84. Cơ sở pháp lý áp dụng lãi suất quá hạn.

(TCNH) – Quy định về lãi suất nợ quá hạn là một căn cứ pháp lý quan trọng để các ngân hàng thoả thuận về lãi suất cho vay trong các hợp đồng tín dụng. Đồng thời đó cũng là cơ sở pháp lý cơ bản để áp dụng trong nhiều giao dịch kinh tế, dân sự khác.

Những năm 1980, lãi suất quá hạn là do Chính phủ quy định. Ví dụ theo Biểu lãi suất tiền gửi và cho vay, ban hành kèm theo Nghị định số 165/HĐBT ngày 23-9-1982 của Hội đồng Bộ trưởng, thì lãi suất nợ quá hạn bằng từ 200% đến 300% lãi suất cho vay bình thường. Sau đó, khoản 10, Điều 2, Nghị định số 138-HĐBT ngày 08-5-1990 của Hội đồng Bộ trưởng về Chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, đã giao cho NHNN nhiệm vụ “Công bố lãi suất các loại tiền gửi và cho vay; hối xuất chính thức giữa đồng Việt Nam với các ngoại tệ, sau khi được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phê chuẩn”.

Tiếp đến Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989, Pháp lệnh Hợp đồng Dân sự năm 1991, Bộ luật Dân sự năm 1995, Luật Thương mại năm 1997 đều quy định lãi suất nợ quá hạn (lãi suất chậm trả) được áp dụng theo quy định của NHNN.

Trên cơ sở các quy định trên, NHNN có toàn quyền đặt ra giới hạn về mức lãi suất nợ quá hạn. Do đó từ tháng 7-1987 cho đến tháng 11-1991, NHNN đã ấn định các mức lãi suất nợ quá hạn với các mức cụ thể là 6 – 8 – 10,8 – 15 – 18 và 21%/tháng (từ 72 cho đến 252%/năm). Từ ngày 15-11-1991 cho đến tháng 01-1999, NHNN đã quy định lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn. Từ tháng 02-1999 đến nay, NHNN đã thay đổi cách quy định, theo đó lãi suất quá hạn không quá 150% lãi suất cho vay trong hạn, tức là có thể nằm trong khoảng bằng từ 100 cho đến 150% lãi suất trong hạn.

Giai đoạn trước tháng 02-1999, căn cứ vào các quy định của NHNN, việc áp dụng lãi suất nợ quá hạn theo quy định của các luật, pháp lệnh nói trên là hoàn toàn rõ ràng, đơn giản. Nhưng kể từ tháng 02-1999 trở đi, việc áp dụng lãi suất nợ quá hạn đã bắt đầu có vấn đề khó khăn, do không còn xác định được một mức lãi suất nợ quá hạn cụ thể như trước đây, mà chỉ khẳng định được rằng không quá 150% lãi suất trong hạn. Vì khoản 2, Điều 11 (Lãi suất cho vay), Quy chế Cho vay của Tổ chức tín dụng đối với Khách hàng, ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31-12-2001 của Thống đốc NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2005) đã quy định như sau: “Mức lãi suất áp dụng đối với khoản nợ gốc quá hạn do tổ chức tín dụng ấn định và thoả thuận với khách hàng trong hợp đồng tín dụng nhưng không vượt quá 150% lãi suất cho vay áp dụng trong thời hạn cho vay đã được ký kết hoặc điều chỉnh trong hợp đồng tín dụng”.

Như vậy, khi xảy ra tình huống phải áp dụng một mức lãi suất nợ quá hạn trong các giao dịch chưa có thoả thuận cụ thể về mức lãi suất chậm trả, thì sẽ “chơi vơi” về cơ sở pháp lý. Vì nếu cứ theo câu chữ cũng như tinh thần của điều luật, thì có thể áp dụng mức lãi suất nợ quá hạn bằng 100% hoặc 150% hay một tỷ lệ khác trong giới hạn đều không sai. Việc các Toà án, các cơ quan quan thi hành án vẫn ấn định mức lãi suất nợ quá hạn bằng 150% cho các vụ tranh chấp nợ lần trong thời kỳ này là một sự gượng ép pháp lý. Nhưng dù sao việc đó còn có thể lý giải được, vì vẫn nằm trong khung luật định.

Tuy nhiên từ khi Bộ luật Dân sự năm 2005 có hiệu lực vào ngày 01-01-2006 trở đi, thì đã thay đổi hẳn về bàn chất vấn đề. Vì NHNN đã không còn được giao thẩm quyền quy định về lãi suất nợ quá hạn. Luật NHNN Việt Nam, Luật Các Tổ chức tín dụng cũng không giao việc này cho NHNN. Thay vì Bộ luật Dân sự cũ “uỷ thác” cho NHNN quy định về lãi suất nợ quá hạn, thì khoản 5, Điều 474, Bộ luật Dân sự mới đã thiết kế hoàn toàn khác: “Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do NHNN công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ”.

Rõ ràng, lãi suất nợ quá hạn đã có một căn cứ pháp lý mới, đó là “theo lãi suất cơ bản do NHNN công bố”. Do vậy quy định về tính lãi cho nợ quá hạn nói trên trong Quyết định 1267/2001/QĐ-NHNN đã trở nên mâu thuẫn với Bộ luật Dân sự, nên không thể lấy làm căn cứ để áp dụng tính lãi các khoản nợ quá hạn, nhất là trong các giao dịch bên ngoài tổ chức tín dụng.

NHNN chỉ còn quyền (đồng thời cũng là trách nhiệm) quy định lãi suất cơ bản. Và NHNN được quyền ấn định mức lãi suất này một cách khá thấp trong nhiều năm hay tăng lên 37% trong tháng 5 vừa qua cũng đều là đúng luật.

Nếu không chú ý đến cơ sở pháp lý mới để tính lãi suất quá hạn, thì các giao dịch dân sự và các bản án, quyết định của Toà án cũng sẽ tiếp tục dựa vào một căn cứ không đúng pháp luật. Nhất là, tỷ lệ 150% xuất hiện trên 16 năm nay đã quen thuộc đến mức dường như biến thành “quán tính” vượt qua luật mấy năm nay. Một số văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau ngày Bộ luật Dân sự năm 2005 có hiệu lực vẫn nhắc tới con số 150% như: Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20-12-2006 của Chính phủ về Tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước; Quy chế Chiết khấu, tái chiết khấu giấy tờ có giá của NHNN đối với các ngân hàng, do Thống đốc NHNN ban hành năm 2003. Quy chế này ban hành trước khi có Bộ luật Dân sự năm 2005, nhưng vẫn giữ nguyên lãi suất phạt 150% khi sửa đổi vào năm 2008.

Điều này cũng tương tự như việc các ngân hàng cho vay vượt trần lãi suất là một sự vi phạm rõ ràng. Nhưng để xử lý vi phạm đó thì lại đang thiếu cơ sở pháp lý. Vì Nghị định số 202/2004/NĐ-CP ngày 10-12-2004 của Chính phủ về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng lại chưa có chế tài xử lý vi phạm việc cho vay vượt mức lãi suất tối đa. Do thời điểm ban hành Nghị định này đang thực hiện chế độ tự do hoá lãi suất, nên chỉ có quy định xử phạt các ngân hàng có hành vi “không công khai các mức lãi suất cho vay”.

Tóm lại, với quy định mới của Bộ luật Dân sự năm 2005, lãi suất cơ bản từ chỗ chỉ là lãi suất tham khảo, không có giá trị pháp lý và thực tiễn, đã trở thành một căn cứ pháp lý cơ bản để tính toán lãi suất cho vay và lãi suất quá hạn (xem bài “Vấn đề lãi suất cơ bản và quy định lãi suất cho vay không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản” của Luật sư Trương Thanh Đức, đăng trên Tạp chí Ngân hàng số 11/2005). Ngược lại lãi suất nợ quá hạn do NHNN quy định, đang là một cơ sở pháp lý quan trọng trong giao dịch dân sự, lại bị loại bỏ ý nghĩa pháp lý.

 

Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC. 

——

Bài viết đăng trên Tạp chí Ngân hàng số 13/7-2008

 

 

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Luận cứ bào chữa cho 3 bị cáo vụ Tân...

Chuẩn bị 3 phương án hoàn toàn khác nhau: Phương án 1 là 1 mất 1...

Phỏng vấn 

4.281. Ông Trần Quí Thanh nhận thức hành vi của...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,404