843. Xả thải không qua xử lý tại Bà Rịa – Vũng Tàu: Chính quyền cần vào cuộc quyết liệt

(DĐDN) – Cục Cảnh sát môi trường vừa có quyết định xử phạt 8 nhà máy chế biến hải sản có hành vi xả thải ra sông Chà Và thuộc xã Tân Hải, huyện Tân Thành (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) tổng số tiền 2 tỷ đồng.

Ngày 06/9, nhiều hộ đang nuôi cá lồng bè tại sông Chà Và đã thuê xe chở cá chết đến đổ trước cổng các nhà máy chế biến hải sản (thuộc địa phận xã Tân Hải, huyện Tân Thành)

Theo LS Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, việc xử phạt trên của Cảnh sát môi trường có thể làm cơ sở để các hộ dân khởi kiện đòi bồi thường trách nhiệm dân sự đối với 8 nhà máy chế biến hải sản.

Vi phạm đã rõ

Theo Cục Cảnh sát môi trường, thủ đoạn của các nhà máy này là lắp đặt những máy bơm di động có công suất lớn. Mỗi ngày họ bơm nước thải từ 2 đến 4 tiếng xả ra sông Rạch Ván và sông Chà Và. Đây được cho là một trong những nguyên nhân khiến cá nuôi của ngư dân chết hàng loạt. Như vậy, không chỉ hành vi xả thải gây ô nhiễm nước sông đã được cơ quan cảnh sát môi trường xác định mà hậu quả của hành vi trên cũng được chỉ ra. Khu vực hạ lưu sông Chà Và có khoảng 193 hộ nuôi cá với gần 5.000 lồng bè. Trong nhiều năm qua, tình trạng cá chết liên tục xảy ra gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Hơn hai tuần trước, tình trạng này lại tiếp diễn. Theo phản ánh của các hộ nuôi cá, hiện tượng này diễn ra đã nhiều lần, người dân đã khiếu nại khắp nơi nhưng không được giải quyết dứt điểm. Vì quá bức xúc nên ngày 06/9 vừa qua, nhiều hộ đang nuôi cá lồng bè tại sông Chà Và (xã Long Sơn, TP Vũng Tàu, Bà Rịa-Vũng Tàu) đã thuê xe chở cá chết đến đổ trước cổng các nhà máy chế biến hải sản (thuộc địa phận xã Tân Hải, huyện Tân Thành).

Không thể thương lượng, giải quyết với các nhà máy xả thải trực tiếp ra sông gây ô nhiễm, người dân tiếp tục dùng xe ba bánh chở hàng trăm kg cá chết đến Trung tâm hành chính yêu cầu được gặp Chủ tịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để phản đối. Phải đến lúc đó, tỉnh mới thành lập đoàn công tác thanh tra các cơ sở chế biến hải sản tại khu vực này.

Làm gì để đòi lại công bằng?

Theo LS Trương Thanh Đức, về lý thuyết các hộ nuôi cá có thể căn cứ vào việc xử phạt hành chính đối với 8 nhà máy chế biến hải sản để khởi kiện đòi bồi thường trách nhiệm dân sự. Tuy nhiên, đây là một việc làm rất phức tạp và chưa có tiền lệ. Nhìn vào vụ việc Cty Vedan xả nước thải trên sông Thị Vải có thể thấy. Vụ việc phải kéo dài nhiều năm do việc xác định thiệt hại cũng như trách nhiệm của bị đơn. Trong khi đó, tại vụ việc này, bị đơn không phải là một mà là 8 nhà máy. Nhiều bị đơn như vậy thì phải xác định từng bị đơn vi phạm gây thiệt hại đến đâu. Tiếp đến là việc xác định thiệt hại của từng nguyên đơn. Số lượng nguyên đơn ở đây cũng không nhỏ, có đến 193 hộ nuôi cá. Bên cạnh đó, hậu quả ô nhiễm môi trường để lại sẽ khắc phục thế nào cũng là việc cần phải tính toán để xác định trách nhiệm. Tất cả các nội dung trên về cơ bản pháp luật có điều chỉnh khá đầy đủ nhưng để đi vào giải quyết thì không hề đơn giản.

Cũng theo LS Trương Thanh Đức, từ vụ việc Cty Vedan cho thấy, cộng đồng xã hội, người tiêu dùng cần lên tiếng để ngăn chặn những hành vi vi phạm môi trường như vậy không tái diễn. Các cơ quan chức năng phải có những biện pháp mạnh và cương quyết. Trong khi trách nhiệm hình sự của pháp nhân vẫn chưa được luật hóa, các cơ quan chức năng có thể rút giấy phép, đình chỉ hoạt động các nhà máy trên. Cảnh sát môi trường và chính quyền địa phương cần có biện pháp buộc các nhà máy xả nước thải phải ngồi lại với những hộ dân nuôi cá để xác định mức độ thiệt hại và đưa ra mức bồi thường tương ứng. Trong khi quy trình khởi kiện đòi bồi thường trách nhiệm dân sự còn rất phức tạp thì đây sẽ là giải pháp mang lại kết quả một cách kịp thời. Được biết, trong khi chờ kết quả xác định mẫu nước thải và nguyên nhân cá chết, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đề xuất UBND tỉnh tạm dừng hoạt động các cơ sở chế biến bột cá trên địa bàn tỉnh. Có thể các đơn vị vi phạm lấy cớ ảnh hưởng đến hàng ngàn người lao động đang làm việc tại 8 nhà máy nói trên. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng vẫn phải cương quyết để tạo tiền lệ cho việc xử lý vi phạm về sau – LS Trương Thanh Đức khuyến cáo.

Bá Tú

——-

Diễn đàn Doanh nghiệp (Chính trị – Xã hội) 30-9-2015:

http://enternews.vn/xa-thai-khong-qua-xu-ly-tai-ba-ria-vung-tau-can-quyet-liet-tu-chinh-quyen-dia-phuong.html

(549/961)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.731. Có nên đánh thuế nước sạch?

(TN) - Là mặt hàng "thiết yếu nhất trong các loại thiết yếu", nhưng nước...

Bình luận 

ANVI - Luận cứ bào chữa cho 3 bị cáo vụ Tân...

Chuẩn bị 3 phương án hoàn toàn khác nhau: Phương án 1 là 1 mất 1...

Phỏng vấn 

4.281. Ông Trần Quí Thanh nhận thức hành vi của...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 207,404