872. Cổ phần hóa dịch vụ công – tại sao không?

(KTĐT) – Sự kiện chào bán thành công 100% cổ phần (CP) của Bệnh viện (BV) GTVT T.Ư trong phiên đấu giá mới đây được coi là một bước tiến lớn trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Đây cũng là khởi đầu cho câu chuyện cần mở rộng hơn nữa việc cải tổ khu vực sự nghiệp công lập như y tế, giáo dục…, trong đó cổ phần hóa (CPH) là giải pháp tối ưu để giảm gánh nặng ngân sách, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Bước đi đầu tiên

Ngày 21/10, BV GTVT đã bán đấu giá gần 5 triệu CP lần đầu ra công chúng tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tương đương 29,5% vốn điều lệ sau CPH. Kết quả, 100% số CP chào bán đã bán hết với giá đấu thành công bình quân 23.597 đồng/CP, giá đấu thành công cao nhất là 26.000 đồng/CP. Tổng giá trị CP bán được đạt hơn 116,8 tỷ đồng, cao hơn mức giá khởi điểm 67,3 tỷ đồng.

Đại diện lãnh đạo HNX và Bệnh viện Giao thông Vận tải T.Ư cùng đơn vị tư vấn kiểm tra hòm phiếu tại phiên đấu giá. Ảnh: Nha Trang

BV GTVT là BV công lập đầu tiên được thí điểm CPH theo chỉ đạo của Chính phủ. Theo phương án CPH đã được phê duyệt, Nhà nước sẽ nắm giữ 30% vốn điều lệ, tương ứng 5,04 triệu CP; 10,52% vốn điều lệ sẽ bán ưu đãi cho người lao động; 29,48% vốn điều lệ tương ứng 4,952 triệu CP sẽ được bán đấu giá công khai ra công chúng. Trước đó, hơn 5,04 triệu CP, tương ứng 30% vốn điều lệ đã được bán cho nhà đầu tư chiến lược là Công ty CP Tập đoàn T&T.

Việc CPH BV GTVT sẽ thay đổi mô hình hoạt động của BV này, đa dạng hóa chủ sở hữu và các nguồn lực. Sau CPH, BV GTVT sẽ có tên là Công ty CP BV GTVT, dự kiến có vốn điều lệ 168 tỷ đồng.

Nhiều kỳ vọng

Câu chuyện CPH BV nói riêng và các dịch vụ công nói chung mở ra kỳ vọng về việc nâng cao chất lượng phục vụ, hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, tạo thuận lợi tối đa cho người dân.
Theo chuyên gia kinh tế Trương Thanh Đức, đây là bước đi đúng đắn và phù hợp mà lẽ ra phải được triển khai từ nhiều năm trước. Việc thoái vốn sẽ giúp các đơn vị sự nghiệp công ích thay đổi phương thức quản lý theo hướng hiệu quả hơn. Phó Giám đốc BV GTVT Lê Tuyên Hồng Dương cho biết, sau khi hoàn tất CPH, khoản tiền thu được qua đợt bán đấu giá lần đầu ra công chúng sẽ được đầu tư trở lại vào cơ sở hạ tầng cũng như cơ sở vật chất, máy móc thiết bị cho BV, là tiền đề quan trọng để nâng chất lượng phục vụ, chất lượng khám chữa bệnh. Kết quả cuối cùng, bệnh nhân sẽ là người được hưởng lợi. “Trước đây, nhiều người e ngại sau khi CPH BV, các bệnh nhân có bảo hiểm y tế sẽ phải chi trả thêm các khoản phí. Tuy nhiên, tôi khẳng định không hề có việc này. BV khang trang hơn, cơ sở vật chất tốt hơn, bệnh nhân có bảo hiểm y tế sẽ được sử dụng những dịch vụ tốt hơn mà không phải trả thêm tiền. Với bệnh nhân không có bảo hiểm y tế, sẽ có cơ hội lựa chọn thêm các gói dịch vụ do BV cung cấp tùy theo yêu cầu và khả năng của họ” – ông Dương khẳng định.

Lợi nhuận không phải là tất cả

Từ câu chuyện CPH BV GTVT, việc CPH các DN, đơn vị sự nghiệp công ích như giáo dục, y tế, môi trường… lại được đặt ra. Các chuyên gia đồng tình với quan điểm cần phải mở rộng CPH nhiều hơn nữa, bao gồm các đơn vị công lập. “Đối với các dịch vụ công như y tế, giáo dục, cấp thoát nước…, Nhà nước nên CPH càng nhiều càng tốt, để tư nhân tự vận hành sẽ nâng cao hiệu quả và chất lượng phục vụ” – ông Đức nhận xét.

Tuy nhiên, với các lĩnh vực đặc thù như y tế, giáo dục…, các chuyên gia đều cho rằng, nếu CPH, các DN sẽ không chỉ hoạt động hoàn toàn vì mục tiêu lợi nhuận mà còn vì trách nhiệm xã hội. Theo đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh), y tế, giáo dục là sự nghiệp của Nhà nước, sự chỉ đạo về chính sách, cách nhìn, phát triển là do Nhà nước hoạch định chứ không phải thị trường. Ngay cả nước Mỹ, khu vực tư nhân phát triển mạnh mẽ, đây không phải lĩnh vực mà Nhà nước bỏ vốn đầu tư, nhưng chính sách chi phối trách nhiệm ở lĩnh vực này là của Nhà nước chứ không phải thị trường.
Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, cần phải có các ưu đãi cho khu vực này sau CPH. Hiện, các DN xã hội đang được ưu đãi về thuế, đất đai, cơ chế…

Đinh Nguyễn

——-

Kinh tế & Đô thị (Kinh tế) 26-10-2015:

http://www.kinhtedothi.vn/kinh-te/tin-tuc/2015/10/8102fc31/co-phan-hoa-dich-vu-cong-tai-sao-khong/

(144/920)

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Trích dẫn 

3.712. Hàng loạt vụ mất tiền trên tài khoản,...

(KTĐT) - Dồn dập các vụ mất tiền trên tài khoản, rồi mất ở sổ...

Bình luận 

ANVI Luận cứ: Không thể áp dụng nguyên tắc bất...

Luận cứ bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong Vụ án Trương Mỹ Lan...

Phỏng vấn 

4.268. Luật sư kiến nghị đánh giá lại tội danh...

(QHTV) - Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”, gồm 334...

Số lượt truy cập: 201,639