trái chiều của hai Luật sư về việc bỏ hay không Điều 165?

(PL) – Trách nhiệm hình sự pháp nhân, có nên sửa hay không sửa Điều 165 (tội “Cố ý làm trái…”) trong Bộ luật Hình sự… là hai nội dung lớn thu hút sự phân tích phản biện của các Luật sư đã từng tham gia tư vấn,  bào chữa các vụ án kinh tế lớn. Pháp lý xin giới thiệu quan điểm của hai Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI và Luật sư Lê Văn Trung, Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á xung quanh hai nội dung trên.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVi: “Ủng hộ bỏ điều 165, nhưng lo ngại…”

Vốn là một chuyên gia có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh lực tài chính, ngân hàng, Luật sư Trương Thanh Đức, GIám đốc Công ty Luật ANVI nhìn nhận về những quy định trong Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi (BLHS) lần này rất thận trọng. Luật sư Đức cho rằng, đã quá xa cái thời cứ dính đến kinh doanh, buôn bán là xấu xa, là phạm pháp. Vì thế không nên có quá nhiều quy định tội phạm về quản lý kinh tế, như tội đầu cơ (chẳng khác nào cấm dự trữ nhiều hàng hoá), tội lập quỹ trái phép (chẳng khác nào việc phải dùng đồng này mua mắm, đồng kia mua tương), tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế (chẳng khác nào việc cấm phát huy quyền tự chủ, sáng tạo, linh hoạt và tự chịu trách nhiệm), tội cho vay lãi nặng (chẳng khác nào việc cấm bán hàng giá cao), tội kinh doanh trái phép (chẳng khác nào cấm tự do kinh doanh),…Vì vậy, cần phải thay đổi rất lớn theo hướng, để cho thị trường thay vì nhà nước trừng phạt. Và nếu cần thiết, thì chỉ cần xử phạt và xử lý bằng các biện pháp hành chính là đủ.

 

Về nội dung mới được quy định trong Dự thảo BLHS lần này, đó là trách nhiệm hình sự pháp nhân. Luật sư Trương Thanh Đức hoàn toàn nhất trí với quy định này. “Tôi hoàn toàn đồng tình với việc xử lý trách nhiệm hình sự của pháp nhân giống như đối với cá nhân. Chỉ có khác nhau trong trường hợp pháp nhân không thể chịu trách nhiệm được như đối với cá nhân, như việc bị tù giam chẳng hạn”, ông Đức nói.

Ông Đức phân tích: Có thể nói, pháp nhân đã bị “biến dạng” một cách méo mó trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Đúng ra, chỉ có 2 loại chủ thể của quan hệ pháp luật, đó là cá nhân và pháp nhân, còn mọi cái gọi là cơ quan, tổ chức, đơn vị, bộ phận, hộ kinh doanh, hộ gia đình,… thì hoặc phải giao dịch và chịu trách nhiệm với tư cách cá nhân, hoặc là với tư cách của một pháp nhân nào đó (tức được phân công, uỷ quyền). Cơ quan nhà nước chẳng hạn, đã được thành lập và hoạt động thì đương nhiên phải là pháp nhân. Nếu không phải là pháp nhân, thì không thể gọi là cơ quan nhà nước, vì nó sẽ chẳng chịu trách nhiệm với ai và chẳng theo nguyên tắc pháp lý nào. Khi ấy thì chỉ gọi là bộ phận của pháp nhân, chi nhánh pháp nhân, tức là một bộ phận của cơ quan nhà nước kiểu như một phòng, ban trong công ty.

Vì vậy, cần thay đổi cơ bản khái niệm pháp nhân, theo cách thức thật đơn giản, rõ ràng, chứ không đòi hỏi quá nhiều đặc điểm như quy định hiện hành. Theo quy định tại Điều 84 về “pháp nhân”, Bộ luật Dân sự năm 2005, thì một tổ chức chỉ được công nhận là pháp nhân khi có đủ 4 điều kiện sau: Thứ nhất là, được thành lập hợp pháp; thứ hai là có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; thứ ba là có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; thứ tư là nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập. Cơ cấu tổ chức chặt chẽ là điều rất mơ hồ, không cần thiết và không có ý nghĩa trên thực tế. Hay tự chịu trách nhiệm và nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật là hệ quả, là trách nhiệm của pháp nhân, chứ không phải là điều kiện để được công nhận là pháp nhân. Quy định bất hợp lý này đã dẫn đến tình trạng, đẻ ra một loạt tổ chức, không phải cá nhân, nhưng cũng chẳng phải là pháp nhân, nhưng vẫn tham gia đủ mọi thứ quan hệ pháp luật và làm cho xã hội không phân biệt nổi tư cách cũng như trách nhiệm pháp lý trong giao dịch.

Tuy nhiên, vấn đề làm thế nào để cá thể hóa hình phạt đối với từng cá nhân trong một tập thể, trong một pháp nhân có sai phạm mà không bỏ lọt tội phạm, không oan sai? Trả lời cho câu hỏi này, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, việc cá thể hoá trách nhiệm và hình phạt của từng cá nhân trong một tập thể, một pháp nhân thì vẫn không có gì thay đổi, vì vẫn sẽ được thực hiện như từ trước đến nay. Có hai cách thức vẫn được áp dụng theo lý thuyết cũng như thực tế. Thứ nhất là ai có trách nhiệm đến đâu và có lỗi (vi phạm) đến đâu thì chịu trách nhiệm đến đấy. Thứ hai là, nếu không thể phân biệt được trách nhiệm của từng người khác nhau, thì sẽ cùng phải liên đới chịu trách nhiệm ngang nhau. Ngoài trách nhiệm hình sự của cá nhân, hoặc không rõ trách nhiệm của cá nhân, thì cần tính đến trách nhiệm của pháp nhân.

Đề cập tới hình phạt đối với pháp nhân, Luật sư Trương Thanh Đức nêu: “Cũng tương tự nguyên tắc trách nhiệm hình sự của cá nhân mà thôi, vi phạm pháp luật, có lỗi, gây ra hậu quả và có quan hệ nhân quả. Chẳng hạn, tội gây ô nhiễm môi trường, thì dấu hiệu của hành vi phạm tội vẫn là “người nào thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường, phát tán bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng hoặc làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác”. Còn chế tài thì cũng có phạt tiền như cá nhân và có thêm hình phạt hay tước giấy phép hoặc giải thể pháp nhân, nhưng không có hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù như đối với cá nhân”.

Đáng chú ý, Luật sư Đức cho rằng Điều 165 BLHS hiện hành đã thực sự “lỗi thời”. Ông Đức phân tích: nó lỗi thời ngay từ thời còn cơ chế kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp, chứ không chỉ đến thời buổi kinh tế thị trường như hiện nay. Hoạt động kinh tế thì cần phải sự linh hoạt, sáng tạo, chủ động và nhanh nhạy, nhất là khi được quyền hoặc được giao quyền tự do kinh doanh, thì phải tự chủ và tự chịu trách nhiệm lỗ, lãi, với đủ thứ rủi ro. Do vậy, vô cùng khó tránh được cái bẫy “cố ý làm trái”, khi mà pháp luật thì lạc hậu, bất cập, với trăm nghìn thứ vướng mắc, vô lý. Ai và lúc nào cũng có thể rơi vào tội cố ý làm trái, mà không biết, không nghĩ là mình làm trái, thậm chí có những trường hợp không thể “làm phải” được.

Nếu như Nhà nước không liệt kê được những hành vi cụ thể nào là làm trái, là phạm tội, thì cũng không thể bắt tội người dân theo ý chí chủ quan của mình. Vì vậy, những hành vi nào đáng là tội phạm và buộc phải xử lý hình sự thì cần phải được quy định cụ thể, rõ ràng trong từng lĩnh vực. Tuy ủng hộ bỏ Điều 165, nhưng ông Đức cũng lo ngại, khi luật lại “cố gài” thêm các từ khóa khiến nguy cơ hình sự hóa trong các quan hệ kinh tế…“Bỏ tội cố ý làm trái là cần thiết và bỏ đi thì không khó trong đợt sửa đổi Bộ luật Hình sự này. Nhưng tôi lo ngại rằng, bỏ được tội này, mà lại quy định trong các điều luật vi phạm quy định về kinh tế cái đuôi “vi phạm các quy định khác của pháp luật”, thì cũng chẳng khác nào dồn hết tội kinh tế vào cái rọ “cố ý làm trái” như cũ. Điển hình có thể kể đến là tội vi phạm các quy định về cho vay trước kia, thì nay dự thảo mở rộng thành tội vi phạm quy định về cấp tín dụng, đồng thời vẫn có câu quyết bằng cụm từ “vi phạm các quy định khác của pháp luật về cấp tín dụng”, thì vẫn tái diễn nguy cơ oan ức do hình sự hoá quan hệ tín dụng”, Luật sư Trương Thanh Đức lo ngại.

Luật sư Lê Văn Trung, Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á: Điều 165 chưa lỗi thời

Trong những vấn đề được Quốc hội đưa ra lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo BLHS sửa đổi lần này, là luật sư, nên ông Lê Văn Trung, Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á quan tâm rất đặc biệt đến những quy định về tội danh, tội phạm về quản lý kinh tế được đưa ra trong dự thảo lần này.

Phân tích về trách nhiệm hình sự pháp nhân, Thạc sỹ, Luật sư Lê Văn Trung cho rằng, Đúng là trong thực tế thời gian qua đã xảy ra rất nhiều vụ việc liên quan đến pháp nhân, như vấn đề môi trường, hủy hoại nguồn lợi thủy sản, buôn lậu, trốn thuế… Theo quy định tại Điều 85 của Bộ luật Dân sự năm 2005 thì một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây: Được thành lập hợp pháp; Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập. Như vậy, khi một tổ chức thỏa mãn các điều kiện được điều luật quy định thì được thừa nhận là pháp nhân, nếu như quy định hiện hành thì khái niệm pháp nhân sẽ chưa thể sửa đổi gì nhiều. Điều luật thay đổi nhiều nhất là ở điều luật quy định về trách nhiệm của pháp nhân. Trước đây chỉ có trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính của pháp nhân thì giờ đây ta thấy có thêm trách nhiệm hình sự của pháp nhân nữa.

Đối với pháp nhân cũng có rất nhiều loại được quy định tại Điều 100 của Bộ luật Dân sự năm 2005 bao gồm Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân; Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội; Tổ chức kinh tế; Tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; Quỹ xã hội, quỹ từ thiện; Tổ chức khác có đủ các điều kiện quy định tại Điều 84 của Bộ luật Dân sự năm 2005. Nhưng trong Dự thảo Bộ luật Hình sự lần này chỉ áp dụng đối với pháp nhân là tổ chức kinh tế, tức là ta chỉ quy định trách nhiệm hình sự một loại pháp nhân là tổ chức kinh tế trong các loại pháp nhân trên. Nói cách khác chỉ có pháp nhân là tổ chức kinh tế mới phải chịu trách nhiệm hình sự, còn những loại pháp nhân khác thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Pháp nhân là tổ chức kinh tế bao gồm doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các tổ chức kinh tế khác có đủ các điều kiện quy định tại Điều 84 của Bộ luật Dân sự năm 2005 là pháp nhân. Qua đây cũng cho thấy, Cơ quan nhà nước cũng là một pháp nhân nhưng không phải chịu trách nhiệm hình sự nếu Dự thảo Bộ luật Hình sự này trở thành luật và đi vào thực tiễn.

Đề cập tới vấn đề làm sao để xử lý nghiêm khi pháp nhân phạm tội, Luật sư Lê Văn Trung cho rằng, ở đây các nhà làm luật đã cố gắng tách bạch trách nhiệm hình sự của pháp nhân và trách nhiệm hình sự của cá nhân. Tại khoản 2 Điều 72 của Dự thảo Bộ luật Hình sự thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân. Mà trách nhiệm hình sự của pháp nhân chỉ xảy ra khi thỏa mãn đủ điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 72 của Dự thảo Bộ luật Hình sự là Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân; Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân; Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân. Điều này cho thấy, trách nhiệm hình sự của cá nhân thì cá nhân phải chịu, pháp nhân không chịu tội thay cá nhân. Cá nhân trong tập thể nhưng cá nhân làm sai thì cá nhân phải chịu trách nhiệm về phần làm sai của mình. Ngược lại trách nhiệm hình sự của pháp nhân thì pháp nhân cũng phải chịu mà cá nhân trong tổ chức đó không phải chịu tội thay cho pháp nhân được.

Vấn đề Luật sư Trung quan tâm nhiều ở đây là pháp nhân cũng do con người điều hành, hành vi của pháp nhân chính là hành vi của con người điều hành chứ không phải ai khác. Với quy định như hiện nay, tôi cho rằng sẽ có những hành vi phạm tội của cá nhân nhưng nhân danh pháp nhân để thực hiện để lẩn trốn trách nhiệm hình sự của cá nhân đó. Chẳng hạn một cá nhân sẽ thành lập một pháp nhân để nhân danh pháp nhân đó thực hiện hành vi như đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam, khi chất thải đã được đưa vào thì làm thủ tục giải thể doanh nghiệp. Đến khi hành vi được phát hiện thì doanh nghiệp đó đã không còn thì trách nhiệm hình sự này là của cá nhân hay của pháp nhân, các nhà làm luật đã dự liệu hết được những trường hợp như thế này chưa!?

Theo Luật sư Trung thì nên quy định rõ trách nhiệm hình sự của pháp nhân chỉ chủ trương đưa ra cho pháp nhân thực hiện là đúng, phù hợp với quy định của pháp luật lúc đưa ra chủ trương đó. Còn nếu chủ trương đưa ra của cơ quan điều hành, người đứng đầu là vi phạm pháp luật thì không được quy trách nhiệm cho pháp nhân mà phải là trách nhiệm của những người trong cơ quan điều hành pháp nhân đã đưa ra chủ trương hay người đứng đầu. Tôi đơn cử hành vi xả nước thải không qua xử lý ra môi trường gây ô nhiễm thì nhìn qua là trách nhiệm hình sự của pháp nhân, nhưng thực tế đây là sự chỉ đạo của một mình giám đốc nhưng lại lấy danh nghĩa pháp nhân, đặc biệt là dạng Công ty TNHH một thành viên thì sự tách bạch càng phải rất rõ ràng.

Về những góp ý cho quy định tại Điều 165 BLHS thì Luật sư Lê Văn Trung lại có cái nhìn hoàn toàn khác đối với Luật sư Trương Thanh Đức, ông Trung cho rằng, đây là điều luật được áp dụng khá nhiều và qua thực tiễn cuộc sống thì rõ ràng, điều luật này vẫn mang tính thời sự và chưa “lỗi thời”. Theo Luật sư Trung lý giải thì, thực tế trong thời gian qua Điều 165 Bộ luật Hình sự đã được áp dụng rất nhiều, nhất là trong những vụ việc gây thất thoát tài sản Nhà nước, tại các Ngân hàng dẫn đến hậu quả là một số Ngân hàng đã phải bán đi với giá 0 đồng. Điều luật này được áp dụng cho cá nhân khi cá nhân đó không thực hiện những quy định của nhà nước về quản lý kinh tế dẫn đến gây hậu quả nghiêm trọng, điều luật được áp dụng cho cá nhân chứ không phải pháp nhân. Điều luật này theo tôi vẫn chưa bao giờ là lỗi thời cả, bởi điều luật này đang còn có tính chất trừng phạt và răn đe những hành vi phạm tội kinh tế như hiện nay. Hãy tưởng tượng xem nếu không có điều luật này để trừng trị và răn đe thì hành vi phạm tội trong lĩnh vực kinh tế của người đứng đầu thì nền kinh tế này đi về đâu. Việc làm sai quy định pháp luật của cá nhân gây thất thoát kinh tế rồi lại đổ tội cho pháp nhân đó là hoàn toàn không đúng. Trong thời gian qua, Điều 165 Bộ luật Hình sự này liên tục được áp dụng, điều này cho thấy tính thời sự của nó chứ làm sao lại là lỗi thời được.

“Hiện nay, trong Dự thảo Bộ luật Hình sự, tôi chưa thấy điều luật nào để thay thế cho Điều 165 của Bộ luật Hình sự hiện hành. Nếu Chính phủ muốn thay thế tội danh này bằng những tội danh cụ thể trong các lĩnh vực kinh tế thì phải đưa ra những tội danh cụ thể đó, điều luật cụ thể có thể thay thế để tất cả xem có phù hợp và thay thế được điều luật trên hay không. Việc sửa đổi để đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, bảo đảm sự minh bạch và an toàn của môi trường sản xuất, kinh doanh là rất tốt. Nhưng nếu chỉ nói mà không làm hoặc làm mà không đến nơi đến chốn thì không chỉ không đáp ứng được yêu cầu đưa ra mà còn trở thành một lỗ hổng của pháp luật”, Luật sư Lê Văn Trung nói.

Lạc Sơn (thực hiện)

——-

Tạp chí Pháp lý (Diễn đàn) 22-9-2015:

http://phaply.net.vn/dien-dan/quan-diem-trai-chieu-cua-hai-luat-su-ve-viec-bo-hay-khong-dieu-165.html

(1.519/3.263)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Luận cứ bào chữa cho 3 bị cáo vụ Tân...

Chuẩn bị 3 phương án hoàn toàn khác nhau: Phương án 1 là 1 mất 1...

Phỏng vấn 

4.281. Ông Trần Quí Thanh nhận thức hành vi của...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,404