837. Hà Tĩnh bắt uống bia Sài Gòn: Vi phạm nghiêm trọng luật cạnh tranh, có dấu hiệu tư lợi cá nhân!

(MTG) – “Tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu sở, ngành, doanh nghiệp sử dụng bia Sài Gòn là hành vi vi phạm  nghiêm trọng luật cạnh tranh. Bên cạnh đó, tôi cho rằng chắc chắn có dấu hiệu của việc tư lợi, lợi ích nhóm…”, luật sư Trương Thanh Đức nhận định.

Hình ảnh Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng bia cho ngư dân nghèo trong chuyến đi làm việc về nông thôn mới trên báo Hà Tĩnh.

Liên quan đến hàng loạt động thái “ưu ái” bia Sài Gòn của tỉnh Hà Tĩnh đã được báo chí phản ánh trong thời gian gần đây, Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI xoay quanh câu chuyện: Có hay không việc vi phạm Luật Cạnh tranh của tỉnh Hà Tĩnh?

Vừa qua, Văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có giấy mời ‘hỏa tốc’ mời lãnh đạo toàn tỉnh đi dự lễ hội bia. Ngay sau đó là Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) ra công văn ‘về việc đẩy mạnh sử dụng, tiêu thụ sản phẩm bia Sài Gòn trên địa bàn huyện’. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng phản ánh là bị ép ký cam kết chỉ bán bia Sài Gòn.

Đứng dưới góc độ pháp lý, những hành động này của tỉnh Hà Tĩnh có vi phạm pháp luật không, thưa ông?

Tôi cho rằng, việc tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu sử dụng bia Sài Gòn không những vi phạm Luật Cạnh tranh mà còn vi phạm cực kỳ trắng trợn, rõ ràng và nghiêm trọng. Chỉ cần cơ quan Nhà nước có một gợi ý hay một hành động nào đó ưu ái sản phẩm của doanh nghiệp là đã vi phạm rồi, đằng này còn bắt các sở ngành, doanh nghiệp sử dụng sản phẩm bia Sài Gòn rồi kỷ luật cá nhân không thực hiện thì không thể tưởng tượng nổi.

Còn theo quy định của Luật Cạnh tranh (có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2005) thì tại Điều 6, Chương I của Luật này quy định các hành vi bị cấm đối với cơ quan quản lý nhà nước.

Theo đó, cơ quan quản lý Nhà nước không được thực hiện những hành vi sau đây để cản trở cạnh tranh trên thị trường:

  1. Buộc doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ với doanh nghiệp được cơ quan này chỉ định, trừ hàng hoá, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật; 
  2. Phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp; 
  3. Ép buộc các hiệp hội ngành nghề hoặc các doanh nghiệp liên kết với nhau nhằm loại trừ, hạn chế, cản trở các doanh nghiệp khác cạnh tranh trên thị trường; 
  4. Các hành vi khác cản trở hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp.

Như vậy, rõ ràng là tỉnh Hà Tĩnh đã vi phạm Luật Cạnh tranh vô cùng nghiêm trọng

Đối với hành vi vi phạm của tỉnh Hà Tĩnh như ông vừa phân tích sẽ bị xử phạt như thế nào, thưa ông?

Đối với hành vi vi phạm Luật cạnh tranh thì chỉ có hình thức xử phạt là cảnh cáo hoặc phạt tiền, chứ không có xử lý hình sự. Tùy theo mức độ vi phạm, có thể nhẹ là chính quyền tỉnh Hà Tĩnh phải lên tiếng xin lỗi nhân dân, xin lỗi dư luận cũng như các hãng bia khác về hành động này.

Còn với hình thức phạt tiền thì theo Điều 118, Mục 8, Chương V, Luật Cạnh tranh quy định:

  1. Đối với hành vi vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền hoặc tập trung kinh tế, cơ quan có thẩm quyền xử phạt có thể phạt tiền tối đa đến 10% tổng doanh thu của tổ chức, cá nhân vi phạm trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm.
  2. Đối với hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh và các hành vi khác vi phạm quy định của Luật này không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan có thẩm quyền xử phạt tiến hành phạt tiền theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan.

Đặc biệt, đối với cán bộ, công chức nhà nước có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây ra thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên tôi cho rằng, xử phạt hành chính là chuyện nhỏ, nhưng vấn đề là ai sẽ phạt? Ai dám phạt?

——-

Một Thế giới (Kinh tế) 24-9-2015:

http://motthegioi.vn/kinh-te/tin-trong-nuoc-va-quoc-te/ha-tinh-bat-uong-bia-sai-gon-vi-pham-nghiem-trong-luat-canh-tranh-co-dau-hieu-tu-loi-ca-nhan-235417.html

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Tranh luận lần 3 với SCB và Viện Kiểm sát...

(ANVI) - Gần như 99% bị cáo cúi đầu nhận tội, nhưng vẫn đều cảm...

Phỏng vấn 

4.279. Tình trạng thuê người mua ngoại tệ: Cần...

(HNM) - Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện tình trạng đăng tin tìm...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 206,628